Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

GIẤY VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG TRONG LÝ HỌC

 Thưa quý vị và các bạn,

Hôm trước con/em đăng lên hình một cuộn giấy vệ sinh và nói "kéo ra, có khi đủ cho cả một cái luận văn". Đây không phải một câu nói đùa. Giấy là một trong những phát minh rất quan trọng, góp phần thúc đẩy nền văn minh nhân loại tới ngày nay.
Lịch sử dân tộc phát minh ra giấy đầu tiên được người ta cho là thuộc về người Hán. Nhưng thứ "được người ta cho là" chỉ phản ánh cái "phần đông người ta tin là", thay vì cái "thực tế là". Một số nghiên cứu thư tịch cổ chỉ ra, người Việt phát minh ra giấy từ rất sớm. Có thể từ thời Tần khi người ta còn viết bằng thẻ tre thì người Việt đã làm ra giấy rồi. Sách Nam Phương Thảo Mộc Trạng (soạn năm 304) có chép vào năm 284 - thời Tấn người Việt đã tặng cho nước bạn 30 ngàn tờ giấy hương để viết sách. Vâng, 3 vạn tờ giấy! Như vậy, theo ghi chép này, người Việt không chỉ phát minh ra giấy, mà còn có thể sản xuất đại trà được giấy từ rất sớm.
Thưa quý vị và các bạn, người Việt làm ra giấy để làm gì? Việc phát minh ra giấy, lại còn là loại giấy thơm có chất lượng hảo hạng, để đem đi tặng người viết sách, thì chắc hẳn không phải họ làm ra để gói xôi, hay chùi cái hõm được. Vậy nên, việc kết luận dân tộc Việt là dân tộc "man di mọi rợ không có chữ viết" là kết luận rất xằng bậy, một cách vội vã và chủ quan đến ngờ nghệch.
Không chỉ để viết, vẽ thông thường, mà giấy được người Việt làm ra có lẽ còn để phục vụ cho các hoạt động tín ngưỡng linh thiêng như: tế lễ, làm pháp....
Trong lịch sử hàng ngàn năm, nhiều loại giấy được làm ra, có thể kể đến như: giấy Mật hương, giấy chỉ lý, giấy Điệp, giấy hoàng ... Nếu phân tích vi mô hơn, ở tầng thành phần hợp chất của các loại giấy này, và quán xét trên cơ sở lý luận của Lý học Đông Phương, có thể chúng ta giải mã được, gạn ra được những giá trị, và hiểu được bản chất của một số phương thức dân gian thường bị gán là mê tín. Chúng ta cùng thử xem:
(1) Với giấy mật hương, và giấy chỉ lý:
Giấy mật hương được làm từ gỗ trầm hương. Còn giấy chỉ lý làm từ cây chỉ lý, là một loại cây mọc trong đầm hồ lưu vực sông Dương Tử, có dược tính "... vị ngọt, rất mát, không độc. Trị cảm hàn ở tâm và phúc, làm tăng nhiệt trung bình và tiêu hoá ngũ cốc. Làm tằng khí của dạ dày và ngăn tiêu chảy."
Như vậy chúng ta thấy rằng về thành phần vật liệu của các loại giấy này đều có tính lý rất tốt về Lý học, chúng đều là các dược liệu, mà một vị thầy Đông y có thể vị thuốc.
Bây giờ, chúng ta khó lòng biết được người Việt cổ đã dùng các loại giấy này cụ thể vào việc gì trong đời sống. Nhưng giả như, trước một phương thuật cổ xưa nào đó của người Việt, ví dụ ta hình dung về phương thuật chữa bệnh bằng bùa chú chẳng hạn: người ta viết phù hiệu gì đó lên miếng giấy, rồi làm mấy động tác múa may bí hiểm, sau đó đốt miếng giấy rồi thả vào một cốc nước và đưa cho người bệnh uống, chúng ta đừng vội kết luận đó là mê tín. Nếu quán chiếu vào thành phần của giấy (có thể cả từ mực viết bùa) và bỏ qua mấy động tác làm chúng ta gai người của ông thầy, với một tâm thế cởi mở, ta thấy rằng có thể việc đốt bùa và cho người bệnh uống tro bùa hòa vào nước bản chất là đang cho người bệnh uống thuốc. Hình thức chỉ đơn giản là vậy thôi! Nhưng tại sao ông thầy phải làm màu mè như vậy? điều này nếu chúng ta suy ngẫm thêm về bối cảnh, con người và thời cuộc thời đó, biết đâu chúng ta có thể đồng cảm và chia sẻ được với ông thầy nọ.
Con/em không thuyết phục quý vị tin vào mấy phương thuật này kia, hay cổ súy mọi người làm theo, mà xem nhẹ y học hiện đại. Con/em chỉ muốn đưa ra thêm một góc nhìn cho quý vị về mấy thứ hay bị gọi là "mê tín". Phù thủy, nhà giả kim cổ đại về bản chất cũng không khác là mấy so với các nhà hóa học, hay khoa học vật liệu hiện đại. Chắc chắn nằm dưới các ứng dụng của họ, đều phải là cơ sở lý luận chặt chẽ và tinh vi, chỉ là cơ sở đó xưa-nay khác nhau mà thôi.
Tiện đây, xin kể cho quý vị nghe câu chuyện về cái "nồi nước đái". Chắc nhiều quý vị vẫn biết, ngày xưa các cụ có cái nồi/vại bằng đất nung khá lớn để ở góc vườn, dùng để chứa nước tiểu. Hồi con/em còn nhỏ, cứ sáng ra là y lệnh của bà nội phải tè vào cái nồi đó. Con/em lúc đầu chỉ nghĩ là bà muốn giữ nước tiểu để tưới cây. Cho đến một lần, thấy nội mang cái nồi đất ra cạo lấy cái cặn đóng ở đáy nồi, con/em ngạc nhiên hỏi thì mới biết nội lấy cái đó để đem cho ông thầy lang trong xóm làm thuốc cam cho con nít. Thuốc dân gian đôi khi như thế đấy quý vị. Ba mươi năm sau, con em nói chuyện với một nhà khoa học vật liệu, hiện đang giữ chức vụ khá cao ở trường ĐH. USTH, con/em không tiện nêu tên. Được biết anh ta và nhóm nghiên cứu của mình tìm ra một loại vật liệu gốm mới, đem lại ứng dụng rất lớn trong ngành bán dẫn và vật liệu vũ trụ. Điều thú vị là, ý tưởng tìm ra loại vật liệu đó chính là từ cái "nồi nước đái". Như anh ta nói thì vật liệu gốm đó được làm không khác gì mấy với cái miếng đất nung bám cặn nước tiểu của các cụ. (Đây là chuyện nghe kể, quý vị quan tâm sâu thì xin tự kiểm chứng).
Có vẻ con/em đã tám chuyện hơi bon rồi, mời quý vị quay trở lại vấn đề về giấy.
(2) Giấy Điệp
Nền là giấy được làm từ bột cây gió, được phủ hồ điệp. Chúng ta biết rằng đây là loại giấy đặc trưng để làm tranh dân gian Đông Hồ. Đây là dòng tranh tết, thường được sử dụng để treo cầu tài, trấn trạch cho gia chủ. Các đồ án tranh như bức tam dương khai thái (hai con gà trống), bức chăn trâu thổi sáo thả diều, bức đàn lợn, bức vinh hoa phú quý ... đều đã được thầy Thiên Sứ giải mã, cho thấy tính Minh triết Việt và khả năng ứng dụng trong trấn yểm rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bí mật về khả năng của "vật phẩm phong thủy" tranh dân gian Đông Hồ không chỉ nằm ở đồ án hội họa, hay nội hàm của tranh.
Hồ Điệp, như chúng ta biết được làm từ bột xà cừ tách từ vỏ sò điệp trộn với bột nếp. Chúng ta biết rằng, trong lý học bột nếp được xếp vào nguyên liệu có năng lượng dương, có tính kết dính cao. Khi khô đi, bột nếp trở nên háo nước, và thu hút thủy khí - hơi ẩm trong không khí đến. Bên cạnh đó, vỏ sò thuộc hành kim đới thủy, ở xã hội cổ đại được dùng làm tiền để giao dịch hàng hóa. Kim đới thủy cũng chính là thuộc hành của quẻ Càn - chủ cái đầu- trí tuệ. Trong lý học, chúng ta đều nằm lòng khẩu quyết "Thủy trí quản tài." Trong bảy món đồ quý mà chúng ta gọi là thất bảo, thường được dùng làm cốt bát hương, bao gồm: vàng, bạc, mã não, hổ phách, ngọc trai, san hô đỏ, và xà cừ, thì cũng có tới ba món là ngọc trai, san hô, xà cừ thuộc kim đới thủy.
Như vậy xà cừ không chỉ được đưa vào thành phần làm giấy để tạo ra hiệu ứng óng ánh phục vụ múc đích mỹ thuật đơn thuần, mà rõ ràng nó được đưa vào trên cơ sở lý học, nhằm tạo ra hiệu quả trấn yểm tối đa cho bức tranh.
Thậm chí ngay cả hiệu ứng óng ánh cũng có thể là sản phẩm tư duy có chủ đích lý học. Những hạt bột xà cừ óng ánh giống như ma trận những tấm gương siêu nhỏ, để "làm mềm" các bức xạ cường độ mạnh chiếu tới, khiến chúng trở lên hài hòa và tỏa đều "ánh sáng ngũ sắc" ra xung quanh. Trong khi đó, nó lại không tạo ra hiệu ứng phản xạ mạnh mẽ như một tấm gương lớn, hay như hiệu ứng gương vỡ khiến bức xạ trở nên không đồng nhất hóa thành sát khí. Ý tưởng sử dụng bột xà cừ nhìn dưới góc độ này, quả thực rất vi tế, và tinh tế.
Với lăng kính hiện đại hơn một chút, ta biết rằng bột xà cừ có thành phần chủ yếu là calxi-cacbonat và conchiolin, hay gọi là bột vôi. Cùng với hơi nước được giấy điệp hấp thụ, bột xà cừ là có khả năng hấp thụ CO2, vì vậy nó có thể làm sạch không khí. Còn nhiều khía cạnh nữa, có lẽ con/em sẽ đề cập thêm vào một chia sẻ khác.
Như vậy, qua các phân tích trên, có thể kết luận rằng bí mật về khả năng trấn yểm của tranh dân gian Đông Hồ, ngoài đến từ tính minh triết của đồ án mỹ thuật, còn nằm ở chất liệu, thành phần hợp chất của giấy Điệp.
Với bài viết này, hi vọng rằng dòng tranh dân gian giá trị này của Việt Nam được quan tâm giữ gìn, và sử dụng nhiều hơn nữa. Con/em cũng xin lưu ý, nếu tranh in trên giấy điệp, thì không nên lồng kính, treo tranh trần và nên thay hằng năm để có được hiệu quả trấn yểm tốt nhất.
(3) Giấy Bùa
Một loại giấy mang nhiều bí ẩn, nhuốm màu huyền bí nữa đó chính là giấy vẽ bùa - còn gọi là giấy hoàng (một số người còn gọi là giấy hoàng chỉ, nhưng con/em thấy cách gọi này hơi có chút vấn đề, vì từ chỉ ở đây 紙 có nghĩa là giấy, nên chúng ta gọi là hoàng chỉ, hay giấy hoàng, chứ gọi giấy hoàng chỉ là nhập nhằng.)
Một lần nữa, nếu hướng đến thành phần của chất liệu giấy và mực viết bùa, có thể bí mật của các phương thuật liên quan tới bùa chú trong phong thủy Đạo giáo sẽ được vén màn. Các phương thuật Đạo giáo hẳn là phải có phần nào tác dụng mới có thể tồn tại được trong dân gian trong thời gian dài như vậy. Con/em tự hỏi rốt cuộc tác dụng đó có phải nằm ở hình họa phù trên tấm bùa?
Quý vị và ace thấy các phù hiệu trên lá bùa rất phức tạp, hình thù rối mù, các chữ nho cổ. Vậy nếu viết bằng chữ Anh ngữ, hay Nga ngữ hay chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay thì có được không? ý là có còn tác dụng không? Nếu không, đó không thể là "chân lý", tức bên dưới nó không có một nền tảng lý luận đáng tin nào cả. Bởi vì nếu có, nó phải được viết ra không phụ thuộc vào ngôn ngữ, hay tiếng nói của bất cứ dân tộc nào. Trên cơ sở đó, con/em nhận định rằng, phương thuật bùa chú nếu có hiệu quả thì chủ yếu nó phải đến từ mực-giấy bùa, chứ bản chất không nằm ở ngôn ngữ của phù hiệu.
Thành phần chính của giấy bùa là phèn chua có công thức hóa học là KAl(SO₄)₂, tên khoa học là aluminium potassium sulfate. Tên cổ đầy đủ của phèn chua là Minh Phàn/Phèn. Đây là một hoá chất được phát hiện từ xa xưa, và được các Đạo sĩ dùng làm bùa khử âm khí, bởi đặc tính hút ẩm và sát khuẩn của nó. Phèn chua được đổ lên đĩa, hoặc cho vào một cái ấm rồi đặt vào nơi muốn khử âm khí.
Chúng ta thường thấy giấy bùa có màu vàng, đó là vì thành phần của giấy này bao gồm: 30% phèn chua, 30% hoàng bá (phellodendron amurense) và 40% băng phiến. Mực viết bùa cũng có phèn chua, hùng hoàng, chu sa. Tính chất của các hợp chất này, ace quan tâm tìm hiểu và quán xét trên lý luận của lý học đông phương, sẽ thu được nhiều ý tưởng ứng dụng khác nhau.
Ví dụ như phèn chua, hôm trước con/em có đề cập, đặt dưới gầm giường để có giấc ngủ ngon hơn. Bởi vì khi ngủ, thân người hạ thấp xuống giường, trong quá trình ngủ các thán khí tạo ra chìm xuống sàn nhà làm giảm mật độ oxy ở tầng thấp, khiến cho chúng ta ngủ mụ mị, trầm người và mệt mỏi khi thức dậy. Phèn chua hấp thu khí CO2 và hơi nước dưới gầm giường sẽ giúp xử lý vấn đề, qua đó chúng ta ngủ ngon, khỏe hơn. Quý vị và ace lưu ý, phèn chua khuyêch tán vào không khí thì không gây độc, nhưng đưa lượng lớn vào bên trong cơ thể sẽ ảnh hưởng về lâu dài, về già sớm gây ra bệnh mất trí nhớ, vì vậy cần tránh xa tầm tay trẻ em. Tốt nhất là xử lý thông khí cho phòng ngủ thật tốt, thay vì sử dụng các chiêu thức mang tính xử lý tình huống.
Kết luận:
Thưa quý vị và các ace, như vậy là chúng ta đã đi qua một số loại giấy "bí ẩn" của người Việt. Bài viết này cung cấp các ý tưởng để giải mả, và đã lý giải được phần nào một số phương thuật được cho là mê tín dị đoan. Dù còn sơ sài, nhưng thông qua bài viết này, con/em giới thiệu một phương thức tiếp cận mới để tìm hiểu sâu hơn các "pháp thuật Đạo giáo" và mở đường cho các ứng dụng khác nhau.
Xin chia sẻ tới quý vị hữu duyên, và các ace đồng môn quý mến.
Cảm ơn mọi người đã quan tâm theo dõi, và đọc hết bài viết lê thê này.
P/s: Con/em viết vội, không có thời gian chau chuốt, đọc thấy sạn mong mọi người thông cảm.

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG

 Ngủ khách sạn Continental, khách sạn Majestic, ăn thịt bò beefsteak, uống rượu chát vùng Bordeaux, thưởng thức xì gà La Habana, săn bò rừng, lấy da cọp, hút thuốc phiện và chơi gái thì, với thủy thủ tàu viễn dương và đám thực dân đến từ Viễn Tây, Sài Gòn được ngợi ca là hòn ngọc Viễn Đông đâu có gì lạ.

_________
Gần đây, một vài ý kiến, vẫn còn mơ cho TP. Hồ Chí Minh tương lai sẽ là một hòn ngọc Viễn Đông mới. Tôi hơi bị bất ngờ, tò mò, lục mớ sách cũ, lại gặp nhiều điều thú vị, xin kể ra đây.
Sài Gòn đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đổi tên thành TP. Hồ Chí Minh từ ngày 2/7/1976, cách đây đã hơn 30 năm, còn hòn ngọc Viễn Đông, phụ danh của Sài Gòn cũ đã mất dạng từ 1939, khi nước Pháp sa vào Thế chiến thứ II và không còn thì giờ nhắc đến nữa.
Vì vậy thử tìm xem cái “hòn ngọc Viễn Đông”, một thời từng là phụ danh của Sài Gòn cũ, thực chất là gì.
Nguyên địa danh Sài Gòn, theo cụ Vương Hồng Sển thì đã là một mớ bòng bong (Tuyển tập Vương Hồng Sển – Sài Gòn năm xưa – NXB Văn học – 2001 – Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu). Xuất xứ của địa danh Sài Gòn cho đến nay vẫn là một bí ẩn chưa được giải mã một cách rành mạch. Ngay bây giờ, viết: Sài gòn, Sàigòn, Sài Gòn, hay SàiGòn, cách nào cho đúng thì các nhà ngôn ngữ cũng chưa có lời chỉ bảo. Nhưng dù sao cũng khẳng định được Sài Gòn là một địa danh gốc Việt, quá trình hình thành, lịch sử thành văn ghi chép khá rõ:
🔸️ 1698: Chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam… cho lập Phủ Gia Định và hai huyện Phước Long và Tân Bình. Vùng Nam bộ được sáp nhập vào cương vực Việt Nam.
🔸️ 1790: Nguyễn Ánh cho xây thành Bát Quái (thành Quy), làm trụ sở cho chính quyền mới. Gia Định thành đổi thành Gia Định kinh.
🔸️ 1835: Vua Minh Mạng cho phá thành Quy, xây thành Phụng.
🔸️ 1859: Ngay sau khi chiếm được thành Gia Định, người Pháp gấp rút quy hoạch Sài Gòn thành một đô thị lớn phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa… Rất nhanh chóng, các công trình quan trọng của thành phố như Dinh Thống đốc, Phủ Toàn quyền… được thực hiện. Sau hai năm xây dựng, bộ mặt Sài Gòn hoàn toàn thay đổi.
🔸️ 1861: Địa phận Sài Gòn được giới hạn một bên là rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé với một bên là sông Sài Gòn cùng con đường nối liền chùa Cây Mai, với những phòng tuyến cũ của đồn Kỳ Hòa.
🔸️ 1862: Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông: Gia Định, Định Tường, Biên Hòa.
🔸️ 1867: Chiếm nốt ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Cướp xong ba tỉnh miền Tây, thực dân Pháp đơn phương tuyên bố sáu tỉnh Nam kỳ là lãnh địa của Pháp, cho Nam kỳ hưởng quy chế thuộc địa với chính quyền thực dân đứng đầu là một thống đốc người Pháp.
🔸️ 1874: Ngày 15/3, Tổng thống Pháp, Jules Grévy ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn.
Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng không chỉ hành chính mà còn kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả Liên bang Đông Dương, được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” hay “Paris phương Đông”. (Theo Wikipédia)
Như vậy là thực dân Pháp, ngay sau khi ngang ngược dùng vũ lực chiếm đất Sài Gòn (trước Hòa ước Giáp Thân 25 năm) đã vội vã xây dựng ngay ở đây một thành phố thuộc địa, làm bàn đạp tiếp tục xâm lược nước ta.
Cũng theo cụ Vương, sở dĩ người Pháp chọn tên Sài Gòn cho dễ đọc vì Bến Nghé, người Pháp phát âm thành Pingeh, đọc khó hơn. Từ khi xuất hiện mấy ông mũi lõ mắt xanh, mọi việc cứ lộn tùng phèo lên hết cả.
Sài Gòn là một thành phố Pháp mang tên Việt, thực chất là một bàn đạp để thực dân Pháp đứng chân, tiếp tục tiến hành âm mưu cướp nước. Mười năm sau, âm mưu của Pháp hoàn thành, nhà Nguyễn buộc phải ký với quân xâm lược Hòa ước Giáp Thân (1884, còn gọi là Hòa ước Patenôtre), chính thức đầu hàng, cam tâm chấp nhận thân phận một xứ sở thuộc địa, một dân tộc nô lệ.
Cái thời được coi là “hòn ngọc” ấy, Sài Gòn rất nhỏ. (Năm 1885, kiểm tra dân số Pháp kiều tại Sài Gòn, đếm được vẻn vẹn năm trăm bảy mươi bảy trự (577) trong số đó tám mươi thuộc phái đẹp (Tuyển tập VHS – SGNX – trang 64). Địa giới như đã trình bày, từ rạch Thị Nghè đến sông Sài Gòn, một chốn ăn chơi khét tiếng.
Những dòng sau đây cũng trích từ “Sài Gòn năm xưa” của cụ Vương:
“Đầu thế kỷ XX, ra khỏi Sài Gòn hai mươi cây số ngàn (20km) đã là xa xôi lắm. Tha hồ săn bắn; heo rừng, nai, cà tong… Xa vô chút nữa thì trâu rừng, con min, cọp, voi không thiếu gì. Hoàng tử Henri D’Orléans, dòng dõi vua Henri IV, Thái tử xứ Đan Mạch Waldemar và công tước Duc de Montpensier đua nhau thường năm dứt mùa mưa, lối tháng mười ta là có mặt tại Sài Gòn, lấy sự săn bắn thú dữ làm món tiêu khiển phong lưu. Công tước Duc de Montpensier xài tiền như nước, mua nhà hàng Continental tặng cô nhân tình là Bá tước Comtesse de B…”.
“…Hãng tàu chạy sông “Messageries Fluviales” sáng lập năm 1883-1884. Sau đổi là “Compagnie Saigonnaise de navigation”, đầu tiên do Jules Rueff làm chủ sáng tạo. Rueff quen thân với vua Hoàng Lân (Norodom). Rueff bán đồng hồ reo, đồng hồ chuông, đồng hồ bỏ túi cho Norodom mà dư sức làm giàu. Rueff mướn bọn thuyền chủ (trong Nam gọi là Cò Tàu), tuy người quốc tịch Lang Sa nhưng trả lương chỉ có bốn chục đồng bạc mỗi tháng, tính mỗi tuần mười đồng. Thế mà bọn này làm giàu ngang xương, đủ tiền nuôi em út, còn nuôi thêm ngựa đua, vì tàu chạy đường Sài Gòn qua Bangkok, chuyến đi thì chở lậu súng lục, chuyến về chở lậu thuốc phiện, không giàu sao được… (VHS – sđd – trang 170, 171).
Sau chuyến hải hành kéo dài cả tháng, từ hải cảng Marseille, qua Địa Trung Hải, xuyên kênh đào Suez, vượt Ấn Độ Dương sóng to gió lớn, lách qua eo biển Malacca vào vịnh Ghềnh Rái, không khó để suy ra tâm trạng mệt nhọc, buồn chán của khách lữ hành, cả tháng ròng chỉ thấy trời và nước. Cung cuối chặng đường, khi trạng thái rã rời đã lên đến đỉnh điểm, chuyến hải trình theo sông Lòng Tàu, xuyên qua rừng đước Cần Giờ, một thứ rừng ngập mặn nhiệt đới mà nhiều người châu Âu chưa gặp bao giờ, cảm giác xa lạ tưởng như càng đi càng xa thế giới văn minh phương Tây quen thuộc. Trong tâm trạng cùng cực của cô đơn ấy, bỗng một chiều bừng sáng một thành phố phương Tây khi tàu cập cảng Sài Gòn.
Ngủ khách sạn Continental, khách sạn Majestic, ăn thịt bò beefsteak, uống rượu chát vùng Bordeaux, thưởng thức xì gà La Habana, săn bò rừng, lấy da cọp, hút thuốc phiện và chơi gái thì, với thủy thủ tàu viễn dương và đám thực dân đến từ Viễn Tây, Sài Gòn được ngợi ca là hòn ngọc Viễn Đông đâu có gì lạ.
Nó hoàn toàn không là “hòn ngọc” với thợ thuyền xưởng đóng tàu Ba Son, cu li bốc vác cảng Sài Gòn, phu xe kéo và đông đảo người dân bản xứ mang trên mình bản án kiếp nô lệ, kẻ mất nước.
Để phục vụ cho hòn ngọc ấy, cả một xã hội Sài Gòn thuộc địa mà nhiều địa danh còn được giữ đến tận bây giờ: Xóm Củi, Xóm Than, Xóm Dầu, Xóm Bàu Sen (gần đồn Cây Mai), Xóm Giá (làm giá đậu xanh gần cầu Cây Gõ), xóm Lò Bún (gần giếng Hộ Tùng), Xóm Ụ Ghe, Xóm Rẫy Cái, Xóm Cây Cui… (VHS – SGNX – trang 84, 85).
Để hòn ngọc Viễn Đông hoạt động bình thường, đám tay sai bản xứ: Tôn Thọ Tường, Cai tổng Du, Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, tri phủ Trần Bá Lộc, tri huyện Đỗ Hữu Phương, thông ngôn Joanès Liễu, Paul Lương và Loan… bán nước cầu vinh.
Cũng sách đã dẫn, cụ Vương đã chép về Tôn Thọ Tường:
“… xuất thân “đội” rồi thăng tri huyện, tri phủ, rồi lại về hưu “hàm Tổng đốc”… Ông người khô ráo, dong dảy, môi mỏng, cặp mắt có sát khí. Ông bắt được địch thủ, nhất quyết không cầm tù và chỉ chặt đầu y quân lịnh: chém người như chém chuối, chém không chừa con đỏ. Các ông già bà cả, nay nghe nhắc tên ông, đều thảy lắc đầu… Để đối phó với các địch binh không chịu ra quy thuận và thường ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc, có một cách tuyệt đối: Sai bắt cha mẹ vợ con của người ấy, đóng gông cầm tù. Một mặt bố cáo trong ngoài kỳ hạn bao nhiêu ngày, phải ra nạp mạng. Bằng không thì:
– Cha, mẹ, vợ bêu đầu làm lịnh.
– Trẻ con thì bỏ vào lòng cối giã gạo, sai lính dùng chày lớn quết như quết nem. (Sách đã dẫn – trang 144).
Trong bài viết của một kiến trúc sư tên tuổi khi nói về một dự án đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh có đoạn nói rằng: “Chủ tịch HĐQT Công ty Métropolitan xin chuyển địa điểm công trình từ 63 Nguyễn Du sang đường Đồng Khởi và giải thích: “Đồng khởi với chữ Catinat trong ngoặc”. Và bình: “Catinat – Sài Gòn là một thương hiệu quá có giá trị” mà không biết rằng Catinat là tên một Thống chế Pháp, Nicolas de Catinat, sinh năm 1637, mất năm 1712, phục vụ dưới thời vua Louis XIV. Giữa thế kỷ XIX, Pháp lấy tên Catinat đặt cho một chiếc tàu chiến tham gia trận đánh chiếm Sài Gòn năm 1859. (Theo Hà My – Đường Catinat và nếp sống Sài Gòn xưa)… Con đường phải mang tên kẻ xâm lược là một vết nhục lịch sử đối với dân tộc, với đất nước.
Theo Hà My, bài đã dẫn:
“… Vào thời kỳ này, đường Catinat là bộ mặt sinh hoạt của cả Sài Gòn, thành phố thuộc địa ở vùng Viễn Đông với sự hiện diện của khoảng 3.000 người Pháp, 3/4 trong số này là sĩ quan và viên chức. Lính Pháp ở trong các bungalow (nhà gỗ có hiên rộng) nằm khuất trong các vườn cây xanh. Để tiết kiệm chi phí và tìm sự đông vui hai, ba anh chung nhau tiền mướn một chỗ ở, có sự giúp việc của một anh bồi (boy) bản xứ, đi chợ, giặt giũ, nấu ăn…”.
Vậy thì hòn ngọc Viễn Đông với những dấu ấn thuộc địa chẳng có gì đáng tự hào sao lại là mơ ước của một Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh ngày hôm nay năng động, từng tạo nên những giá trị tiền đề cho công cuộc đổi mới đất nước?

Chi phí y tế ở Việt Nam quá rẻ.

 𝐓𝐮̛̀ 𝐯𝐮̣ 𝐜𝐚 𝐬𝐢̃ Đ𝐚̀𝐦 𝐕𝐢̃𝐧𝐡 𝐇𝐮̛𝐧𝐠 đ𝐢 𝐛𝐢𝐞̂̉𝐮 𝐝𝐢𝐞̂̃𝐧 𝐨̛̉ 𝐌𝐲̃ 𝐛𝐢̣ 𝐧𝐠𝐚̃ 𝐫𝐚́𝐜𝐡 𝐝𝐚 𝐛𝐚̀𝐧 𝐜𝐡𝐚̂𝐧, 𝐩𝐡𝐚̉𝐢 𝐯𝐚̀𝐨 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐧 𝐤𝐡𝐚̂𝐮 𝐯𝐞̂́𝐭 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐯𝐚̀ 𝐧𝐚̆̀𝐦 đ𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐭𝐫𝐢̣ 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐭𝐮𝐚̂̀𝐧, 𝐭𝐨̂̉𝐧𝐠 𝐜𝐡𝐢 𝐩𝐡𝐢́ đ𝐮̛𝐨̛̣𝐜 𝐜𝐡𝐨 𝐥𝐚̀ 𝐠𝐚̂̀𝐧 𝟐𝟎 𝐭𝐢̉ đ𝐨̂̀𝐧𝐠, 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐛𝐢𝐞̂́𝐭 𝐦𝐨̣𝐢 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐧𝐠𝐡𝐢̃ 𝐠𝐢̀ 𝐯𝐞̂̀ 𝐲 𝐭𝐞̂́ 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭 𝐍𝐚𝐦?

Một tháng trước Tết Nguyên Đán, ngày nào tôi cũng làm việc quá tải, công suất khám có ngày lên tới 150 lượt. Rất nhiều trong số đó là những Việt kiều từ Mỹ và châu Âu, họ về quê ăn Tết, tranh thủ đi khám bệnh và kiểm tra sức khoẻ.
Chi phí y tế ở Việt Nam quá rẻ.
Việt kiều chỉ mất đúng một buổi sáng, họ sẽ được làm xét nghiệm máu và nước tiểu, siêu âm từ đầu tới chân, chụp Xquang, CT và MRI đủ cả theo yêu cầu, kết quả chính xác, thời gian khám quá nhanh đến mức không tưởng.
Mỹ phải chờ đợi và chờ đợi.
Hình ảnh tôi đăng trong bài viết này, đó là bên trong một phòng cấp cứu ở Mỹ, phía ngoài hành lang tràn ngập những người vô gia cư hoặc người nghiện ma tuý nằm không có rèm.
Nếu tìm trên google sẽ không thấy cảnh tương tự.
Vào google tìm kiếm, sẽ thấy tất cả bệnh viện ở Mỹ đều sạch sẽ ngăn nắp, buồng cấp cứu vắng vẻ chỉ có một nhóm nhân viên y tế đang tận tuỵ và nghiêm túc chăm sóc cho bệnh nhân.
Google là cỗ máy tuyên truyền tuyệt vời.
Ở Mỹ nếu bạn ngã chảy máu đầu hay bị gãy xương, nếu tự vào khoa cấp cứu bạn phải nằm đó chờ 8 tiếng, sau 8 tiếng bạn mới được gặp bác sĩ để phân loại và khám sơ bộ.
Nhiều người sẽ hỏi, tại sao lại là chu kì 8 tiếng mới được bác sĩ đến xem xét vết gãy, thì bức ảnh tôi đăng trong bài viết là một phần lí do.
① Phòng cấp cứu có rất nhiều bệnh nhân: Lưu ý là, để có bác sĩ đến ngó vết thương sau 8 giờ, thì bạn cứ phải nằm xuống. Vậy ngồi có được không? Câu trả lời là ở xứ dân chủ nhất thế giới, nơi đó cực kì nhân văn, bạn có quyền được ngồi trong phòng cấp cứu, thậm chí bạn đứng cũng được. Nhưng nếu bạn ngồi, thì phải chấp nhận tốc độ quay vòng bác sĩ rất thấp, có khi 10 tiếng hoặc 12 tiếng mới được gặp bác sĩ, nên bạn cứ nằm xuống 8 tiếng chờ đợi dù có buồn chán khó chịu đến mấy.
② Những người nằm xuống là ai: Là ít nhất 20% người vô gia cư, nghiện ma tuý, leng keng hay rối loạn tâm thần. Ngay từ năm 1986, luật liên bang Hoa Kỳ đã quy định rằng các phòng cấp cứu không được từ chối bất cứ ai, kể cả những người nhập cư bất hợp pháp, khách du lịch không thể thanh toán hoá đơn y tế, cho đến những thành phần cặn bã trong xã hội. Điều này rất nhân văn! Nhưng theo thời gian, thì phòng cấp cứu như cái chợ, rất đông, bất cứ ai có vấn đề sức khoẻ họ có quyền đến và chỉ cần nằm xuống là sẽ được chấp nhận.
③ Tại sao phải đợi 8 tiếng trong khi bệnh nhân khác được khám trước: Là vì ở Mỹ có quy định, bệnh nhân đến phòng cấp cứu bằng xe cứu thương dù triệu chứng rất nhẹ cũng sẽ được ưu tiên khám trước, nếu tự đến bệnh viện thì bạn có nằm bẹp dí cũng phải đợi bác sĩ sau 8 tiếng.
Ở Mỹ, xe cứu thương là dịch vụ tư nhân, hái ra tiền. Bốn hôm trước, một anh người gốc Việt định cư bên California, anh đi đường không may bị ngã. Xe cứu thương ập đến đưa anh vào khoa cấp cứu. Sau 3 tiếng chụp chiếu và xét nghiệm không tổn thương gì bác sĩ cho về. Hoá đơn thanh toán 3600 đô la, bảo hiểm chi trả 1600, anh phải nộp viện phí 2000. Chị vợ xót tiền, chửi vung xích chó trên Facebook, chị chửi cha mẹ đứa nào quá rảnh rỗi, tự ý gọi xe cấp cứu đưa chồng chị tới bệnh viện.
Để dễ hình dung tôi xin tính sơ sơ thế này!
Những trường hợp tai nạn như anh chồng Cali hoặc Mr Đàm, hay đại loại thế, hoá đơn xe cứu thương 1500 đô la, chụp CT thường quy sọ vì chảy máu đầu 3500 đô la, tiền nằm viện chờ bó bột hai ngày 10.000 đô la, tổng cộng chi phí rẻ nhất 15.000 đô la.
Nhưng ở Mỹ chi phí thực tế vượt xa con số ấy.
Khi vào viện, bệnh nhân sẽ phải thăm khám đủ các kiểu với mức giá phổ biến là, gặp bác sĩ thông thường để xem vết thương rồi phân loại khoảng 30 đô la, gặp bác sĩ mỗi chuyên khoa 60 đô la, chụp Xquang mức rẻ nhất 30 đô la, siêu âm mức rẻ nhất tới đắt nhất 35 - 1700 đô la, chụp CT mức rẻ nhất 3500 đô la. Các xét nghiệm như công thức máu, máu chảy máu đông, nhóm máu, chức năng gan, chức năng thận, mỡ máu, đường huyết... mỗi hạng mục như thế từ 30 - 90 đô la. Nếu cần làm thêm xét nghiệm đặc biệt, thì tuỳ loại, khoảng 1000 đến 3000 đô la mỗi hạng mục.
Trong lúc chờ đợi, bác sĩ cho uống tí thuốc lằng nhằng, có thể chỉ là thuốc bổ vô thưởng vô phạt, thuốc giảm đau, thuốc chống phù nề đại loại thế, dao động từ 2 - 50 đô la mỗi lần.
Mr Đàm tuổi ta là 53, đúng tuổi hạn, cái tuổi này có sự chuyển giao rối loạn lục phủ ngũ tạng ở mức độ nhất định, cùng với thể tạng của anh, tôi đoán Mr Đàm rất khó tránh choleterol tăng, triglycerid tăng, glucose máu tăng, GOT và GPT tăng, công thức máu cũng lại có tí bạch cầu tăng, nước tiểu lại có tí protein nữa. Thế là bác sĩ Mỹ sẽ cho xét nghiệm chuyên sâu. Chưa kể vết thương dù là phần mềm, nhưng lại liên quan tí khớp như cổ chân chẳng hạn, tí mạch máu, tí thần kinh, thế là phải siêu âm Doppler màu, phải siêu âm khớp, phải làm điện thần kinh cơ, phải chụp CT và MRI đặc biệt.
Con số 20 tỉ chi phí là hoàn toàn có thể.
Đọc trên truyền thông, sẽ thấy không ít những trường hợp người Đông Á hoặc Đông Nam Á ở Mỹ, họ chỉ rách da bong gân như Mr Đàm, nhưng chi phí y tế lên tới hàng triệu đô la, có bảo hiểm thì vẫn phải chi phí phần trăm tiền túi vài tỉ quy ra VNĐ là bình thường.
Nếu vào bệnh viện VN sẽ khác, không cần chờ đợi 8 tiếng, nếu bác sĩ chậm 15p không đến khám là sẽ bị người nhà cùng bệnh nhân lùa cho cởi áo blouse chạy khắp viện như bầy vịt. Thật ra, bác sĩ khám là biết có tổn thương xương khớp và mạch máu thần kinh hay không, nên cùng lắm cho bệnh nhân chụp Xquang để không bị đánh, chụp xong chuyển sang phòng tiểu phẫu tiêm thuốc tê và khâu 15 phút xong. Sau đó tiêm mũi uốn ván. Kê cho cái đơn thuốc uống, gồm kháng sinh, tí giảm đau và chống phù nề, dặn vài câu rồi cho về. Tổng chi phí chắc khoảng 500-700k gì đấy, nếu khâu thẩm mĩ thì khoảng ba củ rưỡi là ô kê, đắt là cái tiền chỉ khâu thôi, nhưng đàn ông và tuổi Mr Đàm cần gì khâu chỉ thẩm mĩ.
Việc xét nghiệm siêu âm chụp chiếu là không cần thiết, vì nó chẳng thay đổi phác đồ điều trị, hơn nữa đó là bệnh nền, chắc chắn người bệnh đã biết qua các lần khám sức khoẻ. Chưa kể, những xét nghiệm chụp chiếu ấy ở VN rất là rẻ, tôi kê cho hết đủ các hạng mục xét nghiệm, giá dịch vụ ở mức trung bình tại một trung tâm xét nghiệm tư nhân ở VN là 610k, giá bảo hiểm còn thấp hơn nữa.
💉 𝐂𝐡𝐢 𝐩𝐡𝐢́ 𝐜𝐡𝐚̆𝐦 𝐬𝐨́𝐜 𝐲 𝐭𝐞̂́ 𝐨̛̉ 𝐌𝐲̃ 𝐜𝐡𝐢𝐞̂́𝐦 𝟐𝟎% 𝐆𝐃𝐏.
Nếu coi ngành y tế Mỹ là một nền kinh tế, thì nền kinh tế này đứng thứ 5 thế giới, sánh ngang với Đức. À quên, phải nói là sánh ngang với Nga, bởi sau 2 năm cuộc chiến Nga-Ukraine với gần 1800 lệnh cấm vận tuyệt đối, kinh tế Nga đã tăng trưởng ngoạn mục vượt qua Đức.
Thời trẻ, tôi xem tivi và thấy người Mỹ thường nói đến phá sản, đây cũng là vấn đề khiến tôi suy nghĩ trong nhiều năm. Sau này, khi có dịp đi nước ngoài, tôi phát hiện ra rằng điều ti vi nói không sai.
Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang 2009, Obama đã chỉ ra rằng, cứ 30 giây lại có một người Mỹ phá sản vì khám chữa bệnh, mỗi năm có hơn 1 triệu người phá sản do chi phí y tế quá cao.
Sẽ có nhiều người đọc bài viết này rồi phản đối tôi, họ sẽ nói đang sống ở Mỹ được 5 năm, hay bố mẹ anh chị em ruột bạn bè của họ đang có thẻ xanh ở Mỹ, nên họ sẽ hiểu rất rõ vấn đề.
Nếu hiểu thì bạn hãy phản biện lại Obama!
Tôi chỉ nói rằng, ông cha cụ kị ngàn đời nhà các bạn sống ở Việt Nam, bản thân các bạn cũng sinh ra lớn lên và sống ở Việt Nam trong nhiều năm, vậy bạn hiểu được bao nhiêu về hệ thống y tế, chăm sóc y tế và bảo hiểm y tế ở Việt Nam? Ngay cả người làm bác sĩ mà không quan tâm thì cũng chẳng hiểu gì. Theo nguyên tắc tương tự, bạn cũng suy ra với những người đang ở Mỹ, thậm chí là chính bạn sống ở Mỹ.
Xã hội Mỹ có hai căn bệnh ung thư lớn đang bùng phát, một là chăm sóc y tế, hai là phố Wall. Chăm sóc y tế ở Mỹ là một loại ung thư đang chuyển giai đoạn di căn, nó quá tốn kém, nhưng lại không hiệu quả. Người Mỹ sớm phát hiện ra rằng, ở Mỹ các công ti bảo hiểm cùng với hệ thống y tế đã phối hợp với nhau, để cướp bóc tiền của người dân. Quan điểm kinh tế y tế Mỹ theo quy luật kinh tế thị trường là sai. Thực tế, chi phí y tế ở Mỹ không chịu sự chi phối của thị trường, mà do mức độ thao túng chính trị của các tổ hợp bảo hiểm và y tế.
Khi Obama lên nắm quyền, khẩu hiệu của ông là “thay đổi”, phải thay đổi quyết liệt từ phố Wall cho đến chăm sóc y tế. Thực tế Obama có thay đổi. Chính sách Obama ban hành đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tạp chí Y tế Công cộng cung cấp dữ liệu cho thấy, có 66,5% vụ phá sản liên quan đến khám chữa bệnh quá đắt đỏ, nhờ chính sách của Obama nên mỗi năm ở Mỹ chỉ còn 533.000 hộ gia đình phá sản vì ốm đau bệnh tật phải đi viện. Nhưng khi Trump làm Tổng thống Mỹ, ông thay đổi ngược lại mọi thứ, ngoại trừ việc Obama đã từng làm Tổng thống Mỹ thì được Trump giữ nguyên.
Và tình trạng phá sản trở lại như cũ.
Nếu một người Mỹ không thanh toán hoá đơn y tế, ok thôi, bệnh viện sẽ bán hoá đơn cho công ti đòi nợ. Người bệnh sẽ bị quấy rối hàng ngày. Tình huống này, các bạn chỉ cần xem phim truyền hình Mỹ, sẽ thấy rất rõ.
Khi một người liên tục nhận được những lời đe doạ, họ sẽ không chịu đựng nổi, nhưng cũng không có tiền để trả. Vậy họ sẽ làm gì? Họ nộp đơn ra toà xin phá sản. Toà sẽ xử chấp nhận phá sản dưới hai loại, hoặc là theo chương 7, hoặc là theo chương 13 của Luật Phá sản Mỹ. Sau khi phá sản, toàn bộ tài sản đứng tên bệnh nhân sẽ bị thanh lí, loại trừ duy nhất con chó cưng được dẫn theo làm bầu bạn ra nhập đội hình vô gia cư trên đường phố.
💉 𝐘 𝐭𝐞̂́ 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭 𝐍𝐚𝐦, 𝐱𝐞́𝐭 𝐯𝐞̂̀ 𝐡𝐞̣̂ 𝐭𝐡𝐨̂́𝐧𝐠 𝐬𝐞̃ 𝐭𝐡𝐮𝐚 𝐱𝐚 𝐜𝐚́𝐜 𝐧𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝐩𝐡𝐚́𝐭 𝐭𝐫𝐢𝐞̂̉𝐧 𝐝𝐨 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 đ𝐮̛𝐨̛̣𝐜 đ𝐚̂̀𝐮 𝐭𝐮̛ 𝐡𝐚̣ 𝐭𝐚̂̀𝐧𝐠 𝐜𝐨̛ 𝐬𝐨̛̉ 𝐯𝐚̣̂𝐭 𝐜𝐡𝐚̂́𝐭 𝐯𝐚̀ 𝐭𝐡𝐢𝐞̂́𝐭 𝐛𝐢̣ 𝐦𝐚́𝐲 𝐦𝐨́𝐜, 𝐛𝐚̉𝐨 𝐡𝐢𝐞̂̉𝐦 𝐲 𝐭𝐞̂́ đ𝐚𝐧𝐠 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐛𝐚̂́𝐭 𝐜𝐚̣̂𝐩, 𝐤𝐢𝐧𝐡 𝐭𝐞̂́ 𝐲 𝐭𝐞̂́ 𝐜𝐡𝐮̛𝐚 𝐯𝐚̣̂𝐧 𝐡𝐚̀𝐧𝐡 đ𝐮́𝐧𝐠 𝐪𝐮𝐲 𝐥𝐮𝐚̣̂𝐭, 𝐪𝐮𝐚̉𝐧 𝐥𝐢́ 𝐲 𝐭𝐞̂́ 𝐜𝐨̀𝐧 𝐧𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐯𝐚̂́𝐧 đ𝐞̂̀, 𝐥𝐮𝐚̣̂𝐭 𝐩𝐡𝐚́𝐩 𝐜𝐨̀𝐧 𝐥𝐚̣𝐜 𝐡𝐚̣̂𝐮. 𝐌𝐨̣̂𝐭 𝐧𝐞̂̀𝐧 𝐲 𝐭𝐞̂́ “𝐠𝐚̣̆𝐩 𝐭𝐡𝐚̀𝐲 𝐠𝐚̣̆𝐩 𝐭𝐡𝐮𝐨̂́𝐜”, 𝐭𝐮̛́𝐜 𝐥𝐚̀ đ𝐞̂̉ 𝐯𝐮̛𝐨̛̣𝐭 𝐪𝐮𝐚 𝐤𝐡𝐨́ 𝐤𝐡𝐚̆𝐧, đ𝐨̀𝐢 𝐡𝐨̉𝐢 𝐭𝐢𝐧𝐡 𝐭𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐭𝐮̛̣ 𝐠𝐢𝐚́𝐜 𝐯𝐚̀ 𝐲́ 𝐭𝐡𝐮̛́𝐜 𝐭𝐫𝐚́𝐜𝐡 𝐧𝐡𝐢𝐞̣̂𝐦 𝐜𝐮̉𝐚 𝐭𝐮̛̀𝐧𝐠 𝐧𝐡𝐚̂𝐧 𝐯𝐢𝐞̂𝐧.
Tôi lấy ví dụ về mổ xẻ, Miền Bắc trước 1975 thì là bệnh viện tôi công tác, sau 1975 thì Việt Đức, Miền Nam có Chợ Rẫy, đó là những cơ sở đẳng cấp mổ ở mức không tưởng.
Có chị y tá người Việt sang Angola làm chuyên gia, lúc chị đi du lịch, thì nguyên thủ quốc gia Angola bị viêm ruột thừa phải mổ cấp cứu. Hôm ấy bị mất điện. Y tá ở bệnh viện trung ương Angola không sao lấy được ven truyền. Chính quyền phải đưa trực thăng đến khu du lịch đón chị y tá người Việt về thủ đô. Mọi người bật đèn pin để chị lấy ven, nhưng chị nói không cần, VN lấy ven không cần đèn. Trong đêm tối đen như mực, chị y tá đập đập 3 cái vào khuỷu tay, lăn lăn 3 cái, rồi sát trùng, rồi cắm kim xong luôn.
Năm 1972 Mỹ mang B52 ném bom rải thảm Hà Nội.
Viện tôi khi đó có 1 căn hầm bí mật dưới chân tượng Thánh, có nhiệm vụ mổ những ca đa chấn thương, tức là đại phẫu thuật. Bác sĩ mổ 24/24 tiếng, không có điện, mổ dưới ánh sáng của đèn bão. Điều kiện thuốc mê thiếu thốn, chủ yếu thuốc tê, y tá còn phải hát để bệnh nhân giảm đau. Quần áo mổ bác sĩ bê bết máu. Kháng sinh cũng thiếu. Thuốc kháng sinh khi ấy, là tự chế bằng phương pháp của Gs Đặng Văn Ngữ, tức là dùng nước luộc ngô non đổ vào những cái xô bằng tôn, rồi cấy men nấm peniclline vào, cho bệnh nhân uống hay dội lên vết thương.
Vậy mà tỉ lệ tử vong chỉ 1,33%.
Trong chiến tranh, phẫu thuật đại phẫu mà tỉ lệ tử vong chỉ 1,33%, đó là con số mà chưa có nền y học nào trên thế giới làm được.
Thời tôi còn là sinh viên cho đến những năm mới ra trường, đang mổ mất điện là bình thường, mất điện thì chúng tôi có đèn bão, đại phẫu thì được ưu tiên thêm đèn pin rọi vào trường mổ, đèn măng xông thì không được dùng vì nó tốn kém. Vậy mà vẫn ok, chúng tôi vẫn cứ mổ, giám đốc bệnh viện và các thầy giám sát rất chặt chẽ, sơ sẩy tí là treo dao ngay, mà phẫu thuật viên nói đến bị treo dao thì kinh hồn bạt vía nên ai cũng phải tập trung mổ cho cẩn thận. Tôi nhớ những thầy như Gs Phạm Văn Phúc, Gs Dương Đức Bính cực kì thị phạm và nghiêm khắc, chỉ cần chúng tôi rửa tay xong sớm một chút, hay mặc quần áo đứng cửa phòng mổ, đó là những điều tối kị trong chống nhiễm trùng, nên các thầy sẽ phạt rất nặng.
Y tế Việt Nam đã từng quá khó khăn.
Trong thời kì bao cấp, tất cả trang thiết bị vật tư tiêu hao và thuốc, đều vô cùng khan hiếm, nguồn tài trợ chủ yếu mỗi Liên Xô và CHDC Đức.
.
Bệnh viện tôi khi đó mỗi ngày mổ hàng trăm bệnh nhân, vậy nhưng, trưởng khoa Xquang chỉ được có 6 tờ phim, các bác sĩ khác được mỗi người 2 tờ. Chỉ tiêu phim Xquang trong ngày là như vậy. Bác sĩ lâm sàng nếu có chỉ định chụp, phải liên hệ với bác sĩ Xquang để hội chẩn, cân nhắc thật cần thiết mới chụp.
Phim thiếu nên phải cắt nhỏ ra.
Ví dụ chụp Xquang ổ bụng nếu bình thường có kích thước lớn nhất, vậy muốn tìm liềm hơi để phân biệt thủng dạ dày với viêm tuỵ cấp thì phải cắt phim để chụp dưới cơ hoành. Tương tự vậy, chụp phổi 1 bên nếu nghi viêm phổi bên nào. Cắt phim để chụp bàn chân, bàn tay, ngón chân, ngón tay...
Thời điểm ấy, bác sĩ Xương ở Bv Việt Đức có sáng kiến dùng giấy ảnh để in thay phim Xquang, nhưng rất hạn chế vì khó đánh giá nhiều tổn thương. Về sau, bác sĩ Xương mày mò công thức hoá học rồi pha chế được hợp chất chính là thành phần lớp tráng lên phim Xquang. Tất cả những phim được sử dụng, mang ra tẩy trắng, rồi nhúng vào chất hoá học bác sĩ Xương tự chế để tạo ra một phim Xquang mới, vậy mà sử dụng đi sử dụng lại được 5 - 6 lần.
Sau này thế hệ tôi, siêu âm hay CT cũng vậy, do máy móc phải giữ gìn để sử dụng lâu dài, nên chỉ định siêu âm chụp CT cực kì hạn chế. Bản thân tôi là một trong hai bác sĩ phải trực cấp cứu siêu âm và CT đầu tiên của bệnh viện. Trước đó, trực cấp cứu phải trông chờ vào bác sĩ giỏi khám lâm sàng chẩn đoán, chứ không có siêu âm và CT. Bệnh viện quy định, siêu âm cấp cứu trong tua trực tối đa 6 ca, cột II mới được đề xuất siêu âm cấp cứu rồi viết chỉ định, đưa giấy chỉ định đó cho cột I duyệt kí vào, rồi y tá mới liên hệ bác sĩ là tôi thực hiện mở cửa phòng bật máy, để thực hiện siêu âm. Trực CT thì tôi ở nhà, đêm trực có ca cần chụp thì cột I sẽ chỉ định, rồi xin duyệt trực lãnh đạo bệnh viện, sau đó điều xe cứu thương đón. Tôi thuê nhà ở trong Làng Cót, nên mỗi lần có điện thoại liên hệ cấp cứu CT, tôi lại đi bộ cả cây số ra Cầu Giấy, nếu một đêm như thế 2 ca chụp là tôi thức trắng, cái cảm giác hãi hùng cho đến tận giờ. Bệnh viện không cho phép tôi tự đi đến ngoài giờ, phải có xe đón, vì nếu đi trong đêm xảy ra chuyện như tai nạn hoặc cướp, thì sẽ vi phạm quy chế, nên từ lúc nghe điện thoại đến lúc về tới nhà là một quá trình rất dài. Để động viên hai bác sĩ chúng tôi, giám đốc kí công văn mỗi ca CT cấp cứu bồi dưỡng 1 bát phở, khoa tôi có 2 bác sĩ đọc được CT nên trực giã giò nhiều năm. Tổng số bát phở tính bằng con số hàng ngàn, nhưng tôi chưa được bát nào, vì bệnh viện không có tiền chi.
Trong điều kiện như thế đòi hỏi bác sĩ lâm sàng phải rất giỏi.
Ví dụ như chấn thương của Mr Đàm, thời chúng tôi bác sĩ sẽ nắn dọc chiều xương, sẽ dồn gõ, sẽ khám từng điểm bám gân, khám thần kinh mạch máu, chẩn đoán chĩnh xác có gãy xương hay không, gãy xương chày hay xương mác, xương gót hay xương sên, dân chằng hay khớp như thế nào, hầu hết được chẩn đoán rõ ràng trước khi chụp phim. Cũng như vậy, hàng loạt các bệnh lí khác, như sỏi ống mật chủ, giun chui ống mật, viêm túi mật hoại tử, viêm tuỵ cấp, thủng dạ dày, tắc ruột, viêm ruột thừa, sỏi niệu quản, xoắn buồng trứng, chửa ngoài tử cung vỡ,… vân vân và mây mây, thời chúng tôi đều chẩn đoán lâm sàng rất rõ ràng, việc nhầm lẫn không cho phép sẽ đối diện với kỉ luật nặng, điều mà bác sĩ nào cũng sợ.
Thời nay chẩn đoán phải dựa vào hình ảnh và xét nghiệm.
Tuy nhiên, ở Mỹ ngoài xét nghiệm chụp chiếu tràn lan, thì giá dịch vụ y tế cao quá, thang giá trị đã bị dựng đứng, những khoản chi phí không tưởng.
Đừng giật mình khi tôi đưa ra vài ví dụ sau.
Một phụ nữ Hàn Quốc tên là Jang Yeo-in và chồng đưa con trai đi du lịch đến San Francisco, đứa trẻ ngủ trong khách sạn bị rơi xuống đất, đứa trẻ khóc lớn quá, lễ tân khách sạn gọi xe cứu thương đến Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg, tại đây trẻ được y tá cho uống một li sữa rồi ngủ, kết quả là cặp vợ chồng nhận được hóa đơn trị giá 18.836 USD vào ngày hôm sau, tương đương 465 triệu đồng tiền Việt.
Một thanh niên đi xe máy tự ngã, vào bệnh viện nằm bốn ngày nhưng chỉ bị chấn thương phần mềm, không có bảo hiểm, hoá đơn 125.991 đô la, chuyển sang tiền Việt là 3,1 tỉ đồng, bạn nào thắc mắc tôi sẽ đưa ảnh hoá đơn vào cmt.
Một bệnh nhân viêm ruột thừa, mổ thông thường, tổng chi phí 36.771 đô la, chuyển sang VNĐ là 907 triệu, bạn nào tò mò muốn xem hoá đơn tôi gửi ảnh.
Bạn cùng lớp với tôi sang Mỹ định cư, bị đau đầu, đi khám một ngày bác sĩ chỉ hỏi han lăng nhăng, hoá đơn 1,3 tỉ đồng bảo hiêm chỉ còn lại phải nộp hơn trăm triệu.
Có lẽ do quá đắt đỏ như vậy, nên nhiều người Mỹ đã xăm lên tay mình dòng chữ đại ý nếu bị ngất sẽ từ chối gọi xe cấp cứu, rồi xăm lên cổ từ chối đặt ống thở và ven truyền tĩnh mạch cảnh trong mọi trường hợp.
Đó là những người chết còn sướng hơn đến viện!