Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Nguồn gốc, ý nghĩa thịt kho tàu

 Mỗi dịp Tết đến, trong gian bếp đầm ấm không thể thiếu nồi thịt kho tàu thơm béo, đậm đà. Xin giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa của thịt kho tàu, các mẹo hiệu quả để giúp nồi thịt kho tàu mềm ngon, thơm phức để thức trong những ngày Tết...

 
Nguồn gốc thịt kho tàu
 
Món thịt kho tàu hay còn gọi là thịt kho hột vịt từ lâu đã xuất hiện trong mâm cơm của các gia đình vùng Nam Bộ.
Miền Nam nắng ấm chan hoà, cây dừa mọc bao la lủng lẳng trái, vậy nên vị của nồi thịt kho trứng nhờ nước dừa mà càng thanh, đậm đà.
 
Nhắc đến cụm từ "kho tàu" nhiều người thường liên tưởng đến người Tàu - người Hoa. Tuy nhiên, món ăn này xuất xứ từ nền ẩm thực Việt hẳn hoi đấy nhé.
 
Có rất nhiều câu chuyện truyền tai về nguồn gốc món thịt kho tàu. Trong đó phổ biến nhất là dị bản dưới đây:
 
Thuở xưa, dân làng chài mỗi khi lên tàu ra biển lớn đều phải lênh đênh nhiều ngày đêm, thậm chí đến cả hàng tháng trời.
 
Vậy nên họ phải nấu một nồi thịt kho thật to để ăn trong nhiều ngày và để có sức kéo được nhiều mẻ cá lớn. Từ đó, người ta gọi món thịt này là "thịt kho tàu".
 
Còn theo giải thích của nhà văn Bình Nguyên Lộc - một nhà văn hoá tên tuổi của Nam Bộ trong thời kỳ 1945 - 1975 cho rằng, chữ "tàu" trong văn nói miền Tây có nghĩa là "mặn ngọt lờ lợ".
 
Cái sự lờ lợ vừa mặn vừa ngọt giống như vị nước con sông Cái, theo địa lý con sông mà còn có tên Cái Tàu Hạ và Cái Tàu Thượng.
 
Vậy nên ta có thể gọi món thịt kho tàu là món thịt kho lạt (nhạt). Bởi hương vị lờ lợ của món thịt mà người dân có thể ăn liên tục trong nhiều ngày Tết, nhân lúc chờ các chợ truyền thống mở trở lại.
 
Dù được hiểu theo cách nào, thì với người Việt nói chung và người Nam Bộ nói riêng, món thịt kho tàu giản dị nhưng mang một giá trị tinh thần thiêng liêng, là một mảnh ghép không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.
 
 Ý nghĩa thịt kho tàu
 
Món thịt kho hột vịt chuẩn vị và ngon nhất có lẽ là ở miền Nam nhờ nguồn nguyên liệu phong phú trời ban.
 
Thịt heo thường là thịt ba chỉ (ba rọi) hoặc các phần thịt có cả nạc lẫn mỡ. Thịt được thái thành các miếng vuông to, trong khi hột vịt to tròn vành vạnh mang ý nghĩa "vuông tròn đều đặn, mọi sự bình an".
Mỗi khi đến thăm nhà ai, trên mâm cơm dễ dàng nhìn thấy món thịt kho hột vịt. Mọi người vừa dùng bữa vừa chuyện trò thân tình khiến không khí của ngày Tết trở nên hoà nhã, đầm ấm, an vui. Đấy là dấu hiệu cho một năm mới an khang, thuận lợi, đong đầy phúc lành.
 
Miếng thịt kho mềm rục có màu trắng trong của lớp mỡ và đỏ au của thịt nạc, màu nâu nhạt của lớp bì heo hầm nhừ, màu nước đường vàng ươm, sóng sánh.
 
Hột vịt luộc chín mềm, lòng đỏ béo mịn. Kèm theo đó vị ngọt thanh của nước dừa xiêm, vị mặn đậm đà của nước mắm ngon, cay the the của những lát ớt đỏ, tất cả hoà quyện tạo nên một hương vị khó quên trong khoang miệng của người thưởng thức.
 
Người dân miền Nam cũng thường đùa rằng: hương vị cuộc đời cũng giống như nồi thịt kho tàu vậy.
 
Phải đủ các vị cay (của ớt) - đắng (của nước hàng) - mặn (từ nước mắm) - ngọt (bởi đường) thì đó mới là cuộc sống.
 
Cũng như phải trải qua nhiều gian lao, vất vả thì mới có thành quả ngọt ngào.
 
Bí quyết nấu thịt kho tàu mềm ngon
Một vài mẹo nhỏ để món thịt kho tàu đậm đà, thơm nức cho ngày Tết sum vầy nhé:
 
Chọn miếng thịt có tỉ lệ nạc và mỡ cân bằng, khi kho xong thịt sẽ mềm và món ăn trông đẹp mắt hơn.
   
Để thịt thấm đều gia vị, nên ướp thịt ít nhất 30 phút nhé.
   
Đảo đến khi thịt săn lại rồi mới cho nước dừa vào ngập thịt. Nhớ canh vớt bọt thường xuyên để nước kho ngon và không bị đục nhé.
   
Khi thịt gần mềm bạn mới cho trứng vịt đã luộc, bóc vỏ vào. Như vậy trứng mới không bị nát và chai cứng.
   
Cũng có thể thay trứng vịt bằng trứng gà, trứng cút tuỳ thích nhé.
   
Để ăn món thịt kho tàu trong nhiều ngày mà vẫn ngon như mới, sau khi nấu xong và để nguội, nnên chia thành từng phần nhỏ vừa ăn và trữ trong ngăn đá, khi cần dùng lấy mỗi phần ra hâm nóng lại.

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2024

Đừng gán ghép mê tín dị đoan cho Phật giáo!

 – Cách đây 2613 năm, Ngài Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama), khi đó 35 tuổi, đã giác ngộ dưới gốc Bồ đề, đạt thành chánh quả, trở thành Đấng Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni – Đấng giác ngộ của tộc Thích Ca), hay còn được tôn xưng là Phật Toàn giác. Phật giáo chính thức được khai sinh từ đó. Tư tưởng nguyên thủy của Đức Phật thể hiện rõ là một học thuyết triết học với vũ trụ quan và nhân sinh quan sâu sắc chứ không phải là một tôn giáo thuần túy với đức tin vào một Đấng toàn năng có khả năng phù hộ độ trì cho con người thành Phật.

Trước tiên phải khẳng định Phật giáo là một triết thuyết vô thần. Phật giáo không có một Đấng sáng thế hay các vị thần có quyền năng siêu nhiên như các tôn giáo hữu thần. Phật (Buddh trong tiếng Pali hay Buddha trong tiếng Anh) không phải là thần linh, không có quyền phép màu nhiệm mà là tôn xưng chỉ các bậc đã giác ngộ được con đường đúng đắn dẫn đến Niết bàn (Nirvana). Niết bàn trong giáo lý nhà Phật cũng không phải là cõi Thiên Đường như trong quan điểm hữu thần mà chỉ đến trạng thái thông tuệ tuyệt đối, bình lặng tuyệt đối, vì thế mà chúng sinh có thể thoát khỏi mọi khổ đau.

Câu chuyện Thái tử Tất Đạt Đa, sau một lần ra khỏi hoàng cung rồi tận mắt chứng kiến nhân gian khổ ải, từ đó từ bỏ cuộc sống vương giả với vợ đẹp con ngoan để dấn thân đi tìm con đường giác ngộ hẳn đã quá quen thuộc với nhiều người. Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi điểm cốt lõi trong triết lý nhà Phật xoay xung quanh sự khổ, bao gồm nhận thức được nguyên nhân của sự khổ và con đường diệt khổ. Các quan điểm này được thể hiện trong Tứ Thánh đế (Tứ Diệu đế), gồm khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.

Đức Phật lý giải rằng khổ là bản chất của đời sống con người. Con người khổ vì sinh lão bệnh tử, khổ vì yêu mà không được ở gần nhau (ái biệt ly khổ), ghét nhau mà cứ phải gặp nhau (oán tăng hội), mong muốn mà không đạt được (cầu bất đắc). Nguồn gốc của những khổ đau trên là do sự ham muốn (ái dục), hay tham, sân, si của lòng người. Vì thế, nếu ai có thể tu tập để đạt được cảnh giới không còn mong muốn, không còn yêu ghét, nghĩa là diệt được những căn nguyên của sự khổ, là diệt được khổ, có thể thoát khỏi vòng luân hồi, đạt được trạng thái Niết bàn.

Hai điểm đáng lưu ý trong triết học Phật giáo

Thứ nhất, trái với niềm tin phổ biến hiện nay, triết lý nhà Phật đặt sự thông tuệ vào vị trí tiên quyết của con đường diệt khổ chứ không phải là sự từ bi. Sự từ bi chỉ có được khi đạt được sự thông tuệ.

Trong Bát chánh đạo (tám con đường diệt khổ), “chánh kiến” đứng đầu. “Chánh kiến” nghĩa là nhận thức được mọi chân lý về khổ, căn nguyên của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ. Như vậy, chánh kiến chính là sự thông tuệ của bậc giác ngộ. Thông tuệ để hiểu rằng tham sân si là gốc của mọi khổ đau. Diệt được tham sân si sẽ không chỉ khiến bản thân diệt được khổ ải mà còn diệt được các động cơ có thể dẫn đến các hành vi gây hại cho người khác. Từ bi hỷ xả sẽ từ đấy mà ra, nghĩa là một hệ quả tất yếu của sự thông tuệ.

Thứ hai, con đường diệt khổ được nêu trong Bát chánh đạo mang tính tự thân tự lực. Muốn đạt thành chánh quả phải tự mình thực hiện con đường này, tự mình phải cứu lấy mình, không thể trông chờ vào ai khác hay một thế lực siêu nhiên nào khác (vì làm gì có thế lực siêu nhiên nào!).

Phật từng dạy rằng “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác” (Kinh Tương Ưng Bộ). Nói cách khác, không giống như các tôn giáo hữu thần luôn xây dựng một Đấng tạo tác có quyền năng xoay chuyển vận mệnh của con người, Phật giáo cho rằng không ai ngoài chính bản thân con người tạo ra “số mệnh” cho mình theo triết lý nhân quả tuần hoàn: “quả” của hôm nay chính là cái “nhân” của chính ta ngày hôm qua gieo trồng, chứ không phải có một vị thần tiên nào đó tác động đến. Cho nên, chỉ có chính ta mới tự giải thoát được cho ta. Từ đó, con người cần tránh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào người khác hay trông chờ vào sự màu nhiệm vô thực của thần linh.

Như vậy, triết học Phật giáo là triết học duy tâm chủ quan, vô thần và có tính biện chứng sâu sắc. Khác với niềm tin sai lạc của nhiều người, Phật giáo kêu gọi sự tự thân phấn đấu để đạt được sự giác ngộ chứ không phải cầu viện sự trợ giúp từ thánh thần.

Những biến tướng sai lầm

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Phật giáo có những biến chuyển và tách ra thành nhiều nhánh khác nhau, với các tông phái khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế – xã hội của từng thời kỳ. Các tông phái điển hình có thể kể đến như Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa, Mật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông.

Một trong các lý do cơ bản của sự phân nhánh này là để cứu Phật giáo không bị lụi tàn chính tại quê nhà Ấn Độ trước sự lan tràn của Hồi giáo và Ấn giáo. Một lý do khác là trong quá trình truyền bá vào các vùng lãnh thổ khác nhau, Phật giáo đã chịu sự ảnh hưởng phần nào của các tôn giáo bản địa. Sự ảnh hưởng này xuất phát từ đặc tính linh hoạt trong triết lý Phật giáo.

Nhìn chung, giáo lý nhà Phật không mang tính cực đoan, không bài xích hay chủ trương chống lại các tôn giáo, tín ngưỡng khác, lại đề cao sự thực chất, không câu nệ về hình thức nên dễ được dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở một mức độ nhất định.

Tuy vậy, có thể một số phương pháp tu tập hay cách kiến giải của các tông phái hình thành sau này như phái Đại thừa hay Mật tông phần nào đó mang màu sắc nhiệm màu huyền ảo hơn so với Phật giáo nguyên thủy, nhưng đó chỉ là sự thể hiện tính linh động về cách thức truyền bá nhằm thu hút sự chú ý của chúng sinh, còn mục đích cuối cùng vẫn là hướng dẫn chúng sinh con đường diệt khổ đúng đắn. Như vậy, cách thức tu tập của các tông phái tuy có một số chỗ khác nhau nhưng vẫn giữ nguyên hạt nhân cốt yếu trong triết thuyết của Như Lai về Tứ diệu đế, về sự khổ và con đường diệt khổ.

Tuy nhiên, chính vì sự linh động trong các phương thức truyền bá đã dẫn đến “tác dụng phụ” là những cách hiểu sai lạc, xuyên tạc triết lý của Đức Thích Ca Mâu Ni. Điển hình là các hình thức mê tín dị đoan dần len lỏi vào trong tư tưởng của một số Phật tử, thậm chí cả một số chùa chiền. Kết quả là không ít những người lợi dụng sự mê tín đội lốt Phật giáo để thực hiện các hoạt động trục lợi bất chính.

Với quan điểm vô thần, Phật giáo không hề chủ trương các hình thức bói toán, cúng sao giải hạn, bùa phép trừ tà hay các hình thức mê tín dị đoan khác. Cho nên, các hoạt động thêu dệt về những thế lực siêu nhiên để quyến dụ, lừa gạt đức tin của người khác vừa là hành vi báng bổ Phật pháp lại vừa là hành vi vi phạm pháp luật.

Với yêu cầu tu tập tự thân, Phật giáo không xiển dương các hình thức cúng kiếng vật chất để mong cầu sự giải thoát. Việc cúng dường chỉ là hành vi thể hiện lòng tôn kính đến Đức Phật và chư tăng, không nên là một hình thức “hối lộ” để đạt được mục tiêu giác ngộ hay cầu mong tiền tài danh vọng. Bởi lẽ, bản thân các mong muốn tài lộc như vậy đã là sự khởi phát “vô minh”, “chấp mê bất ngộ” rồi.

Việc cúng dường hoàn toàn là sự tự ý thức, cúng dường ít nhiều phụ thuộc vào khả năng thực tế của mỗi người. Các hành vi kêu gọi dụ dỗ, thậm chí đặt ra “mức sàn” khi cúng dường của bất kỳ ai đều là hành vi xa rời giáo lý Phật giáo, xuyên tạc chủ trương của Đức Thích Ca Mâu Ni, và là con đường lầm lạc dẫn đến vô minh.

Phật giáo Việt Nam: nét văn hóa truyền thống của người Việt

Kể từ khi được truyền bá đến Việt Nam vào thế kỷ 1, Phật giáo nhanh chóng chiếm được một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt. Ở các triều đại Đinh – Tiền Lê cho đến Lý – Trần, Phật giáo trở thành quốc giáo với tư tưởng tích cực nhập thế. Thời kỳ này, nhiều nhà sư không chỉ là các cao tăng có trí huệ cao vời mà còn là các “cố vấn” khôn ngoan cho triều đình trong hoạt động quản lý đất nước như sư Khuông Việt, sư Vạn Hạnh.

Thậm chí, giới tăng sĩ đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi như Tuệ Trung Thượng Sĩ. Đặc biệt, Phật giáo Việt Nam đạt đến đỉnh cao khi phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử được sáng lập bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông. Với đặc điểm Phật pháp gắn liền với lợi ích quốc gia dân tộc, phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm hồn cốt, tinh thần yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam mà vẫn giữ được tư tưởng căn bản của Như Lai.

Chúng ta vừa bước vào những ngày đầu tiên của năm 2024 và chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vào tháng 2 tới đây. Việc đi vãn cảnh chùa hay chiêm bái tượng Phật, thắp hương cúng dường, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa cho năm mới bình yên sung túc không còn là các nghi thức của riêng Phật tử mà dường như trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhiều người Việt Nam.

Đừng để những mong cầu đầy dục vọng, những tham ái sân si làm hoen ố triết lý sâu sắc của Đức Thích Ca Mâu Ni. Riêng cảm giác ấm áp yên lành khi nhìn thấy tượng Như Lai hiền hòa thấp thoáng trong làn khói mỏng với hương trầm dìu dịu đã là một món quà vô giá của những ngày tiễn đưa năm cũ đón chào năm mới.


Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

Có đúng là bộ não con người chỉ sử dụng 10% công suất

 Bộ não của một người quyết định cách chúng ta trải nghiệm thế giới xung quanh. Bộ não nặng khoảng 1.3kg và chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh mang thông tin.

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu xem một người sử dụng bao nhiêu phần trăm bộ não. Có rất nhiều giả thuyết cho rằng chúng ta chưa dùng hết toàn bộ khả năng bộ não của mình. Thực hư về lời đồn đại này ra sao?

Chúng ta sử dụng bao nhiêu bộ não của mình?

Theo một cuộc khảo sát từ năm 2013, khoảng 65% người Mỹ tin rằng chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não của mình. Nhưng đây chỉ là một huyền thoại không chính xác, theo một cuộc phỏng vấn với nhà thần kinh học Barry Gordon trên tạp chí Scientific American. Ông giải thích rằng phần lớn não bộ hầu như luôn hoạt động.

Huyền thoại 10% cũng đã được bóc trần trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience. Một kỹ thuật chụp ảnh não phổ biến, được gọi là chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), có thể đo hoạt động trong não khi một người đang thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.

Sử dụng phương pháp này và các phương pháp tương tự, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn bộ não của chúng ta đang sử dụng hầu hết thời gian, ngay cả khi một người đang thực hiện một hành động rất đơn giản.

Có đúng là bộ não con người chỉ sử dụng 10% công suất: Các nhà khoa học lên tiếng đính chính sự thật - Ảnh 1.

Nhiều bộ não thậm chí còn hoạt động khi một người đang nghỉ ngơi hoặc đang ngủ. Tỷ lệ bộ não được sử dụng khác nhau ở mỗi người. Nó cũng phụ thuộc vào những gì người đó đang làm hoặc nghĩ về.

Huyền thoại 10% bắt nguồn từ đâu?

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Science năm 1907, nhà tâm lý học và tác giả William James cho rằng con người chỉ sử dụng một phần nguồn lực tinh thần của mình. Tuy nhiên, ông không nói rõ tỷ lệ phần trăm.

Con số này được nhắc đến trong cuốn sách năm 1936 của Dale Carnegie. Các nhà khoa học cho rằng tế bào thần kinh chiếm khoảng 10% tế bào não. Điều này cũng có thể là một nguồn gốc của giả thuyết 10% này.

Thêm vào đó, huyền thoại này được xuất hiện nhiều trong các bài báo, chương trình truyền hình và phim ảnh, điều này giúp giải thích tại sao nó lại được nhiều người tin tưởng như vậy.

Cải thiện chức năng não

Giống như bất kỳ cơ quan nào khác, não bị ảnh hưởng bởi lối sống, chế độ ăn uống và số lượng họ tập thể dục. Để cải thiện sức khỏe và chức năng của não, một người có thể làm những điều sau đây.

Có đúng là bộ não con người chỉ sử dụng 10% công suất: Các nhà khoa học lên tiếng đính chính sự thật - Ảnh 2.

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng

Ăn uống đầy đủ cải thiện sức khỏe tổng thể. Nó cũng làm giảm nguy cơ phát triển các vấn đề có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ, bao gồm:

- Bệnh tim mạch

- Béo phì ở tuổi trung niên

- Bệnh tiểu đường loại 2

Các loại thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe não bộ:

- Trái cây và rau có vỏ sẫm màu: Một số loại rất giàu vitamin E, chẳng hạn như rau bina, bông cải xanh và quả việt quất. Những loại rau củ khác cũng giàu beta carotene, điểm hình là ớt đỏ và khoai lang. Vitamin E và beta carotene thúc đẩy sức khỏe não bộ.

- Cá giàu chất béo: Những loại chẳng hạn như cá hồi, cá thu và cá ngừ, rất giàu axit béo omega-3, có thể hỗ trợ chức năng nhận thức.

- Quả óc chó và quả hồ đào: Chúng rất giàu chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức khỏe não bộ..

Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục thường xuyên cũng làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ. Các hoạt động tim mạch như đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, có thể đủ để giảm nguy cơ suy giảm chức năng não.

Ngoài ra các chuyên gia cũng khuyến khích đi xe đạp, chạy bộ hoặc bơi lội...

Rèn luyện trí óc

Những người càng sử dụng nhiều bộ não, thì các chức năng của nó càng trở nên tốt hơn. Đó là lý do các bài tập rèn luyện trí não là một cách tốt để duy trì sức khỏe tổng thể của não bộ.

Một nghiên cứu gần đây được thực hiện trong hơn 10 năm cho thấy những người sử dụng các bài tập rèn luyện trí não sẽ giảm được 29% nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ . Việc rèn luyện trí óc đã được chứng minh có tác dụng tăng tốc độ và khả năng xử lý thông tin phức tạp của não.