Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Lục Vị Địa Hoàng Hoàn

Tại sao phải bổ thận âm

Chứng thận âm hư thương làm cho can âm hư và ngược lại. Vì theo ngũ hành thận thủy sinh can mộc bởi vậy chỉ cần bổ thận âm thì can âm cũng được tư dưỡng

1.     Nguyên nhân:
Chứng can thận âm hư là những triệu chứng vì 2 tạng can thận âm dịch không đủ mà gây ra. Người tuổi già thận khí hư suy, người bệnh lâu không khởi, người tình chí không thoải mái, tình dục quá độ âm tinh hao tổn, bia rượu nhiều, ăn nhiều đồ cay nóng, đồ sào nướng đều có thể gây ra chứng này.

      2.  Triệu chứng (không phải cứ phải hội đủ triệu chứng dưới đây mới là can thân âm hư mà chỉ là người có thể trạng can thận âm hư thì hay có những triệu chứng ấy)

Choáng váng, tai ù,hoa mắt, chóng mặt, hay quên, mất ngủ (khó vào giấc, tỉnh dậy khó ngủ lại), họng khô, gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, nóng ruột, lòng bàn chân,bàn tay nóng, đau eo lưng, đầu gối mỏi đau. Nam giới di tinh, xuất tinh sớn nữ giới kinh ít.(trong cả hai giới nhiều khi lại bị ham muốn tình dục tăng cao một cách bệnh lý) Lưỡi đỏ, môi đỏ, gò má đỏ, hôi miệng. Phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh là đối tượng dễ bị can thận âm hư với các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, bốc hỏa, nóng bừng mặt, nóng rát tay, ra mồ hôi đêm, cáu gắt. đều thuộc chứng này

      3.  Cơ chế bệnh sinh

Can thận cùng một nguồn, can tàng huyết, thận tàng tinh, âm của can thận tư sinh lẫn nhau. Can âm sung túc thì tàng ở thận, thận âm vượng thịnh thì nuôi cho can. Cho nên có thuyết can thận cùng nguồn. Khi bị bệnh can âm không đủ có thể làm cho thận âm vì đó mà thiếu, trái lại cũng như vậy.

Can thận âm dịch không đủ, không lên đầy đủ cho thanh khiều nên choán váng ù tai, bể tủy không đầy đủ thì sinh ra hay quên. Tâm thần mất nuôi dưỡng thì mất ngủ. Âm dịch không tiếp lên trên được thì họng khô. Âm hư sinh nội nhiệt, hư hỏa phù lên thì gò má đỏ hồng, nhiệt bức dịch tiết ra thì mồ hôi trộm. Hư nhiệt thịnh ở trong thì ngũ tâm phiền nhiệt. Can âm không đủ, can mạch mất tư dưỡng cho nên 2 mạng sườn đau. Eo lưng là phủ của thận, thận âm không đủ thì eo lưng mất nuôi dưỡng cho nên eo lưng đầu gối mỏi đau. Còn gọi là âm hư nội nhiệt, tân dịch không đủ.

4. Điều trị
Bài thuốc thường dùng:

LỤC VỊ ĐỊA HOÀNG HOÀN   ( Tiểu nhi dược chứng trực quyết)
Thành phần:
Thục địa 20 - 32g
Sơn thù 10 - 16g
Trạch tả 8 - 12g
Hoài sơn 10 - 16g
Phục linh 8 - 12g
Đơn bì 8 - 12g
Cách dùng: Tất cả tán bột mịn luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 8 - 12g, ngày 2 - 3 lần với nước sôi nguội hoặc cho tí muối. Có thể làm thang sắc uống.

Tác dụng: Tư bổ can thận.

Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc chủ yếu Tư bổ thận âm. Trong bài:
·         Thục địa tư thận dưỡng tinh là chủ dược.
·         Sơn thù dưỡng can sáp tinh.
·         Sơn dược bổ tỳ cố tinh.
·         Trạch tả thanh tả thận hỏa giảm bớt tính nê trệ của Thục địa.
·         Đơn bì thanh can hỏa giảm bớt tính ôn của Sơn thù.
·         Bạch linh kiện tỳ trừ thấp giúp Hoài sơn kiện tỳ.
Sáu vị thuốc hợp lại vừa bổ vừa tả giúp cho tác dụng bổ tốt hơn là một bài thuốc chủ yếu tư bổ Can thận.

==============================================

Là một phương thuốc “đại bổ”, nhưng Lục vị địa hoàng chỉ thích hợp cho một số đối tượng riêng biệt.
Lục vị địa hoàng là phương thuốc kinh điển được lưu truyền hàng ngàn năm của Y học cổ truyền Trung Quốc. Trong Y văn cổ có câu: “Người thầy thuốc không biết sử dụng bài bát vị, lục vị là bài thuốc thần, thì tay nghề đã thiếu mất quá nửa”.

Điều đó đủ cho chúng ta thấy tầm quan trọng và vị trí đặc biệt của phương thuốc này đối với Trung y nói riêng và Y học cổ truyền nói chung.

Trên thực tế, nhiều người xem Lục vị địa hoàng như thần dược trị bách bệnh. Người cao tuổi dùng lục vị với hy vọng “kéo dài tuổi thọ, cường kiện thân thể”.
Tầng lớp thanh niên, trung tuổi lại xem nó như một vị thuốc tráng dương, bổ thận cao cấp. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn mua Lục Vị Địa Hoàng cho con em uống để cải thiện vóc dáng thấp lùn hay chứng “dậy thì muộn”.

Cũng có không ít người coi đây là bài thuốc hạ đường huyết và điều chỉnh huyết áp.
Ít ai biết rằng, bản thân Lục vị địa hoàng dù là một phương thuốc tốt, nhưng cũng không thể trị bách bệnh, càng không phải là thực phẩm chức năng.
Theo khuyến cáo của các thầy thuốc y học cổ truyền, “thần dược” này tuyệt đối không thể sử dụng một cách vô tội vạ.

“Lục vị” là tên gọi tắt của “Lục vị địa hoàng”, có nghĩa là bài thuốc gồm 6 vị (thục địa hoàng, sơn chu du, sơn dược, trạch tả, đan bì và phục linh), trong đó địa hoàng là chủ vị.
Dạng thuốc viên gọi là "Lục vị địa hoàng hoàn", dạng thuốc sắc gọi là "Lục vị địa hoàng ẩm" hoặc "Lục vị địa hoàng thang".

Tương truyền rằng bài thuốc này ra đời từ thời nhà Tống, do danh y nổi tiếng đương triều là Tiền Ất ghi lại trong cuốn “Tiểu Nhi Dược Chứng Chân Quyết”. Từ đó, Lục vị địa hoàng trở thành một phương thuốc kinh điển với công hiệu bổ âm, bổ thận.
Theo các thầy thuốc, trong lục vị, thục địa hoàng có công dụng bổ thận âm, sơn chu du bổ gan kiện thận, sơn dược kiện tỳ ích thân.

Do đó, bài thuốc này không chỉ có công dụng bổ thận âm mà còn khiến cho “tam âm cùng bổ” (bổ thận âm, gan âm và tỳ âm).
Tuy nhiên cũng bởi vậy mà Lục Vị Địa Hoàng chỉ thích hợp cho người bị “âm hư” chứ không nên dùng cho người “dương hư”.

Nói riêng về thận, người mắc chứng “thận âm hư” thường có thân nhiệt cao, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay và gang bàn chân nóng, khô miệng.
Ngược lại, người “thận dương hư” có biểu hiện thắt lưng và đầu gối bủn rủn, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, lạnh tay chân, ưa nóng, sợ lạnh.

Cùng với đó, người mắc chứng “dương hư” (thận dương hư, tỳ dương hư) sẽ có sắc mặt trắng bệch, thể chất suy yếu, thích nóng, sợ lạnh… Những đối tượng trên hoàn toàn không nên uống Lục vị địa hoàng.

Bên cạnh đó, các thầy thuốc còn khuyến cáo những người béo phì, tỳ hư thấp cũng không nên dùng loại thuốc này. Mặt khác, nếu người dùng thấy xuất hiện các triệu chứng như khẩu vị kém, đi tả cũng nên tạm ngưng dùng lục vị.


Các bác sĩ khuyến cáo, mặc dù là bài thuốc “đại bổ”, nhưng những người có nhu cầu sử dụng Lục vị địa hoàng nên chú ý tới thể trạng của mình, dùng đúng liều lượng và nghe theo chỉ định của thầy thuốc.