Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

“Không ai giàu 3 họ”

  09:16 AM | SỐNG

Rockefeller nói: “Sự khác biệt lớn nhất giữa người thành công và kẻ thất bại đó chính là nằm ở việc tìm cớ, một người khi đã mắc phải căn bệnh thích viện lý do, anh ta sẽ chẳng nên được việc gì.”

Nhắc đến John D.Rockefeller, hầu hết mọi người đều gọi ông là huyền thoại trong lịch sử kinh doanh thế giới, ông từng kiếm được 1 triệu đô la đầu tiên trong đời ở tuổi 33. Chắc hẳn bạn đã biết khối tài sản khổng lồ 1 triệu đô la trong thời đại đó nó lớn lao tới như thế nào. Sau 10 năm tiếp theo, Rockefeller thành lập Standard Oil, một công ty sản xuất, vận chuyển, tinh chế và tiếp thị dầu mỏ, nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới thời đại của nó.

Nói đến Rockefeller thì phải nói đến gia đình của ông, nhiều người hay nói rằng "không ai giàu 3 họ", nhưng gia đình Rockefeller đã trải dài 6 đời và vẫn đứng trên đỉnh cao của sự giàu có. Gia đình ông đã phát triển mạnh mẽ trong suốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, và có thể nói là đã chứng kiến ​​những thay đổi trong mô hình kinh doanh của con người. Vào tháng 3/2017, thế hệ thứ sáu của gia đình này đã qua đời tại quê nhà, hưởng thọ 101 tuổi.

Ai trong chúng ta cũng mong muốn có được thu nhập ổn định trong suốt cuộc đời, hoặc thông qua các phương thức khác như khởi nghiệp để đạt được thành công và sống có ý nghĩa, nhưng không phải ai cũng có thể thành công. Chúng ta thường nói rằng cơ hội là dành cho những người có sự chuẩn bị. Chuẩn bị ở đây không chỉ nói đến hành động, sự việc mà nó còn là yếu tố tâm lý, bởi suy cho cùng, tâm lý là yếu tố then chốt quyết định sự thành công.

Bill Gates từng nói rằng, nói về chuyện kiếm tiền, thần tượng duy nhất của ông là Rockefeller. Quả thực, khi hiểu rõ về cuộc đời của huyền thoại này, bạn sẽ ngạc nhiên rằng, người giàu quả đúng là người giàu, chính trí tuệ và khối óc của mình đã đưa Rockerfeller lên vị trí ông vua dầu mỏ.

Vậy bí quyết thành công của Rockefeller là gì? Khi bạn cô đơn và bơ vơ, cảm thấy mất phương hướng, không biết định hướng con đường sự nghiệp hay cuộc đời mình ra sao, hãy nhớ lấy 3 câu nói này của Rockefeller.

Đừng để điểm xuất phát quyết định điểm kết thúc của bạn. Rất nhiều người luôn phàn nàn rằng tại sao họ không phải là con cái nhà trâm anh thế phiệt, tại sao họ không có một cái đầu thông minh, hay một tài năng thiên bẩm? Trên thực tế, mặc dù xuất phát điểm có thể ảnh hưởng đến kết quả, nhưng nó tuyệt đối không phải thứ quyết định kết quả. Năng lực, tính cách, tầm suy nghĩ, kinh nghiệm… tất cả quyện hòa vào mới là những yếu tố ảnh hưởng tới khả năng thành công của bạn.

Chỉ tìm cách để thành công, không tìm lý do cho thất bại. Có một câu trong trích dẫn kinh điển của Rockefeller rằng: "Những lời bào chữa chính là gốc rễ của mọi thất bại. 99% thất bại là bởi vì người ta thường tìm lý do. Không có con đường tắt dẫn đến thành công, đừng cứ luôn tự lừa dối bản thân như vậy."

Hãy luôn trung thành với chính mình. Trong cuộc sống, chúng ta thường bối rối, không biết ý nghĩa của cuộc sống, thậm chí không biết sở thích của mình là gì hay cũng không biết mình muốn đi về đâu trong tương lai. Cách để thoát ra khỏi bế tắc này chính là hãy luôn trung thành với chính mình, đừng lừa dối bản thân, bạn phải không ngừng chống lại những điểm yếu của mình, và biến mình trở thành phiên bản tốt nhất.

Khi Rockefeller 53 tuổi, ông cũng gặp phải một lần trượt dốc trong cuộc đời, cái dốc ở đây không ám chỉ sự nghiệp mà là tâm lý của chính ông. Lúc này ông đã trở thành huyền thoại nước Mỹ, nhưng cuộc sống căng thẳng đã hủy hoại sức khỏe và trái tim của ông, ông không chỉ rụng tóc mà còn rơi vào tình trạng rối loạn lo âu.

Sau đó, bác sĩ nói với Rockefeller rằng ông cần tránh lo lắng và thư giãn về thể chất cũng như tinh thần, Rockefeller đã tuân theo nguyên tắc của bác sĩ và lấy lại cuộc sống của mình. Đó là lúc ông bắt đầu suy nghĩ về việc làm thế nào để có lợi cho nhân loại và truyền lại kinh nghiệm của mình cho người khác. Chính sự thay đổi tâm lý đã giúp Rockefeller vượt qua giai đoạn trầm lắng của cuộc đời.

Vì vậy khi bạn bối rối, đừng quá vội vã bắt tay vào muốn làm một cái gì đó ngay, trước tiên hãy bình tĩnh, thư giãn, thả lỏng bản thân, rồi từ từ ngâm cứu, nghiền ngẫm về những người thành công và cách họ vượt qua khủng hoảng, hi vọng bạn cũng có thể tìm được một chút gợi ý nào đó qua quá trình tìm hiểu đó.


Quyền lực chốn công sở chỉ gói gọn trong 2 bí mật

 Còn nhớ những ngày cũ, còn làm ở công ty cũ, bạn bè cũ và đồng nghiệp đã cũ. Trong hàng đống thứ cũ ấy, tôi vẫn nhớ hoài một câu chuyện hông hề cũ. Và tôi tin rằng có rất nhiều bạn cũng đang mắc phải câu chuyện ấy như tôi đã từng.

"Sao mình nói đúng vậy mà sếp không nghe?"

Đó là một lần họp team, thoải mái tranh luận đóng góp ý kiến, tôi là leader nhưng khi tôi đưa ý kiến, có một bạn rất khá phản biện. Quan điểm rất logic và hợp lý, do đó tôi tán đồng và thay đổi kế hoạch điều chỉnh lại theo hướng mới vì thấy nó sáng hơn.

Chuyện sẽ không có gì diễn ra nếu sau đó tôi không "tình cờ" nghe người khác nói rằng trình độ tôi kém hơn bạn ấy nên bạn ấy nói là tôi phải nghe. Sau này, dù bạn đó có ý kiến thế nào, hay hoặc đúng sao tôi cũng không nghe. Tại vì tự ái mà, sao để nhân viên nói mình vậy được, mất tôn nghiêm hết.

Tôi biết rằng câu chuyện trên không lạ lẫm gì với các bạn, nhất là những ai làm việc trong môi trường team đông, năng động. Đôi lúc chúng ta là người sếp này nhưng đôi lúc chúng ta lại chính là bạn nhân viên nổi bật kia.

Lý do chính nhất khiến cho chúng ta nói sếp không nghe thường là những lý do chúng ta chẳng biết rằng nó tồn tại. Bằng một cách nào đó, có rất nhiều lý do tự nhiên "nhảy" ra khiến sếp không thể nghe ta dù ta rất đúng, rất hợp lý.

Vấn đề là TA ĐÃ NÓI SAI!

Sai ở đây không phải là sai về nội dung, mà sai là về thời điểm và phương pháp.

Nội dung bạn nói có thể rất thuyết phục và hợp lý. Bởi vì bạn là nhân viên xuất sắc, chuyên môn tốt, không thể chối từ chuyện này.

Bí mật 1: Thời điểm

Nhưng nếu bạn "chỉnh" sếp trong cuộc họp và chốn "đông người" thì hơi có vấn đề. Có lẽ bạn đã chọn thời điểm không chính xác cho lắm. Có thể sếp tán đồng những lần đầu, nhưng sau đó thì kết quả sao, bạn mới đọc ở trên rồi đấy.

Chuyện này thường xảy ra ở những mô hình công ty gia đình, hoặc do người sếp có tính tự ái cao (có thể do quá khứ có chiến tích vang dội, hoặc thuộc dạng giỏi nổi bật). Bởi người ta nói lắm tài thì nhiều tật, muốn làm cùng người giỏi thì cũng phải có "chiêu".

Vậy lúc nào là lúc nên nói nếu không phải chốn "đông người"?

Tất nhiên là nơi vắng người rồi.

Một nhân viên khéo léo tốt nhất nên hỏi sếp về nội dung cuộc họp (đêm trước) và nếu có góp ý thì góp ý trước buổi họp. Có thể nói chuyện riêng, chat riêng, tâm sự riêng. Gì cũng được, miễn là RIÊNG.

Tôi mạnh dạn đoán, bạn chỉ có 2 mục tiêu chính.

Một là chứng tỏ ta đây là giỏi, muốn có cơ hội thể hiện. Vậy thì cần được sếp trọng dụng trước. Muốn được sếp trọng dụng thì phải biết nghĩ cho sếp. Vậy nên góp ý riêng cho sếp trước buổi là quá tuyệt vời. Cho một điểm cộng to tướng.

Hai là bạn muốn mang lại giá trị chung cho công ty. Vậy thì chuyện góp ý riêng hay chung không thành vấn đề với bạn. Vì nếu sếp đồng ý theo hướng của bạn thì bạn đã chiến thắng trong cuộc thương thuyết đó rồi. Trước mặt hay sau lưng ai có còn quan trọng?

Cho nên dù mục tiêu của bạn là gì, thì nói chuyện riêng, TRƯỚC buổi họp luôn là lựa chọn khôn khéo. Đó gọi là đúng thời điểm.

Bí mật 2: Cách nói

Nhưng đúng thời điểm không vẫn chưa đủ. Gặp sếp mà phi vào bảo sếp sai rồi, nghe em đi thì "tèo" trong một nốt nhạc nhé.

Nên nhớ, đã ở vị trí cao hơn bạn thì sếp luôn có góc nhìn tổng quát hơn và đa chiều hơn bạn. Chưa kể sếp còn có "tự ái" nữa nghe. Thường là những người "nghĩ mình giỏi" không thích làm theo ý người khác đâu. Cái gì cũng phải tự mình nghĩ ra, tự mình ngộ ra thì mới thấy đúng mà làm hết mình được.

Cho nên, phải góp ý đúng cách. Và tôi xin chia sẻ các bạn một trong những cách đơn giản và dễ nhất đó chính là: HỎI ĐÚNG?

Nếu như bạn đang muốn thay đổi quan điểm sếp (hoặc bất kỳ ai), đừng nói họ sai. Mà hãy hỏi rằng:

"Sếp thật sự nghĩ làm như thế này doanh số sẽ tăng sao?"

"Sếp thật sự nghĩ chiến dịch này có thể viral sao?"

Đó gọi là bước đánh thức bộ não họ dậy, để họ không dùng thói quen cảm xúc mà chối từ kiểu "Thôi, tao biết rồi". Khiến bộ não thức dậy và suy nghĩ logic trước. Nhớ là nói bằng lý trí vì mình đang thuyết phục bằng logic.

Sau khi đánh thức bộ não sếp dậy rồi thì hãy hỏi chốt những câu key. Câu key này theo quan điểm mà bạn muốn truyền tải thông điệp.

Ví dụ như:

"Em chưa thấy công ty nào muốn lớn mạnh bền vững (mục tiêu của sếp) mà 4 tháng chưa đào tạo nhân sự nội bộ cả anh ạ. Em thật sự nghĩ nếu như thế thì chúng ta sẽ gặp vấn đề, vấn đề rất lớn".

Sau đó, nói quan điểm của bạn ra. Ở đây tôi ví dụ về việc tôi muốn đề xuất tổ chức chương trình đào tạo nội bộ, còn nếu bạn muốn nói về chiến thuật bán hàng, khuyến mãi, tri ân khách hàng hay marketing thì cứ việc đổi lại. Cứ mang những câu chuyện thành công và thất bại ra mở bài, xong đưa luận điểm của bạn vào. Vì sao nó phù hợp với công ty hiện tại. Rồi thuyết phục.

Làm dần sẽ khá lên. Không ai mới đẻ ra là biết đi hết, siêu nhân cũng phải tập như người thường thôi. Nên đừng ngại, cũng đừng sợ. Từ từ rồi sếp sẽ nghe, lúc đó là bạn làm được rồi.

Vậy nên mới nói, nhiều bạn chuyên môn rất tốt, trình độ tuyệt vời nhưng mà khó thăng tiến là bởi vì gặp mấy ông sếp khó "chiều". Chịu khó một chút, mình thay đổi bản thân và nâng cấp kỹ năng mềm lên thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Tôi cũng như các bạn thôi, thậm chí hồi đó còn không có ai dạy. Trường đời hên thì gặp mấy anh lớn chia sẻ, còn đại học thì chắc chắn là không. Giờ nghĩ lại thấy nếu chia sẻ được cho mọi người thì tốt quá, công ty giữ được người tài, sếp có thêm trợ thủ đắc lực. Cả tập thể đều vui vẻ và kiếm được tiền.