Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

“Thay đổi các thói quen xấu của thân thể”

 Trước lúc làm chủ được hơi thở để tiến tới việc thâm nhập vào trong nội thể và vùng vô thức của bạn. Bạn phải biết cách khống chế và thay đổi các thói quen xấu của thân thể,

Tôi chưa nói đến những thói quen mang tính ý thức và tư duy, ví dụ các thói quen lựa chọn các đối tác cho sự hưởng thụ, các thói quen nghiện ngập…

Điều đầu tiên bạn cần phải làm, là loại bỏ các thói quen vô thức của sinh hoạt hàng ngày, ví dụ:

1/ Khi ngồi, bạn phải ý thức được rằng, nếu cách ngồi sai, nhất là với người làm việc văn phòng, thì hệ quả của nó vô cùng tai hại. Vì vậy trước khi ngồi xuống, dù là bất kỳ ngồi ở đâu, bạn phải có động thái chỉnh sửa lại dáng ngồi, ngồi thế nào cũng được, nhưng hai chân không bắt chéo lên nhau. Lưng phải thẳng, từ đỉnh đầu đến chót xương cùng phải là một đường thẳng, lưng không được phép cong gập và không gấp khúc ở vùng cổ gáy ( hơi cúi xuống).

2/ Khi nằm, không nằm nghiêng co quắp, không gối tay lên đầu. Nằm ngửa là tốt nhất và tuyệt đối không được chồng chéo chân lên nhau.

3/ Khi đứng, hai mũi bàn chân không được choãi chữ V. Mà hai bàn chân phải luôn luôn song song với nhau

4/ Khi đi, không cúi đầu hấp tấp, phải đỉnh đạc khoan thai dù có bận đến đâu cũng vậy. Đi tới thì đặt gót bàn chân xuống trước, đi lui thì đặt mũi bàn chân xuống trước
….

Đừng tưởng thế là quá dễ và quá đơn giản. Bởi nếu bạn thường xuyên nghĩ đến và làm được như vậy mỗi khi đi, đứng, nằm, ngồi thì bạn đã và đang thay đổi số phận của bạn, bạn đã và đang đưa đời sống của bạn đến cảnh giới có chất lượng cao hơn.

Đừng tưởng đó là việc làm sơ sài, nếu bạn luôn tâm niệm và là được như vậy, chính là bạn đang thực hiện một pháp Tu Hành tối thượng thừa để dọn đường thâm nhập vào thế giới vi tế của cơ thể bạn

Đừng đi tìm những triết lý cao siêu. Con đường giải thoát khỏi bệnh khổ chỉ có thể bắt đầu từ những điều giản dị như vậy.

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Tư Duy Làm Chủ Hay Muôn Kiếp Làm Thuê

 Những ai lớn lên ở thành phố sẽ không biết được điều này, nhưng có một loại cỏ mọc cùng với lúa, nên ở nông thôn, người ta phải nhổ cỏ trên cánh đồng để lúa có thể mọc.

 
Nông dân sẽ bảo tá điền đi nhổ cỏ trên cánh đồng, và tá điền sẽ đi và làm việc cả ngày. Nhưng nếu người nông dân đi thăm ruộng vào ngày hôm sau, người đó sẽ vẫn thấy cỏ. Ông ấy có thể cử tá điền đi hết lần này đến lần khác, nhưng vẫn sẽ luôn có cỏ mọc cho tới khi người nông dân phải đích thân ra và nhổ cỏ.
 
Tại sao lại như vậy? Bởi vì người nông dân, vốn là chủ ruộng lúa, rất quan tâm đến đất đai của mình. Nhưng người tá điền thì không có mối quan tâm đó vì đó không phải là đất của anh ta.
 
Vì người nông dân là chủ, ông ấy chủ động làm mọi cách để chăm chút cho đất đai của mình. Ông ấy biết mình phải làm gì mà không cần ai nói với ông ấy. Tuy nhiên, người tá điền thì không tìm việc để làm. Nếu không ai bảo anh ta phải làm gì thì anh ta không làm gì cả.
 
Cho nên các bạn thấy sự khác biệt trong suy nghĩ của một chủ ruộng và một tá điền. Nếu nghiên cứu kỹ sự suy tàn của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày nay, chúng ta có thể thấy rằng có rất nhiều điều liên quan đến những suy nghĩ mà tôi đang nói đến: Hầu hết mọi người đều là tá điền.
Nếu nhìn ra xung quanh, các bạn sẽ thấy rằng có những người không chỉ làm những gì họ phải làm mà còn làm cho người khác mà không cần phải bảo. Mặt khác, các bạn cũng sẽ thấy rằng có những người không làm công việc của mình trừ khi được bảo, nói gì đến làm công việc của người khác. Một lần nữa, có thể thấy sự khác biệt trong tư duy người làm chủ và tư duy tá điền.
 
Các bạn cần phải luôn làm việc và sống với tư duy của một người chủ. Người có tư duy như vậy không ngại hoàn cảnh. Những nhân viên làm việc với tư duy làm chủ này giúp cho công ty thành công. Nhưng có những người có tư duy tá điền, tự thấy kiếm đồng lương mỗi tháng bằng việc chỉ làm những gì được cấp trên bảo đã là đủ. Nhưng công ty sẽ chẳng bao giờ thành công, và thái độ như thế ảnh hưởng không chỉ tới cuộc sống gia đình mà còn tới sự phát triển của quốc gia nữa.
 
Một người chủ, giống như người nông dân, không chỉ đứng nhìn – ông ấy phải hành động. Cho nên tất cả các bạn phải phát triển tư duy làm chủ này. Các bạn phải trở thành người nông dân chứ không phải tá điền. Làm như vậy, các bạn sẽ trở thành tấm gương cho những người khác và có thể theo đuổi được những gì các bạn phải làm. Các bạn phải nghĩ rằng mình là người duy nhất có thể làm công việc của mình, rằng các bạn rất cần cho công việc của mình. Có như vậy, các bạn mới trở nên hạnh phúc và đồng thời cải thiện được năng lực của mình. Nếu không làm được như vậy, các bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc và năng lực của các bạn sẽ không thể tăng lên.
 
Chẳng hạn, các bạn sẽ thấy rằng những sinh viên đứng đầu không chỉ thực hành nhiều, lặp lại nhiều mà họ còn sử dụng tất cả thời gian dư thừa của mình để học tập. Và vì họ làm việc đó cho chính họ nên họ thấy hạnh phúc hơn khi học hành và năng lực của họ tự động tăng lên. Tuy nhiên, điều này không đúng với những sinh viên kém. Họ không ngồi yên học hành cho bản thân. Họ phải ép mình làm bài tập, và một số sinh viên thậm chí còn không hề làm bài tập. Chắc chắn, không có sinh viên nào thích thú học hành nếu bị ép phải làm việc đó. Những sinh viên bị ép phải học đều không học tốt và kết quả là không thể nâng cao năng lực của mình.
 
Không ai có thể sống cuộc sống thay cho bạn – tất cả là chính bạn. Cuộc sống của các bạn tùy thuộc vào sự tự tin của chính bạn, bởi vì các bạn không thể trao gửi nó cho bất kỳ ai khác. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ không dại dột đánh mất ý thức làm chủ của mình và trở thành những “tá điền.” Hãy trở thành chủ nhân của chính mình, ông chủ của chính mình, và hãy sống theo cách đó.

5 Bài Học Người Khôn Ngoan

 

1. Chọn từ ngữ một cách khôn ngoan — đặc biệt là trên mạng

Chúng ta thường nghĩ rằng mình nên ăn to nói lớn, nên phát ngôn thật “chất” để thu hút những người xung quanh. Đặc biệt với việc internet phát triển, mạng xã hội phát triển, chúng ta cũng thỏa sức thể hiện quan điểm cá nhân chứ không e dè như ngoài cuộc sống thật.

Điều này không chỉ gây ra một số hệ lụy không đáng có mà còn khiến chúng ta mãi mãi không thể trưởng thành được.

Hãy nhớ:

  • Nói đúng nơi đúng chỗ
  • Lựa chọn lời nói để vừa truyền đạt được đúng ý của mình, vừa không làm tổn thương người khác
  • Suy nghĩ kỹ trước khi nói và có trách nhiệm về lời nói của mình

2. Thế giới đang theo dõi bạn

Dù muốn hay không – khi sinh ra, lớn lên và sống trong thời đại này, những lời nói và hành động của bạn có thể sẽ bị cả thế giới chú ý đến. Bất cẩn hoặc thiếu suy nghĩ cuối cùng có thể ảnh hưởng đến cơ hội học tập và việc làm của một người theo những cách mà chúng ta không thể ngờ được.

Nghe tưởng chừng như quá nghiêm trọng và không liên quan gì đến mình, nhưng sự thật là có. Tôi đưa ra một ví dụ nhỏ như thế này:

Khi bạn nộp đơn xin việc qua email, nhân sự có thể sẽ lướt qua trang mạng xã hội cá nhân và những người thường xuyên có những phát ngôn không đúng mực có thể khiến nhân sự của công ty ái ngại.

3. Internet không thể thay thế cách liên lạc thông thường

Chúng ta, và những thế hệ càng về sau này, càng bị phụ thuộc vào internet. Chúng ta cho rằng thỉnh thoảng đăng 1-2 tấm hình, 1-2 dòng trạng thái trên mạng xã hội thì coi như đó đã là cách giao tiếp với bố mẹ hay những bạn bè thân thiết rồi. Chúng ta quên hẳn những cuộc gọi, hay những lần gặp mặt trực tiếp.

Nhưng, sự thật, thế giới ảo, giao lưu vắng mặt không thể kéo giữ tình thân, tình bạn lâu bền. “Xa mặt cách lòng” chưa bao giờ sai! 

4. Ngừng so sánh và công kích

Vẫn là câu chuyện khi internet phát triển, những tấm gương tài giỏi, thành công sẽ được thổi phồng lên. Trang nào cũng đưa tin, tờ báo nào cũng chia sẻ, chương trình truyền hình nào cũng mời. Vô hình chung, người sống trong thời đại này dễ bị so sánh bản thân mình với những hình mẫu tưởng chừng quá hoàn hảo như thế.

Có một điều chúng ta không biết, họ cũng là con người, cũng có những sai lầm và thất bại.

Một mặt khác, người dùng internet cũng dễ dàng chĩa mũi nhọn vào một cá nhân có những cư xử chưa đúng mực và sẵn sàng thay đổi sự thật, không công nhận những mặt tốt của họ.

5. Đừng sống quá vội

Thế giới thay đổi mỗi giây.

Cuộc sống cơm áo gạo tiền cũng không chờ đợi một ai cả.

Nhưng nếu chúng ta cũng tự cuốn bản thân mình vào vòng xoáy đó, tôi tin rằng bạn sẽ không được sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Chúng ta sẽ bận rộn chạy theo những thứ mà xã hội cho đó là xu thế.

Chúng ta sẽ không còn thời gian để nghĩ xem bản thân mình muốn sống như thế nào.

Chúng ta sẽ nhanh nhanh chóng chóng hoàn thành những việc để làm hài lòng người khác.

Hãy sống chậm lại, cảm nhận mọi thứ kỹ càng hơn, trải nghiệm nhiều điều có ý nghĩa!

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

HOÁ RA DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN VIỆT NAM KHÔNG HỀ CÒI CỌC

 Lâu nay chúng ta thường hay nói DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN VIỆT NAM CÒI CỌC, rất nhỏ bé so với doanh nghiệp FDI, so với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chỉ chiếm có 8.6%-10% GDP mà thôi.

Hoá ra không phải, tất cả là do chúng ta thống kê thiếu, chúng ta tính sót các doanh nghiệp tư nhân (DNTN).
Theo thống kê cũ thì DNTN chỉ chiếm có 10% GDP, nhưng khi tính lại GDP người ta phát hiện ra đã tính sót 76.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp dịch vụ. Hiển nhiên là DNNN không thể tính sót, hiển nhiên là doanh nghiệp FDI không thể tính sót, vậy số 76.000 doanh nghiệp tính sót chính là DNTN.
Vậy thì sau khi tính lại GDP quốc gia tăng thêm 25,4% (tức GDP 2020 là 347 tỷ USD) thì DNTN tăng lên thành 32,86% GDP, trở thành thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP quốc gia, cao hơn cả DN nhà nước, cao hơn cả DN FDI, cao hơn cả hộ gia đình.
Đây là công bố của bộ Tài chính năm 2019:
- Hộ gia đình 32%
- Doanh nghiệp tư nhân 10%
- DN FDI khoảng 20%
- DN nhà nước khoảng 38%
Tôi tính toán lại tỷ trọng GDP sau khi tính lại GDP như sau:
Khi GDP tăng nên 25,4% thì tỷ lệ của Hộ gia đình, DNNN, DN FDI đều giảm đi 25,4%, chi tiết:
- Hộ gia đình: 32% x 74,6% = 23,87%
- DNNN: 38% x 74,6% = 28,35%
- DN FDI: 20% x 74,6% = 14,92%
- DNTN: (10% x 74,6%) = 7,46%
TCTK không nói hộ gia đình tính sót, có nghĩa rằng toàn bộ sót là của DNTN.
Như vậy DNTN=7,46+25,4=32,86%
Như vậy thứ tự thành phần kinh tế như sau: DNTN 32,86%, DNNN 28,35%, hộ gia đình 23,87%, DN FDI 14,92%.
Hoá ra DN Tư nhân Việt Nam đâu có còi cọc, đâu có lép vế so với DN FDI và DNNN như lâu nay chúng ta vẫn tưởng.
Hoá ra DNTN Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, còn DN FDI lại chiếm tỷ trọng thấp nhất trong GDP. Tất cả chỉ vì tính sót mà thôi.

Ấn Độ - Thiên đường và địa ngục

 Nhiều người từng đến Ấn Độ chắc đều có chung một cảm giác là đã đến một đất nước với hai thái cực, vừa là địa ngục vừa là thiên đường. Bẩn thỉu và thánh thiện, ồn ào và lười nhác, xảo trá và chính trực. Sự biến đổi ở đây là không thể lường trước được, nhưng lại không thể cưỡng lại được. Sáu nghìn năm văn hiến đã khiến cho Ấn Độ toát lên khí chất mạnh mẽ giữa thần tiên và ma mị, đồng thời cũng khiến tâm trạng một du khách như lão PP thăng trầm như chiếc xe vượt núi băng đèo trong suốt cuộc hành trình.

Hơn 20 năm trước, lão lần đầu tiên đến sân bay Delhi, có cảm thấy không khác gì những sân bay quốc tế khác. Nhìn thấy quầy taxi, lão bước đến trả tiền trước cho một chiếc xe, vừa bước ra khỏi sảnh một mùi ẩm nóng phả vào mặt mang theo đủ vị, xăng, dầu, mồ hôi, cứt chó, cứt bò, mùi hoa, mùi nước hoa, mùi gia vị...hỗn độn khó tả. Đang loay hoay tìm phương hướng đi về bãi đậu taxi thì một tia chớp loé sáng, chiếc xe Hindustan Ambassador cũ kỹ tưởng chui ra từ đống rác đỗ xịch trước chân, một chiếc đầu xù tóc, khuôn mặt đen xì với đôi mắt chỉ lòng trắng thò ra bên ngoài xe (Ấn Độ vô lăng bên phải) “Sir, you book a car?” (Thưa ngài, ngài đặt xe chứ?). Lão hơi ngần ngại nhìn chiếc xe như đồ chơi nhưng vì là một tay lão luyện từng trôi nổi giang hồ nên rất dễ thích nghi mọi điều, lão “Yes” xong thì mở cửa xe định chui vào ngồi ghế bên tay trái lái xe thì trên ghế đầy rác rưởi, nào là vỏ hộp đồ ăn nhanh, vỏ chai, thuốc lá, giấy, khăn...Tay lái xe chỉ tay ra hàng ghế sau, lão chui vào chưa yên vị thì hắn đã rồ ga phun khói lao đi.
Cậu ta tăng ga lạng lách trên đường, vượt qua nhiều ô tô có vết đâm xước lồi lõm, xe nào cũng muốn tranh lao đi trước, chạm nhau là chuyện thường tình. Nhiều người chắc sẽ hoảng hồn về kiểu lái như một thằng điên cầm lái này, nhưng đối với lão quen trò mạo hiểm nên không hề lo lắng về điều này, dường như tốc độ điên cuồng của chiếc xe đã mang lại cho lão một cảm giác cực kỳ thú vị, lão luôn miệng cổ vũ “Hey, very good, try faster!” ( Này, được lắm, thử đi nhanh hơn). Một phần cũng để răn đe hắn rằng, bố mày đến từ New York, dọa bố mày đéo được đâu, và đừng giở những trò gì khác.
Không khí nóng ẩm phả mạnh vào mặt, nhìn xung quanh, dọc đường có rất nhiều cây xanh khiến lão hơi ngạc nhiên. Bỗng tay tài xế phanh gấp, một thằng cha khoác một chiếc bị hơi to đứng bên đường. Xe đậu lại, hắn tự nhiên như ruồi mở cửa chui lên xe ngồi cạnh lão, hắn chào lão cũng rất tự nhiên. Cậu lái xe cũng rất thản nhiên bắn cho lão hai câu cộc lốc “My friend “ ( bạn tôi). Lão chưa kịp hoàn hồn thì chiếc xe lại lao đi như bay rồi dừng lại ở một khu chợ ven đường, tay bạn đi nhờ xe lao xuống nhưng cũng không quên quay đầu vẫy tay chào lão “Thank you sir!” (Cảm ơn ông). Lão bị cứng lưỡi sau khi tay này lên ngồi cạnh và hít đủ mùi cà ri và mồ hôi của hắn. Lão chỉ kịp bật ra câu “Địt mẹ, chuối thật!”.
Điểm đến của lão là khách sạn 5 sao “The Park New Delhi” nhưng một người bạn từ Hồng Kông đến trước hẹn gặp lão tại sảnh nhà ga xe lửa New Delhi. Tay lái xe đậu xe trên một con đường bẩn thỉu và nói với lão rằng đây là chợ Main Bazaar đi bộ xuyên vào bên trong là ga xe lửa, hỏi sao không đưa tớ đến tận cửa, hắn nói phải về đi lễ với vợ, nếu đi đến cửa lại phải vòng hơi xa. Thôi đành vậy, tức giận cũng chẳng giải quyết được gì. Lão lê bước trên một con đường gập ghềnh đầy bùn đất và rác thải, không khí nồng nặc mùi phân bò, hai bên là những tòa nhà cũ nát tưởng chừng như sắp đổ sập, những cửa hàng nhỏ bày bán đầy quần áo, khăn quàng, thảm đủ màu sắc, dân tình đi lại nháo nhào, tiếng rao hàng, tiếng hét tìm người, tiếng đọc kinh kệ, tiếng chó sủa, tiếng còi xe cũng kinh thiên động địa.
Đến sảnh ga thì đã thấy thằng bạn đứng đấy bên cạnh là một chiếc xe Tuktuk. Cậu ta làm ăn ở đây nên rất thông thạo New Delhi. Cậu ta giải thích, giờ này đi Tuktuk sẽ nhanh hơn taxi vì tắc đường trầm trọng. Thế là lại ngồi lên Tuktuk, rồi như một cơn lốc, xe luồn lách lao đi như một con chó điên xổng chuồng khiến người ngồi trên rớt tim nếu như chưa từng trải. Một hồi rồi cũng đến được khách sạn.
Bước vào khách sạn là thiên đường, là một thế giới hoàn toàn khác chỉ cách một bức tường với bên ngoài. Kẻ hầu người hạ giúp xách hành lý, đưa tận tay những chiếc khăn, đồ uống mát lạnh. Mọi tiện nghi từ nhà hàng, quầy bar, mát xa, bể bơi cho đến phục vụ đều tiêu chuẩn thế giới. Tắm rửa thay đồ xong, hai thằng xuống sảnh khách sạn. Một chiếc xe Mercedes-Benz đen mới cứng từ từ lăn bánh vào trước sảnh, một cậu lái xe ăn mặc áo trắng quần Tây đen là lượt phẳng phiu nhẩy xuống mở cửa xe mời hai vị lên. Ngồi trong xe mát lạnh thơm tho nên cũng không cảm thấy đường dài sau đấy đến một dinh thự ở khu người giàu Sunder Nagar bên cạnh là dòng sông Sunder Nagar tuyệt đẹp. Chủ nhân là một cặp vợ chồng trẻ thuộc giới thượng lưu Ấn Độ kinh doanh trong ngành công nghiệp phim ảnh Ấn Độ Bollywood. Mỗi năm họ làm vài chục bộ phim và thu nhập vài trăm tỷ VNĐ như chơi.
Đừng hình dung biệt thự 40 nghìn mét vuông của hai vợ chồng này như biệt thự Ecopark Việt Nam hay thậm chí như biệt thự bình thường ở Beverly Hills, Los Angeles, California, Mỹ. Nó kinh tởm hơn nhiều, nó rộng và chiếm cả một quả đồi. Hai vợ chồng hai đứa con có hơn 50 người hầu hạ. Lão cũng không muốn tả lại căn biệt thự này làm chi, bởi nói như vậy là đủ. Riêng căn phòng làm rạp chiếu phim của họ thì lão thực sự ngưởng mộ. Màn hình rộng, ghế ngồi như ghế máy bay hạng thương gia năm sao cho khoảng 30 người, mỗi người một tủ lạnh một bàn đủ đồ uống, rượu và đồ ăn vặt. Âm thanh nổi, sự phân giải màu sắc thì tuyệt đỉnh. Lão đã từng tự hào về căn phòng xem duyệt phim của hãng phim Gia Hoà, Hồng Kông và cứ đinh ninh là nhất châu Á, khi nhìn thấy căn rạp mini thượng lưu này mới cảm thấy hổ thẹn.
Chiều hôm ấy được hai vợ chồng chiêu đãi một bữa ăn nửa Âu nửa Á do một đầu bếp thuê từ Hồng Kông. Suốt bữa ăn, lão được nghe chủ nhân kể về sự khác biệt trong xã hội Ấn Độ và ngành điện ảnh mà họ đang kinh doanh. Nói tóm lại, họ đã giải thích trước những cái mà lão sẽ được chiêm nghiệm vào vài ngày tới.
3 giờ sáng hôm sau vợ chồng này cho lái xe đến đón lão tại khách sạn đi 3 tiếng đồng hồ thì đến Taj Mahal để vừa kịp ngắm bình minh ở đây. Taj Mahal là một trong bảy kỳ quan thế giới và còn được biết đến như một đài tưởng niệm tình yêu tuyệt đẹp do Hoàng đế Shah Jahan xây dựng cho vợ mình là Mumtaz Mahal. Đây là một kỳ quan kiến ​​trúc được làm bằng đá cẩm thạch trắng và khảm 33 loại đá quý khác, các nghệ nhân đã mất gần 22 năm để xây dựng lăng mộ kỳ diệu này. Nếu để chiêm ngưỡng kỹ càng lăng mộ này thì cần khoảng vài ngày. Nhưng cưỡi ngựa xem hoa thì cũng nhìn ra một mối tình đáng ca tụng đến muôn thuở. Lão nhớ khi bước vào cổng Taj Mahal, có một dòng chữ viết như sau: “O Soul, thou art at rest. Return to the Lord at peace with Him, and He at peace with you.” ( Này linh hồn, ngươi đã yên nghỉ. Hãy trở về bên Thượng đế, bình yên với Ngài, và Ngài sẽ bình yên với bạn.)
Mấy ngày sau, lão muốn tự mình đi khám phá New Delhi và lang thang hết hang cùng ngõ hẻm. Từ New Delhi hiện đại đến Old Delhi cũ kỹ rách nát. Ghé thăm Chandni Chowk, Jama Masjid, Kinari Bazaar, Silver Market và Chợ Gia vị lớn nhất Châu Á. Rồi đi thăm Cổng Ấn Độ, Tòa nhà Tổng thống, Quốc hội Ấn Độ và Quảng trường Connaught.
Những con đường nhỏ hẹp, quanh co và lề đường của Delhi cũ là minh chứng cho sự cai trị của Mughal trước đây. Old Delhi có một trong những khu chợ lâu đời nhất và sầm uất nhất của đất nước – Chandni Chowk (Moonlight Square). Ở đây bạn có thể chiêm nghiệm những món ăn dân gian của Ấn Độ. Đây cũng là một con phố khác thường, một địa điểm tôn giáo nổi tiếng mà các tôn giáo khác nhau cùng tồn tại. Ở đây có Đền Tianyi Sect Jain, Đền Gaoli Sankha của Ấn Độ giáo, Nhà thờ Christian Central Baptist, nhà thờ Đạo Sikh, Nhà thờ Hồi giáo vàng Islam, Nhà thờ Hồi giáo Islam Fatehpur. Nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng nhất ở Delhi, Jama Masjid, cũng nằm gần đó và được xây dựng vào năm 1650.
Đi bộ trên đường phố New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, những khác biệt rất lớn ở thành phố này thật đáng ngạc nhiên. Bên cạnh những khu ổ chuột đổ nát là những khu dân cư cao cấp, với những con chim cùng con người kiếm ăn trên bãi rác, những con khỉ trên dây điện trong khu phố cổ ... Sự nghèo đói và giàu sang được bộc lộ quá ư là sắc nét.
Lão đi vào khu ổ chuột Tughlakabad, không khí nồng nặc đầy mùi nước tiểu. Ngoài ra, nhiều con đường ngập rác và chất thải không rõ nguồn gốc, nhiều lúc không biết đặt chân vào đâu, phân trẻ em chỗ nào cũng có, lão thấy vài bà mẹ bế con để chúng ỉa ngay trên đường. Lão len lõi vào một chiếc hẻm, có đoạn chỉ rộng bằng một người đi vào để theo chân một anh bạn lái xe Tuktuk vào thăm nhà anh ta ở đây. Căn nhà có 5 mét vuông kê 2 giường tầng ở đến 6 người. Tuy họ nghèo khổ nhưng họ vẫn vui vẻ nhiệt tình và không hề ái ngại với người bạn mới quen.
Ngược lại ở New Delhi, đặc biệt là trong khu vực trung tâm thành phố, cây cối rậm rạp, sạch sẽ và thoáng rộng, trong khi tình trạng lộn xộn ở Old Delhi thật sự gây sốc, hai cảnh tượng chỉ ngăn cách nhau bởi một bức tường cổ.
Khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ lớn như thế nào? 5 mét vuông nhà cho người nghèo và 40 nghìn mét vuông dinh thự cho người giàu. Nói vậy dễ hình dung hơn.
Ấn Độ luôn được biết đến là nghèo đói trong mắt người nước ngoài. Nhưng điều mà nhiều người không biết là đất nước bị người khác chê nghèo, nhưng số lượng tỷ phú lại đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Lấy ví dụ như người đàn ông giàu nhất Ấn Độ, Mukesh Ambani. Thu nhập hàng ngày của ông có thể đạt 10,7 tỷ Rupee. Ông đã vượt qua người giàu nhất Trung Quốc Jack Ma trước khi trở thành người giàu nhất châu Á và đứng thứ 16 trong danh sách người giàu toàn cầu.
Ở đất nước này, những khu nhà giàu và khu ổ chuột thường được ngăn cách chỉ một bức tường, nhưng những người giàu lại ngoảnh mặt làm ngơ trước những đồng bào đang chật vật với cơm ăn áo mặc, và cảm thấy không cần thiết phải giúp họ thoát nghèo. Ở phía đông và phía tây của một bức tường, phía đông là thiên đường tráng lệ trên trái đất, phía tây là địa ngục kinh hoàng của trần gian.
Những người giàu sống trong biệt thự, lái những chiếc xe hơi sang trọng và được kẻ thấp hèn hầu hạ. Họ sống như đế vương. Khi màn đêm buông xuống, họ lái những chiếc xe thể thao đắt giá gầm rú trên đường phố và ngõ hẻm. Họ có thể vung phí tiền kể cả ở Paris và hô phong hoán vũ bắt những người da trắng hầu hạ dưới ma lực của đồng tiền.
Còn những người “hàng xóm” của họ sống như chuột cống, tiền sinh hoạt hàng ngày thường chỉ vẻn vẹn một Đô La, họ phải sống trong những căn nhà dột nát, tối tăm ẩm thấp với bốn bức tường, suốt ngày quanh quẩn ở bãi rác tìm kiếm thức ăn có thể nuôi sống bản thân.
Hiện thực là vậy, một trong số ít họ đang đứng trên đỉnh của kim tự tháp và nhiều người còn lại đang quỳ dưới đáy của kim tự tháp, sự khác biệt là không thể tránh khỏi. Nhưng tuy vậy, tầng lớp dưới đáy sống rất vừa lòng với thực trạng, với số mệnh an bài và họ lại rất lãng mạn yêu đời. Bất cứ ở đâu, các bạn đều thấy nụ cười và ánh mắt chan chứa tình cảm của họ. Họ thích múa, thích hát, thích pha trò, chỉ cần đốt lửa và âm nhạc nổi lên, cho dù họ đang bận tay làm gì cũng vứt đấy ra tụ tập nhẩy múa hát hò đã. Mọi người đều không vì nghèo đói mà mất đi sự nhiệt tình và trung thực, một sự thành kính với tôn giáo tuy đơn giản nhưng vững vàng như đá hoa cương không hề suy suyển trước gió mưa, tháng ngày.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Ấn Độ là đất nước huyền diệu và lãng mạn, là cõi Cực Lạc mà Đường Tam Tạng đã trải qua muôn vàn gian nan đi đến để thỉnh kinh. Ấn Độ cũng là một đất nước đầy mâu thuẫn, đầy tranh cãi, nhưng lại đầy hấp dẫn. Một số người khi đã bước chân đến đây đều không khỏi yêu nó đến say đắm và khó có thể rời xa, coi nó như thiên đường, nhưng một số người lại chế nhạo Ấn Độ, mô tả nó như một khu chợ ồn ào, bẩn thỉu, nghèo nàn và lạc hậu, và coi nó như địa ngục. Nhà văn Mỹ Mark Twain đã từng nói rằng “vì sự phức tạp của Ấn Độ nên bất kỳ sự đánh giá nào cũng đều đúng”. Bản thân Ấn Độ là nơi giao thoa giữa thực tế và mộng cảnh. Câu trả lời nằm trong trái tim mỗi người, ngay trong mắt bạn. Bạn hy vọng nhìn thấy điều gì? Bạn muốn ngăn chặn điều gì? Chỉ bạn mới có thể giải thích Ấn Độ.
Ấn Độ là đất Phật, tuy rằng nó lộn xộn bẩn thỉu phản ảnh lên muôn kiếp nhân sinh trong cõi ta bà. Nhưng nếu bạn đến đây với một tấm lòng hành hương để trải nghiệm, thì ngoại cảnh không cần thiết. Bạn nhìn thấy dấu ấn của Phật, chạm tay vào cổ tích, đấy là thiên đường. Bạn nhìn thấy và chứng kiến hiện thực, đấy là địa ngục.
Lão đã chứng kiến những cảnh tượng không thể hiểu nổi này mà rơm rớm nước mắt, khi đã ngộ ra thấu hiểu mới cảm thấy sự ngu dốt và tầm thường của chính mình. Điều kỳ diệu của Ấn Độ là trong sự hoang tàn và hỗn loạn vẫn tỏa sáng trí tuệ của nền văn minh triết học cổ đại. Nếu nhìn nó bằng bộ óc văn minh hiện đại, bạn sẽ không hiểu hết Ấn Độ. Chúng ta chỉ nhìn thấy sự bất công của chế độ đẳng cấp và sự mê muội vào nhiều vị thần, nhưng chúng ta không thể cảm nhận được sự cân bằng của việc chấp nhận luân hồi ở mỗi người nơi đây, bởi vì tất cả những điều này có thể bị cho là mê tín.
Mặc dù Ấn Độ là một quốc gia, nhưng có hai thế giới cực đoan. Mặc dù họ cực đoan chia rẽ, nhưng lại khăng khít với nhau. Tầng lớp trên bóp cổ tầng lớp dưới, tầng lớp giàu sụ thành công là nhờ sự bóc lột tầng lớp dưới. Vậy trong thế kỷ 21, tại sao Ấn Độ vẫn chưa thay đổi được tình trạng này?
Thứ nhất, chế độ đẳng cấp phân tầng xã hội đã được lưu truyền hàng nghìn năm. Xã hội Ấn Độ được chia thành bốn đẳng cấp, Bà la môn, Kshatriya, Vaisha và Sudra. Theo quan điểm của họ, Bà La Môn là cửa miệng của người nguyên thủy và thuộc tầng lớp cao nhất của xã hội. Họ thuộc hàng tăng lữ và có quyền giải thích mọi kinh điển. Kshatriya là cánh tay của người nguyên thủy, do Bà-la-môn trực tiếp điều khiển, phụ trách quyền lực quân sự và chính trị. Vaisha là đùi của người nguyên thủy, là những người bình thường bao gồm nông dân, người chăn nuôi và thương gia. Sudra là chân của người nguyên thủy, thuộc về thấp nhất. Những người thuộc đẳng cấp này bao gồm những người hầu, thợ thủ công, bồi bàn và đầu bếp. Đây là giai cấp đông dân nhất. Những người thuộc dạng Bà La Môn sẽ không hề coi người thuộc dạng Sudra là “người”, không chạm tay vào họ thậm chí nếu đang đi trên đường mà chiếc bóng của họ bị chiếc bóng của người Sudra đè lên cũng lập tức về ngay để tắm rửa sạch sẽ.
Những người ở khúc cuối thấp nhất của kim tự tháp cam chịu phục tùng và không bao giờ cảm thấy rằng có bất kỳ vấn đề gì. Theo quan điểm của họ, ngay từ khi sinh ra, họ đã có một định mệnh bi thảm, nếu không phục tùng tầng lớp thượng lưu, họ sẽ vi phạm ý trời và bị ông trời trừng phạt.
Chế độ đẳng cấp ban đầu chỉ là lời nói xảo quyệt được tạo ra bởi những người ở cấp cao để hưởng sự thịnh vượng và giàu có vĩnh viễn, nhưng lời xảo quyệt này đã được lưu truyền trong 3000 năm và mọi người đều biết bộ mặt thực sự của nó. Người Anh khi thống trị nước này cũng đã từng nghĩ đến việc xóa bỏ chế độ này nhưng cũng không thành.
Ấn Độ đã độc lập trong nhiều năm và chưa bao giờ cảm thấy rằng chế độ đẳng cấp là một tệ hại. Chừng nào nó còn tồn tại, giai cấp xã hội sẽ tiếp tục cố định theo cách này, những người ở dưới đáy sẽ không bao giờ có cơ hội đứng lên và nắm quyền kiểm soát, và khoảng cách giàu nghèo sẽ tiếp tục được nới rộng.
Thứ hai, những mặt hạn chế của Ấn Độ giáo. Tôn giáo này cho rằng phụ nữ là hiện thân của cái ác. Họ được sinh ra để làm mê hoặc thế giới, họ chỉ là kẻ hầu của đàn ông, họ không xứng đáng với bất kỳ phẩm giá nào, và họ không có nhân quyền nào cả. Chừng nào sự nguyên thuỷ và hạn chế của Ấn Độ giáo không bị phá vỡ, thì phụ nữ Ấn Độ sẽ không bao giờ có thể phá vỡ gông cùm. Sự bất công bằng giữa nam và nữ của Ấn Độ khiến các vụ hiếp dâm vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi đất nước suy sụp.
Cả chế độ đẳng cấp và Ấn Độ giáo đều đã ăn sâu vào đất nước này và không thể xóa bỏ nó. Bởi vì một khi chạm đến những điều này thì đụng chạm đến lợi ích của tầng lớp trên khi tầng lớp này dù chỉ có 1% dân số nhưng nắm giữ đến hơn 70% tài sản cả nước. Và làm sao họ có thể chịu đựng được chiếc bánh của mình bị kẻ khác chia cắt?
Lần bùng phát thứ hai của đại dịch ở Ấn Độ là hình ảnh thu nhỏ cho những khiếm khuyết của Ấn Độ. Trước hết, họ biết rằng dịch bệnh vẫn chưa qua đi nhưng vẫn tổ chức các nghi lễ tôn giáo hoành tráng và tụ tập tranh cử. Thứ hai, họ tin tưởng một cách mù quáng, mê tín rằng với sự phù hộ của thần linh, họ có thể vượt qua dịch bệnh.
Dịch bệnh bùng phát, người chết như rạ, những người giàu đã đáp máy bay riêng trốn sang châu Âu để hưởng thụ tiếp, để lại những người nghèo vật lộn với dịch bệnh ở vùng đất thảm họa này.
Cầu nguyện cho họ, cầu nguyện cho một đất nước đáng yêu, đáng nhớ và huyền bí.