Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

Mỹ lấy đâu hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế và phát cho dân: Thu thuế, đi vay, hay in tiền?

 Chính phủ liên bang Mỹ thâm hụt ngân sách triền miên nên không có doanh thu thuế để kích thích kinh tế, hai nguồn tiền còn lại là đi vay và in tiền mới.


Mỹ lấy đâu hàng nghìn tỷ USD để kích thích kinh tế và phát cho dân: Thu thuế, đi vay, hay in tiền? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ năm 2017 Steven Mnuchin và vợ Louise Linton đến thăm nhà máy in tiền ở thủ đô Washington. (Ảnh: Bloomberg).

Từ khi COVID-19 bùng phát tại Mỹ vào tháng 3/2020 đến nay, Quốc hội và Nhà Trắng đã tung ra ba chương trình cứu trợ về kinh tế và y tế với tổng quy mô khoảng 5.000 tỷ USD.

Cụ thể, vào ngày 27/3/2020, Tổng thống Donald Trump ký ban hành Đạo luật CARES về an ninh kinh tế và hỗ trợ trong đại dịch với giá trị khoảng 2.200 tỷ USD. Đạo luật dành ra 300 tỷ USD để phát tiền mặt cho hàng trăm triệu người dân Mỹ: Mỗi người lớn được 1.200 USD và mỗi trẻ nhỏ được 500 USD. 

Khoảng 670 tỷ USD được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp trả tiền lương cho người lao động, 500 tỷ USD để cho các doanh nghiệp vay hoạt động, gần 340 tỷ USD hỗ trợ cho chính quyền các bang và thành phố, ....


Cuối tháng 12/2020, lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu thông qua và Tổng thống Trump tiếp tục ký ban hành Đạo luật Chi tiêu Hợp nhất 2021 trị giá 2.300 tỷ USD, trong đó có 1.400 tỷ USD cho các khoản mục chi thường xuyên của năm tài khóa 2021 và 900 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế do thiệt hại của COVID-19.

Tháng 3/2021, tân Tổng thống Joe Biden ký ban hành Đạo luật Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ trị giá khoảng 1.900 tỷ USD.

Sau khi nhận 1.200 USD hồi đầu năm 2020, mỗi người trưởng thành tại Mỹ còn hai lần được phát tiền mặt nữa, trị giá 600 USD và 1.400 USD/người. Ngoài ra, người dân Mỹ còn được cắt giảm nhiều loại thuế, tăng cường trợ cấp thất nghiệp, cho phép nghỉ có hưởng lương, ...

Tổng thống Joe Biden mới đây còn đề xuất một gói kích thích kinh tế trị giá 1.750 tỷ USD nhằm đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, kích thích kinh tế hậu đại dịch.

Mỹ lấy đâu hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế và phát cho dân: Thu thuế, đi vay, hay in tiền? - Ảnh 3.

Câu hỏi đặt ra là Mỹ lấy đâu ra tiền để chi trả cho những chương trình chi tiêu tốn kém này?

Tiền thuế không đủ chi hàng năm

Lần gần đây nhất ngân sách của chính quyền liên bang Mỹ có thặng dư là vào năm tài khóa 2001 với giá trị 128 tỷ USD. Liên tục trong 18 năm từ 2002 đến 2019, ngân sách liên bang đều thâm hụt, tổng giá trị lên tới trên 11.800 tỷ USD. Lưu ý đây là giai đoạn nền kinh tế hoạt động bình thường, không bị gián đoạn hay phong tỏa vì đại dịch.

Khi COVID-19 khởi phát vào năm 2020, nguồn thu không đi lên nhưng chi tiêu tăng sốc, hệ quả là ngân sách thâm hụt kỷ lục 3.132 tỷ USD. Sang năm 2021, mức độ thâm hụt đã giảm so với 2020 nhưng vẫn lên tới 2.772 tỷ USD, gấp gần ba lần năm 2019.

Tính theo quy mô nền kinh tế, thâm hụt năm 2021 tương đương 12,4% GDP, giảm so với mức 15% của năm ngoái nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với con số 4,7% của năm trước dịch.

Mỹ lấy đâu hàng nghìn tỷ USD để kích thích kinh tế và phát cho dân: Thu thuế, đi vay, hay in tiền? - Ảnh 2.

Có thể thấy, nguồn thu của chính phủ Mỹ là không đủ để đáp ứng nhu cầu chi trong những năm yên bình và càng thiếu hụt nhiều hơn trong đại dịch.

Quanh năm lo nợ vượt trần, đóng cửa chính phủ

Khi thu từ thuế và phí không đủ cho chi tiêu, chính quyền liên bang sẽ phải vay nợ. Thực tế trong nhiều thập kỷ qua, khối nợ công của Mỹ không ngừng leo thang và đạt kỷ lục 28.500 tỷ USD trong năm 2021, tương đương 125% GDP. 

Riêng trong quý II/2020 sau khi Washington tung ra gói cứu trợ đầu tiên trị giá 2.200 tỷ USD, dư nợ đã tăng tới 3.200 tỷ USD.

Mỹ lấy đâu hàng nghìn tỷ USD để kích thích kinh tế và phát cho dân: Thu thuế, đi vay, hay in tiền? - Ảnh 3.

Chính phủ tích cực đi vay khiến Mỹ sớm chạm trần nợ công 28.400 tỷ USD trong năm 2021. Nếu không nâng trần nợ, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không thể đi vay thêm, chính phủ không có tiền để hoạt động và nhiều cơ quan liên bang phải đóng cửa, càng không nói đến chuyện kích thích kinh tế.

Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã phải ngồi lại với nhau và sau nhiều ngày "cò kè bớt một thêm hai", đồng ý nâng trần nợ thêm 480 tỷ USD vào hôm 7/10.

Trần nợ mới 28.880 tỷ USD không trụ được lâu trước tốc độ vay nợ của Washington. Đến tháng 12, chính phủ Mỹ lại có nguy cơ phải đóng cửa, lưỡng đảng một lần nữa phải ngồi lại với nhau. Hôm 15/12 vừa qua, Quốc hội thống nhất dự luật nâng trần nợ thêm 2.500 tỷ USD rồi gửi tới Nhà Trắng. Ông Biden ký ban hành chính thức vào ngày 16/12, tránh thảm họa vỡ nợ quốc gia.

Fed in tiền tràn ngập nền kinh tế

Nhu cầu tài trợ cho các gói kích thích kinh tế đắt đỏ đã tạo nên áp lực khổng lồ cho hoạt động vay nợ của chính phủ Mỹ. 

Câu hỏi đặt ra là những người cho vay lấy đâu ra tiền để liên tục mua trái phiếu Kho bạc Mỹ? Và các chủ nợ này có sợ Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ vì vay nợ quá đà hay không?

Câu trả lời là: Tiền đến từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và vì Fed có thể tạo ra tiền nên khó có chuyện chính phủ Mỹ hết tiền để trả nợ.

Hoạt động in tiền giấy và đúc tiền xu được thực hiện bởi Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, Fed mới là đơn vị tính toán và quyết định mỗi năm cần đưa thêm bao nhiêu tiền vào lưu thông, sau đó Fed gửi đề xuất tới Bộ Tài chính để thực hiện.

Trong năm tài khóa 2020, Fed đã yêu cầu in gần 5,2 tỷ tờ tiền với mệnh giá khác nhau, tổng trị giá khoảng 143 tỷ USD.

Ngoài tiền giấy và tiền xu mà người dân có thể cầm trong tay, Fed còn tạo ra tiền trong tài khoản các ngân hàng thông qua bút toán điện tử trên máy tính, và đây là cách chủ yếu mà Fed gia tăng cung tiền trong nền kinh tế. Khi truyền thông nói đến việc "Fed in tiền", ý nghĩa chính không phải là dùng máy in để tạo ra các đồng bạc xanh trong ví mà là dùng máy tính để tăng lượng tiền trong tài khoản.

Thống kê của Fed cho thấy cả cung tiền mở rộng (M2) và cung tiền cơ sở (M0) của Mỹ đều tăng sốc trong đại dịch do một lượng tiền lớn được tạo thêm.

Mỹ lấy đâu hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế và phát cho dân: Thu thuế, đi vay, hay in tiền? - Ảnh 6.

Luật của Mỹ không cho phép Fed in tiền rồi chuyển trực tiếp cho chính phủ chi tiêu. Thay vào đó, Bộ Tài chính phải vay nợ thông qua phát hành trái phiếu cho công chúng, thường là các ngân hàng, quỹ đầu tư lớn, ...

Tuy vậy, Fed lại được phép mua trái phiếu Kho bạc trên thị trường thứ cấp từ các ngân hàng thương mại, đây cũng là nghiệp vụ thị trường mở căn bản của ngân hàng trung ương.

Từ đầu đại dịch, mỗi tháng Fed chi ra 120 tỷ USD để mua trái phiếu, bao gồm 40 tỷ USD trái phiếu đảm bảo bằng nợ thế chấp (MBS) và 80 tỷ USD trái phiếu Kho bạc. Tổng giá trị của chương trình nới lỏng định lượng (QE) này lên tới hàng nghìn tỷ USD.


Nói cách khác, các định chế tài chính lớn như JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Goldman Sachs, ... bỏ ra 80 tỷ USD mỗi tháng để cho Bộ Tài chính vay, sau đó bán lại khoản vay này cho Fed và ăn chênh lệch giá. 

Sau khi bán trái phiếu cho Fed, các ngân hàng lại có tiền để tiếp tục cho chính phủ vay, rồi lại bán cho Fed ăn chênh lệch, lại có tiền để cho vay vòng mới, ... 

Nếu Fed không tích cực mua lại trái phiếu Kho bạc từ thị trường thứ cấp, các ngân hàng cũng sẽ không có dòng tiền để tiếp tục cho vay. Fed đã, đang và sẽ gián tiếp cho chính phủ Mỹ vay tiền để chi tiêu và kích thích kinh tế.

Sự thống trị lâu đời của USD [Bài 2]: Nhiều nước muốn lật đổ nhưng chưa làm được hoặc không dám làm

 Để lật đổ sự thống trị của USD, các quốc gia phải xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh hơn nước Mỹ, gia tăng quy mô và sự minh bạch trên thị trường tài chính - chứng khoán, thay đổi hệ thống thanh toán quốc tế, thả nổi tỷ giá, cho phép dòng vốn tự do luân chuyển, chấp nhận thâm hụt thương mại triền miên, .... Một số nhiệm vụ quá khó khăn, số khác lại kéo theo những hệ lụy không mong muốn.

Việc USD làm đồng tiền dự trữ quốc tế kéo theo nhiều hệ lụy với nước Mỹ. (Ảnh minh họa: AFP).

Điều các nước chưa thể làm: Trở nên hùng mạnh hơn nước Mỹ

Để một đồng tiền được chọn làm dự trữ toàn cầu, đất nước phát hành ra đồng tiền đó phải có nền kinh tế khổng lồ và thị trường tài chính quy mô lớn, minh bạch. Mỹ hiện đang dẫn đầu thế giới về quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như vốn hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu, từ đó tạo chỗ dựa vững chắc cho USD.

Những người cầm USD tin tưởng rằng kể cả khi các quốc gia khác tẩy chay USD thì nền kinh tế lớn nhất hành tinh vẫn sẽ chấp nhận đồng bạc xanh làm phương tiện thanh toán cho các giao dịch mua tài sản, hàng hóa hoặc chứng khoán trên đất Mỹ.

Từ khoảng năm 1974 đến nay, USD còn được dùng để niêm yết giá và thanh toán cho các giao dịch dầu mỏ của hầu hết cường quốc năng lượng như Arab Saudi, Kuwait, UAE, … Các vương quốc Trung Đông đồng ý nhận USD khi bán dầu để đổi lấy việc Mỹ cam kết sẽ đảm bảo an ninh quân sự cho Vùng Vịnh, các nước khác cũng làm theo thông lệ này.

USD không còn được đảm bảo bằng vàng thỏi như thời thỏa thuận Bretton Woods (1944 - 1971) nhưng lại gắn chặt với “vàng đen” thiết yếu trong hoạt động kinh tế.

Nhiều nước muốn đồng tiền của mình hạ bệ USD, nhưng không nước nào có thể đưa quy mô GDP và thị trường tài chính vượt qua Mỹ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ cũng nằm trong top đầu thế giới.

Mỹ có các sàn chứng khoán lớn nhất thế giới, sẵn sàng đón dòng tiền USD từ nước ngoài vào đầu tư.

Bản thân việc USD được dùng phổ biến trong thời gian dài có nghĩa là các chính phủ, doanh nghiệp và hệ thống tài chính khắp thế giới đã quen với đồng bạc xanh, hạ tầng thanh toán liên ngân hàng được xây dựng dành cho USD. Thời gian, công sức và chi phí để chuyển sang một đồng tiền dự trữ toàn cầu khác là cực lớn.

USD có nhược điểm, nhưng nếu không tồn tại phương án thay thế nào thực sự vượt trội, các quốc gia sẽ không sẵn sàng từ bỏ đồng USD vốn dĩ đã quá quen thuộc.  

Điều mà các nước không dám làm: Thả nổi tỷ giá, bỏ kiểm soát vốn, chấp nhận thâm hụt thương mại

Tình trạng nhập siêu kinh niên

Để USD làm đồng tiền dự trữ của toàn cầu, Mỹ phải liên tục bơm USD ra thế giới thông qua thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai. Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, tức là số tiền trả cho nước ngoài để mua hàng hóa, dịch vụ lớn hơn số tiền thu về, qua đó làm tăng nguồn cung USD ở nước ngoài.

Tài khoản vãng lai (chủ yếu bao gồm cán cân thương mại) của Mỹ đã thâm hụt trong 31 năm liên tục từ 1992 đến 2022, tổng giá trị hơn 13.400 tỷ USD.

Ngược lại, từ 1997 đến 2022, Trung Quốc liên tục thặng dư tài khoản vãng lai, tổng cộng hơn 4.400 tỷ USD, Eurozone thặng tư tổng cộng gần 2.600 tỷ USD, Nhật Bản hơn 3.600 tỷ USD, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Để nhân dân tệ, euro hay yen trở thành tiền dự trữ toàn cầu, các quốc gia này sẽ cần từ bỏ thặng dư thương mại.

Mỹ thâm hụt tài khoản vãng lai liên tục từ 1992 đến 2022, đưa hơn 13.400 tỷ USD ra thị trường quốc tế để làm nhiệm vụ đồng tiền dự trữ toàn cầu. Các nền kinh tế lớn khác ghi nhận thặng dư lớn.

Cán cân thương mại có mối liên hệ mật thiết với tỷ giá. Nhu cầu sử dụng USD rất lớn nên đồng bạc xanh thường bị định giá quá cao (overvalue), khiến cho hàng hóa sản xuất ở Mỹ kém cạnh tranh so với hàng của các nước khác. Mỹ xuất khẩu khó khăn nhưng nhập khẩu lại thuận lợi, tạo ra thâm hụt thương mại khổng lồ như vừa nói ở trên.

Việc hàng nước ngoài tràn vào Mỹ cộng thêm nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất ra các nước khác để giảm chi phí liên quan tới tỷ giá và nhân công đã làm Mỹ mất đi hàng triệu việc làm, nhiều nhà máy phải đóng cửa. Khu vực thiệt hại nặng nề nhất là Vành đai Rỉ sét (Rust Belt) gồm các bang Illinois, Indiana, Michigan, Missouri, New York, Ohio, Pennsylvania, West Virginia, và Wisconsin.

Nhiều chuyên gia và nghị sỹ quốc hội đã kêu gọi Mỹ từ bỏ sự vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của USD vì cho rằng cái giá phải trả là quá đắt, không tương xứng với lợi ích thu được.

Trong khi đó, Trung Quốc cố ý định giá thấp (undervalue) nhân dân tệ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, tạo ra hàng chục triệu việc làm và thặng dư thương mại lớn.

Bộ ba bất khả thi: Độc lập tiền tệ, ổn định tỷ giá, tự do lưu chuyển vốn

Một trong những lý thuyết nổi tiếng trong kinh tế quốc tế là Bộ ba bất khả thi: Một quốc gia không thể đồng thời đạt được cả ba mục tiêu: Chính sách tiền tệ độc lập, tỷ giá hối đoái cố định, và dòng vốn nước ngoài tự do luân chuyển. Mỗi nước chỉ có thể đạt được nhiều nhất là 2/3 mục tiêu kể trên.

Trong trường hợp của Mỹ, Washington lựa chọn tự chủ về chính sách tiền tệ và cho dòng vốn tự do ra vào, và chấp nhận để USD biến động theo cung cầu của thị trường.

Mỹ có thể tăng hoặc giảm lãi suất (chính sách tiền tệ tự chủ) tùy theo bối cảnh cần chống lạm phát hoặc tránh suy thoái. Khi đó, dòng vốn quốc tế sẽ chảy vào để được hưởng lãi suất USD cao hơn, hoặc chảy ra vì lợi nhuận của USD quá thấp (tự do lưu chuyển vốn).

Dòng tiền của thị trường khiến cho tỷ giá USD biến động ngoài tầm kiểm soát của Washington. Mỹ không thể giữ cho giá trị của USD ở mức thấp giả tạo để hỗ trợ việc làm trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Trong trường hợp Hong Kong, Đặc khu Hành chính này neo giá trị của HKD với USD và đạt được hai mục tiêu là ổn định tỷ giá và dòng vốn tự do luân chuyển, nhưng không tự chủ về chính sách tiền tệ do phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc chọn hai mục tiêu là tự chủ về chính sách tiền tệ và ổn định tỷ giá, đồng thời phải chấp nhận việc dòng vốn không được tự do đi lại qua biên giới.

Nói cách khác, Bắc Kinh kiểm soát chặt dòng tiền đầu tư ra nước ngoài cũng như dòng tiền từ bên ngoài muốn đi vào Trung Quốc để tránh tác động tới tỷ giá, giữ lợi thế cho hàng xuất khẩu, tạo thêm việc làm trong nước.

Nếu lựa chọn như Mỹ, tức là cho dòng vốn tự do luân chuyển và từ bỏ kiểm soát tỷ giá, Trung Quốc sẽ không thể hỗ trợ xuất khẩu theo ý mình, sản xuất trong nước đình trệ, thất nghiệp tăng lên, có thể kéo theo bất ổn xã hội.

Việc bỏ kiểm soát vốn còn kéo theo nhiều hệ lụy khác mà Bắc Kinh không muốn.

Gỡ bỏ mọi rào cản với dòng vốn

Những nước nắm giữ nhiều USD từ việc xuất khẩu hàng hóa cho Mỹ có nhu cầu tái đầu tư số tiền này, và một lựa chọn hấp dẫn là mua cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác trên đất Mỹ. Khi có nhu cầu tiền mặt, các nhà đầu tư nước ngoài lại bán tài sản để lấy USD.

Mỹ hiện nay có thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới, vượt xa Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, .... Chính phủ Mỹ thâm hụt tài khóa liên miên, có nhu cầu vay nợ nhiều thông qua phát hành trái phiếu, sẵn sàng bán trái phiếu Kho bạc cho nhà đầu tư nước ngoài, không kiểm soát dòng tiền vào - ra, nên USD và trái phiếu Mỹ rất được ưa chuộng.

Tóm lại, thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ đã tạo ra kênh tái đầu tư USD cho Trung Quốc, Nhật Bản, .... 

Chính phủ Mỹ bán tổng cộng hơn 7.300 tỷ USD trái phiếu cho nước ngoài, không hạn chế dòng chảy của vốn. Trung Quốc và Nhật Bản là hai chủ nợ lớn nhất.

Trung Quốc hiện nay đang kiểm soát vốn rất chặt chẽ, vừa để thực thi chính sách tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu, vừa hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Mỗi người Trung Quốc chỉ được phép mua tối đa 50.000 USD một năm. Khách du lịch mang từ 5.000 USD trở lên phải khai báo với hải quan. Một phần mục đích của chính sách này là ngăn cản quan chức tham nhũng tuồn tài sản thu lợi bất chính ra nước ngoài.

Người Trung Quốc không được phép tự do đầu tư ở nước ngoài, và người nước ngoài cũng gặp nhiều hạn chế khi đầu tư vào thị trường tài chính Trung Quốc.

Bắc Kinh không muốn các thế lực bên ngoài kiểm soát các doanh nghiệp quan trọng trong nước, cũng không muốn khối ngoại nắm giữ quá nhiều trái phiếu chính phủ Trung Quốc nhằm tránh nguy cơ nước ngoài bán tháo và dòng vốn rút chạy khi xảy ra biến cố.

Người cầm nhân dân tệ hiện nay có khá ít sự lựa chọn ngoài việc dùng để thanh toán cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc hiện đều thấp hơn Mỹ, nhưng cho dù ngày mai Trung Quốc đột ngột vượt lên trên Mỹ thì cũng không có ý nghĩa nhiều với nhà đầu tư nước ngoài do các biện pháp kiểm soát vốn của Bắc Kinh.

Nếu muốn nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, Trung Quốc sẽ phải tháo dỡ các rào cản về vốn. Hiện chưa có dấu hiệu gì cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng từ bỏ các biện pháp kiểm soát đã được áp dụng từ hàng chục năm qua.

Mỹ có thị trường Mỹ có thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới, đáp ứng nhu cầu đầu tư bằng USD của nước ngoài.

Sự thống trị lâu đời của USD [Bài 1]: 'Đặc quyền vượt trội’ dành cho nước Mỹ

Việc USD làm đồng tiền dự trữ quốc tế trong 8 thập kỷ qua mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích lớn lao mà Bộ trưởng Tài chính Pháp năm 1965 gọi là ‘đặc quyền vượt trội’. Washington có thể đi vay với chi phí thấp, tránh rủi ro tỷ giá và áp lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc.


Nhân viên ngân hàng Hana Bank tại Seoul, Hàn Quốc kiểm tra các đồng tiền 100 USD. (Ảnh: Yonhap). 

Sự thống trị lâu đời của USD

Năm 1944 tại hội nghị Bretton Woods, tất cả 44 quốc gia tham dự đã đồng ý neo giữ giá trị đồng tiền của mình với đô la Mỹ (USD), và Mỹ sẽ giữ giá trị của USD với vàng theo tỷ lệ 35 USD đổi một ouce vàng. Vậy là từ cuối Thế chiến II trở đi, USD chính thức trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, ngân hàng trung ương các nước có thể mang USD đến Mỹ để đổi lấy vàng theo mức giá 35 USD/ounce.

Mỹ lợi dụng vai trò thiết yếu của USD trong hệ thống tài chính quốc tế để in tiền vô tội vạ, một phần để trang trải cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng như cho các khoản chi tiêu khác. Lãnh đạo nhiều quốc gia cho rằng lượng tiền USD trong lưu thông quá lớn, Mỹ không thể có đủ vàng để quy đổi theo thỏa thuận.

Các nước mất lòng tin vào Mỹ nên ồ ạt mang USD đến Mỹ để quy ra vàng. Năm 1971, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon lo sợ cạn kiệt kho vàng nên đã chấm dứt thỏa thuận Bretton Woods, dừng việc quy đổi 35 USD lấy một ounce vàng. Lúc này đã có nhiều dự báo về việc USD sẽ sụp đổ vì không được bảo đảm bằng kim loại quý, sớm mất đi vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Đến thập niên 1980 – 1990, USD vẫn được sử dụng rộng rãi, giới chuyên gia lại dự báo yen và mark – đồng tiền của hai nền kinh tế đang lớn mạnh khi đó là Nhật Bản và Đức – sẽ sớm thay thế USD.

Tới đầu những năm 2000, nhiều người cho rằng đồng tiền chung châu Âu euro sẽ có thể hạ bệ được USD. Trong suốt lịch sử, cả euro, yen Nhật và mark Đức đều chưa từng cạnh tranh được ngôi vua của USD.

Khi khủng hoảng tài chính 2008 bùng phát ở Mỹ, các dự báo về sự sụp đổ của USD lại một lần nữa nổi lên. Nhưng thực tế là nhà đầu tư không rời bỏ USD mà dòng tiền lại chảy vào đồng bạc xanh để tìm nơi trú ẩn.

 Sức mạnh USD dao động lên xuống nhưng nhìn chung ổn định theo thời gian.

Năm 2011, Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công và trái phiếu Kho bạc Mỹ lần đầu tiên bị hạ khỏi bậc xếp hạng tín nhiệm cao tuyệt đối AAA. Thế nhưng đồng USD vẫn giữ vững ngôi vị đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Năm 2020 khi toàn cầu chao đảo vì COVID-19, USD lại một lần nữa được coi là vịnh tránh bão cho thế giới.

Năm 2022 khi Nga tấn công quân sự Ukraine, Mỹ lập tức dùng sự thống trị của USD để áp hàng loạt lệnh trừng phạt hà khắc lên hệ thống tài chính Nga. Các chuyên gia dự báo nước đi này của Washington sẽ gây tổn hại tới vị thế của đồng bạc xanh, nhiều nước muốn tránh phụ thuộc quá nặng nề vào USD để không phải chịu thiệt hại nhiều nếu bị Mỹ trừng phạt như Nga.

Tuy nhiên, theo các thống kê gần đây nhất, vai trò của USD vẫn chưa bị sứt mẻ nhiều. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính đến quý IV/2022, USD chiếm hơn 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu, nhiều hơn 4 đồng tiền đứng sau là euro, yen Nhật, bảng Anh và nhân dân tệ cộng lại.

USD là đồng tiền dự trữ phổ biến nhất thế giới, vượt xa mọi đối thủ.

Theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), USD chiếm 88% (trong tổng số 200%) giao dịch ngoại hối toàn thế giới, cũng lớn hơn 4 đồng tiền xếp ngay sau cộng lại.

Con số 88% ở đây được tính trên số tổng là 200% thay vì 100% như bình thường, vì mỗi giao dịch có hai đồng tiền và cả hai đều được BIS thống kê.

USD chiếm 88% (trong tổng số 200%) giao dịch ngoại hối toàn thế giới.

Việc USD liên tục là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất toàn cầu trong 8 thập kỷ từ 1944 đến nay đã giúp Mỹ gặt hái nhiều lợi ích to lớn. Năm 1965, Bộ trưởng Tài chính Pháp đã phải thốt lên rằng vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của USD đã mang tới cho Mỹ “những đặc quyền vượt trội” (exorbitant privileges).

Những lợi ích của Mỹ khi USD thống trị hệ thống tài chính toàn cầu

Việc USD được cả thế giới sử dụng đồng nghĩa với việc nhu cầu USD là rất lớn, chính phủ Mỹ có thể đi vay với lãi suất thấp, chi phí lãi vay bằng USD hàng năm tương đối thấp.

Khi khoản vay và trái phiếu đáo hạn, chính phủ Mỹ thanh toán số tiền nợ bằng USD và các chủ nợ vui vẻ chấp nhận. Chính phủ các nước sử dụng những đồng tiền không phổ biến, chẳng hạn như rupee, ringgit, … sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đi vay, vì đa phần các chủ nợ không có sẵn và cũng không muốn nhận về những đồng tiền này.

Mỹ đi vay bằng USD còn giúp loại bỏ rủi ro về tỷ giá.

Giả sử Việt Nam đi vay 1 tỷ USD với tỷ giá 20.000 đồng/USD, tức là thu về 20.000 tỷ đồng. Đến khi trả nợ, tiền của Mỹ mạnh hơn trước, tỷ giá tăng lên thành 30.000 đồng/USD, số tiền mà Việt Nam phải chi ra để trả nợ 1 tỷ USD sẽ lên tới 30.000 tỷ đồng.

Chính phủ Mỹ hoàn toàn không phải chịu rủi ro biến động tỷ giá khi đi vay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Mỹ cũng chỉ cần quản trị một loại tiền là USD, không phải đau đầu lo nghĩ về nội tệ - ngoại tệ.

Mỹ nợ số tiền khổng lồ, nhưng có thể tự in USD để trả nợ.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có quyền in tiền USD nên chính phủ Mỹ gần như không bao giờ phải lo vỡ nợ. Các nước khác có thể vỡ nợ nước ngoài vì không kiếm được USD, nhưng Mỹ thì không.

Nguyên nhân của tình trạng bế tắc về trần nợ tại Washington hiện nay là do đấu đá chính trị giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, không phải vì Mỹ thiếu tiền.

Vị thế của USD còn giúp gia tăng hiệu quả các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên các quốc gia hoặc tổ chức nước ngoài.

Bất kỳ ngân hàng nào muốn thanh toán bằng USD đều phải xử lý giao dịch qua ít nhất một ngân hàng ở Mỹ do Washington toàn quyền kiểm soát. Mỹ có thể cắt đứt quyền tiếp cận hệ thống USD của bất cứ ai.

Khi Mỹ áp lệnh cấm vận với Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Carrie Lam vào năm 2020, không ngân hàng nào của Hong Kong hay Trung Quốc đại lục dám cung cấp dịch vụ tài chính cho bà. Không thể quẹt thẻ hay chuyển khoản, vị quan chức này phải giữ hàng xấp tiền trong nhà và mang tiền mặt bên mình để thanh toán cho mọi khoản chi tiêu. Lương của bà cũng được trả bằng tiền mặt thay vì qua ngân hàng.

Gần đây hơn vào năm 2022, Mỹ đã cắt đứt toàn bộ hệ thống ngân hàng Nga khỏi hoạt động thanh toán bằng USD, khiến hoạt động thương mại của Nga với thế giới bị đình trệ. Giờ đây, Nga chỉ có thể giao thương với một số đồng minh thân thiết như Trung Quốc và phải sử dụng vàng hoặc tiền tệ của nhau, không thể dùng USD.

Về lý thuyết, quốc gia nào cũng có thể áp lệnh cấm vận, nhưng các đòn đánh của Mỹ luôn có sức mạnh ghê gớm nhất là nhờ vào sự thống trị của USD.

USD mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích lớn lao, vậy các nước khác có thấy thèm khát không, có cố tìm cách thay thế USD bằng đồng tiền của mình không, và tại sao suốt 80 năm qua vẫn chưa ai thành công?

Chưa nước nào đưa đồng tiền của mình lên soán ngôi USD vì hai lý do: Không thể làm được và không dám làm.