Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

Khí công y đạo chữa bệnh cao huyết áp

 

Khí công là gì

CÔNG là một sự chuyển hóa, do tập luyện thường xuyên, do tập trung ý theo dõi hơi thở và động tác, giúp cho sự khí hoá của tạng phủ hoạt động quân bình, đều đặn. Muốn sự chuyển hóa tốt phải nhờ vào KHÍ, và phải biết cách tạo khí. Theo khí công thì khí có 5 loại khác nhau trong cơ thể:

a-Tông khí:

Là khí tăng cường của phổi, có được tông khí  cần phải thở sâu, lâu, cho oxy chiếm tối đa dung tích của phổi, như các lực sĩ, võ sĩ, vì có tông khí mới tạo ra khí lực.

b-Nguyên khí:

Là khí lực bẩm sinh do cha mẹ truyền cho, là khả năng hoạt động của thận mạnh hay yếu. Chúng ta cũng có cách tập luyện để tăng cường bổ sung khí cho nguyên khí. Nguyên khí  còn gọi là Chân khí, chân khí bẩm sinh là khí tiên thiên, chân khí hậu thiên do ăn uống để bồi bổ sức khỏe, là khí dư thừa, đã dự trữ tích lũy trong cơ thể lấy được từ khí huyết tạo ra tinh, tủy, não, thay cũ đổi mới tế bào, tăng cường tuổi thọ.

c-Ngũ tạng khí:

Là khí lực tự nhiên của lục phủ ngũ tạng như tâm khí, tỳ khí, phế khí, thận khí, can khí. Ngũ tạng khí  tạo ra thần trong bộ ba tinh-khí-thần của đông y.

Bộ ba tinh-khí-thần này hòa hợp theo tự nhiên, bẩm sinh, nó hòa hợp được mạnh và bền chặt hơn do tập luyện, nó sẽ lập ra một chương trình hoạt động trong cơ thể chúng ta như sự hấp thụ, phân tích, tổng hợp, chọn lọc, phân phối, điều hành, để nuôi dưỡng phát triển và tăng cường bảo vệ cơ thể.

d-Vinh khí và vệ khí:

Chất liệu để tăng cường cho bộ ba tinh-khí-thần là tập luyện, và do khí từ ăn uống có được gọi là cốc khí (khí của ngũ cốc) để nó cho ra hai loại khí quan trọng khác là khí dinh dưỡng (vinh khí), và khí bảo vệ (vệ khí bao gồm hệ miễn nhiễm, hồng cầu, bạch cầu và hệ nội tiết).

Con người khỏe mạnh hay bệnh tật đều do tinh- khí-thần. Nếu sự hoạt động của tinh-khí-thần yếu kém,thí dụ chỉ hấp thụ được 10% khi ăn một tô súp có năng lượng 2000 calories, thì chỉ thu nhận được 200 calories, trong khi đó lại phải mất đi một số lượng calories để loại bỏ số dư thừa ra khỏi cơ thể không được hấp thụ, nếu không số dư thừa không chuyển hóa sẽ làm cho cơ thể bị bệnh, ngược lại một nông dân ăn cơm cà muối, hay dưa muối, mỗi bát cơm chỉ có 200 calories, nhưng sức hấp thụ nhiều và chuyển hóa nhanh, ăn 3 bát cơm còn thấy đói, ăn 6 bát mới đủ no, nếu hấp thụ được 70% thì cơ thể dung nạp được 840 calories, còn hơn một tô súp mà không thu nạp được bao nhiêu.

Chúng ta đừng tưởng ăn vào một chất đại bổ như sâm, nhung, linh chi hay các thức ăn uống khác như người ta thường nói, nó không nở bề dài chắc cũng nở bề ngang, thực ra rất tai hại. Thí dụ như đang bị sốt, sức hấp thụ 0% ăn vào sẽ ói ra ngay. Sự hấp thụ còn tùy thuộc vào nhu cầu của cơ thể theo quy luật khí hóa ngũ hành của tạng phủ. Thí dụ cơ thể cần mặn để sinh hàn, tăng thủy để khắc chế hỏa, mà lại ăn món cay để tăng hỏa, vệ khí sẽ bảo vệ cơ thể, nó tạo ra phản ứng ói mửa ra ngay.

Khi tập luyện khí công, bộ ba tinh-khí-thần   sẽ bền chặt và mạnh hơn, vinh vệ khí mạnh hơn làm cho tăng tính hấp thụ. Nếu chỉ uống thuốc mà không tập luyện khí công, bộ ba tinh-khí-thần càng suy yếu, sức hấp thụ càng giảm, đó là lý do tại sao ăn uống bổ và thuốc men đầy đủ mà vẫn suy nhược không khỏi bệnh.

Vì vậy, cách chữa bằng khí công luôn luôn phối hợp cả ba tinh-khí-thần, âm dương ngũ hành, cùng một lúc để điều chỉnh sự khí hóa của tinh-khí-thần lúc nào cũng được quân bình hòa hợp.

Ti sao mắc bệnh cao huyết áp

Chúng ta hãy quan sát một nhiệt kế thủy ngân ở ba mức độ khác nhau:

Mức trung bình, nhiệt kế chỉ 37,5 độ C, tỷ trọng là 1.

Mức thấp, khi thời tiết lạnh hơn, trọng lượng thủy ngân không thay đổi, nhưng thể tích thủy ngân co lại do lạnh, làm tỷ trọng tăng, lớn hơn 1.

Mức cao, khi thời tiết nóng hơn, trọng lượng thủy ngân không thay đổi, nhưng thể tích giãn nở do thời tiết nóng, làm tỷ trọng giảm, nhẹ hơn 1, nếu thời tiết nóng qúa, thủy ngân giãn nở vượt qúa thể tích chứa của ống thủy tinh sẽ làm cho ống thủy tinh vỡ.

Huyết áp của con người cũng như thế, số lượng máu trong con người cũng giống như số lượng thủy ngân, ống mạch máu giống như ống chứa thủy tinh, 37,5 độ C là thân nhiệt trung bình của một người.

Đối với con người, nếu thân nhiệt cao hơn nhiệt độ trung bình, đông y gọi là nhiệt, thấp hơn gọi là hàn. Nếu cặp đo nhiệt độ ở nách, ở miệng, ở hậu môn, mỗi nơi chỉ mỗi khác. Riêng nhiệt độ nơi bao tử lý tưởng trung bình hoạt động tốt, nhiệt độ luôn luôn 41 độ C, là nhiệt độ thích hợp làm mau rục thức ăn hóa thành chất bổ nuôi cơ thể, ở nhiệt độ này đông y gọi là thấp khí.

Đối với cây cỏ. thấp khí cần thiết để chuyển hoá hạt thành mầm, cây muốn tăng trưởng cần thêm yếu tố ánh nắng (nhiệt khí), có nước (hàn khí), có gió (phong khí, có khí khô ráo (táo khí). Mỗi loại khí có nhiệt độ khác nhau tạo ra công năng chuyển hóa khác nhau tùy theo giai đoạn như sinh, trưởng, hóa, thâu, tàng. Giai đoạn hạt nẩy mầm là sinh, mọc thành cây là trưởng, kết nụ ra hoa là hóa, thành trái là thâu, trái khô rụng xuống đất giữ lại hạt là tàng cho chu kỳ sinh nối tiếp. Những biến chuyển đó đông y gọi là khí hóa. Trước khi tìm hiểu nguyên nhân tại sao áp huyết tăng cao, chúng ta nên biết qua sự khí hóa là gì ? Sự khí hóa dựa vào hai yếu tố chính là THỦY và HỎA.

A-Sự khí hóa của thủy- hỏa đối với thời tiết:

Theo tỷ lệ tác động giữa mặt trời (hỏa), và nước biển (thủy), ở 5 mức độ khác nhau tạo ra 5 loại khí khác nhau trong 24 giờ.

Phong khí: Buổi sáng ánh nắng mặt trời chiếu xuống mặt nước biển yếu, nước biển bốc hơi nhẹ sinh gió mát tạo ra phong khí.

Hỏa khí: Buổi trưa nhiệt độ tăng sức nóng, nước biển bốc hơi mạnh làm nước cạn dần gọi là thủy triều xuống, đem theo khí nóng tạo ra hỏa khí.

Thấp khí: Buổi chiều, nóng của mặt trời tuy bớt nhưng nóng của nước biển bốc lên không đủ sức vượt lên cao để thành mây mà cứ luẩn quẩn sát mặt đất sinh oi bức, ẩm thấp gọi là thấp khí.

Táo khí: Buổi tối, đất còn nóng và nước biển cạn bớt, đất khô rút lại, không khí không còn ảnh hưởng của hỏa-thủy nhiều sinh khô ráo gọi là táo khí.

Hàn khí: Ban đêm, hoàn toàn không có hỏa khí, nước hết nóng trở thành lạnh, cộng với số nước do mây tụ lại thành mưa trả nước về cho biển gọi là thủy triều lên, thủy khí nhiều nhất tạo ra khí lạnh gọi là hàn khí.

B-Sự khí hóa của thủy-hỏa đối với mùa:

Quả đất quay chung quanh mặt trời ở 5 vị trí khác nhau tạo ra 5 mùa hợp với 5 loại khí:

Phong khí thuộc mùa Xuân mát mẻ, thời tiết như buổi sáng.

Hỏa khí thuộc mùa Hạ nóng bức, thời tiết như buổi trưa. Thấp khí thuộc mùa Trường hạ nóng ẩm thấp, thời tiết như buổi sau trưa đến chiều.

Táo khí thuộc mùa Thu khô ráo co rút, thời tiết như buổi chiều tối.

Hàn khí thuộc mùa Đông lạnh lẽo, thời tiết như ban đêm.

Dựa vào hiện tượng này Đông y rút ra kết luận: Xuân sinh phong thuộc mộc.(Muà Xuân cây cỏ mọc)

Hạ sinh nhiệt thuộc hỏa.

Trường hạ sinh thấp thuộc thổ.

Thu sinh táo thuộc kim (đất co rút nhiều chất, lâu năm thành quặng mỏ).

Đông sinh hàn thuộc thủy.

C-Sự khí hóa của thủy-hỏa trong con người:

Trong con người, hỏa khí nhờ ở qủa tim, thủy khí nhờ ở thận. Khí của tâm thận giao nhau nhờ ở thức ăn uống thuộc TINH tạo ra năng lượng và nhiệt lượng, Khí giúp tâm-thận hoạt động được phải nhờ vào hơi thở thuộc KHÍ, hơi thở lệ thuộc vào thời tiết khí hậu bên ngoài và sự biến động tình cảm, tinh thần bên trong  thuộc THẦN. Bộ ba tinh-khí-thần hoạt động đều đặn hòa hợp thì con người không bệnh tật, khi mất quân bình, mất hòa hợp sẽ tạo ra nhiều bệnh.

Nếu TINH do thức ăn từ ngoài vào cơ thể hợp với nhu cầu Tinh-khí-thần bên trong cơ thể đang cần, nó sẽ tạo ra sự chuyển hóa biến thành khí huyết nuôi da thịt, xương cốt, răng, gân, móng tóc, óc, tủy.., nếu không phù hợp nó tạo ra phản ứng chống đối để đào thải ra ngoài mặc dù những thức ăn uống ấy phân chất theo tây y là giầu chất bổ dinh dưỡng.

Nếu KHÍ bên trong cơ thể là khí của hơi thở và khí chuyển hóa của tạng phủ không thuận với khí bên ngoài là khí hậu, thời tiết cũng sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sự khí hóa của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể để chuyển tinh hóa khí, chuyển khí hóa thần.

Nếu THẦN trong cơ thể không được nuôi dưỡng bằng TINH, không được tăng cường bằng KHÍ đến từ hơi thở, từ sự chuyển hóa của tinh ra năng lượng, và không khí bên ngoài, thì thần cũng suy nhược, hoạt động điều tiết nội dược (hormones) bất bình thường sinh ra bệnh.

Chức năng hoạt động của thần là Ý, là cảm giác, giao cảm, phản xạ, hưng phấn, ức chế, vận động, đìều tiết hormones tạo ra các phản ứng hóa học cần thiết cho cơ thể bằng cách tự động vô ý thức, chủ động có ý thức và bán tự động do kích thích.

Thí dụ khi có thai, người mẹ sợ chất tanh, phản ứng tự nhiên của cơ thể sinh uạ mửa (phản ứng không có ý thức xen vào). Khi cơ thể kém tiêu hóa, bác sĩ khám thấy thiếu men tiêu hóa trong bao tử, cho uống men tiêu hóa active levure chẳng hạn để tạo ra phản ứng chủ động có ý thức xen vào làm cho bao tử tiêu hóa tốt. Còn bán tự động do kích thích huyệt nội dược làm hưng phấn chức năng tiêu hóa thì phản ứng thần kinh cũng tiết ra hormone làm tăng men tiêu hóa cho bao tử mà không cần dùng men tiêu hóa bên ngoài đem vào cơ thể.

Những phản ứng hóa học tự động vô ý thức, chủ động có ý thức và bán tự động do kích thích lại phần lớn lệ thuộc vào bên ngoài cơ thể là môi trường tình cảm, trình độ văn hóa, văn minh khoa học, nghệ thuật, phong tục, tập quán, thói quen.. ở mỗi người mỗi khác. Thí dụ như dân xứ nghèo lạc hậu, phong tục còn ăn bốc ở dơ, họ không sợ bệnh, do hệ miễn nhiễm (là THẦN) đã quen và tạo ra vệ khí mạnh, ngược lại chúng ta chỉ nhìn thấy cũng thấy ghê sợ và bị bệnh, nếu bị ép ăn như họ sẽ sinh bệnh nặng do ảnh hưởng của thần tác động xấu, ức chế thần kinh do sợ hãi.

Thần cũng có ngũ hành lệ thuộc vào những biến động tâm lý tình cảm: vui (hỏa), lo (thổ), buồn (kim), sợ (thủy), giận (mộc).

Bộ ba tinh-khí-thần bẩm sinh (tiên thiên) và do học hỏi (hậu thiên) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo phản ứng hóa học trong cơ thể gọi là sự khí hóa. Theo tây y, thức ăn chuyển hóa thành nhiệt lượng calories, thành protide, glucide, lipide, và vitamines, chất khoáng.. Nhưng chuyển hóa được bao nhiêu, ít hay nhiều, thu nhận hay đào thải, theo đông y chúng đều lệ thuộc vào bộ ba tinh- khí-thần, vì mặc dù thức ăn giầu chất bổ, nhưng ăn không vui, ăn trong tủi nhục, giận hờn, chỉ nhét vào miệng cho đỡ đói, chẳng khác nào như bỏ đất vào miệng, sự khí hóa sẽ không chuyển hóa để thu nhận tối đa được, nếu ép ăn sẽ bị ói mửa sinh bệnh. Ngược lại các nhà nông quanh năm ăn cơm dưa muối, phân chất thành phần dinh dưỡng chẳng có gì mà họ vẫn khỏe mạnh hơn chúng ta, vì họ ăn với tinh thần vui vẻ như thi sĩ Tản Đà viết:’’ Cơm dưa muối khó khăn mới có. Của không ngon nhà khó cũng ngon. Khi vui câu chuyện thêm dòn. Chồng chồng, vợ vợ, con con, một đàn ‘’. Chúng ta phân chất thành phần dinh dưỡng trong cỏ khô cũng chẳng có gì, chỉ như rác, nhưng con bò ăn với tinh thần vô tư vui vẻ, thế mà cơ thể nó đã tạo ra sữa, máu, thịt. là những chất bổ dưỡng nuôi được con người.

Cho nên con người khỏe mạnh hay bệnh tật đều do bộ ba tinh-khí-thần điều khiển sự khí hóa tốt hay xấu. Nếu giúp cho sự khí hóa tốt bằng ăn uống hoặc dùng ngoại dược thì phải biết cái mà cơ thể đang cần  để hưng phấn hay ức chế thần kinh tạo ra phản ứng hóa học cần thiết, nếu không cơ thể tạo ra phản ứng xấu làm cho bệnh trầm trọng thêm.

Vì thế bệnh cao huyết áp xét theo quy luật khí hóa giữa thủy với hỏa trong cơ thể thì hai yếu tố này quá chênh lệch, không quân bình hòa hợp. Có thể hỏa nhiều hơn thủy do TINH ăn uống những chất cung cấp nhiều nhiệt khí, ít hàn khí, do KHÍ hoạt động của tâm khí mạnh hơn thận khí, do THẦN biến động bởi tâm thần, tình cảm thiên về lo nghĩ, sợ hãi, giận hờn, bực tức. Nếu lo lắng thì ăn không tiêu hóa, sợ hãi thì thận khí không hoạt động, giận hờn bực tức thì mộc sinh hỏa khiến tâm tánh nóng nẩy.  Khi hai yếu tố thủy-hỏa do sự khí hóa của tạng thận và tạng tâm bất bình thường thì khó có thể tìm ra nguyên nhân nào để điều chỉnh lại thức ăn thuốc uống cho phù hợp với nhu cầu mà cơ thể đang cần.

Nhưng điều chỉnh sự khí hóa thủy-hỏa bằng phương pháp khí công sẽ dễ dàng và có hiệu qủa. Vì Tinh- Khí-Thần trong cơ thể muốn khí hóa được tốt phải nhờ vào hơi thở tạo ra tông khí để tăng cường sự hoạt động của tinh-khí-thần, ngoài ra khí chuyển hóa thức ăn thuốc uống của lục phủ ngũ tạng có thể điều chỉnh được bằng huyệt để kích thích thần kinh bán tự động, để thần kinh tự điều chỉnh khí hóa lập lại quân bình của thủy-hỏa làm cho áp huyết được ổn định tự động.

Khí công khám bệnh cao huyết áp

Để tìm hiểu sự kỳ diệu của khí công tác động lên huyệt làm cân bằng sự khí hóa trong cơ thể như thế nào, chúng tôi xin cống hiến cho qúi vị cách tự khám và tự chữa bệnh cholestérol và bệnh cao huyết áp  cho chính mình và cho người khác theo phương pháp sau:

Có những vị đang điều trị bệnh cao huyết áp theo tây y thì biết chắc là mình có bệnh cao huyết áp, tuy nhiên cách thử xem mình có bệnh cao huyết áp hay không cũng dễ dàng ai cũng có thể thử được, không cần phải có máy đo áp huyết.

Thử cholestérol trên ngón tay giữa (thứ ba):

Để ngửa bàn tay trái tự nhiên, trên lòng bàn tay phải, dùng ngón tay cái của bàn tay phải gấp ngón tay giữa của bàn tay trái cho vuông góc ở đốt ngón ngoài.

Nếu mềm nhũn, bẻ vào không đau hoặc bẻ vào vuông góc cũng không đau là không có cholestérol. Nếu bẻ chưa vuông góc đã đau nhiều, không thể bẻ vào cho vuông góc được là có cholestérol ở động mạch, màng bao tim và trong máu.

Thử cao huyết áp trên ngón tay áp út (thứ tư):

Bẻ gập đầu ngón tay thứ tư bàn tay trái, chưa vào vuông góc đã bị đau là có bệnh cao huyết áp. Tùy theo đau nhiều là áp huyết cao nhiều, đau ít là áp huyết cao ít. Khi áp huyết đang phát triển thì trán nóng, mặt đỏ, đầu mũi đỏ, thở hổn hển, ưa cáu giận, la hét, bực bội, bàn tay nóng, có thể hơi ẩm mồ hôi. Có người mặt đỏ, trán đỏ, nhưng sờ vào trán mát là không có bệnh áp huyết.

Đau ngón tay thứ tư bên trái là số đo áp huyết đã cao hơn 140mmHg. Nếu đang dùng thuốc trị cao huyết áp, khi bấm vào có độ cứng mà không đau chứng tỏ rằng áp huyết còn, được ổn định do thuốc dãn ống mạch, thực sự áp huyết chưa xuống, chỉ cần một cơn giận dữ áp huyết sẽ lên đột ngột, khi té ngã sẽ đứt mạch thành liệt cứng,chi co quắp. Trường hợp đang điều trị bằng thuốc mà bấm ngón tay không đau, mềm nhũn, hãy coi chừng phải đi đo mạch lại, vì áp huyết đã tụt xuống thấp mà không hay, sắc mặt trở thành tái xanh, chóng mặt thiếu máu não, khi bị té ngã sẽ đứt mạch thành liệt, chi mềm nhũn.

Bẻ gập đầu ngón tay vào vuông góc có độ cứng mà không đau, là không có bệnh cao huyết áp.

Bẻ gập ngón tay vào mềm nhũn vô lực là áp huyết thấp, thiếu máu hay bị chóng mặt.

Thử xong hai ngón tay của bàn tay trái xong, tiếp tục thử hai ngón tay 3,4 của bàn tay phải.

Ngón  ba  của  bàn  tay  phải  bị  đau  chỉ  cho  biết  có cholestérol bên ống tĩnh mạch và màng bao tim.

Ngón tư của bàn tay phải bị đau chỉ cho biết số đo áp huyết số sau trên 90 mmHg.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét