Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

GIẢI MÃ NGUYÊN LÝ HÌNH THÀNH CUNG BÁT TRẠCH TRONG PHONG THỦY

 

GIẢI MÃ NGUYÊN LÝ HÌNH THÀNH

CUNG BÁT TRẠCH TRONG PHONG THỦY

-----***-----

Nguyễn Đức Thông

Phong Thủy Sư – Dịch Học Sĩ

Giờ Càn – Lý

 

Phần 1:

Nguyên lý và cơ sở hình thành Phi tinh Du niên Cửu cung Bát trạch

 

I. Dẫn nhập:

Phong thủy là một bộ môn huyền học hình thành từ xa xưa thông qua các trước tác nổi tiếng được lưu truyền cho đến nay. Tuy nhiên, cùng với các môn huyền học khác như Kinh Dịch, Thái Ất, Kỳ Môn Độn Giáp, Tử Vi hay Tử Bình… đều chỉ là những công thức ứng dụng được truyền lại qua những đoạn Phú và được gán danh cho một số người ứng dụng và lần đầu truyền thụ các tác phẩm có liên quan. Tuy nhiên, đặc trứng của các tác phẩm này là  đưa ra những công thức hay quy tắc có sẵn để chiêm nghiệm khi thực hành ứng dụng những công thức này mà hầu như không có bất cứ nguồn gốc về sự hình thành nên những môn huyền học này. Điều này có nghĩa là những người học phong thủy chỉ có thể học và ứng dụng những công thức có sẵn mà không thể nào biết được nguồn gốc hình thành nên những bộ môn này.

Chính vì sự thất truyền này mà những nhà nghiên cứu huyền học luôn trăn trở để phục hồi lại nguồn gốc và sự hình thành nên những bộ môn huyền học này. Từ xa xưa, ở bên Trung Quốc, nơi có sự phát triển rực rỡ các môn huyền học cũng đã có những chiêm nghiệm và khám phá về những hiện tượng thiên nhiên tương ứng với một phần nào đó đối với các quy tắc hay công thức ứng dụng của bộ môn phong thủy hay một môn huyền học nào đó.

Trong thời hiện đại, khi con người đã vươn tới được những vì sao, đã tiếp cận được với những hành tinh lân cận quanh trái đất và có khả năng nhìn thấy vũ trụ qua những bức ảnh do kính viễn vọng Huble quay xung quanh quỹ đạo trái đất chụp thì nhiều nhà nghiên cứu lại càng nhìn nhận được sự liên hệ mật thiết giữa thiên nhiên, vũ trụ và các bộ môn huyền học.

Nhưng sau tất cả thì những điều đó cũng chỉ cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa các môn huyền học với quy luật vận hành của vũ trụ mà vẫn chưa cho thấy được nguồn gốc khởi đầu của các môn huyền học được bắt đầu theo một trình tự như thế nào.

Không những thế, bộ môn Phong thủy Bát trạch còn bị cho là man thư, là ngụy thư do bởi thiếu một hệ thống lý thuyết, lý luận chuẩn mực làm khuôn mẫu cho những người nghiên cứu ứng dụng nên khi áp dụng vào đời sống đã bộc lộ những khiếm khuyết của nó dẫn đến những sai lệch trong quá trình dự đoán và áp dụng vào đời sống con người.

Mời các bạn đọc một đoạn được trích từ một group phong thủy trên mạng do Facebooker Đặng Thế Nam, một nhà nghiên cứu phong thủy, viết:

Trích: CUNG PHI OR LỮ TÀI HỢP HÔN

Do pháp quyết Đông tứ trạch, Tây tứ trạch khởi nguồn từ đời Đường, vua Đường sợ ngoại quốc dùng phong thuỷ trở nên hùng mạnh sẽ ảnh hưởng đến triều đại của ông ta, bèn sai Tăng Nhất Hành (cùng nhiều vị tăng, sư thuật số khác) làm ra DIỆT MAN KINH

Nghĩa là mấy ông cha nội đó sẽ dùng kiến thức giả viết sách, rồi truyền sách đó ra ngoại bang.

Ví dụ thực tế: tôi mạng Đoài kim, vợ tôi mạng Khảm thuỷ, lấy nhau nó vẫn ok con dê có làm sao đâu? Con cái cũng bình thường. Cho nên chúng ta học thì phải xem thực tế mà so sánh, đừng tin một cách mù quáng rồi kiểu:

"Anh rất tốt nhưng em rất tiếc, bố mẹ em bảo anh không hợp tuổi"

Rồi phong thuỷ kiểu gì nhà 45 độ mỗi quẻ? Rồi thì Đông tứ trạch cứ hướng về phía Đông, tây tứ trạch cứ hướng về phía Tây? Quá ấu trĩ!

Rồi thì Bếp để cung nào, mặt hướng về cung nào đó? Dở hơi biết bơi hết sức. Bếp ngày xưa là bếp lò đắp bằng đất, hơn nữa nhà cổ thì bếp thường là 1 cấu trúc khá lớn xây riêng biệt (gọi là nhà bếp). Còn bếp ngày nay là 1 bộ vị trong nhà, nhà ngày nay cũng thường bé hơn nhà cổ; bếp ngày nay bếp ga với bếp điện không ah, bếp ga/bếp điện thì tính chỗ nào là mặt hả các ông thần?

Điều này cho thấy đến những nhà nghiên cứu phong thủy lâu năm cũng lăn tăn về phong thủy Bát trạch và cho nó là một ngụy thư (sách giả) do người xưa viết nhằm một mục đích nào đó.

Trong quá trình nghiên cứu Phong thủy, Kinh dịch, người viết đã nhận ra được mối liên hệ mật thiết giữa Dịch Lý với Phong thủy Bát trạch và từ đó đã tìm ra quy luật hình thành nên môn Phong thủy Bát trạch từ môn Dịch Lý và xin được trình bày với người đọc sau đây.

II. Phong thủy Bát trạch cổ xưa truyền lại:

Phong thủy Bát trạch là môn học sơ khai cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về bộ môn Phong thủy. Môn này được cho là do Triệu Cửu Phong, người đời nhà Thanh bên Trung Quốc công bố trong cuốn Dương Trạch Tam Yếu.

Môn Phong thủy Bát trạch lấy cung phi năm sinh của một người quy ra bát quái rồi từ đó dùng Quái của năm sinh phối với bát quái phương vị mà tạo nên phương vị Phi tinh Cửu cung cát hung và được định bằng các danh xưng như sau: Phục vị - Lục sát; Sinh khí – Họa hại; Thiên y – Ngũ quỷ; Phúc đức (hay Diên niên) – Tuyệt mạng.

Để có thể biết được các sao này được an tại các phương vị nào, người ta thường phải học thuộc lòng một bài thơ cổ được ghi lại trong sách Dương trạch tam yếu. Việc an các sao này vào các cung tương ứng được tính từ cung chủ an Phục vị rồi an lần lượt các sao Du niên còn lại theo chiều kim đồng hồ thông qua bài thơ sau:

Càn (Kiền): Lục, Thiên, Ngũ, Họa, Tuyệt, Diên, Sinh;

Khảm: Ngũ – Thiên – Sinh – Diên – Tuyệt – Họa – Lục;

Cấn: Lục – Tuyệt – Họa – Sinh – Diên – Thiên – Ngũ;

Chấn: Diên – Sinh – Họa – Tuyệt – Ngũ – Thiên – Lục;

Tốn: Thiên – Ngũ – Lục – Họa – Sinh – Tuyệt – Diên;

Ly: Lục – Ngũ – Tuyệt – Diên – Họa – Sinh – Thiên;

Khôn: Thiên – Diên – Tuyệt – Sinh – Họa – Ngũ – Lục;

Đoài: Sinh – Họa – Diên – Tuyệt – Lục – Ngũ – Thiên.

Ngoài ra, còn có phương pháp tìm Phi tinh Cửu tinh Du niên bằng phương pháp biến hào Chủ Quái, khởi đầu là biến hào thượng và cứ lần lượt từng hào một theo 3 vạch của Chủ quái để tìm Phi tinh Du niên và phương an sao Du niên như dưới đây:

 

Hình 1: Phương pháp biến hào tìm Du niên và cung an sao

 

Phương pháp này cũng thuận tiện cho việc tìm du niên của từng cung và cung an du niên đó. Tuy nhiên, tại sao lại an du niên như vậy và nó có nguồn gốc từ đâu thì cũng không ai biết hoặc để ý mà cứ mặc nhiên ứng dụng trong việc tìm Phi tinh Du niên và cung an sao mà thôi.

III. Phương pháp An sao Bát trạch theo Trung tâm Lý học Đông phương.

Ông Nguyễn Vũ Diệu, có danh mạng là Thiên Sứ, người sáng lập trung tâm Lý học Đông phương cũng đã tìm ra phương pháp an sao Bát trạch rất logic, hợp lý và dễ nhớ mà không nhất thiết phải học thuộc lòng bài thơ ở trên, chỉ cần có một chút phương pháp ghi nhớ là có thể thực hiện được việc an sao này.

Theo các sách huyền học truyền lại đều coi Lạc Thư là Hậu thiên và Hà Đồ là Tiên thiên. Cung Bát trạch được người xưa an theo Hậu thiên Lạc Thư. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Diệu, nổi tiếng vì được coi là người đổi chỗ Tốn – Khôn trong Lạc Thư, lại coi Hà Đồ là Hậu thiên và an cung Bát trạch theo Hà Đồ.

Bằng việc an sao Cửu tinh Du niên cung Bát trạch lên cửu cung Hà Đồ, Ông Thiên Sứ đã chỉ ra những cặp sao Du niên có cùng một loại tính chất tương đồng nhau sẽ đi cùng nhau và phân bố theo phương vị của Hà Đồ, đó là:

* Phúc Đức (hay Diên Niên) – Tuyệt Mạng;

* Thiên Y – Ngũ Quỷ;

* Sinh Khí – Họa Hại;

* Phục Vị - Lục Sát.

Người viết sẽ quay trở lại vấn đề này ở những đoạn sau để bạn đọc dễ nhận biết và so sánh.

IV. Hà Đồ - Lạc Thư và các Nguyên lý liên quan trong Kinh Dịch.

Kinh Dịch, cuốn kỳ thư, một trong tứ thư của Trung Quốc, được coi là gốc của mọi môn huyền học hiện nay. Trong cuốn sách Kinh Dịch có ghi lại hai đồ hình lưu truyền từ đời Tống là Hà Đồ, được cho là phát hiện trên lưng con Long Mã ở sông Hoàng Hà và Lạc Thư, được cho là phát hiện trên lưng Thần Rùa tại sông Vị Thủy. Mời các bạn xem các hình sau đây:

 

Hình 2: Đồ hình Hà Đồ trên lưng con Long Mã (hình copy mạng internet)

A drawing of a diagram

Description automatically generated with medium confidence

Hình 3: Đồ hình Lạc Thư trên lưng con Rùa (hình copy trên mạng internet)

 

Hình 4: Hà Đồ Cửu cung

Hình 5: Lạc Thư Cửu cung

Ngoài ra, trong sách Kinh Dịch còn lưu truyền một bài khẩu quyết được cho là để giải thích Tiên thiên Bát quái cùng với đồ hình Tiên thiên Bát quái như sau:

Thiên địa định vị;

Sơn trạch thông khí;

Lôi phong tương bác;

Thủy Hỏa bất tương sạ;

Bát quái tương thác.

 

Hình 6: Đồ hình Tiên thiên Bát quái (hình copy trên mạng internet)

 

Ngoài ra, còn có một bài khẩu quyết được cho là để xác định Ngũ hành của Số lý.

Thiên nhất sinh Thủy, Ðịa lục thành chi.
Ðịa nhị sinh Hỏa, Thiên thất thành chi.
Thiên tam sinh Mộc, Ðịa bát thành chi.
Ðịa tứ sinh Kim, Thiên cửu thành chi.
Thiên ngũ sinh Thổ, Ðịa thập thành chi.

Nghĩa Là:

Số Trời 1 sinh Thủy, thành số Ðất 6.
Số Ðất 2 sinh Hỏa, thành số Trời 7.
Số Trời 3 sinh Mộc, thành số Ðất 8.
Số Ðất 4 sinh Kim, thành số Trời 9.
Số Trời 5 sinh Thổ, thành số Ðất 10.

Trong sách Kinh Dịch chỉ đưa ra hai đồ hình Hà Đồ và Lạc Thư được phát hiện rời rạc vào đời Tống và tạo dựng nên huyền sử cho sự ra đời của hai đồ hình đó. Điều này có nghĩa là sách Kinh Dịch trước thời nhà Tống hoàn toàn không có đồ hình Hà Đồ và Lạc Thư mà chỉ có bài thơ định vị Tiên thiên Bát quái, bài khẩu quyết về Ngũ hành của Số lý cùng với đồ hình Tiên thiên Bát quái như hình trên. Tuy nhiên, người đời sau, khi có được đồ hình Hà Đồ và Lạc Thư đã áp đặt Hà Đồ là Tiên thiên Bát quái và Lạc Thư là Hậu thiên Bát quái mà không đưa ra một dẫn chứng từ nguồn gốc nào mà Hà Đồ là Tiên thiên và Lạc thư là Hậu thiên. Họ chỉ dựa vào phương vị của Hà Đồ với Số lý sinh thành để nói Hà Đồ định phương vị. Cũng như vậy, họ dựa vào các con số trong Lạc Thư áp đặt bát quái và cho là Lạc Thư định hướng. Tức là, phương vị có trước rồi mới hình thành tám hướng tức Bát quái. Chúng ta cứ mặc nhiên chấp thuận Lý của tiền nhân như một Tiên đề. Bạn đọc chỉ cần chú ý đến hai đồ hình Hà Đồ, Lạc Thư cùng bài thơ định Tiên thiên Bát quái với đồ hình Tiên thiên Bát quái do đó là những nguyên lý và cơ sở tạo ra những quy tắc chính yếu cho các môn huyền học hiện nay.

 

V. Dịch lục hào và phương pháp tìm hào thế - ứng và quẻ Bát thuần.

Trong Dịch Lục hào, việc tìm hào Thế và hào Ứng để xác định Dụng thần, mối quan hệ giữa Dụng thần với các hào là rất quan trọng. Ngoài ra, khi trong một quẻ không hiện lên hào Dụng thần, người xem quẻ Dịch bắt buộc phải tìm quẻ đó thuộc họ quẻ nào, từ đó biết được quẻ cung Chủ để tìm địa chi – lục thân của hào không hiện trong quẻ trên quẻ Chủ nhằm xem hào Dụng thần nằm ở hào số mấy, tức nó sẽ ẩn dưới hào đó trong quẻ đang xem (gọi tắt là hào Phục thần) để xác định hào Phi thần và Phục thần trong quá trình xem quẻ Dịch. Tức là phải xác định được quẻ đang xem thuộc quẻ Bát thuần nào biến hóa thành, từ đó xác định ngũ hành của quẻ để an lục thân, xác định hào Phục thần nếu không hiện trên quẻ.

Tuy nhiên, trong các sách Dịch học đưa ra phương pháp xác định hào Thế - Ứng và cung quẻ Chủ rất khó nhớ. Cho dù có tạo ra một số quy tắc thì cũng khó có thể nhớ và xác định nhanh được. Xin được trích dẫn từ nguồn trang mạng dưới đây:

Tác giả: Lesoi tại trang https://hocvienlyso.org/tri-thuc-co-so-ve-luc-hao-chuong-2-xep-que.html có trình bày phương pháp tìm Thế - Ứng và Quẻ cung như sau:

Trích:

“Hỏa Châu Lâm pháp đem 64 quẻ phân ra làm 8 cung, mỗi cung 8 quẻ:

8 quẻ cung Càn thuộc kim, gồm: Càn vi Thiên, Thiên Phong cấu, Thiên Sơn độn, Đại Địa phủ, Phong Địa quan, Sơn Địa bác, Hỏa Địa tấn, Hỏa Thiên đại hữu.

8 quẻ cung Khảm thuộc thủy, gồm: Khảm vi Thủy, Thủy Trạch tiết, Thủy Lôi truân, Thủy Hỏa ký tế, Trạch Nhân cách, Lôi Hỏa phong, Địa Hỏa minh di, Địa Thủy sư.

8 quẻ cung Cấn thuộc thổ, gồm: Cấn vi Sơn, Sơn Hỏa bí, Sơn Thiên đại súc, Sơn Trạch tổn, Hỏa Trạch khuê, Thiên Trạch lý, Phong Trạch trung phu, Phong Sơn tiệm.

8 quẻ cung Chấn thuộc mộc, gồm: Chấn vi Lôi, Lôi Địa dự, Lôi Thủy giải, Lôi Phong hằng, Địa Phong thăng, Thủy Phong tỉnh, Trạch Phong đại quá, Trạch Lôi tùy.

8 quẻ cung Tốn thuộc mộc, gồm: Tốn vi Phong, phong thiên tiểu súc, phong hỏa gia nhân, phong lôi ích, thiên lôi vô vọng, hỏa lôi phệ hạp, sơn lôi di, sơn phong cổ.

8 quẻ cung Ly thuộc hỏa, gồm: Ly vi Hỏa, hỏa sơn lữ, hỏa phong đỉnh, hỏa thủy vị tể, sơn thủy mông, phong thủy hoán, thiên thủy tụng, thiên hỏa đồng nhân.

8 quẻ cung Khôn thuộc thổ, gồm: Khôn vi Địa, Địa Lôi phục, Địa Trạch lâm, Địa Thiên thái, Lôi Thiên đại tráng, Trạch Thiên quái, Thủy Thiên nhu, Thủy Địa bỉ.

8 quẻ cung Đoài thuộc kim, gồm: Đoài vi Trạch, Trạch Thủy khốn, Trạch Địa tụy, Trạch Sơn hàm, Thủy Sơn kiển, Địa Sơn khiêm, Lôi Sơn tiểu quá, Lôi Trạch quy muội.

8 cung xếp ra 64 quẻ kể trên là có thuận theo thứ tự nhất định. Đầu tiên, thuận theo thứ tự 8 cung là dựa theo Hậu Thiên Bát Quái đồ xếp theo thứ tự, cùng xếp theo thứ tự trong “Kinh thị Dịch truyện” hơi có khác nhau. Hậu thiên Bát quái đồ dựa theo phương vị Càn ở tây bắc, Khảm ở chính bắc, Cấn ở đông bắc, Chấn ở chính đông, Tốn ở đông nam, Ly ở chính nam, Khôn ở tây nam, Đoài ở chính tây, phương hướng sắp xếp thuận theo chiều kim đồng hồ, tất cần phải chú ý: Nam bắc đông tây trong Bát quái đồ, đúng cùng địa đồ hiện đại là thượng bắc hạ nam là trái nghịch, mà là thượng nam hạ bắc? Thứ là mỗi cung quẻ thứ nhất đều là do hai quẻ đơn giống nhau xếp chồng lên mà thành, gọi chung là quẻ bát thuần. Quẻ Bát thuần là cung chủ của cung này. Cho nên lấy tên quẻ bát thuần để mệnh danh tên cung, lấy thuộc tính ngũ hành của quẻ bát thuần, thống lĩnh 7 quẻ còn lại của cung này. Như cung Càn là thuộc kim, tiếp theo các quẻ Thiên Phong cấu, Thiên Sơn độn, Thiên Địa phủ, Phong Địa quan, Sơn Địa bác, Hỏa Địa tấn, Hỏa Thiên đại hữu, đều thuộc kim. Ngoại trừ quẻ bát thuần ra, phép xếp tên quẻ còn lại là từ trên xuống dưới, lấy chủ tượng thứ nhất của 8 quẻ làm tiêu chí để định tên. Càn vi Thiên, Khảm vi Thủy, Cấn vi Sơn, Chấn vi Lôi, Tốn vi Phong, Khôn vi Địa, Đoài vi Trạch. VD như quẻ Địa Thiên thái, quẻ thượng là Khôn, Khôn là Địa, quẻ hạ là Càn, Càn là Thiên, cho nên gọi là quẻ Địa Thiên Thái. Quẻ Thiên Địa Phủ, thì quẻ thượng là Càn, là Thiên, quẻ hạ là Khôn, là Địa, cho nên gọi là quẻ Thiên Địa phủ. Trong mỗi một cung lại căn cứ sắp xếp thứ tự mà phân biệt thành 6 quẻ thế, 1 quẻ thế, 2 quẻ thế, 3 quẻ thế, 4 quẻ thế, 5 quẻ thế, quẻ du hồn, quẻ quy hồn.

Sắp xếp Thế Ứng:

Khái niệm Thế và Ứng trong Bốc phệ nhiều nhất là sử dụng một đôi, thông thường đem Thế làm bản thân hoặc là phương diện của mình, đem Ứng làm người khác hoặc là ở phương diện đối lập với Ta. Trong quẻ sắp xếp Thế Ứng, chính là để xác định một hào nào trong quẻ là hào Thế, một hào nào giao là hào Ứng.

Thế và Ứng ở trong quẻ, nói chung là trung gian cách hai vị. Như hào Thế ở hào sơ, thì hào Ứng ở hào 4; Thế ở hào 2, thì ứng ở hào 5; Thế ở hào 3, Ứng ở hào 6; Thế ở hào 4, Ứng ở hào 1, Thế ở hào 5, Ứng ở hào 2; Thế ở hào 6, ứng ở hào 3. Thế và Ứng trung gian cách hai vị, gọi là Gian hào.

Xác định hào Thế trong quẻ, là căn cứ chỗ phía trước nói vị trí quẻ ở trong 8 cung. Quẻ Bát thuần là quẻ 6 thế, cho nên danh như ý nghĩa, quẻ bát thuần Thế ở hào 6 cũng chính là hào thượng, còn quẻ 1 thế thì Thế ở hào sơ, quẻ 2 thế thì Thế ở hào 2, quả 3 thế thì Thế ở hào 3, quẻ 4 thế thì Thế ở hào 4, quả 5 thế thì Thế ở hào 5, quẻ Du hồn thì Thế ở hào 4, còn quẻ Quy hồn thì Thế ở hào 3.

Cổ nhân có một ca quyết xác định Hào Thế:

8 quẻ đứng đầu Thế lấy lục,

Lấy xuống hào sơ vòng lên trên;

8 quẻ Du hồn lập hào tứ,

8 quẻ Quy hồn tường hào tam.”

Tiếp tục ở đoạn dưới, tác giả lại nhắc lại một lần nữa.

Trích:

“Một, Phép định Quẻ cung, an Thế Ứng:

(1) Phép an Thế Ứng:

Thế, Ứng tất nhiên là vật không thể thiếu ở trong dự trắc Lục hào, cũng là một căn cứ rút ra tin tức sự vật cát hung, thành bại. Mỗi vị trí của hào Thế, Ứng ở trong quẻ là cố định bất biến. Mọi người có thể căn cứ phối xếp ra 64 quẻ trong toàn đồ (dưới đây gọi tắt là “Trang phối đồ”, bản thân tổng kết ra một quy luật để tiện dễ nhớ. Sau đây là quy luật chỗ tôi tổng kết:

Thế Ứng tương cách hai hào vọng, bản cung Thế hào cư đỉnh thượng; (Giải thích: Hào Thế, Ứng cách 2 hào vị, hào Thế quẻ của cung gốc ở hào 6)

Sơ Tứ phản, Thế cư nhất; (Chỉ có lúc hào sơ và hào 4 khác nhau, hào Thế ở hào sơ);

+ Tam Lục đồng, Thế cư nhị; (Chỉ có lúc hào 3 và hào 6 giống nhau, thì hào Thế ở hào 2);

Thượng Hạ âm dương cùng tương chiến, Thế cư tam hào định bất biến; (Lúc quẻ Hạ hào 123 đối quẻ Thượng hào 4,5,6 âm dương khác nhau, thì hào Thế ở hào 3);

Sơ Tứ đồng, Thế cư tứ; (Chỉ có lúc hào sơ và hào 4 giống nhau, thì hào Thế ở hào 4);

+ Tam Lục phản, Thế chiêm ngũ; (Chỉ lúc hào 3 và hào 6 khác nhau, thì hào Thế ở hào 5);

Nhị Ngũ đồng, quái chủ Du hồn Thế chiêm tứ; (Chỉ có lúc hào 2 và hào 5 giống nhau, thì hào Thế ở hào 4, quẻ này là quẻ Du hồn);

+ Nhị Ngũ phản, quái vi Quy hồn Thế chiêm tam. (Chỉ có lúc hào 2 và hào 5 khác nhau, thì hào Thế ở hào 3, quẻ này là quẻ Quy hồn).

Chú thích: Trong đó chỗ giống nhau và khác nhau, là chỉ chỗ hào âm dương giống nhau hoặc là khác nhau.

(2) Phép định Quẻ cung:

Sau khi an Thế Ứng xong thì phải định quẻ cung, định quẻ cung là lấy vị trí hào Thế để định.

Quy luật đơn giản tổng kết như sau, mọi người cũng có thể căn cứ xếp theo phối đồ, tự tôi viết ra khẩu quyết như sau:

+ Quẻ Thuần, nhận cung tự nhẹ nhàng; (Giải thích: Quẻ bản cung, quẻ cung là quẻ gốc, nhận cung đương nhiên là nhẹ nhàng. )

Thế cư nội quái, ngoại nhận cung; (Giải thích: Lúc hào Thế ở nội quái thì ngoại trừ quẻ Quy hồn ra, quẻ ngoại là quẻ cung).

Quy hồn tình mê nội quái trung; (Giải thích: Quẻ Quy hồn cung quẻ là quẻ nội).

Thế cư thượng quái, quẻ hạ đối xung là quái cung. (hào Thế lúc ở quẻ thượng, quẻ nghịch cung quẻ là quẻ hạ, chỗ nói quẻ nghịch chính là: Đem hào âm biến thành hào dương, hào dương biến hào âm, sau đó xem chỗ này là quẻ gì, thì cung quẻ là cái đó, (như vậy âm dương hỗ biến, vừa đúng là vị trí đối xung của quẻ Hậu thiên).

Bên trên chính là quy luật an Thế Ứng định cung quẻ, mọi người có thể tự mình tổng kết ca quyết để tiện dễ nhớ. Hai tổ quy luật nói trên mọi người có thể phối hợp với Trang phối đồ mà tự nghiên cứu.”

Hết trích.

 

Nói chung đối với một người mới bắt đầu nghiên cứu Dịch lục hào thì vấn đề an hào Thế và hào Ứng là một vấn đề phức tạp và khó nhớ. Phần bài ca quyết tìm Thế - Ứng ở trên cũng được viết trong cuối “Tăng San bốc dịch” của Dã Hạc Lão Nhân. Tác giả bài viết cũng đã từng cố gắng nhớ các khẩu quyết đó nhưng toàn nhầm lẫn, may mắn được một người em làm file Excel tính quẻ Dịch lục hào nên dễ thở hơn hẳn.

Vậy có cách thức nào để tìm hào thế, hào ứng và cung quẻ Chủ được chính xác và nhanh chóng không? Xin thưa là có và đó chính là điều tôi sẽ trình bày tiếp theo sau đây.

Quy tắc được nêu ra trong các sách Dịch Lục hào khi biến quẻ Bát thuần, như tác giả LeSoi cũng ghi trong bài của mình,

Quẻ Bát thuần thì hào Thế luôn nằm ở hào 6;

Khi quẻ Bát thuần biến hào 1 thì hào Thế ở hào 1;

Biến hào 2 thì hào Thế nằm ở hào 2;

Biến hào 3 thì hào Thế nằm ở hào 3;

Biến hào 4 thì hào Thế nằm ở hào 4;

 

Biến hào 5 thì hào Thế nằm ở hào 5.

Đối với quẻ Du hồn thì hào Thế quay đầu về hào 4.

Quẻ Quy hồn là biến ba hào 1,2,3 của hạ quái thành quái mới (thực ra là trở về quái cung Chủ), lúc này hào Thế sẽ nằm ở hào 3.

Đối với việc tìm hào Ứng thì chỉ cần xác định được hào Thế thì hào Ứng sẽ nằm cách hào Thế hai hào. Hai hào nằm giữa hào Thế và Ứng này gọi là gian hào (hào trung gian).

Quy tắc biến quẻ không phải là biến từng hào của quẻ Chủ lần lượt thành quẻ mới mà là từ quẻ Chủ biến hào sơ tạo thành quẻ mới, ví dụ quẻ Bát thuần Càn biến hào sơ thành quẻ Thiên Phong Cấu. Khi biến hào thứ hai, người ta sẽ biến hào 2 của quẻ Thiên Phong Cấu thành quẻ mới là Thiên Sơn Độn chứ không phải là biến hào 2 quẻ thuần Càn thành quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân. Việc biến hào theo quẻ biến sẽ được tiếp tục cho đến hào 5 của quẻ nhưng không tiến lên hào 6 mà quay ngược trở lại biến hào 4 thành quẻ Du hồn từ Quẻ do biến hào 5 mà thành. Quẻ Quy hồn là biến 3 hào hạ quái của quẻ Du hồn. Đến đây là kết thúc quá trình biến hào của một quẻ bát Thuần.

 

VI. Quy tắc tìm hào Thế - Ứng, quẻ cung Chủ và mối quan hệ với Cửu cung Bát trạch.

Trong quá trình nghiên cứu Dịch Lục hào, tôi đã nhận thấy một quy tắc bất di bất dịch khi biến hào của các quẻ Bát Thuần. Đó là khi phối thượng quái với hạ quái theo nguyên tắc phối cung Bát trạch thì bất cứ khi nào thượng quái phối hạ quái thành du niên Họa Hại đều động biến ở hào 1; bất cứ thượng quái phối hạ quái thành Thiên Y thi đều là quẻ biến hào 2; biến hào 3 được Phúc Đức; biến hào 4 được Ngũ Quỷ; biến hào 5 được Sinh Khí; quay trở lại biến hào 4 là quẻ Du Hồn được Lục Sát và cuối cùng, biến 3 hào hạ quái của quẻ Du hồn thành quẻ Quy hồn được Tuyệt Mạng.

Xin lấy quẻ Bát thuần Càn ra làm ví dụ để mọi người dễ nắm bắt:

 

Hình 7: Quẻ Chủ biến hào 1 thành Thiên Phong Cấu

 

Hình 8: Biến hào 2, quẻ Thiên Phong Cấu biến Thiên Sơn Độn

 

Hình 9: Biến hào 3, quẻ Thiên Sơn Độn biến thành Thiên Địa Bĩ.

 

Như vậy, qua 3 bước biến hào, ta đã hoàn thành giai đoạn biến hào 1 là biến hào Hạ Quái. Đến bước biến hào 3, ta nhận thấy quẻ tạo thành chính là quẻ Phu Phụ Quái, ở đây là quẻ Thiên Địa Bĩ, chính là quẻ Phụ Mẫu Quái trong Huyền Không Đại Quái. Ở bước biến thứ 3, trong thành quẻ thì Hạ quái luôn tạo thành Thác quái (tức cả 3 hào đều khác biệt âm dương với nhau) với Chủ quái đúng với bài khẩu quyết định vị Tiên thiên bát quái, đó chính là các cặp quái sau:

 

Hình 10: Các cặp quái Tiên thiên

 

Đến bước biến thứ 4 là bắt đầu quá trình biến thượng quái. Từ đây trở đi, nếu các quái biến hóa rơi vào các cặp như trên, người viết xin được định danh là cặp Phúc Đức quái. Mời các bạn tiếp tục theo dõi:

Hình 11: biến hào 4, Thiên Địa Bĩ biến Phong Địa Quán

 

Đến bước thứ 4, được quẻ Phong Địa Quán, ta nhận thấy đã không còn Chủ Quái trong quẻ nữa, vậy xác định cung an sao Du niên như thế nào đây? Ở bước biến hào 3, người viết đã chỉ cho thấy khi biến hào 3 sẽ ra quẻ Phu Phụ Quái, tức là nơi mà quái Âm và quái Dương giao hoán nhau mà thành Phu Phụ. Là Phu Phụ thì “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hay “Phu xướng, Phụ tùy” nên Phu động thì Phụ cũng động theo. Từ đó, đến bước biến hào 4, thượng quái Chủ biến hào 4 thì hạ quái cũng biến hào 1 mà thành cung vị an sao Du niên cho biến quái hào 4 như ở hình 11, thượng quái Càn biến Tốn thì hạ quái Khôn biến Chấn. Từ đó ta biết quẻ Phong Địa Quán, sao Du niên Ngũ Quỷ sẽ được an vào cung Chấn của người trạch Càn.

Trong hình 11, tại cột Thư Hùng giao cấu cũng chỉ cho bạn đọc một cách xác định khác là sử dụng Phúc Đức quái của biến Quái để tìm cung an sao. Trong trường hợp này, thượng quái Càn biến thành Tốn, Phúc Đức quái của quái Tốn là quái Chấn chính là cung vị an sao Du niên Ngũ Quỷ.

Ngoài ra, trong hình 11, ta còn nhận thấy cung chủ Càn với cung an sao Chấn tạo thành quẻ Thiên Lôi Vô Vọng chính là quẻ đối của quẻ Phong Địa Quán trong Huyền không Đại quái.

 

Hình 12: biến hào 5, Phong Địa Quán biến Sơn Địa Bác

 

Đến bước biến hào 5, thượng quái Cấn phối hạ quái Khôn thành Sinh Khí. Tại cột Thư Hùng giao cấu, quẻ biến hào 2 tương ứng sẽ được biến từ quái Chấn ở bước biến hào 4 thành quái Đoài. Lúc này quẻ Thiên Trạch Lý cũng là đối quẻ với quẻ Sơn Địa Bác.

 

Hình 13: biến hào 4, quẻ Du hồn, Sơn Địa Bác biến Hỏa Địa Tấn.

 

Hình 14: biến 3 hào hạ quái, Hỏa Địa Tấn biến Hỏa Thiên Đại Hữu

 

Đến đây là đã kết thúc một quá trình biến quái tạo thành một họ quẻ. Các quẻ bát thuần khác cũng được thực hiện tương tự và cho ra một kết quả thống nhất và trùng khớp hoàn toàn với các sao Du niên Bát trạch cho từng cung chủ, tức từng quẻ Bát thuần. Điều này cho thấy có sự trùng khớp một cách logic và thống nhất trong quá trình biến hào theo họ quẻ cho tám quẻ thuần và an sao Du niên cho cung bát trạch đối với mỗi cung vị hay cung phi theo năm sinh.

Việc tìm hào Thế và Ứng sẽ rất dễ dàng nếu bạn biết được quy tắc phối sao Du niên Cửu cung Bát trạch và từ đây, khi bạn sử dụng phương pháp phối quái sẽ ngay lập tức biết được quẻ này là quẻ biến của quẻ chủ bát thuần nào.

Nguyên tắc sẽ được định như sau:

1. Thượng quái phối Hạ quái thành Họa Hại, hào Thế an ở hào 1, hào ứng an ở hào 4, quẻ chủ ứng với thượng quái.

2. Thượng quái phối Hạ quái thành Thiên Y, hào Thế an ở hào 2, hào ứng an ở hào 5, quẻ chủ ứng với thượng quái.

3. Thượng quái phối Hạ quái thành Phúc Đức, hào Thế an ở hào 3, hào ứng an ở hào 6, quẻ chủ ứng với thượng quái.

4. Thượng quái phối Hạ quái thành Ngũ Quỷ, hào Thế an ở hào 4, hào ứng an ở hào 1, quẻ chủ là quẻ có quái hợp với hạ quái theo nguyên lý tiên thiên bát quái hợp thập (tức thiên địa định vị, sơn trạch thông khí, thủy hỏa bất tương xạ, lôi phong tương bác hay Càn – Khôn, Cấn – Đoài, Khảm – Ly, Chấn – Tốn).

5. Thượng quái phối Hạ quái thành Sinh Khí, hào Thế an ở hào 5, hào ứng an ở hào 2, quẻ chủ là quẻ có quái hợp với hạ quái theo nguyên lý tiên thiên bát quái hợp thập.

6. Thượng quái phối Hạ quái thành Lục Sát, hào Thế an ở hào 4, hào ứng an ở hào 1, quẻ chủ là quẻ có quái hợp với hạ quái theo nguyên lý tiên thiên bát quái hợp thập.

7. Thượng quái phối Hạ quái thành Tuyệt Mạng, hào Thế an ở hào 3, hào ứng an ở hào 6, quẻ chủ ứng với thượng quái.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần 2: Cửu Cung Bát trạch

trong mối quan hệ âm dương tương sinh tương khắc

 

Họ quẻ Dịch Lục hào và Cửu cung Bát trạch trong mối tương quan về âm dương ngũ hành.

Khi đã coi phương pháp biến hào từ quẻ Bát thuần là nguyên lý hình thành nên bộ môn Bát trạch Cửu cung mà chưa có nguyên lý tương sinh, tương khắc âm dương ngũ hành của nó thì sẽ chưa đầy đủ.

Người viết sẽ trình bày tới bạn đọc các quy tắc phối cung Bát trạch tương sinh, tương khắc nhằm làm cho người đọc có thể nắm bắt được nguyên lý này và từ đó tự thân tìm ra được các nguyên tắc ứng dụng bộ môn Cửu cung Bát trạch này vào trong cuộc sống thường ngày.

Theo khoa học hiện đại nghiên cứu, trục trái đất nghiêng một góc 23,5 độ, đây chính là trục từ của trái đất nằm giữa hai sơn Tân – Tuất/Ất – Thìn (đường phân giới giữa Càn và Đoài; Chấn và Tốn theo Lạc Thư) và hai sơn Quý – Sửu/Đinh – Mùi (đường phân giới giữa cung Khảm và Cấn; Ly và Khôn theo Lạc Thư). Từ đây sẽ phân chia và tạo thành hai mặt cắt: 1 trục ngang đi qua phân giới Thìn – Tuất của cung Tốn – Càn và một trục dọc đi qua đường phần cung Sửu – Mùi của cung Cấn – Khôn.

Đường phân tuyến chạy ngang từ ranh giới hai cung Đoài – Càn đến Chấn – Tốn tạo thành 2 mặt phẳng nằm ngang. Mặt trên thuộc dương gồm các quái dương là: Càn – Khảm – Cấn – Chấn. Mặt dưới thuộc âm gồm các quái âm: Tốn – Ly – Khôn – Đoài (theo Lạc Thư).

Đường phân tuyết chạy dọc từ ranh giới hai cung Khảm – Cấn đến Ly – Khôn cũng phân thành hai mặt dọc là mặt đông gồm các quẻ Chấn – Cấn; Tốn – Ly (theo Lạc Thư) thuộc Giang Đông Quái và mặt tây gồm các quẻ Càn – Khảm; Khôn – Đoài thuộc Giang Tây Quái.

Như vậy, khi phân tuyến theo trục phân tuyến Thìn – Tuất, ta sẽ có Càn, Khảm, Cấn, Chấn là quái dương; Tốn, Ly, Khôn, Đoài là quái âm. Dựa vào tính chất âm dương của các quái, ta sẽ tổng kết các quy tắc quái tương sinh tương khắc cho Cửu cung Du niên Bát trạch. Ta có bảng tổng hợp về tính chất ngũ hành và âm dương của các quái như sau:

 

STT

Quái Danh

Ngũ hành

Tính âm dương

1

Càn

Kim

Dương

2

Đoài

Kim

Âm

3

Ly

Hỏa

Âm

4

Chấn

Mộc

Dương

5

Tốn

Mộc

Âm

6

Khảm

Thủy

Dương

7

Cấn

Thổ

Dương

8

Khôn

Thổ

Âm

Hình 15: Bảng âm dương ngũ hành bát quái

 

Bây giờ, ta quán xét các quái phối với nhau thành sao Du niên bát trạch. Ở đây, khi quán xét âm dương tương sinh tương khắc của bát quái, ta phải áp dụng quy tắc là nếu một cặp quái rơi vào các trường hợp đặc biệt thuộc tiên đề định trước như các cặp số sinh thành Hà Đồ; các cặp Tiên thiên Bát quái (Phúc đức quái) thì cặp quái đó sẽ phối quái theo quy tắc đó chứ không áp dụng âm dương ngũ hành sinh khắc.

Ví dụ 1: lấy sao Du niên Họa Hại để quán xét, tức là biến hào 1 gồm các cặp biến quái sau: Càn - Tốn; Chấn - Khôn; Khảm – Đoài; Ly – Cấn. Xem xét các cặp, ta nhận thấy có hai loại tính chất tương khắc và tương sinh giữa các cặp với nhau như sau:

- Cặp Càn – Tốn và Chấn – Khôn thuộc cặp tương khắc. Càn dương kim khắc Tốn âm mộc, Chấn dương mộc khắc Khôn âm thổ: hai cặp này thuộc về dương khắc âm.

- Cặp Đoài – Khảm và Ly – Cấn thuộc cặp tương sinh. Đoài âm kim sinh Khảm dương thủy, Ly âm hỏa sinh Cấn dương thổ: hai cặp này thuộc về âm sinh dương.

Như vậy, phối quái ra sao Họa Hại có tính chất dương khắc âm và âm sinh dương.

Ví dụ 2: sao Du niên Thiên Y biến hào 2, tức hào giữa gồm các cặp: Càn – Cấn; Chấn – Khảm; Khôn – Đoài; Tốn – Ly:

- Cặp Cấn – Càn và Khảm – Chấn: Cấn dương thổ sinh cho Càn dương kim; Khảm dương thủy sinh Chấn dương mộc: hai cặp này thuộc về dương sinh dương.

- Cặp Khôn – Đoài và Tốn – Ly: Khôn âm thổ sinh Đoài âm kim. Hai cặp này thuộc về âm sinh âm.

Như vậy, phối quái ra Thiên Y có tính chất dương sinh dương và âm sinh âm.

Người viết đã tổng hợp các cách tương sinh, tương khắc giữa các quái với nhau, mời bạn đọc xem bảng sau:

 

Hình 16: bảng biểu tương sinh tương khắc của Bát quái phối.

 

            Ở bảng biểu trên, ta nhận thấy khi hai quái phối với nhau ra Lục sát thuộc về Hà Đồ sinh thành số lại có các cặp quái có tính chất tương sinh, tương khắc trùng với quái phối ra Ngũ Quỷ và quái phối ra Thiên Y do ở bước biến từ bước biến 5 không lên hào thượng mà quay về hào 4. Chính vì vậy, để phân biệt giữa hai trường hợp này, ta chỉ cần nhớ phối quái tương ứng với Hà Đồ sinh thành số sẽ thành sao Lục sát mà thôi.

 

 

 

 

 

 

Phần 3:

Nguyên lý phân Đông tứ trạch – Tây tứ trạch .

 

Du niên Bát trạch phối Tiên thiên Bát quái

Trong các sách Kinh Dịch còn lưu truyền cho đến nay, tiền nhân đã lưu truyền ba đồ hình là Tiên thiên bát quái với bài khẩu quyết “Thiên địa định vị, Sơn trạch thông khí, Thủy hỏa bất tương xạ, Lôi phong tương bạc” và hai đồ hình Hà Đồ trên lưng con Long Mã và Lạc Thư trên lưng con Long Quy như đã trình bày ở trên. Để hiểu rõ hơn về phân cung Bát trạch, người viết sẽ an sao Du niên Bát trạch vào 3 đồ hình trên nhằm so sánh và có cái nhìn tổng quát về phong thủy bát trạch.

 

Cửu tinh Bát trạch an theo Tiên thiên bát quái với nguyên lý Đông tứ trạch, Tây tứ trạch:

Sách Dương trạch tam yếu của Triệu Cửu Phong đời Thanh;

- Trang 96, mục 1. “Tây tứ trạch: cửa chính triều hướng Khảm, Ly, Chấn, Tốn” có viết như sau:

Trích:

“Sở dĩ Càn, Khôn, Cấn, Đoài được quy vào Tây tứ trạch là vì nhà Càn, Đoài Ngũ hành thuộc Kim, Khôn Cấn thuộc Thổ, Thổ sinh Kim, Kim ở vào hướng Tây. Do đó 4 loại nhà này thuộc về Tây tứ trạch”.

- Trang 96, mục 2. “Đông tứ trạch: cửa chính triều hướng Càn, Khôn, Cấn, Đoài” có viết như sau:

Trích:

“… Nguyên lý của nó là Khảm Thủy, Chấn Tốn Mộc, Ly Hỏa hình thành cục diện Thủy sinh Mộc, mộc sinh Hỏa, đối ứng với Tây tứ trạch nên gọi là Đông tứ trạch.”

Hết trích.

 

Như vậy, sách Dương trạch tam yếu, một cuốn trong Tứ khố toàn thư của Trung Quốc tập hợp các nguyên lý và ứng dụng trong dân gian viết thành sách, khi chỉ ra nguyên lý hình thành nên Đông tứ trạch và Tây tứ trạch cũng không đưa ra được một quy tắc gì cả mà chỉ dựa vào phạm vi tương sinh ngũ hành của bát quái để tách Càn, Khôn, Cấn, Đoài thành Tây tứ trạch và Khảm, Ly, Chấn, Tốn thành Đông tứ trạch.

Tuy nhiên, với cách lấy tương sinh để định Đông – Tây trạch sẽ tạo ra sự yếu kém về lý lẽ bởi tại sao Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy không phải là một trạch, còn Mộc sinh Hỏa không phải là trạch kia? Do đó, người viết cho rằng bản thân Triệu Cửu Phong tập hợp lại các nguyên lý có sẵn lưu truyền trong dân gian mà đưa vào sách. Dù phương pháp du niên bát trạch này được cho là do Tăng Nhất Hành đời Đường tạo ra thì cũng không có bất kỳ lý luận hay nguyên lý nào để biết được tại sao hình thành nên Đông tứ trạch và Tây tứ trạch.

Người viết sẽ chỉ ra nguyên lý hình thành nên Đông tứ trạch và Tây tứ trạch theo hiểu biết của mình dựa trên các quy ước, các định đề của tiên – hậu thiên bát quái và thông qua đó nhằm làm rõ các nguyên lý này. Để mọi người dễ hình dung, xin đưa lại đồ hình Tiên thiên bát quái ở phần trên:

 

Hình 17: Tiên thiên Bát quái và phương vị

 

Sau đây, người viết an sao Du niên bát trạch cho hai quẻ bát thuần Càn và bát thuần Ly theo tiên thiên bát quái. Các quái khác cũng có tính chất tương đồng với 1 trong 2 bảng này:

 

Hình 18: An sao Bát trạch theo Tiên thiên bát quái

 

Khi nhìn vào hai đồ hình trong hình 18, tức khắc ta nhận ra các quái Càn, Đoài, Khôn, Cấn nằm ở hai phía đối nhau qua trung cung có cùng một loại sao bát trạch có tính chất tốt hoặc xấu như nhau. Các quái Ly, Chấn, Tốn, Khảm nằm ở hai phía đối nhau qua trung cung cũng có các sao bát trạch có cùng một tính chất tốt hoặc xấu như nhau. Điều này cho thấy bản chất của tự nhiên thông qua sự khởi đầu của vũ trụ đã phân định rõ 4 quái Càn, Đoài, Cấn, Khôn nằm ở một bên. Bốn quái Khảm, Ly, Chấn, Tốn nằm ở một bên.

Người viết tiếp tục làm rõ về nguyên lý Đông tứ trạch và Tây tứ trạch thông qua nguyên lý của chính môn bát trạch và các nguyên lý của tiên – hậu thiên bát quái. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.

Khi bàn về phong thủy, người xưa rất coi trọng Sinh Khí, coi đó là điều kiện tiên quyết của phong thủy. Quách Phác ( 276—324) một học giả thời Đông Tấn đã viết trong cuốn Táng Thư như sau: “Táng giả, thừa sinh khí dã, khí thừa phong tắc tán, giới thủy tắc chỉ, cổ nhân tụ chi sử bất tán, hành chi sử hữu chỉ, cố vị chi phong thủy, phong thủy chi pháp, đắc thủy vi thượng, tàng phong thứ chi”. Ngay cả phép biến Du niên cũng lấy quái chủ biến ra Sinh khí đầu tiên, đó chính là biến hào thượng thành Sinh khí. Mời bạn đọc xem hình sau:

 

Hình 19: Thiên địa định vị biến thành Sơn trạch thông khí, sao Sinh khí.

 

Hình 20: Thủy Hỏa bất tương xạ biến thành Lôi Phong tương bạc, sao Sinh khí.

 

Từ hình 19 và hình 20, ta dễ dàng nhận thấy các cặp Phúc đức quái sẽ nằm ở một bên với nhau. Cặp Phụ Mẫu quái Càn – Khôn, cặp Giang Tây quái Cấn – Đoài cùng nằm một phía và có tính chất tương đồng, tương sinh nhau. Cặp Nam Bắc quái Khảm – Ly và cặp Giang Đông quái Chấn – Tốn nằm cùng một phía với nhau và có tính chất tương đồng nhau.

Nếu bạn vẫn chưa thấy thỏa đáng, mời bạn đọc nhìn hình hậu thiên Lạc Thư cho thấy tính chất cùng một phía của các quái thuộc Đông hay Tây.

 

Hình 21: Lạc Thư và vòng Thái Cực

 

Từ hình 21 thì bạn đọc dễ dàng nhận ra Lạc Thư và vòng Thái cực là đồng nhất với nhau tức trong âm có dương và trong dương có âm. Ba quái Khôn, Đoài, Càn cùng nằm ở phần âm phía Tây của vòng thái cực và quái Cấn chính là vòng tròn âm nhỏ trong vòng dương nên được định danh là Tây tứ Trạch. Ba quái Chấn, Tốn, Ly nằm ở phần dương của vòng Thái cực và quái Khảm chính là vòng tròn dương nhỏ nằm trong vòng âm nên được định danh là Đông tứ trạch.

Trên đây, người viết đã giải mã nguyên lý hình thành nên Đông tứ trạch và Tây tứ trạch. Người viết tiếp tục chuỗi giải mã nguyên lý bát trạch trong phong thủy, mời các bạn xem tiếp phần 4.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần 4:

An sao Bát trạch theo cửu cung Hà Đồ và Lạc Thư.

 

Hà Đồ lần đầu tiên xuất hiện vào đời Tống, được các nhà nghiên cứu phong thủy cho là Tiên thiên bát quái. Lạc Thư được các nhà nghiên cứu cho là Hậu thiên bát quái. Vậy khi an sao Bát trạch cho cửu cung Hà Đồ và Lạc Thư theo độ số tương ứng với độ số Hà Đồ và độ số Lạc Thư cũng như với độ số Bát quái sẽ như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi:

 

A diagram of a molecule

Description automatically generated with medium confidence

Hình 22: Đồ hình Hà Đồ

 

Hình 23: Đồ hình Lạc Thư

 

Để tiện cho bạn đọc có thể theo dõi và so sánh, người viết sẽ an sao bát trạch lên cùng Hà Đồ và Lạc Thư, sắp xếp song song theo hàng dọc.

 

Hình 24: an sao Du niên trạch Càn

 

Hình 25: an sao Du niên trạch Đoài

 

Hình 26: An sao du niên trạch Ly

Hình 27:  An sao du niên trạch Chấn

 

Hình 28: An sao du niên trạch Tốn

 

Hình 29: An sao du niên trạch Khảm

Hình 30: An sao du niên trạch Cấn

 

 

Hình 31: An sao du niên trạch Khôn

 

* Lục sát là sao Tả Bật tức sao Tả phù và Hữu bật. Tả phù thuộc hành Thủy. Hữu bật thuộc hành mộc. Có sách cho rằng Lục sát là hành Thủy, lại có sách cho là hành mộc. Người viết nhận thấy bản thân Ngũ hành của Bát quái có 2 kim, 2 mộc, 2 thổ nhưng chỉ có một thủy và một hỏa nên sử dụng hành mộc cho sao Lục sát. Các bạn có thể sử dụng theo ý của mình và quan trọng nhất là nó có tính ứng dụng trong cuộc sống thế nào mà thôi.

 

Như vậy, sau khi quan sát kỹ và so sánh các đồ hình an sao du niên lên đồ hình Hà Đồ và đồ hình Lạc Thư, bạn đọc sẽ nhận thấy có sự đổi chỗ của sao du niên giữa phương Đông Nam và phương Tây Nam, tức là giữa quái Tốn với quái Khôn. Đó cũng là lý do vì sao ông Nguyễn Vũ Diệu, nick Thiên Sứ của Trung tâm Lý học Đông phương được cho là người đổi chỗ Tốn Khôn.

Khi quan sát giữa hai đồ hình, các bạn cũng nhận thấy các cặp sao luôn đi cùng nhau theo từng phương là:

1. Phúc Đức (hành kim) – Tuyệt mạng (hành Kim);

2. Sinh khí (hành mộc) – Họa hại (hành thổ);

3. Phục vị (hành thủy) – Lục sát (hành mộc);

4. Thiên y (hành thổ) – Ngũ quỷ (hành hỏa).

Bạn đọc dễ dàng nhận ra ở đồ hình Hà Đồ thì các cặp này luôn luôn đi với nhau. Ở đồ hình Lạc Thư thì khi các cặp này nằm ở phương Bắc và phương Đông thì cũng đi cùng với nhau, nhưng khi chuyển sang phương Nam và phương Tây thì chúng đã thay đổi vị trí ở hướng Đông Nam và hướng Tây Nam.

Ở đồ hình Hà Đồ, các cặp sao Tốt – Xấu đi liền với nhau và rất cân bằng chia đều sang hai lưỡng phiến qua trục Sửu Mùi hay qua trục Thìn Tuất.

Tuy nhiên, ở đồ hình Lạc Thư thì nếu nhìn qua trục Thìn Tuất thì thấy các sao du niên ở phương Bắc và Đông là không thay đổi, chúng chỉ thay đổi ở phần âm tại phương Nam và phương Tây. Khi nhìn qua trục Sửu Mùi lưỡng phiến thì ta nhận thấy tích chất phân bố của các sao thay đổi theo cách thức là cứ 1 bên có 3 sao tốt thì sẽ có 1 sao xấu và ngược lại, bên kia có 3 sao xấu sẽ kèm theo một sao tốt. Mời bạn đọc xem hình sau:

 

Hình 32: Bát trạch cung Khôn

 

 

Hình 33: Bát trạch cung Ly

 

 

Trong những phần ở trên, người viết đã so sánh đồ hình Lạc Thư với hình Thái cực là đồng nhất với nhau tức trong âm có dương và trong dương có âm. Bây giờ, xin các bạn nhớ lại cách biến họ quẻ và các quẻ biến phối quái tạo thành sao Du niên Bát trạch thì các bạn sẽ nhận ra:

- Từ chủ quẻ Bát thuần biến đến hào 3 của quẻ (nội quái) sẽ được các sao theo thứ tự là: 1. Phục vị; 2. Họa hại; 3. Thiên y; 4. Phúc đức.

- Từ hào biến thứ 4 (ngoại quái) cho đến biến thành quẻ Quy hồn sẽ có được các sao theo thứ tự như sau: 5. Ngũ quỷ; 6. Sinh khí; 7. Lục sát; 8. Tuyệt mạng.

Như vậy, bạn đọc sẽ nhận ra từ quẻ Chủ biến hết 3 hào nội quái luôn tạo thành 3 sao tốt và 1 sao xấu. Ngược lại, từ quẻ thành khi biến hào 4 (biến hào thượng quái) cho đến quẻ Quy hồn luôn tạo thành 3 sao xấu và 1 sao tốt. Mời các bạn xem bảng sau:

Quẻ chủ biến 3 hào nội quái

Quẻ chủ

Biến hào 1

Biến hào 2

Biến hào 3

Thuần Càn

Thiên Phong Cấu

Thiên Sơn Độn

Thiên Địa Bĩ

Phục vị

Họa hại

Thiên y

Phúc đức

 

Quẻ Thiên Địa Bĩ biến hào ngoại quái

Biến hào 4

Biến hào 5

Biến hào 4 (Du hồn)

Biến 3 hào (Quy hồn)

Phong Địa Quán

Sơn Địa Bác

Hỏa Địa Tấn

Hỏa Thiên Đại Hữu

Ngũ quỷ

Sinh khí

Lục sát

Tuyệt mạng

Hình 34: An sao bát trạch - Nội quái và ngoại quái

Đến đây, người viết đã chứng minh tính tương quan, tương ứng, tương hợp giữa an sao du niên bát trạch với họ quẻ biến theo Dịch học Lục hào. Sau đây, người viết sẽ đưa lại 8 cung bát trạch với quẻ và danh quẻ tương ứng cho mỗi cung vị của mỗi quẻ bát thuần. Việc ứng dụng an sao du niên lên cửu cung Hà Đồ hay cửu cung Lạc Thư sẽ tùy theo việc ứng dụng và chiêm nghiệm của mỗi người. Bản thân người viết cho rằng việc ứng dụng du niên bát trạch nên sử dụng cả hai đồ hình với nguyên lý âm dương cho mỗi đồ hình. Vào một dịp nào đó chiêm nghiệm đủ, người viết sẽ trình bày với bạn đọc. Sau đây là đồ hình an sao du niên cho quẻ bát thuần và các quẻ tương ứng với mỗi cung vị của từng quẻ bát thuần được an cho hai đồ hình Hà Đồ và Lạc Thư.

 

Hình 35: an quẻ theo sao bát trạch – trạch Càn

 

Hình 36: An quẻ theo sao bát trạch – trạch Đoài

 

 

Hình 37: An quẻ theo sao Bát trạch – trạch Ly

 

 

Hình 38: an quẻ theo sao bát trạch – cung Chấn

 

 

Hình 39: an quẻ theo sao bát trạch – trạch Tốn

Hình 40: an quẻ theo sao bát trạch – trạch Khảm

 

 

Hình 41: an quẻ theo sao bát trạch – trạch Cấn

 

 

Hình 42: an quẻ theo sao bát trạch – trạch Khôn

 

 

Như vậy, từ nguyên lý biến hào theo họ quẻ trong bộ môn Kinh dịch Lục hào khi áp dụng phương pháp phối quái Du niên Bát trạch cho từng quẻ biến trong chuỗi biến hóa của quẻ bát thuần, người viết đã tìm ra được nguyên lý hình thành nên bộ môn Phong thủy Bát trạch và chỉ rõ nguyên lý hình thành nên cách thức an sao Du niên tại các cung theo quẻ bát thuần, bao gồm 4 phụ quái và 4 mẫu quái. Điều này đã phủ định bộ môn Phong thủy Bát trạch là man thư, ngụy thư bởi tính hợp lý, tính logic và tương quan, tương ứng, tương đồng của nó với nhau.

Tuy nhiên, do phần ứng dụng bộ môn phong thủy bát trạch vào cuộc sống đã có những chiêm nghiệm không đúng trong thực tế lại hoàn toàn không phải do môn phong thủy bát trạch này gây ra mà như một câu ngạn ngữ đã nói: “sai một ly, đi một dặm” cho thấy việc ứng dụng tìm trạch chủ của một dương cơ để áp dụng phong thủy bát trạch dường như đã có sai sót nghiêm trọng khiến cho bị coi là man thư, ngụy thư. Đây là sai sót trong quá trình chứng nghiệm chứ hoàn toàn không phải do lý thuyết phong thủy bát trạch gây nên.

Người viết đã phân tích, chứng minh một phần nguyên lý hình thành bộ môn Phong thủy Phi tinh Du niên Cửu cung Bát trạch một cách chi tiết và mạch lạc. Đây là lý do mà người viết cho rằng, phong thủy Bát trạch có nguồn gốc từ Dịch lý và từ chính cách biến hào trong họ quẻ biểu thị cho chu trình phát triển tư tưởng và trí tuệ của con người từ khi mới sinh ra cho đến cuối đời. Đó chính là một chu trình vòng xoắn ốc đi từ nơi mình, lớn lên, phát triển rồi tiến bước ra ngoài đời. “Ra đi để trở về” chính là quá trình đạt tới thịnh vượng – hào 5: hào Vua trong quẻ Dịch, hào Sinh Khí thịnh vượng nhất, thành công nhất và sự trở về thông qua hai quẻ “Du hồn” và “Quy hồn”. Vâng, “Quy hồn” là trở về gốc của mình nhưng với tư tưởng mới hoàn toàn so với tư tưởng lúc mình mới khởi sinh nên nó là Tuyệt mạng: đổi mới hoàn toàn về tư tưởng.

Rồi lại tiếp tục một chu trình mới khởi sinh từ Phục Vị quay vòng, luân hồi mãi không thôi, không ngừng nghỉ. Việc diễn giải quá trình tư tưởng phát triển từ Phục Vị trải qua Họa Hại, Thiên Y, Phúc Đức, Ngũ Quỷ, Sinh Khí, Lục Sát rồi cuối cùng là Tuyệt Mạng cho đến hiện tại mới chỉ là tư tưởng tự thân của người viết, chưa có chứng lý logic nên người viết sẽ chưa đưa vào bài viết này. Mong rằng đến một ngày nào đó, khi tư tưởng đã chín muồi sẽ viết ra phục vụ bạn đọc./.

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét