Thưa quý vị và các bạn,
Hôm trước con/em đăng lên hình một cuộn giấy vệ sinh và nói "kéo ra, có khi đủ cho cả một cái luận văn". Đây không phải một câu nói đùa. Giấy là một trong những phát minh rất quan trọng, góp phần thúc đẩy nền văn minh nhân loại tới ngày nay.
Lịch sử dân tộc phát minh ra giấy đầu tiên được người ta cho là thuộc về người Hán. Nhưng thứ "được người ta cho là" chỉ phản ánh cái "phần đông người ta tin là", thay vì cái "thực tế là". Một số nghiên cứu thư tịch cổ chỉ ra, người Việt phát minh ra giấy từ rất sớm. Có thể từ thời Tần khi người ta còn viết bằng thẻ tre thì người Việt đã làm ra giấy rồi. Sách Nam Phương Thảo Mộc Trạng (soạn năm 304) có chép vào năm 284 - thời Tấn người Việt đã tặng cho nước bạn 30 ngàn tờ giấy hương để viết sách. Vâng, 3 vạn tờ giấy! Như vậy, theo ghi chép này, người Việt không chỉ phát minh ra giấy, mà còn có thể sản xuất đại trà được giấy từ rất sớm.
Thưa quý vị và các bạn, người Việt làm ra giấy để làm gì? Việc phát minh ra giấy, lại còn là loại giấy thơm có chất lượng hảo hạng, để đem đi tặng người viết sách, thì chắc hẳn không phải họ làm ra để gói xôi, hay chùi cái hõm được. Vậy nên, việc kết luận dân tộc Việt là dân tộc "man di mọi rợ không có chữ viết" là kết luận rất xằng bậy, một cách vội vã và chủ quan đến ngờ nghệch.
Không chỉ để viết, vẽ thông thường, mà giấy được người Việt làm ra có lẽ còn để phục vụ cho các hoạt động tín ngưỡng linh thiêng như: tế lễ, làm pháp....
Trong lịch sử hàng ngàn năm, nhiều loại giấy được làm ra, có thể kể đến như: giấy Mật hương, giấy chỉ lý, giấy Điệp, giấy hoàng ... Nếu phân tích vi mô hơn, ở tầng thành phần hợp chất của các loại giấy này, và quán xét trên cơ sở lý luận của Lý học Đông Phương, có thể chúng ta giải mã được, gạn ra được những giá trị, và hiểu được bản chất của một số phương thức dân gian thường bị gán là mê tín. Chúng ta cùng thử xem:
(1) Với giấy mật hương, và giấy chỉ lý:
Giấy mật hương được làm từ gỗ trầm hương. Còn giấy chỉ lý làm từ cây chỉ lý, là một loại cây mọc trong đầm hồ lưu vực sông Dương Tử, có dược tính "... vị ngọt, rất mát, không độc. Trị cảm hàn ở tâm và phúc, làm tăng nhiệt trung bình và tiêu hoá ngũ cốc. Làm tằng khí của dạ dày và ngăn tiêu chảy."
Như vậy chúng ta thấy rằng về thành phần vật liệu của các loại giấy này đều có tính lý rất tốt về Lý học, chúng đều là các dược liệu, mà một vị thầy Đông y có thể vị thuốc.
Bây giờ, chúng ta khó lòng biết được người Việt cổ đã dùng các loại giấy này cụ thể vào việc gì trong đời sống. Nhưng giả như, trước một phương thuật cổ xưa nào đó của người Việt, ví dụ ta hình dung về phương thuật chữa bệnh bằng bùa chú chẳng hạn: người ta viết phù hiệu gì đó lên miếng giấy, rồi làm mấy động tác múa may bí hiểm, sau đó đốt miếng giấy rồi thả vào một cốc nước và đưa cho người bệnh uống, chúng ta đừng vội kết luận đó là mê tín. Nếu quán chiếu vào thành phần của giấy (có thể cả từ mực viết bùa) và bỏ qua mấy động tác làm chúng ta gai người của ông thầy, với một tâm thế cởi mở, ta thấy rằng có thể việc đốt bùa và cho người bệnh uống tro bùa hòa vào nước bản chất là đang cho người bệnh uống thuốc. Hình thức chỉ đơn giản là vậy thôi! Nhưng tại sao ông thầy phải làm màu mè như vậy? điều này nếu chúng ta suy ngẫm thêm về bối cảnh, con người và thời cuộc thời đó, biết đâu chúng ta có thể đồng cảm và chia sẻ được với ông thầy nọ.
Con/em không thuyết phục quý vị tin vào mấy phương thuật này kia, hay cổ súy mọi người làm theo, mà xem nhẹ y học hiện đại. Con/em chỉ muốn đưa ra thêm một góc nhìn cho quý vị về mấy thứ hay bị gọi là "mê tín". Phù thủy, nhà giả kim cổ đại về bản chất cũng không khác là mấy so với các nhà hóa học, hay khoa học vật liệu hiện đại. Chắc chắn nằm dưới các ứng dụng của họ, đều phải là cơ sở lý luận chặt chẽ và tinh vi, chỉ là cơ sở đó xưa-nay khác nhau mà thôi.
Tiện đây, xin kể cho quý vị nghe câu chuyện về cái "nồi nước đái". Chắc nhiều quý vị vẫn biết, ngày xưa các cụ có cái nồi/vại bằng đất nung khá lớn để ở góc vườn, dùng để chứa nước tiểu. Hồi con/em còn nhỏ, cứ sáng ra là y lệnh của bà nội phải tè vào cái nồi đó. Con/em lúc đầu chỉ nghĩ là bà muốn giữ nước tiểu để tưới cây. Cho đến một lần, thấy nội mang cái nồi đất ra cạo lấy cái cặn đóng ở đáy nồi, con/em ngạc nhiên hỏi thì mới biết nội lấy cái đó để đem cho ông thầy lang trong xóm làm thuốc cam cho con nít. Thuốc dân gian đôi khi như thế đấy quý vị. Ba mươi năm sau, con em nói chuyện với một nhà khoa học vật liệu, hiện đang giữ chức vụ khá cao ở trường ĐH. USTH, con/em không tiện nêu tên. Được biết anh ta và nhóm nghiên cứu của mình tìm ra một loại vật liệu gốm mới, đem lại ứng dụng rất lớn trong ngành bán dẫn và vật liệu vũ trụ. Điều thú vị là, ý tưởng tìm ra loại vật liệu đó chính là từ cái "nồi nước đái". Như anh ta nói thì vật liệu gốm đó được làm không khác gì mấy với cái miếng đất nung bám cặn nước tiểu của các cụ. (Đây là chuyện nghe kể, quý vị quan tâm sâu thì xin tự kiểm chứng).
Có vẻ con/em đã tám chuyện hơi bon rồi, mời quý vị quay trở lại vấn đề về giấy.
(2) Giấy Điệp
Nền là giấy được làm từ bột cây gió, được phủ hồ điệp. Chúng ta biết rằng đây là loại giấy đặc trưng để làm tranh dân gian Đông Hồ. Đây là dòng tranh tết, thường được sử dụng để treo cầu tài, trấn trạch cho gia chủ. Các đồ án tranh như bức tam dương khai thái (hai con gà trống), bức chăn trâu thổi sáo thả diều, bức đàn lợn, bức vinh hoa phú quý ... đều đã được thầy Thiên Sứ giải mã, cho thấy tính Minh triết Việt và khả năng ứng dụng trong trấn yểm rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bí mật về khả năng của "vật phẩm phong thủy" tranh dân gian Đông Hồ không chỉ nằm ở đồ án hội họa, hay nội hàm của tranh.
Hồ Điệp, như chúng ta biết được làm từ bột xà cừ tách từ vỏ sò điệp trộn với bột nếp. Chúng ta biết rằng, trong lý học bột nếp được xếp vào nguyên liệu có năng lượng dương, có tính kết dính cao. Khi khô đi, bột nếp trở nên háo nước, và thu hút thủy khí - hơi ẩm trong không khí đến. Bên cạnh đó, vỏ sò thuộc hành kim đới thủy, ở xã hội cổ đại được dùng làm tiền để giao dịch hàng hóa. Kim đới thủy cũng chính là thuộc hành của quẻ Càn - chủ cái đầu- trí tuệ. Trong lý học, chúng ta đều nằm lòng khẩu quyết "Thủy trí quản tài." Trong bảy món đồ quý mà chúng ta gọi là thất bảo, thường được dùng làm cốt bát hương, bao gồm: vàng, bạc, mã não, hổ phách, ngọc trai, san hô đỏ, và xà cừ, thì cũng có tới ba món là ngọc trai, san hô, xà cừ thuộc kim đới thủy.
Như vậy xà cừ không chỉ được đưa vào thành phần làm giấy để tạo ra hiệu ứng óng ánh phục vụ múc đích mỹ thuật đơn thuần, mà rõ ràng nó được đưa vào trên cơ sở lý học, nhằm tạo ra hiệu quả trấn yểm tối đa cho bức tranh.
Thậm chí ngay cả hiệu ứng óng ánh cũng có thể là sản phẩm tư duy có chủ đích lý học. Những hạt bột xà cừ óng ánh giống như ma trận những tấm gương siêu nhỏ, để "làm mềm" các bức xạ cường độ mạnh chiếu tới, khiến chúng trở lên hài hòa và tỏa đều "ánh sáng ngũ sắc" ra xung quanh. Trong khi đó, nó lại không tạo ra hiệu ứng phản xạ mạnh mẽ như một tấm gương lớn, hay như hiệu ứng gương vỡ khiến bức xạ trở nên không đồng nhất hóa thành sát khí. Ý tưởng sử dụng bột xà cừ nhìn dưới góc độ này, quả thực rất vi tế, và tinh tế.
Với lăng kính hiện đại hơn một chút, ta biết rằng bột xà cừ có thành phần chủ yếu là calxi-cacbonat và conchiolin, hay gọi là bột vôi. Cùng với hơi nước được giấy điệp hấp thụ, bột xà cừ là có khả năng hấp thụ CO2, vì vậy nó có thể làm sạch không khí. Còn nhiều khía cạnh nữa, có lẽ con/em sẽ đề cập thêm vào một chia sẻ khác.
Như vậy, qua các phân tích trên, có thể kết luận rằng bí mật về khả năng trấn yểm của tranh dân gian Đông Hồ, ngoài đến từ tính minh triết của đồ án mỹ thuật, còn nằm ở chất liệu, thành phần hợp chất của giấy Điệp.
Với bài viết này, hi vọng rằng dòng tranh dân gian giá trị này của Việt Nam được quan tâm giữ gìn, và sử dụng nhiều hơn nữa. Con/em cũng xin lưu ý, nếu tranh in trên giấy điệp, thì không nên lồng kính, treo tranh trần và nên thay hằng năm để có được hiệu quả trấn yểm tốt nhất.
(3) Giấy Bùa
Một loại giấy mang nhiều bí ẩn, nhuốm màu huyền bí nữa đó chính là giấy vẽ bùa - còn gọi là giấy hoàng (một số người còn gọi là giấy hoàng chỉ, nhưng con/em thấy cách gọi này hơi có chút vấn đề, vì từ chỉ ở đây 紙 có nghĩa là giấy, nên chúng ta gọi là hoàng chỉ, hay giấy hoàng, chứ gọi giấy hoàng chỉ là nhập nhằng.)
Một lần nữa, nếu hướng đến thành phần của chất liệu giấy và mực viết bùa, có thể bí mật của các phương thuật liên quan tới bùa chú trong phong thủy Đạo giáo sẽ được vén màn. Các phương thuật Đạo giáo hẳn là phải có phần nào tác dụng mới có thể tồn tại được trong dân gian trong thời gian dài như vậy. Con/em tự hỏi rốt cuộc tác dụng đó có phải nằm ở hình họa phù trên tấm bùa?
Quý vị và ace thấy các phù hiệu trên lá bùa rất phức tạp, hình thù rối mù, các chữ nho cổ. Vậy nếu viết bằng chữ Anh ngữ, hay Nga ngữ hay chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay thì có được không? ý là có còn tác dụng không? Nếu không, đó không thể là "chân lý", tức bên dưới nó không có một nền tảng lý luận đáng tin nào cả. Bởi vì nếu có, nó phải được viết ra không phụ thuộc vào ngôn ngữ, hay tiếng nói của bất cứ dân tộc nào. Trên cơ sở đó, con/em nhận định rằng, phương thuật bùa chú nếu có hiệu quả thì chủ yếu nó phải đến từ mực-giấy bùa, chứ bản chất không nằm ở ngôn ngữ của phù hiệu.
Thành phần chính của giấy bùa là phèn chua có công thức hóa học là KAl(SO₄)₂, tên khoa học là aluminium potassium sulfate. Tên cổ đầy đủ của phèn chua là Minh Phàn/Phèn. Đây là một hoá chất được phát hiện từ xa xưa, và được các Đạo sĩ dùng làm bùa khử âm khí, bởi đặc tính hút ẩm và sát khuẩn của nó. Phèn chua được đổ lên đĩa, hoặc cho vào một cái ấm rồi đặt vào nơi muốn khử âm khí.
Chúng ta thường thấy giấy bùa có màu vàng, đó là vì thành phần của giấy này bao gồm: 30% phèn chua, 30% hoàng bá (phellodendron amurense) và 40% băng phiến. Mực viết bùa cũng có phèn chua, hùng hoàng, chu sa. Tính chất của các hợp chất này, ace quan tâm tìm hiểu và quán xét trên lý luận của lý học đông phương, sẽ thu được nhiều ý tưởng ứng dụng khác nhau.
Ví dụ như phèn chua, hôm trước con/em có đề cập, đặt dưới gầm giường để có giấc ngủ ngon hơn. Bởi vì khi ngủ, thân người hạ thấp xuống giường, trong quá trình ngủ các thán khí tạo ra chìm xuống sàn nhà làm giảm mật độ oxy ở tầng thấp, khiến cho chúng ta ngủ mụ mị, trầm người và mệt mỏi khi thức dậy. Phèn chua hấp thu khí CO2 và hơi nước dưới gầm giường sẽ giúp xử lý vấn đề, qua đó chúng ta ngủ ngon, khỏe hơn. Quý vị và ace lưu ý, phèn chua khuyêch tán vào không khí thì không gây độc, nhưng đưa lượng lớn vào bên trong cơ thể sẽ ảnh hưởng về lâu dài, về già sớm gây ra bệnh mất trí nhớ, vì vậy cần tránh xa tầm tay trẻ em. Tốt nhất là xử lý thông khí cho phòng ngủ thật tốt, thay vì sử dụng các chiêu thức mang tính xử lý tình huống.
Kết luận:
Thưa quý vị và các ace, như vậy là chúng ta đã đi qua một số loại giấy "bí ẩn" của người Việt. Bài viết này cung cấp các ý tưởng để giải mả, và đã lý giải được phần nào một số phương thuật được cho là mê tín dị đoan. Dù còn sơ sài, nhưng thông qua bài viết này, con/em giới thiệu một phương thức tiếp cận mới để tìm hiểu sâu hơn các "pháp thuật Đạo giáo" và mở đường cho các ứng dụng khác nhau.
Xin chia sẻ tới quý vị hữu duyên, và các ace đồng môn quý mến.
Cảm ơn mọi người đã quan tâm theo dõi, và đọc hết bài viết lê thê này.
P/s: Con/em viết vội, không có thời gian chau chuốt, đọc thấy sạn mong mọi người thông cảm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét