Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

Giải mã tranh dân gian Đông Hồ: Tam Dương Khai Thái

 

Giải mã tranh dân gian Đông Hồ:

Tam Dương Khai Thái

 

Nguyễn Đức Thông

Phong Thủy Sư – Dịch Học Sĩ

Giờ Di – Phục

 

I. Dẫn nhập:

Việt Nam, đất nước tôi, đất nước của những lời ru, tiếng hát; của những làn điệu dân ca quan họ hay những câu hò ví dặm, đã trải qua hàng ngàn năm hứng chịu bao biến đổi khắc nghiệt của âm dương, của ngũ hành và của bát quái mà vươn mình đứng lên mạnh mẽ. Đất nước chịu bao đau thương bởi sự tàn bạo của lũ giặc xâm lăng trải từ ngàn năm hòng xóa sổ một nền văn hóa, nô dịch và Hán hóa nhằm chiếm trọn vẹn nền văn hóa đó. Nhưng dù dùng trăm phương ngàn kế, dù đốt sạch, phá sạch cho đến dòng chữ cuối cùng thì cũng không thể xóa nổi tầng tầng lớp lớp văn hóa ăn đậm sâu trong tâm trí của mỗi con dân Việt được lưu truyền qua dân gian, qua truyền miệng để gìn giữ lớp văn hóa và bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam. Một trong những lớp văn hóa đó chính là dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Như lời giới thiệu về dòng tranh dân gian Đông Hồ của Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam:

Trích:

Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, đây là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo tìm hiểu, trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.

Với những nét tinh túy riêng và mang đậm những giá trị văn hóa to lớn, tranh tết Đông Hồ bằng những hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn. Sự phong phú và đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh hầu như tất cả những gì diễn ra trong đời sống bình dị của người lao động như: Chăn trâu thổi sáo, Hứng dừa, Đấu vật, Đánh ghen… cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như Lễ trí, Nhân nghĩa, Vinh hoa, Phú quý, Lợn đàn, Gà đàn… Nét hấp dẫn của tranh dân gian Đông Hồ không chỉ đề cập đến cuộc sống: thóc đầy bồ, gà đầy sân, mong ước vinh hoa phú quý… mà còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc.”

Về nguồn gốc tranh dân gian Đông Hồ không thuộc phạm vi của bài viết này, bạn đọc có nhu cầu nghiên cứu xin tham khảo các trang web mạng. Người viết xin giải mã một trong những bức tranh nổi tiếng của dòng tranh dân gian Đông Hồ nhằm trả lại cho nó những ý nghĩa ẩn sâu dưới lớp vẽ trong tranh của cha ông ta, đó là bức tranh “Tam Dương Khai Thái”, mời các bạn xem hình sau.

 

II. Hình tượng “Tam dương khai thái” trong văn hóa Trung Quốc.

Bức tranh “Tam dương khai thái” được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc với hình tượng ba con dê đứng trên đỉnh núi, xa xa có mặt trời chiếu rọi xuống. Mời các bạn xem hình sau:

 

Hình 1: Tranh Tam Dương Khai Thái theo văn hóa Trung Hoa

 

Và được mô tả như sau:

Trích từ trang https://tranhtheutnc.com/:

Ý nghĩa Tranh Tam Dương Khai Thái

Dê là loài vật nhanh nhẹn, gần gũi với con người. Dê đứng thứ tám trong 12 con giáp và ẩn chứa trong mình nhiều ý nghĩa phong thủy. Trong tiếng Hán, Dê còn có nghĩa là Dương là biểu tượng cho ánh sáng giúp hòa giải những điều đen đủi, không may.

Tam Dương Khai Thái là bức tranh thêu ba con dê đứng chung với nhau nhưng mỗi con lại có một dáng đứng khác nhau, một hình thái biểu hiện khác nhau. Dê thường sống trên núi hiểm trở nhưng đi lại linh hoạt, nhanh nhẹn. Dê hiền lành và tinh nhanh nên mang nhiều ý nghĩa của sự may mắn và thuận lợi. Chính vì thế người ta hay lấy dê làm vật tượng trưng cho sự tài lộc và sự thông thuận.

Ý nghĩa Tranh Thêu Tam Dương Khai Thái

Ý nghĩa của tranh Tam Dương Khai Thái bắt nguồn từ thuật phong thủy trong Kinh Dịch, một trong ngũ kinh của Khổng Tử. Hình ảnh Tam dương khai thái xuất hiện trong quẻ Thái, quẻ mang đến sự tốt lành, tài lộc, mang đến người quân tử, tránh kẻ tiểu nhân. Ý nghĩa tranh Tam Dương Khai Thái chính vì thế cũng mang nhiều ý nghĩa của quẻ Thái”.

Hết trích.

Qua đoạn giới thiệu về ý nghĩa tranh tam dương khai thái trên, bạn đọc cũng nhận ra cách hiểu của người Trung Quốc về Tam dương khai thái là do Dê đọc là Dương, đồng âm với chữ Dương trong tam dương khai thái nên trong tranh vẽ ba con dê. Chữ Thái được gán cho quẻ Thái với ý nghĩa mang lại nhiều tài lộc. Lời giới thiệu đơn sơ biểu thị cái hiểu sai về ý nghĩa thực của chữ “Tam dương khai thái” và càng chứng tỏ sự yếu kém về Lý Dịch của họ.

Sau đây, người viết sẽ giải mã bức tranh Tam dương khai thái của người Việt, hay bức tranh “Tam dương khai thái” của làng tranh Đông Hồ.

 

 

 

III. Giải mã Tranh Đông Hồ: Tam Dương Khai Thái

A yellow rectangular sign with two roosters

Description automatically generated

Hình 2: Tranh Tam Dương Khai Thái, nguồn: https://phongthuylacviet.org.vn/

 

Ở bức tranh “Tam Dương Khai Thái” của làng tranh Đông Hồ nhìn rất đơn giản, đơn điệu và không mang nhiều họa tiết như bức tranh của văn hóa Trung Hoa, tuy nhiên khi đi sâu vào tìm hiểu ý nghĩa của bức tranh, người viết đã rất sửng sốt trước sức sáng tạo của cha ông ta để lại một bức tranh với nhiều ẩn ý sâu sắc sẽ được người viết trình bày dưới đây.

Nhìn vào bức tranh, ta sẽ thấy những lớp sau: chữ Tam Dương Khai Thái, Hai con gà trống đang đạp chân vào mô đất có cây trồng, cây nhỏ trên mô đất, hình tượng mặt trời trên lưng gà. Người viết sẽ đi vào phân tích từng chi tiết một phục vụ bạn đọc tìm hiểu ý nghĩa của chúng.

- Đầu tiên là chữ Tam Dương : những ai tìm hiểu về lý học đông phương đều biết dương chỉ hào dương, vạch dài và âm chỉ hào âm, vạch đứt đoạn. Do vậy, Tam dương ở đây chính là quẻ Càn có 3 vạch như hình vẽ dưới đây:

 

Hình 3: quái Càn, 3 vạch dương nên gọi là Tam Dương.

 

Trong Kinh Dịch, quẻ Càn có ý nghĩa là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh mang hàm nghĩa là vạn sự đều thuận lợi, thông suốt.

- Con gà trống là hình tượng của một trong 12 địa chi, đó chính là Dậu, nằm ở phương chính Tây, cung Đoài.

 

Hình 4: quái Đoài, chính Tây, sơn Dậu

 

- Tranh có hình hai con gà trống. Thực ra để chỉ quái Đoài chỉ cần 1 con gà là đủ nhưng người xưa vẽ hai con gà cho thấy đó nó mang hàm nghĩa độ số 2, độ số của quái Khôn. Quái Khôn có hàm nghĩa là Nhu, thuận, lợi, trinh với hàm nghĩa chăm lo cho gia đình mang lại nhiều phúc lợi. quái Khôn cũng biểu thị cho cái nhà, nơi giữ gìn hạnh phúc lứa đôi.

 

Hình 5: quái Khôn, độ số 2, biểu thị cho gia đình và hôn nhân

 

- Cây nhỏ biểu thị cho quái Tốn, quái Tốn biểu thị cho cây nhỏ, lá non, mầm chồi non nên Tốn đại diện cho sinh khí. Chính vì điều này mà trong dân gian có tập tục ngày xuân đi hái lộc, rước lộc vào nhà chính là ở quái Tốn và cung Tốn biểu thị cho Tài lộc.

 

Hình 6: quái Tốn, biểu tượng cho Sinh khí và cung Tài lộc.

 

- Hình tượng cuối cùng trên bức tranh chính là 2 hình mặt trời trên đuôi 2 con gà. Tại sao các cụ lại vẽ hình mặt trời ở đuôi con gà?. Đó là vì ở Đuôi chính là nơi kết thúc của hình ảnh con gà, tức là phần ranh giới kết thúc của phạm vi này và chuyển sang phạm vi khác. Trong sách Kinh Dịch có ghi một khẩu quyết là: “Đế xuất hồ Chấn,…”. Quái Chấn nằm ở chính Đông. Mặt trời chính là Đế vĩ đại nhất trên địa cầu. Đế xuất hồ Chấn có nghĩa là mặt trời mọc ở phương Đông, tức phương Chấn, rồi mặt trời lên cao nhất ở đỉnh đầu, giữa trưa, nằm chính ở phương Nam, quái Ly. Quái Ly là hình tượng của mặt trời rực rỡ nhất. Đó chính là hình tượng của 2 cái mặt trời ở đuôi con gà, nó biểu thị cho cung Chấn và cung Ly và cũng chỉ ra cung nằm giữa hai cung đó, chính là cung Tốn theo Lạc Thư và cung Khôn theo Hà Đồ. Đó cũng chính là cung Đoài theo tiên thiên bát quái.

Như vậy, hình ảnh 2 mặt trời nằm ở đuôi 2 con gà chính là chỉ đích danh phương Đông Nam, nơi mà ở được biểu thị trên Hà Đồ là quái Khôn và trên Lạc Thư là quái Tốn. Mời bạn đọc xem hình sau:

 

A colorful squares with numbers and symbols

Description automatically generated with medium confidence

Hình 7: Hà Đồ Cửu cung

A colorful squares with writing

Description automatically generated with medium confidence

Hình 8: Lạc Thư Cửu cung

 

Đến đây, người viết đã giải mã toàn bộ các hình ảnh trên tranh “Tam Dương khai Thái” của dòng tranh Đông Hồ. Người viết tiếp tục giải mã các ý nghĩa ẩn sâu sau bức tranh với các quái có liên quan như đã giải mã ở trên.

Phần trên, người viết có nhắc đến chữ Thái với ý nghĩa là quẻ Địa Thiên Thái chủ về thịnh vượng. Tam Dương Khai Thái có nghĩa là ba hào dương mở ra một thời kỳ thịnh vượng. Đó chỉ là ý nghĩa sơ khai. Người viết xin giải mã chi tiết hơn về ý nghĩa này.

Trước hết, theo bát trạch thì quái Càn phối quái Đoài thành Sinh khí. Quái Khôn phối quái Càn thành Phúc Đức, quái Khôn phối quái Đoài thành Thiên Y.

Trong bức tranh có hình tượng Tam Dương chính là nói đến quái Càn; con Gà tức địa chi Dậu nằm ở cung Đoài, phương chính Tây với hàm ý chỉ tới quái Đoài và độ số 2 chỉ quái Khôn như đã trình bày ở trên. Cây nhỏ mọc ở giữa hai con gà biểu thị cho quái Đoài là sinh khí của quái Càn, quẻ Địa Thiên Thái với ý nghĩa là thịnh vượng.

Con gà tức quái Đoài và 2 con gà với hàm nghĩa là độ số 2 tức quái Khôn. Số 2 ẩn tàng quái Khôn nên là thượng quái, Hình con gà biểu tượng cho quái Đoài làm hạ quái. Hai quái phối với nhau thành Thiên Y hay quái Đoài là Thiên Y của quái Khôn, thượng quái Khôn, hạ quái Đoài tạo thành quẻ Địa Trạch Lâm với ý nghĩa là đến, tới.

Con gà trống vừa mang hàm nghĩa là sao Thiên Hình chủ hóa sát, giải trừ tai ách, ma quỷ lại còn là loài cất cao tiếng gáy báo hiệu bình mình bắt đầu cho một ngày mới. Gà trống gáy chính là khai mở.

Ô! Có cái gì lạ thế! Đúng đấy bạn đọc ạ!

Ở đây chính là hình ảnh của Địa Thiên Thái biến Địa Trạch Lâm, hay nói một cách khác, đó chính là:

 

Thái – Lâm

mang thịnh vượng đến nhà.

 

Đến đây, chắc bạn đọc sẽ ồ lên: “Sao bức tranh có ý nghĩa thế!!!”

Nhưng chưa đâu, bất ngờ còn ở phía sau, mời các bạn tiếp tục theo dõi.

Những ai nghiên cứu phong thủy Bát trạch đều biết sao Sinh khí chủ về Tài lộc, sao Thiên Y chủ về sức khỏe và tuổi thọ, sao Phúc Đức chủ về Phúc Đức đúng như tên của nó. Đọc đến đây bạn đã thấy cái gì chưa? Đã ồ thêm chưa?

Vâng, bạn đã đúng!: Ba sao Phúc Đức – Sinh Khí – Thiên Y chính là Phúc – Lộc – Thọ đó.

Phúc Đức

Sinh Khí

Thiên Y

Phúc

Lộc

Thọ

 

Bạn đã thấy tại sao người xưa cứ phải gọi là Phúc Lộc Thọ chứ không phải là Phúc Thọ Lộc hay Lộc Phúc Thọ… không? Chính là vì tự nhiên nó phải vậy, Thái – Lâm nó phải vậy!!!

Và, vâng lại và! Càn chính là Lão ông, tam dương chính là Ba ông lão. Và đó chính là Ba ông lão Phúc Lộc Thọ đấy các bạn! Ngạc nhiên chưa!

 

Hình 9: tượng Tam Đa – Phúc Lộc Thọ

Ông Phúc một tay bế em bé trai, theo quan niệm của người xưa coi trọng con trai nối dõi tông đường. Nguyên nhân dẫn tới hình tượng trọng nam khinh nữ này của người xưa do điều kiện chiến tranh liên miên, môi trường ẩm thấp dễ sinh ra bệnh tật khiến cho tuổi thọ con người xuống thấp và đặc biệt do chiến tranh đã cướp đi rất nhiều sinh mạng của những người đàn ông. Tuy nhiên ở đây, nhìn theo hình tượng Dịch lý thì bé trai nối dõi tông đường tức trai trưởng, đó chính là cung Chấn, trưởng nam. Cung Chấn cũng là nơi bình mình hé rạng cho một ngày mới bắt đầu. Nếu bạn am hiểu về huyền học thì cũng sẽ biết cung Chấn – chính Đông là nơi cư ngụ của quái Ly – Tiên thiên, một mặt trời mới nhú ra khỏi đường chân trời với ánh nắng còn yếu ớt nhưng cũng đủ xua tan đi màn đêm tăm tối.

Phương Đông Nam, cung Khôn theo Hà Đồ và là cung Tốn theo Lạc Thư biểu thị cho sinh khí và tài lộc và được biểu thị bằng hình vẽ một cái cây nhỏ nhô lên khỏi mô đất.

Phương Nam, quái Ly là lúc mặt trời lên cao nhất chính giữa đỉnh đầu tỏa sáng tới muôn nơi. Cung Ly cũng chính là nơi ngụ của quái Càn ở Tiên thiên, biểu thị cho tuổi Thọ của nhân loại.

Từ đây, theo suy diễn của riêng tôi, bức tranh Tam Dương Khai Thái còn có ý nghĩa là Bình minh phương Đông mang sinh khí tới muôn nơi.

Nhưng ý nghĩa của bức tranh “Tam Dương Khai Thái” chính là:

 

BA ÔNG LÃO

PHÚC LỘC THỌ

MANG

THỊNH VƯỢNG

TỚI NHÀ

 

Chúc các bạn năm mới Hồng Phát!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét