Hiếm có gia đình nào có tầm ảnh hưởng ở Washington như gia tộc Bush, với hai tổng thống đưa nước Mỹ đi qua những giai đoạn hỗn loạn, khủng hoảng lớn trong lịch sử.
Ngay khi bà Hillary Clinton tuyên bố ý định tranh cử tổng thống cuối năm 2006, nhà báo Roger Cohen chỉ ra trên International Herald Tribune một vấn đề tế nhị bà Clinton đối mặt nhưng ít người nói: sự thống trị chính trường Mỹ của các gia tộc.
Một bài viết của AP tháng 10/2007 dẫn ra số liệu cho biết “41% người dân Mỹ chưa từng sống vào thời điểm mà đất nước không có người từ nhà Bush hay Clinton sống trong Nhà Trắng”.
Nếu Hillary Clinton chiến thắng và tái cử, đất nước sẽ trải qua 28 năm với hai nhà Bush và Clinton cùng điều hành đất nước. Và nếu tính cả nhiệm kỳ phó tổng thống của Bush ‘cha’, đó sẽ là 36 năm, theo AP.
Dòng tộc thống trị vốn không phải đặc tính của nền cộng hòa dân chủ. Hiến pháp Mỹ ghi rõ: “Không có danh hiệu quý tộc nào sẽ được nước Mỹ cấp tước”. Bất chấp vậy, nước Mỹ đã có những triều đại dòng tộc từ khi lập quốc tới nay.
Gia tộc Lee ở Virginia có hai người ký tên trong tuyên bố độc lập, 3 thống đốc, hai thượng nghị sĩ, 9 hạ nghị sĩ và 4 tướng của Liên hiệp Mỹ (miền Nam).
Gia đình nhà Frelinghuysen ở New Jersey luôn ở tâm điểm của nền chính trị, từ thời ông tổ Frederick là đại biểu của quốc hội lục địa (trước khi nước Mỹ độc lập) và sau này trở thành thượng nghị sĩ. Ba thế kỷ sau, hậu duệ hiện tại của nhà này có Rodney Frelinghuysen làm hạ nghị sĩ giai đoạn 1995-2019, từng là chủ tịch ủy ban ngân sách Hạ viện.
Ở cấp độ tổng thống, nhà Bush có tổng thống thứ 41 và 42, nhà Adams có tổng thống thứ 2 và thứ 6, nhà Harrison có tổng thống thứ 9 và 23, nhà Roosevelt có tổng thống thứ 26 và 32.
Học giả Stephen Hess, tác giả cuốn “America’s Political Dynasties: From Adams to Clinton” (Các triều đại chính trường Mỹ: Từ nhà Adams tới nhà Clinton) đưa ra một hệ thống tính điểm phức tạp các triều đại chính trị ở Mỹ.
Theo đó, một gia tộc muốn được công nhận là “triều đại” thì phải có ít nhất ba thế hệ làm quan. Đây là tiêu chí mà nhà Clinton hay nhà Obama đến nay vẫn chưa đạt được.
Trong hệ thống của Hess, vị trí tổng thống hay chánh án tòa tối cao được 10 điểm; phó tổng thống hay chủ tịch hạ viện được 4 điểm; thượng nghị sĩ hay thống đốc được 3 điểm; hạ nghị sĩ được 2 điểm; bộ trưởng hay thành viên nội các sẽ được 1 điểm.
Tính đến năm 2018 khi Bush “cha” qua đời, dòng tộc Bush xếp thứ 6 trong các “triều đại” gia đình ở Mỹ. Các triều đại này, xếp theo thứ tự, là nhà Kennedy, nhà Roosevelt, Rockefellers, Harrison, Adams, Bush, Fredlinghuysen, Breckinridges, Taft, và Bayard.
Hiện nay chỉ còn nhà Bush và nhà Kennedy có hậu duệ tiếp tục làm việc trong hệ thống chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, hiếm có gia đình nào mà tầm ảnh hưởng ở Washington lại hiện rõ như gia tộc Bush.
Đế chế nhà Bush đã chiếm giữ vị trí trung tâm trong nền chính trị Mỹ ít nhất 6 thập kỷ qua, kể từ khi ông Prescott Bush đắc cử thượng nghị sĩ Mỹ đại diện bang Connecticut năm 1952.
Sau đó, con trai ông là George H.W. Bush (Bush "cha") trở thành tổng thống Mỹ thứ 41, cháu trai Jeb Bush được bầu làm thống đốc bang Florida, người cháu trai cả George W. Bush trở thành tổng thống Mỹ thứ 43 sau 6 năm làm thống đốc bang Texas.
Có thể nói cha con tổng thống Bush là những gạch nối quan trọng nhất của chính trường Mỹ và thế giới trong gần nửa thế kỷ qua.
Về đối ngoại, ông Bush “cha” làm chủ Nhà Trắng trong giai đoạn hỗn loạn cuối Chiến tranh Lạnh, bức tường Berlin sụp đổ, thay đổi chính trị diễn ra ở hàng loạt nước châu Âu. Ông dẫn dắt các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Liên Xô, giúp chấm dứt hàng thập kỷ cạnh tranh giữa các cường quốc hạt nhân một cách hòa bình.
Chiến tranh Vùng Vịnh lần I (1990-1991) cũng là bước ngoặt mới cho trật tự ở Trung Đông, khi ông Bush chính thức phá bỏ liên minh với Iraq (Saddam Hussein trước đó là đồng minh của Washington trong cuộc chiến với Iran) với chiến dịch Bão táp Sa mạc. Diễn biến này tạo ra một loạt bước ngoặt mới đối với địa chính trị Trung Đông.
Lịch sử Mỹ ghi nhận Bill Clinton thường được ca ngợi vì giúp ngân sách Mỹ thặng dư, nhưng chính Bush “cha” mới là người thúc đẩy việc tăng thuế tạo ra nguồn thu này. Điều này được giới phân tích đánh giá là dũng cảm và cũng bị coi là nguyên nhân khiến ông thất cử năm 1992 trước Clinton.
Cuộc chiến mấy chục ngày buộc Iraq phải rút quân ra khỏi Kuwait đồng thời dẫn tới cuộc đối đầu mới giữa những đồng minh cũ.
Với George W. Bush (Bush "con"), chiến lược chống khủng bố đơn phương của ông sau 11/9/2001 dẫn tới hai cuộc chiến dai dẳng khiến Mỹ sa lầy ở Afghanistan và Iraq. Sau hàng nghìn tỷ USD và hàng nghìn lính Mỹ thiệt mạng, đây vẫn là di sản đối ngoại mà tới giờ Washington vẫn đang đau đầu giải quyết.
Những bộ trưởng và cố vấn của nhà Bush như Karl Rove, Colin Powell, Paul Wolfowitz, Condoleeza Rice… vẫn có tiếng nói đáng kể trong giới chiến lược gia của đảng Cộng hòa.
Một cựu cố vấn của Bush “con” là John Bolton gần đây trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump và là người có tác động quan trọng trong các chính sách về Triều Tiên, Nga.
Ông George H.W. Bush sinh năm 1924, lớn lên giữa sự quyền quý. Cha ông đồng sở hữu ngân hàng đầu tư top đầu Brown Brothers Harriman ở Phố Wall, và làm hai nhiệm kỳ thượng nghị sĩ Mỹ. Gia đình sống ở khu Greenwich, bang Connecticut, giàu có gần thành phố New York.
Chủ tịch Harvard Charles W. Eliot miêu tả gia đình của ông Bush là “những gia đình thượng hạng”. Dòng tộc nhà Bush từng làm ăn với nhà Rockefeller và Harriman. Ở những nơi như Newport và Kennebunkport, các gia đình này tồn tại trong một nhóm cộng đồng tách biệt nhau bởi dòng dõi, tôn giáo và đẳng cấp.
Theo Atlantic, những nhóm “quý tộc cũ” được coi là thượng hạng hơn giới “nhà giàu mới” vì những người sinh ra đã giàu thường được rèn giũa để có phong thái hoàn hảo. Con cháu của những gia đình “quý tộc cũ” được gửi tới Phố Wall, Bộ Ngoại giao và thượng viện Mỹ.
Năm anh em nhà ông George H.W. Bush đều có người phục vụ và tài xế riêng. Ông Bush học ở những trường danh giá, bao gồm Học viện Phillips ở Massachussetts, rồi lên đại học ở Yale.
Tham vọng của ông Bush sớm được thể hiện thời trung học. Ông là chủ tịch của khóa cuối cấp, đội trưởng của cả đội bóng chày và đội bóng bầu dục. Xuất thân quý tộc, ông thể hiện sự lịch thiệp trong ứng xử - yêu cầu cận vệ dừng đoàn xe khi có đèn giao thông, thường xuyên viết thiệp cảm ơn, thăm hỏi.
Nhưng xuất thân này từng khiến ông bị chỉ trích là quá xa người dân bình thường, chẳng hạn khi ông tỏ ra ngạc nhiên với máy tính tiền trong lần thăm siêu thị. Ông cũng lúng túng khi một phụ nữ hỏi ông có trải nghiệm khó khăn trong đời hay không vào mùa tranh cử 1992.
Ông Bush bước vào Nhà Trắng năm 1989 với thành tích hoành tráng hơn bất kỳ tổng thống nào. Ông từng là hạ nghị sĩ từ Texas trong hai nhiệm kỳ, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, đặc phái viên Mỹ tới Trung Quốc, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), và phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Ronald Reagan.
Và ông cũng lập kỳ tích chưa ai đạt được kể từ thời ông Martin Van Buren năm 1836: thắng cử tổng thống khi còn là phó tổng thống.
Ông thể hiện sự khôn ngoan của mình trong những năm ở chính trường: chính sách của ông ổn định trong những thời khắc lịch sử của thế giới, kiên trì theo đuổi đối ngoại và luôn đối xử với đối thủ của mình bằng một niềm tin tốt.
Di sản của ông với nước Mỹ còn hiện rõ cho tới chỉ vài giờ trước khi ông qua đời ngày 30/11/2018. Khi đó, Tổng thống Trump vừa ký thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada, phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà ông Bush “cha” đàm phán gần ba thập kỷ trước đó.
Khi ký hiệp định, ông Trump cố tạo hình ảnh mình đã phá hủy hoàn toàn NAFTA, đi đến hiệp định hoàn toàn mới, thay vì dựa vào thành tựu của ông Bush. Nhưng ông Trump cuối cùng vẫn chỉ đang đàm phán trên khuôn khổ và khái niệm mà ông Bush “cha” đề ra, là cố gắng đan xen ba nước lớn ở Bắc Mỹ thành một khối thương mại.
Nói rộng hơn, các liên minh mà ông Bush “cha” xây dựng hoặc thúc đẩy vẫn đứng vững dù bị ông Trump đả kích. Hàng loạt luật về quyền dân sự, môi trường của thời ông Bush vẫn là nền tảng để nước Mỹ vận hành.
Phong cách thời ông Bush “cha” càng hiện rõ khi nhìn vào “thương hiệu” chính trị của đảng Cộng hòa hiện tại, khi so sánh giữa nước Mỹ của ông Bush và của ông Trump.
Ông được nhớ tới với thương hiệu chính trị “tử tế hơn, lịch sự hơn”.
“Theo nhiều cách, ông Bush ‘cha’ đối nghịch với lãnh đạo đảng Cộng hòa mà chúng ta thấy ngày nay”, Mark Updegrove, tác giả cuốn sách "The Last Republicans" (Những người Cộng hòa cuối cùng) nói với New York Times.
Ông đại diện cho “sự khiêm tốn, lịch thiệp, hy sinh của thế hệ Thế chiến II. Ông cứng rắn nhưng công bằng, kết bạn ở cả hai phía và nhất quyết không tin chính trị là trò chơi kẻ được, người mất”.
Trước khi đảng Cộng hòa dịch xa hẳn về cánh hữu với sự trỗi dậy của phong trào Tiệc Trà (Tea Party) và Donald Trump, ông Bush “cha”, cùng con trai mình, đại diện cho sự ôn hòa và thỏa hiệp.
Ông Bush cha dám phá vỡ lời hứa không tăng thuế để cân đối ngân sách. Ông đề cử một thẩm phán ủng hộ quyền phá thai, tư tưởng cấp tiến (David Souter) vào Tòa án Tối cao.
Nói cách khác, gia tộc nhà Bush dù tranh cử một cách rất bảo thủ, nhưng có thể coi là thế lực kiềm chế đáng kể sự dịch chuyển xa về cánh hữu của đảng Cộng hòa.
Chiến thắng nhanh chóng, thương vong ít ở Iraq trong cuộc chiến Vùng Vịnh I (1990-1991) khiến ông Bush nhận tràng vỗ tay từ các nghị sĩ, kèm tiếng hô vang “Bush! Bush!” trong ba phút tại một diễn văn trước Quốc hội. Tỷ lệ ủng hộ ông Bush tăng vọt lên 85%, làm ông tin chắc mình sẽ tái đắc cử năm 1992.
Nhưng tới cuối nhiệm kỳ, Mỹ lại trải qua giai đoạn thất nghiệp tăng cao (7,1% vào đầu năm 1992, cao nhất trong 6 năm). Chỉ 1/5 số người Mỹ cho rằng ông Bush quan tâm tới các vấn đề của họ, theo một khảo sát.
Ông cũng phải xin lỗi vì đã tăng thuế để cân đối ngân sách, trái với lời hứa sẽ giảm thuế trước đó. Ông tiếp tục hứa sẽ giảm thuế khi tái tranh cử. Vụ việc xảy ra trong chuyến công du Nhật Bản, khi ông Bush cảm thấy không được khỏe và nôn vào người thủ tướng Nhật, càng làm ông trông yếu thế trước một Bill Clinton đầy năng lượng.
Cuối cùng, ông Clinton đánh bại ông Bush với tỷ lệ phiếu 43% so với 37%. Ông Bush tin rằng mình sẽ đắc cử nếu ứng viên độc lập, tỷ phú Ross Perot, không giành 19% tổng số phiếu.
Vào thời điểm đó, thất bại là cú sốc đối với gia tộc nhà Bush.
“Tôi bị quên lãng giữa hào quang của ông Reagan - tượng đài khắp nơi, kèn trống, anh hùng - và những thăng trầm của con trai tôi”, ông Bush từng nói với người viết tiểu sử.
Trong suốt những năm làm chính trị, ông Bush “cha” ý thức rất rõ về đặc quyền “thượng hạng” của gia tộc và theo đuổi nó quyết liệt.
Ông cố gắng nuôi dưỡng tình yêu đối với chính trị cho con cái, vì cho rằng đất nước cần nhà Bush vì dòng giống của họ. Và đây là gia đình muốn giữ chỗ ở vị trí đỉnh cao quyền lực của chính trường Mỹ.
Gương mặt tiếp nối chức vụ của cha rốt cục lại là con trai cả George W. Bush, người mà triển vọng ban đầu không sáng sủa như em trai Jeb Bush.
Các đế chế chính trị có lợi thế của của cả thương hiệu gia đình và các mối quan hệ cá nhân. Theo báo New York Times, tỷ lệ để con một thống đốc trở thành thống đốc gấp 6.000 lần so với một người bình thường. Tỷ lệ này với con một thượng nghị sĩ là gấp 8.500 lần. Sự tập trung quyền lực và tài sản cho họ lợi thế hơn nhiều so với các ứng viên khác.
Giống cha, ông Bush “con” cũng có quá trình lớn lên quý tộc - học phổ thông ở trường Phillips, rồi học đại học ở Yale. Nhưng ông Bush không nổi trội như cha khi đi học. Ông không quá vội đi theo các nấc thang quyền lực ở Washington, cũng không quá vội tìm ra con đường, sự nghiệp riêng.
Để tránh phải sang chiến trường Việt Nam khốc liệt, ông Bush gia nhập đơn vị không quân 147 của Vệ binh Quốc gia bang Texas, cùng con cái các nhà quyền lực và giàu có khác. Đơn vị không quân này được cho là sẽ chỉ chiến đấu trong kịch bản khó tin là bang Oklahoma quyết định xâm lược bang Texas.
Việc kinh doanh khai thác dầu mỏ ở Texas và một lần tranh cử vào Quốc hội đều không thành công. Ông dành nhiều thời gian uống rượu, đi chơi, theo đuổi các thú vui. “Tôi chỉ có cái tên chứ không có tiền”, ông từng phàn nàn.
Cho tới năm 40 tuổi, ít ai nghĩ ông sẽ thành đạt như người cha đang ở tầm cao chót vót trong chính trường Mỹ.
“Cha ông đến từ gia đình thường giao lưu với các nhà Roosevelt và Vanderbilt và những giới quý tộc trong xã hội Mỹ”, nhà báo Peter Baker nói với PBS về áp lực lên ông Bush. “Ông (Bush “con”) đúng là người thừa kế của cả một triều đại”.
Bước ngoặt tới khi ông Bush từ bỏ rượu vào sinh nhật lần thứ 40, vì sợ rằng sẽ ảnh hưởng tới cha đang tranh cử tổng thống năm 1988.
Sau khi cha đắc cử, ông Bush mua lại đội bóng chày Texas Rangers. Ông thường xuyên tới sân xem, nhưng không ngồi ở khu riêng dành cho ông chủ, mà ngồi cùng khu với các fan. Ông ngày càng được cổ động viên yêu mến, và được biết tới ở toàn bộ 254 hạt của Texas khi đi khắp bang quảng bá cho đội. Dường như ông toan tính rằng như vậy sẽ có ích khi tranh cử, và ông đã đúng.
Sau khi đắc cử thống đốc bang Texas năm 1995, ông nhanh chóng được coi là ứng viên tổng thống tiềm năng, vì có mạng lưới gây quỹ rộng lớn của cha, của em trai Jeb Bush cũng làm chính trị, và của các bạn bè thành đạt cùng học ở Yale hay Harvard.
“Nếu suy ngẫm một chút, quả là tài tình khi ông ta được sinh ra trong quyền quý, ở tầng lớp danh vọng nhất của xã hội Mỹ, mà làm cách nào đó vẫn thuyết phục được nhiều cử tri rằng ông chỉ như người bình thường”, nhà báo Eugene Robinson nói với PBS.
Kết quả bầu cử tổng thống năm 2000 phụ thuộc bang Florida, và việc kiểm phiếu lại làm cách biệt mỏng manh của ông Bush mất dần. Tranh cãi về kiểm phiếu khiến cả ông Bush và ứng viên Al Gore tuyên bố chiến thắng. Ông Bush chỉ đắc cử sau phán quyết cuối của Tòa án Tối cao.
Chưa bao giờ một tổng thống bị hoài nghi đến vậy về tính chính danh vào ngày nhậm chức. Ông đi trên Đại lộ Pennsylvania ngày tuyên thệ giữa tiếng biểu tình giận dữ từ hai bên, cáo buộc ông “đánh cắp cuộc bầu cử”.
Vì vậy mà người Mỹ chợt bừng tỉnh sau ngày 11/9/2001, khi nhận ra vị tổng thống mà mới 9 tháng trước bị hoài nghi này sẽ là người lãnh đạo họ qua giai đoạn hỗn loạn sắp tới.
Sau cuộc bầu cử năm 2004, ông Bush “con” đã đem về cho nhà mình danh hiệu “gia tộc thành công nhất lịch sử”. Trước đó, tái đắc cử là thành tựu mà chưa gia tộc chính trị nào có được trong lịch sử Mỹ. Nhà Adams, gia tộc duy nhất có hai tổng thống, đều là tổng thống một nhiệm kỳ.
Về phần mình, ông Bush không còn cảm thấy bị hoài nghi về tính chính danh. Bê bối lừa dối người Mỹ về Iraq như đã trở thành dĩ vãng. “Tôi đã giành được vốn chính trị khi tái tranh cử, và giờ tôi định dùng số vốn đó. Đó là phong cách của tôi”, ông tự tin nói với báo chí.
Diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ hai phản ánh sự tự tin đó. “Nước Mỹ sẽ có chính sách hướng tới và ủng hộ sự lớn mạnh của các phong trào dân chủ ở mọi quốc gia, với mục tiêu cuối cùng là chấm dứt sự tàn bạo trong thế giới chúng ta”, ông Bush nói - một ông Bush khác hẳn so với năm 2001.
“Sự kiện 11/9 và Iraq khơi dậy khát vọng trong ông, muốn trở thành nhân vật vĩ đại trong lịch sử”, nhà báo George Packer nói. “Dù có tư nhân hóa được hệ thống an sinh xã hội vẫn là chưa đủ, mà ông cần phải hơn thế. Ông cần phải giải thoát cho Trung Đông”.
Dù vậy, ông Bush sớm nhận ra tham vọng của mình vượt quá “vốn chính trị” mà ông đang có.
Chính quyền ông Bush vận động để tạo đà cho cải cách hệ thống nhập cư và tư nhân hóa hệ thống an sinh xã hội, nhưng không nhận được ủng hộ của đảng Cộng hòa, vốn đang kiểm soát cả hai viện Quốc hội.
Bão Katrina năm 2005 càng làm vốn chính trị của ông cạn kiệt. Đê bị vỡ ở thành phố New Orleans, bang Louisiana làm gần 2.000 người chết. Ông Bush bị chỉ trích khi lần đầu khảo sát thiệt hại đã không xuống tận nơi mà chỉ ở trên chuyên cơ Air Force One. Hỗ trợ của liên bang đến chậm, khiến hàng trăm nghìn người phải sống ở khu tạm nhiều tháng liền.
Cho tới những tuần cuối cùng, ông vẫn chưa thoát được các cơn khủng hoảng. Ngày 15/9/2008, Phố Wall hoang mang khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ - vụ phá sản lớn nhất lịch sử Mỹ, phơi bày lượng nợ xấu khổng lồ đến từ các khoản cho vay mua nhà dưới chuẩn, vốn bị che lấp bởi các kỹ thuật tài chính tinh vi.
Hàng chục ngân hàng khác trên bờ vực phá sản, sẽ kéo theo doanh nghiệp trên cả nước. Các cố vấn nói tới từ “Đại Khủng hoảng”.
Bất chấp các tiếng nói từ trong đảng Cộng hòa, với truyền thống không muốn can thiệp vào thị trường, ông Bush đưa ra gói hỗ trợ 700 tỷ USD. Lại vào mùa tranh cử, ông Bush bị công kích bởi mọi bên, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa.
“Tổng thống Bush ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính theo cách không bị cuốn vào lý tưởng”, David Frum nói với PBS.
Ông Bush rời Nhà Trắng đầu năm 2009 sau hai nhiệm kỳ đầy tranh cãi. Người ủng hộ nói ông là người hùng bị ném vào lửa, tức sự kiện 11/9, và dìu dắt nước Mỹ đi qua khủng hoảng. Còn người phê phán nói ông để nước Mỹ sa lầy vào hai cuộc chiến dai dẳng và tốn kém.
Sau hàng nghìn tỷ USD và hàng nghìn lính Mỹ thiệt mạng, cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq vẫn là di sản đối ngoại mà tới giờ Washington còn đang đau đầu giải quyết.
Dù ông Bush “con” rời chính trường, sức ảnh hưởng của nhà Bush vẫn còn thể hiện với các chính quyền sau này.
Trong số những hậu duệ của nhà Bush hiện nay, giới quan sát đang chú ý đến một nhân vật chính là con trai của ông Jeb Bush, George Prescott Bush (gọi ông Bush “con” là bác). Ông lần đầu được công chúng chú ý sau khi được ông nội là George H. W. Bush (Bush “cha”) giới thiệu với Tổng thống Reagan.
Ông George Prescott Bush là người lập ra hội người Cộng hòa gốc Nam Mỹ ở bang Texas, một nhóm vận động giúp các ứng viên gốc Nam Mỹ ra tranh cử. Ông cũng phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa năm 2000, gây ấn tượng khi nói cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.
Tại bang Texas, nhờ "thương hiệu Bush" vẫn còn ảnh hưởng mà ông Bush "cháu", 43 tuổi, vẫn được sự tín nhiệm của phần lớn người dân nơi này.
Là con trai của một thống đốc và là cháu trai của hai tổng thống, nhiều người gọi đùa Bush "cháu" với biệt danh "47" hay ngụ ý "tổng thống thứ 47 của nước Mỹ". Nhiều cựu cố vấn của ông Bush "con" tin rằng người cháu trai có "những tố chất Nhà Trắng".
Năm 2014, ông ứng cử vị trí Quản lý Đất công bang Texas, một vị trí có nhiệm kỳ 4 năm, và chiến thắng. Đài NPR đánh giá Bush "cháu" dễ dàng thắng cử vào thời điểm đó. Thậm chí, những buổi vận động được xem như là "chuyến lưu diễn mừng chiến thắng hơn là không khí căng thẳng của một cuộc đua.
"Ông ta là một gương mặt trẻ, đẹp trai và đầy nhiệt huyết, xứng đáng trở thành một nhân vật triển vọng mới của gia tộc Bush. Xuất phát điểm là ở Texas nhưng ông ấy vẫn có cơ hội ở những cuộc đua toàn quốc", giáo sư khoa học chính trị tại trường Southern Methodist University, nói.
Nhiều ý kiến hy vọng Bush "cháu" có thể tiếp tục con đường trở thành ngôi sao mới sáng giá của đảng Cộng hòa. Nhưng những gì ông thể hiện cho thấy ông như muốn đi một con đường riêng biệt.
Năm 2016, Bush "cháu" là thành viên duy nhất trong gia tộc lên tiếng ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, dù vị tỷ phú không chỉ đánh bại cha ông, Jeb Bush, trong cuộc đua bầu cử sơ bộ mà còn chế nhạo vị cựu thống đốc Florida là "người yếu nhất" và "sự xấu hổ" của gia tộc Bush.
Robert Lowery, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Texas ở Dallas nhận định trên Washington Post rằng Bush "cháu" là người duy nhất trong gia tộc danh giá này không cần thiết phải đứng về phía ông Trump mà vẫn đủ sức chinh phục người dân nơi ở bang quê nhà; một phần do dấu ấn Bush "cha" và những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của đảng Cộng hòa tại bang Texas vẫn còn sâu đậm đến ngày nay.
Tuy nhiên, một thực tế là nơi từng được xem như "xứ sở Bush" đang dần chuyển thành "thế giới của Trump". Tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong các cử tri Cộng hòa tại Texas đến 86%.
Với tính toán của riêng mình, Bush "cháu" cho rằng tương lai chính trị cần sự liên kết với người đang cạnh tranh với sự ảnh hưởng mà gia tộc đã gầy dựng. Điều này đặc biệt đúng khi ông tuyên bố tái tranh cử để giữ ghế thêm sau nhiệm kỳ đầu trải qua không ít sóng gió.
Tháng 11/2018, Bush "cháu" đắc cử một nhiệm kỳ 4 năm nữa cho chiếc ghế quản lý toàn bộ đất công tại bang Texas. Chiến thắng này được cho là có sự góp phần đáng kể của “thương hiệu Trump”, trong bối cảnh uy tín của gia tộc Bush dường như đã giảm dần sức ảnh hưởng tại bang này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét