II - GIẢI MÃ NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
MÙNG 10 THÁNG 3
Nguyễn Vũ Tuấn Anh
II - 1: Ý nghĩa ngày giỗ Tổ 10 - 3.
Sử sách và truyền thuyết không hề ghi lại ngày mất của vị vua Hùng đầu tiên hoặc cuối cùng. Vậy ngày giỗ Tổ vua Hùng mùng 10 tháng 3 xuất phát từ đâu?
Hàng năm vào ngày giỗ Tổ Vua Hùng, là dịp để những người Việt Nam tưởng nhớ đến cội nguồn từ thời huyền sử.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
Thời Hùng Vương đã trở thành huyền sử, còn sót lại chăng chỉ còn là những tục ngữ ca dao và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Nhưng ngày giỗ Tổ Hùng Vương vẫn ăn sâu vào tâm linh người Lạc Việt. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, dưới ách đô hộ phong kiến Bắc phương, tiếp theo là 1000 năm hưng quốc với bao thăng trầm của lịch sử, tâm linh của người Lạc Việt vẫn luôn nhớ về cội nguồn. Ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba là một trong những ngày lễ hội thiêng liêng nhất của người Lạc Việt.
Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên của người Lạc Việt, lần đầu tiên được chép lại trong cuốn sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp với tựa đề là “Hồng Bàng Thị”. Người viết lời tựa trong cuốn sách này là Vũ Quỳnh, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An Hải Dương, sinh năm 1453 mất năm 1516, ông viết bài tựa vào năm 1492. Người viết lời tựa sau cho cuốn sách này vào năm 1493 là Kiều Phú người làng Lạp Hạ, huyện An Sơn, tỉnh Sơn Tây, sinh năm 1450. Hai ông đã thừa nhận những truyện chép trong Lĩnh Nam Chích Quái đã được lưu truyền trong dân gian từ lâu. Trong bài tựa của mình , ông Vũ Quỳnh đã viết:
“Những truyện chép ở đây là sử ở trong truyện chăng ?”
Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên được các nhà sử học Việt Nam ghi lại trong các bộ chính sử và nằm ở phần ngoại kỷ vì sự huyền ảo của câu chuyện. Đã có rất nhiều học giả phân tích tìm hiểu nội dung kỳ bí của truyền thuyết về thuở ban đầu lập quốc của người Lạc Việt.
Những số liệu trong truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên có một sự liên hệ và trùng khớp một cách kỳ lạ với hai đồ hình nổi tiếng thiêng liêng trong truyền thuyết của nền văn minh Hoa Hạ và liên quan đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, đó là Lạc Thư và Hà Đồ.
Độ số của Lạc Thư – Hà Đồ là 100 vòng tròn, trong đó có 50 vòng tròn đen, 50 vòng tròn trắng. Từ hai đồ hình trên, tạo ra hai hình vuông gọi là Cửu Cung Lạc Thư và Cửu Cung Hà Đồ.
Qua đồ hình trên thì bạn đọc nhận thấy rằng:
# 100 quả trứng tương ứng với 100 vòng tròn .
# 50 người con theo cha tương ứng với 50 vòng tròn trắng, thuộc Dương, tượng là theo Cha (Dương).
# 50 người con theo mẹ tương ứng với 50 vòng tròn đen, thuộc Âm, tượng là theo Mẹ (Âm).
# 15 bộ mà truyền thuyết nói tới trùng khớp với số của Ma Phương Lạc Thư có tổng ngang dọc chéo đều bằng 15 .
# 18 đời vua trùng khớp với tổng số Cửu Cung Lạc Thư và Cửu Cung Hà Đồ (9 x 2 = 18).
Ngày mùng 10 tháng 3 - ngày giỗ Tổ Hùng Vương?
Đây lại là một con số trùng với trung cung Hà Đồ đó là 5 – 10 thuộc về ngôi Hoàng Cực.
Trong đó:
Tháng 3 là tháng Thìn (tượng là Rồng) – trùng khớp với biểu tượng của Lạc Long Quân (giống Rồng) chính là tháng thứ 5 nếu kể từ tháng Tí (Tức tháng Một năm trước. Trong cách tính tháng của người Việt như sau:
* Tháng Một: Tý;
* Tháng Chạp - tháng thứ 2: Sửu;
* Tháng Giêng - tháng thứ 3: Dần;
* Tháng Hai - tháng thứ 4: Mão;
* Tháng Ba - tháng thứ 5: Thìn/ Rồng)(*).
18 thời Hùng Vương với nhiều vị vua, không thể giỗ chung một ngày. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 chính là một biểu tượng của nền văn hiến vĩ đại của người Lạc Việt. Như vậy, truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên và ngày giỗ Tổ Hùng Vương hoàn toàn trùng khớp một cách kỳ lạ với nội dung của Lạc Thư – Hà Đồ.
Vấn đề cũng chưa phải dừng ở đây.
Trong truyền thuyết về thời Lập quốc của dân tộc Việt còn một chi tiết nữa là: 50 người con theo Mẹ Ấu Cơ suy tôn người con trưởng lên làm vua. 49 người con còn lại đi cai trị khắp nơi. Đây chính là số Đại Diễn trong Kinh Dịch dùng trong Bói cỏ thi - một phương pháp bói tối cổ của Đông phương. Nếu bạn hỏi tại sao lại phải bớt đi một mà không dùng số 50? Tôi xin được trả lời rằng: Chính truyền thuyết Con Rồng - Cháu Tiên đã trả lời rất rõ ràng và người ta không thể tìm được câu trả lời trong các bản văn chữ Hán. Sự trùng khớp hợp lý đến kỳ lạ của các sản phẩm trí tuệ thuộc về văn minh Lạc Việt với một giá trị kỳ vĩ của văn hoá Đông Phương là thuyết Âm Dương Ngũ hành và Bát quái , đã cho thấy cội nguồn đích thức của những di sản văn hoá đó thuộc về văn minh Lạc Việt Như vậy, cùng với những di sản văn hoá phi vật thể khác, tổ tiên ta muốn nhắc nhở cho con cháu về một nền văn minh kỳ vĩ của một đất nước gần 5000 năm văn hiến và Lạc Thư – Hà Đồ và Kinh Dịch có nguồn gốc từ nền văn minh Lạc Việt.
Như vậy, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, không phải là ngày giỗ theo cách hiểu là ngày kỷ niệm ngày mất của một vị Vua Hùng trong 18 thời Hùng Vương(**), mà chính là ngày tưởng niệm giá trị huyền vĩ của nền văn hiến Việt, mà tổ tiên đã tôn vinh, trong thời dựng nước ở miền nam sông Dương tử.
II - 2: Những vấn đề tồn nghi.
Qua những tư liệu ở trên cho chúng ta thấy trong quá trình lịch sử, người Việt đã tồn tại nhiều ngày giỗ Tổ.
Nội dung trích dẫn
Nguyễn Thị Hạnh cho biết: "Xưa kia, việc cúng Tổ (cử hành) vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)... Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch ) hàng năm. (2) tr 381).
Tại sao lại có nhiều ngày giỗ như vậy, trong khi phong tục Việt chỉ có một ngày giỗ chính? Tất nhiên, đây là điều cần giải thích.
Trước khi giải thích điều này, chúng ta cần thừa nhận một thực tế khách quan, tồn tại hiển nhiên rằng: Ngày giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu đã in sâu vào Tâm linh Việt tộc, từ ngàn xưa và ngay cả trong đêm tối của ngàn năm Bắc Thuộc. Sau này, vào thời Hưng Quốc Đinh, Lê Lý Trần....các triều đại chính thức coi là ngày Quốc Lễ. Tất nhiên, trong hơn 1000 năm Bắc thuộc đó, người Việt chỉ còn giữ lại trong tâm khảm mình sự tưởng niệm về ngày Giỗ Tổ, như là một sự tưởng niệm và tôn vinh Tổ Tiên. Và ngày đó được ghi nhân vào đầu trung tuần tháng Ba Âm lịch, từ 10, 11 và 12 như các tài liệu nói tới. Vậy cội nguồn đích thực của ngày giỗ tổ đích thực từ đâu trong ba ngày này. Điều này tôi đã chứng minh: Đó chính là ngày 10 - tháng Ba là độ số của Trung Cung Hà Đồ. Xin xem lại đồ hình Hà Đồ dưới đây:
Vậy tại sao lại có ngày 11 và ngày 12? Điều này rõ ràng trái với truyền thống văn hiến Việt - chỉ có một ngày giỗ. Vậy trong ba ngày trên : Mùng 10, 11 và 12 sẽ chỉ có một ngày duy nhất đúng và hai ngày kia là sự biến tướng của ngày chính thức.
Xét trong phong tục cổ Việt và còn lưu truyền ở các vùng Nam Dương tử về ngày giỗ, có một hiện tượng rất đáng chú ý sau đây:
Trong việc chọn ngày giỗ, có một vtậpp quán chọn ngày sau ngày chết một ngày. Thí dụ, ngày mất là ngày mùng 8, thì giỗ vào ngày mùng 9. Ngày mất gọi là ngày Sinh (Tức ngày Dương) với ý nghĩa là trong ngày này, người thân vẫn còn sống dù chỉ một giờ. Về ý nghĩa sinh học thì người mất phải chờ sau 24 giờ, mới xác định được đã chết hẳn. Còn ngày hôm sau gọi là ngày Tử, và chọn làm ngày giỗ cho con cháu. Bởi vậy, sự xác định ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 là ngày chính thức, hoàn toàn chính xác. Còn các ngày sau đó là do sự thất truyền qua hàng ngàn năm Hán hóa về giá trị đích thực của ngày tôn vinh giá trị văn hiến Việt, qua sự giải thích trên, nên đã lùi lại một, hai ngày. Tất nhiên, cũng không loại trừ ông cha ta lấy các ngày 11, 12 để gìn giữ sự bí ẩn của nền văn hiến Việt: Coi Hà Đồ là nguồn gốc của những giá trị Lý Học Đông phương. Các trí giả uyên bác đời Nguyễn đã phục hồi lại những giá trị này: Lấy ngày 10 tháng 3 - độ số của Trung cung Hà Đồ - biểu tượng của nền văn hiến Việt - làm ngày tôn vinh tổ tiên.
Chân thành cảm ơn sự quan tâm của quí vị.
@ Nguyễn Vũ Tuấn Anh blog
------------------------
Chú thích
* : Tháng Tí - tức tháng 11 âm lịch – trong dân gian còn gọi là tháng Một và phân biệt giữa số đếm 1 là số đầu tiên, nên gọi tháng đầu trong năm sau Tết là tháng Giêng. Tháng Một không phải là tiếng gọi tắt của tháng 11 mà là tháng đầu tiên theo thứ tự 12 con giáp. Cũng như tháng Sửu là tháng thứ 2 gọi là tháng Chạp để phân biệt với tháng 2 theo số đếm.Chúng tôi đã có bài viết liên quan đến cách gọi này của người Việt với nội dung có liên hệ với các chòm sao Thiên Cực Bắc với chu kỳ 6000 năm.
Xin tham khảo đường kink sau:
**: Nguyên văn cổ thư là "Thập bát thế", có thể hiểu là 18 thời đại các vua Hùng. Chứ không thể hiểu là 18 đời vua Hùng. Trong phát âm của người Việt thường gọi nôm và phổ biến là "Đời". Điều này, khiến những người có quan điểm phủ nhận văn hóa sử truyền thống Việt, thường căn cứ vào đấy để suy luận chủ quan cho rằng: 18 đời Hùng Vương chỉ gồm 18 vị vua trị vì.Hiện tượng lẫn lộn "Đời" và "Thời" trong ngôn ngữ Việt còn thể hiện ngay trong văn viết có tính bác học và nghiên cứu cho đến gần đây. Chúng ta xem cuốn "Kinh Dịch - Vũ Trụ quan Đông phương" của giáo sư Nguyễn Hữu Lượng - Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn trước 1975 - thì cũng thấy rằng, ông nhiều lần dùng chữ "Đời" để thể hiện một triều đại. Thí dụ: "Thời nhà Minh" thì ông vẫn viết là "Đời nhà Minh".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét