– Cách đây 2613 năm, Ngài Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama), khi đó 35 tuổi, đã giác ngộ dưới gốc Bồ đề, đạt thành chánh quả, trở thành Đấng Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni – Đấng giác ngộ của tộc Thích Ca), hay còn được tôn xưng là Phật Toàn giác. Phật giáo chính thức được khai sinh từ đó. Tư tưởng nguyên thủy của Đức Phật thể hiện rõ là một học thuyết triết học với vũ trụ quan và nhân sinh quan sâu sắc chứ không phải là một tôn giáo thuần túy với đức tin vào một Đấng toàn năng có khả năng phù hộ độ trì cho con người thành Phật.
Trước tiên phải khẳng định Phật giáo là một triết thuyết vô thần. Phật giáo không có một Đấng sáng thế hay các vị thần có quyền năng siêu nhiên như các tôn giáo hữu thần. Phật (Buddh trong tiếng Pali hay Buddha trong tiếng Anh) không phải là thần linh, không có quyền phép màu nhiệm mà là tôn xưng chỉ các bậc đã giác ngộ được con đường đúng đắn dẫn đến Niết bàn (Nirvana). Niết bàn trong giáo lý nhà Phật cũng không phải là cõi Thiên Đường như trong quan điểm hữu thần mà chỉ đến trạng thái thông tuệ tuyệt đối, bình lặng tuyệt đối, vì thế mà chúng sinh có thể thoát khỏi mọi khổ đau.
Câu chuyện Thái tử Tất Đạt Đa, sau một lần ra khỏi hoàng cung rồi tận mắt chứng kiến nhân gian khổ ải, từ đó từ bỏ cuộc sống vương giả với vợ đẹp con ngoan để dấn thân đi tìm con đường giác ngộ hẳn đã quá quen thuộc với nhiều người. Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi điểm cốt lõi trong triết lý nhà Phật xoay xung quanh sự khổ, bao gồm nhận thức được nguyên nhân của sự khổ và con đường diệt khổ. Các quan điểm này được thể hiện trong Tứ Thánh đế (Tứ Diệu đế), gồm khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.
Đức Phật lý giải rằng khổ là bản chất của đời sống con người. Con người khổ vì sinh lão bệnh tử, khổ vì yêu mà không được ở gần nhau (ái biệt ly khổ), ghét nhau mà cứ phải gặp nhau (oán tăng hội), mong muốn mà không đạt được (cầu bất đắc). Nguồn gốc của những khổ đau trên là do sự ham muốn (ái dục), hay tham, sân, si của lòng người. Vì thế, nếu ai có thể tu tập để đạt được cảnh giới không còn mong muốn, không còn yêu ghét, nghĩa là diệt được những căn nguyên của sự khổ, là diệt được khổ, có thể thoát khỏi vòng luân hồi, đạt được trạng thái Niết bàn.
Hai điểm đáng lưu ý trong triết học Phật giáo
Thứ nhất, trái với niềm tin phổ biến hiện nay, triết lý nhà Phật đặt sự thông tuệ vào vị trí tiên quyết của con đường diệt khổ chứ không phải là sự từ bi. Sự từ bi chỉ có được khi đạt được sự thông tuệ.
Trong Bát chánh đạo (tám con đường diệt khổ), “chánh kiến” đứng đầu. “Chánh kiến” nghĩa là nhận thức được mọi chân lý về khổ, căn nguyên của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ. Như vậy, chánh kiến chính là sự thông tuệ của bậc giác ngộ. Thông tuệ để hiểu rằng tham sân si là gốc của mọi khổ đau. Diệt được tham sân si sẽ không chỉ khiến bản thân diệt được khổ ải mà còn diệt được các động cơ có thể dẫn đến các hành vi gây hại cho người khác. Từ bi hỷ xả sẽ từ đấy mà ra, nghĩa là một hệ quả tất yếu của sự thông tuệ.
Thứ hai, con đường diệt khổ được nêu trong Bát chánh đạo mang tính tự thân tự lực. Muốn đạt thành chánh quả phải tự mình thực hiện con đường này, tự mình phải cứu lấy mình, không thể trông chờ vào ai khác hay một thế lực siêu nhiên nào khác (vì làm gì có thế lực siêu nhiên nào!).
Phật từng dạy rằng “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác” (Kinh Tương Ưng Bộ). Nói cách khác, không giống như các tôn giáo hữu thần luôn xây dựng một Đấng tạo tác có quyền năng xoay chuyển vận mệnh của con người, Phật giáo cho rằng không ai ngoài chính bản thân con người tạo ra “số mệnh” cho mình theo triết lý nhân quả tuần hoàn: “quả” của hôm nay chính là cái “nhân” của chính ta ngày hôm qua gieo trồng, chứ không phải có một vị thần tiên nào đó tác động đến. Cho nên, chỉ có chính ta mới tự giải thoát được cho ta. Từ đó, con người cần tránh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào người khác hay trông chờ vào sự màu nhiệm vô thực của thần linh.
Như vậy, triết học Phật giáo là triết học duy tâm chủ quan, vô thần và có tính biện chứng sâu sắc. Khác với niềm tin sai lạc của nhiều người, Phật giáo kêu gọi sự tự thân phấn đấu để đạt được sự giác ngộ chứ không phải cầu viện sự trợ giúp từ thánh thần.
Những biến tướng sai lầm
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Phật giáo có những biến chuyển và tách ra thành nhiều nhánh khác nhau, với các tông phái khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế – xã hội của từng thời kỳ. Các tông phái điển hình có thể kể đến như Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa, Mật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông.
Một trong các lý do cơ bản của sự phân nhánh này là để cứu Phật giáo không bị lụi tàn chính tại quê nhà Ấn Độ trước sự lan tràn của Hồi giáo và Ấn giáo. Một lý do khác là trong quá trình truyền bá vào các vùng lãnh thổ khác nhau, Phật giáo đã chịu sự ảnh hưởng phần nào của các tôn giáo bản địa. Sự ảnh hưởng này xuất phát từ đặc tính linh hoạt trong triết lý Phật giáo.
Nhìn chung, giáo lý nhà Phật không mang tính cực đoan, không bài xích hay chủ trương chống lại các tôn giáo, tín ngưỡng khác, lại đề cao sự thực chất, không câu nệ về hình thức nên dễ được dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở một mức độ nhất định.
Tuy vậy, có thể một số phương pháp tu tập hay cách kiến giải của các tông phái hình thành sau này như phái Đại thừa hay Mật tông phần nào đó mang màu sắc nhiệm màu huyền ảo hơn so với Phật giáo nguyên thủy, nhưng đó chỉ là sự thể hiện tính linh động về cách thức truyền bá nhằm thu hút sự chú ý của chúng sinh, còn mục đích cuối cùng vẫn là hướng dẫn chúng sinh con đường diệt khổ đúng đắn. Như vậy, cách thức tu tập của các tông phái tuy có một số chỗ khác nhau nhưng vẫn giữ nguyên hạt nhân cốt yếu trong triết thuyết của Như Lai về Tứ diệu đế, về sự khổ và con đường diệt khổ.
Tuy nhiên, chính vì sự linh động trong các phương thức truyền bá đã dẫn đến “tác dụng phụ” là những cách hiểu sai lạc, xuyên tạc triết lý của Đức Thích Ca Mâu Ni. Điển hình là các hình thức mê tín dị đoan dần len lỏi vào trong tư tưởng của một số Phật tử, thậm chí cả một số chùa chiền. Kết quả là không ít những người lợi dụng sự mê tín đội lốt Phật giáo để thực hiện các hoạt động trục lợi bất chính.
Với quan điểm vô thần, Phật giáo không hề chủ trương các hình thức bói toán, cúng sao giải hạn, bùa phép trừ tà hay các hình thức mê tín dị đoan khác. Cho nên, các hoạt động thêu dệt về những thế lực siêu nhiên để quyến dụ, lừa gạt đức tin của người khác vừa là hành vi báng bổ Phật pháp lại vừa là hành vi vi phạm pháp luật.
Với yêu cầu tu tập tự thân, Phật giáo không xiển dương các hình thức cúng kiếng vật chất để mong cầu sự giải thoát. Việc cúng dường chỉ là hành vi thể hiện lòng tôn kính đến Đức Phật và chư tăng, không nên là một hình thức “hối lộ” để đạt được mục tiêu giác ngộ hay cầu mong tiền tài danh vọng. Bởi lẽ, bản thân các mong muốn tài lộc như vậy đã là sự khởi phát “vô minh”, “chấp mê bất ngộ” rồi.
Việc cúng dường hoàn toàn là sự tự ý thức, cúng dường ít nhiều phụ thuộc vào khả năng thực tế của mỗi người. Các hành vi kêu gọi dụ dỗ, thậm chí đặt ra “mức sàn” khi cúng dường của bất kỳ ai đều là hành vi xa rời giáo lý Phật giáo, xuyên tạc chủ trương của Đức Thích Ca Mâu Ni, và là con đường lầm lạc dẫn đến vô minh.
Phật giáo Việt Nam: nét văn hóa truyền thống của người Việt
Kể từ khi được truyền bá đến Việt Nam vào thế kỷ 1, Phật giáo nhanh chóng chiếm được một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt. Ở các triều đại Đinh – Tiền Lê cho đến Lý – Trần, Phật giáo trở thành quốc giáo với tư tưởng tích cực nhập thế. Thời kỳ này, nhiều nhà sư không chỉ là các cao tăng có trí huệ cao vời mà còn là các “cố vấn” khôn ngoan cho triều đình trong hoạt động quản lý đất nước như sư Khuông Việt, sư Vạn Hạnh.
Thậm chí, giới tăng sĩ đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi như Tuệ Trung Thượng Sĩ. Đặc biệt, Phật giáo Việt Nam đạt đến đỉnh cao khi phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử được sáng lập bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông. Với đặc điểm Phật pháp gắn liền với lợi ích quốc gia dân tộc, phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm hồn cốt, tinh thần yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam mà vẫn giữ được tư tưởng căn bản của Như Lai.
Chúng ta vừa bước vào những ngày đầu tiên của năm 2024 và chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vào tháng 2 tới đây. Việc đi vãn cảnh chùa hay chiêm bái tượng Phật, thắp hương cúng dường, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa cho năm mới bình yên sung túc không còn là các nghi thức của riêng Phật tử mà dường như trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhiều người Việt Nam.
Đừng để những mong cầu đầy dục vọng, những tham ái sân si làm hoen ố triết lý sâu sắc của Đức Thích Ca Mâu Ni. Riêng cảm giác ấm áp yên lành khi nhìn thấy tượng Như Lai hiền hòa thấp thoáng trong làn khói mỏng với hương trầm dìu dịu đã là một món quà vô giá của những ngày tiễn đưa năm cũ đón chào năm mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét