Khi sự phô trương quyền lực của vị tỷ phú ngày càng đi xa hơn, chính quyền Trung Quốc rõ ràng mất đi kiên nhẫn làm lơ trước những hành vi lách luật.
Trong một động thái bất ngờ, trong ngày 3/11 Ant Group - công ty tài chính của tỷ phú Jack Ma đột ngột thông báo hoãn kế hoạch niêm yết kép trên hai thị trường Thượng Hải và Hong Kong. Động thái này là một bước đi gây chấn động của sự kiện IPO vốn được đánh giá là lớn nhất lịch sử.
Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của Ant Group đã thu hút ít nhất 3.000 tỷ USD lệnh mua từ các nhà đầu tư cá nhân tại cả hai thị trường Hong Kong và Thượng Hải và đẩy vốn hóa thị trường của công ty lên tới 313 tỷ USD. Màn IPO kỷ lục cũng sẵn sàng đem về 34,4 tỷ USD và giúp 18 nhân sự cấp cao của tập đoàn bước vào hàng ngũ tỷ phú.
Với định giá này, Ant Group sẽ trở thành công ty tài chính lớn thứ tư trên thế giới, chỉ sau Berkshire Hathawway, Visa và Mastercard. Trong cuộc tham vấn giá sơ bộ của đợt IPO tại Thượng Hải, các nhà đầu tư tổ chức đã đăng ký mua hơn 76 tỷ cổ phiếu, gấp 284 lần đợt chào bán cổ phiếu ban đầu.
Có thể điều này làm giới chức trách Bắc Kinh e ngại. Cuộc họp kín vào ngày 2/11 rõ ràng không diễn ra suôn sẻ. Ngay hôm sau, tức ngày 3/11, Ant Group đột ngột ngưng đợt niêm yết kép khổng lồ.
Jack Ma và Bắc Kinh
Theo nguồn tin từ Nikkei Asia Review, chi tiết xung quanh thông báo tạm ngừng IPO này còn chưa hoàn chỉnh, nhưng có khả năng cao chính phủ Trung Quốc có phần thất vọng về thái độ của tỷ phú Jack Ma đối với các quy định tài chính của nước này.
Trước khi Ant Group thông báo hoãn IPO một ngày, vị tỷ phú đã được triệu tập đến một cuộc họp kín vào với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và ba nhà quản lý tài chính hàng đầu khác về một phát ngôn thẳng thừng nhắm vào hệ thống tài chính Trung Quốc tháng trước tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải.
Nhiều nguồn tin cho rằng sự trì hoãn IPO bất ngờ của Ant có thể liên quan đến phát ngôn của tỷ phú Jack Ma tại một hội nghị tại Thượng Hải hồi tháng trước. Tại diễn đàn tài chính cấp cao này, vị tỷ phú đã chỉ trích các cơ quan quản lý địa phương và thế giới kìm hãm sự đổi mới, không quan tâm đến sự phát triển, cơ hội cho giới trẻ.
Theo Washington Post, trong bài phát biểu, Jack Ma ví Hiệp định Ngân hàng toàn cầu Basel là “câu lạc bộ dành cho người già”. Ngoài ra, người giàu nhất Trung Quốc cho biết rủi ro lớn nhất của Trung Quốc không phải là rủi ro về hệ thống mà nằm ở chỗ nước này thiếu một hệ sinh thái tài chính hoàn chỉnh, đồng thời ví các ngân hàng Trung Quốc giống như “tiệm cầm đồ”.
Riêng tại Hong Kong, khoảng 1,55 triệu nhà đầu tư lẻ đặt cọc 167 tỷ USD để mua cổ phiếu Ant Group bị ảnh hưởng từ sự cố này. Theo quy định pháp luật Trung Quốc, startup tài chính của tỷ phú Jack Ma phải trả lại số tiền này cho các nhà đầu tư.
Sự bất đồng giữa người giàu nhất Trung Quốc và các giới chức trách Bắc Kinh gia tăng trong vài năm gần đây. Trong đó, Jack Ma thường xuyên phàn nàn về bản chất quan liêu trong các quy định tài chính ở Trung Quốc. Đáp lại, các nhà quản lý phản ứng gay gắt vị tỷ phú bằng những chỉ trích cá nhân về việc ông Ma ủng hộ các sáng kiến mạo hiểm có thể gây rủi ro cho khách hàng và nhà đầu tư.
Cho đến thời điểm này, thành công trong kinh doanh và danh tiếng tích cực của vị tỷ phú với tư cách nhà lãnh đạo biểu tượng đã nhiều lần bảo vệ ông khỏi sự giám sát kỹ lưỡng từ chính phủ. Tuy vậy, có vẻ như các nhà quản lý gần đây đã rục rịch động thái phản đối vị tỷ phú.
Trung Quốc kìm hãm Jack Ma?
Ant Group ra đời từ Alipay, một dịch vụ tài chính đơn giản cho khách hàng cá nhân, phục vụ thanh toán các giao dịch giữa người mua và người bán độc lập trên sàn thương mại điện tử Taobao - sản phẩm của Alibaba. Là người luôn lên án sự bảo thủ của hệ thống tài chính Trung Quốc, Jack Ma đột phá xây dựng một hệ thống Alipay hoạt động chưa có giấy phép phù hợp, tin tưởng thương mại điện tử ở Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào cách hoạt động này trong tương lai.
Quy trình hoạt động này của Alipay thách thức các giới hạn của quy định tài chính Trung Quốc vào thời điểm đó, đẩy công ty vào vùng xám pháp lý. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã thuận theo với vị tỷ phú trong lần này.
Động thái này được chấp nhận vì các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc còn mang tính cổ điển và quan liêu, còn những ngân hàng trực tuyến vẫn chưa phát triển. Với sự chấp thuận ngầm của các cơ quan quản lý, Alipay xây dựng một cơ sở hạ tầng mới với sự hợp tác của Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Sun Microsystems.
Khi Alipay bành trướng, pháp lý tài chính lần nữa trở thành đề tài nóng. Trung Quốc ngăn cấm các công ty nước ngoài điều hành ngân hàng. Alibaba tiếp tục nằm trong danh sách vi phạm, vì 50% công ty được kiểm soát bởi Yahoo và SoftBank.
Đến lúc này, Alibaba đã quá khổng lồ để các nhà quản lý tiếp tục làm ngơ trước hành vi vi phạm. Do nguyên nhân này, Jack Ma và Xie Shihuang, một đồng sáng lập khác của Alibaba, đồng lý mua lại phần lớn cổ phiếu Alipay để hợp pháp hóa công ty, biến Alibaba thành tập đoàn đặt dưới sự sở hữu của thực thể Trung Quốc.
Tuy nhiên, Jack Ma từ lâu hiểu rằng chỉ thanh toán sẽ không bao giờ là đủ. Ant Financial được thành lập vào năm 2014 từ nguồn vốn dồi dào và dữ liệu khách hàng của công ty mẹ để tấn công vào các mảng tài chính khác. Ant Group được thổi vốn từ Jack Ma với tỷ lệ 50%, Alibaba 33%, và các nhà đầu tư sớm khác giữ khoảng 17%. Năm 2020, Ant Financial được đổi tên thành Ant Group và rục rịch IPO.
Ant Group cung cấp dịch vụ trong 5 lĩnh vực tài chính khác nhau, bao gồm thanh toán, quản lý tài sản, cho vay, bảo hiểm và chấm điểm tín dụng. Hệ sinh thái tài chính mà Ant Group cung cấp "khóa chặt" khách hàng bởi đáp ứng đầy đủ nhu cầu, từ tiêu dùng đến bảo hiểm. Có tới 80% khách hàng sử dụng ba dịch vụ do Ant cung cấp trở lên và 40% sử dụng cả năm loại dịch vụ.
Năm 2018, Alibaba tiếp tục bành trướng sang mảng thực phẩm bằng việc mua lại tập đoàn giao thức ăn Ele.me. "Chúng tôi muốn tạo ra một nền tảng mà người dùng có thể sống hoàn toàn dựa vào nó", một đại diện của tập đoàn cho biết.
Tuy nhiên, ý tưởng mọi người dựa dẫm cuộc sống thông qua nền tảng Ant Group có thể làm chính phủ Trung Quốc lo lắng. Bức tranh tài chính đan xen phức tạp của Ant Group càng trở nên rủi ro hơn khi tập đoàn rộng lớn và bành trướng như hiện nay. Ant Group hoạt động tốt với chỉ với 1-2% thành phần trong hệ sinh thái không hoạt động. Như vậy, nếu một vài danh mục hoạt động của tập đoàn biểu hiện kém hơn, ví dụ trong khủng hoảng kinh tế, toàn bộ mô hình kinh doanh này sẽ là quả bom cho nền kinh tế Trung Quốc.
Giới chức trách Trung Quốc lo ngại về rủi ro ảnh hưởng đến khả năng tài chính của Ant Group. Trong hoàn cảnh đó, hàng trăm triệu người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng hệ sinh thái dịch vụ của công ty cũng bị ảnh hưởng.
Chính quyền Bắc Kinh từng "thả tay" với nhiều chiến lược táo bạo của Jack Ma, như chiến lược "Năm mới", bao gồm "Tài chính mới" cùng với "Bán lẻ mới". Tuy nhiên, khi sự phô trương quyền lực của ông ngày càng đi xa hơn, chính quyền Trung Quốc rõ ràng đang mất đi kiên nhẫn và quyết định "bẻ cánh" vị tỷ phú trước khi quá muộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét