Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

CHIÊM TINH HỌC VÀ ĐỜI NGƯỜI

Không thể hiểu chiêm tinh học nếu không tin luật Luân Hồi (Reincarnation). Con người chết và tái sinh trở lại trong nhiều kiếp. Định mệnh của ta theo dõi và ảnh hưởng lên đời sống của ta theo luật Nhân  quả (Karma – cause and effect). Nếu ta không tin con người chết đi và tái sanh lại để học hỏi, để tiến hoá, để trở nên một người toàn thiện, thì mọi sự đều là ngẫu nhiên hay sao?
Khi qua đời thể xác hư thối tan rã nhưng tính tình, dục vọng, ý chí vẫn còn nguyên cho đến khi ta tái sanh vào một kiếp sống mới thì những tính này sẽ trở nên cá tính (personality) của kiếp sau. Các hành tinh chỉ là tấm gương ghi nhận các nguyên nhân này và phản chiếu trở lại. Bất cứ một hành động nào cũng tạo nên một nguyên nhân dù xấu hay tốt, ví như ta ném một trái bóng lên không trung. Trước sau gì nó cũng rơi xuống vì trọng lượng và ảnh hưởng của sức hút trái đất, nhưng đến khi nào nó rơi xuống còn tuỳ sức ném của ta nặng nhẹ ra sao. Chiêm tinh học nghiên cứu các vũ trụ tuyến này để đoán được khi nào cái nguyên nhân trước sẽ trở lại.
Từ ngàn xưa, chiêm tinh học vẫn được coi là một khoa học quan trọng. Chiêm tinh gia chỉ đứng ở địa vị thứ hai, sau Giáo sĩ mà thôi. Đối tượng của chiêm tinh học là vũ trụ. Tiếc thay phần này đã bị thất truyền, chỉ còn phần nhỏ nói về sự liên hệ giữa con người với các bầu tinh tú, còn được lưu truyền đến nay và được xem là khoa bói toán. Khoa chiêm tinh có từ lúc nào không ai biết, nhưng hiền triết Bhrigu đã truyền dạy các môn đồ của ông vào khoảng 6000 năm trước. Nòng cốt của nó nằm trong bộ sách Brahma Chinta, do ông soạn ra. Bhrigu có bốn đệ tử. Người thứ nhất rất giỏi về khoa học đã đi sang Ba Tư (Iran) lập nghiệp, từ đó ngành chiêm tinh đi về hướng Tây và ảnh hưởng đến Hy Lạp và La Mã sau này. Người thứ hai rất giỏi về triết học đi về phương Đông, sang Trung Hoa truyền bá ngành này ở đây. Người thứ ba thích nghiên cứu những hiện tượng siêu hình đã lên Tuyết Sơn nhập thất và sau truyền môn này cho dân chúng Tây Tạng. Người thứ tư ở lại xứ Ấn, và làm đến chức quốc sư. Bộ sách Brahma Chinta được coi là quốc bảo cất trong cung điện. Sau này, các hoàng tử tranh cướp ngôi vua đã giành nhau bộ sách quý. Sau mấy chục năm chinh chiến, bộ sách được phân chia làm nhiều phần, mỗi ông Hoàng giữ một mảnh, và từ đó khoa chiêm tinh trở nên thất truyền. Các mảnh vụn này đã được các thầy bói sưu tầm, ghi chép lại để kiếm ăn, nhưng họ chỉ nắm một vài then chốt chứ không sao hiểu hết.
Sự giác ngộ tâm linh là một biến cố vô cùng quan trọng trong đời người, mà không ai có thể quên được vì từ đó, con người hoàn toàn thay đổi, trở nên một người mới. Chúng ta chỉ mới ở vào buổi bình minh của khoa học, nhưng mỗi khám phá mới, mỗi kiến thức mới, đều đem lại cho chúng ta một bằng chứng rằng, vũ trụ này là công trình của một đấng hoá công. Hãy lấy một thí dụ toán học cho dễ hiểu. Nếu ta bỏ vào túi 10 thẻ nhỏ, mỗi thẻ có ghi từ số 1 đến số 10, và tuần tự rút ra từng cái một. Sau khi rút xong ta lại bỏ thẻ vào túi, trộn đều và rút ra lần nữa. Làm sao ta có thể rút tuần tự từ số 1 đến số 10? Theo toán học, ta phải rút mười lần, mới có một lần rút được thẻ mang số 1. Phải rút 100 lần mới có một lần rút được số 1 và 2. Phải rút 1000 lần mới được số 1, 2, 3 liên tiếp. Nếu muốn rút theo thứ tự từ 1 đến 10, thì trường hợp đặc biệt này chỉ có thể xảy ra một lần trong mười tỷ lần. Nếu áp dụng toán học vào các điều kiện tạo đời sống ở quả đất này, thì ta thấy nguyên lý ngẫu nhiên không sao hội đủ các điều kiện cần thiết. Vậy thì ai đã tạo ra nó? Trái đất quay quanh trục của nó với vận tốc 1600 cây số một giờ ở giữa đường xích đạo. Nếu nó quay chậm 10 lần thì ngày sẽ dài gấp 10 và dĩ nhiên sức nóng của mặt trời cũng gia tăng gấp 10 lần. Thế thì cây cối, sinh vật đều bị thiêu sống hết. Nếu cái gì chống được sức nóng cũng chết lạnh vì đêm cũng dài ra gấp 10 và sức lạnh cũng tăng lên gấp 10 lần. Ai đã làm trái đất quay trong một điều kiện tốt đẹp như thế? Mặt trời là nguồn sống của quả đất. Mặt trời nóng khoảng 5500 độ bách phân. Quả địa cầu ở đúng một vị trí tốt đẹp không xa quá mà cũng không gần quá. Vừa vặn đủ để đón nhận sức nóng của mặt trời. Nếu sức nóng mặt trời gia tăng một chút, ta sẽ chết thiêu, và ngược lại nếu sức nóng mặt trời giảm đi một chút, ta sẽ chết rét. Tại sao trái đất nằm ở điều kiện thuận lợi như vậy? Trục trái đất nghiêng theo một toạ độ là 23 độ. Nếu trái đất đứng thẳng, không nghiêng theo bên nào thì sẽ không có thời tiết bốn mùa. Nước sẽ bốc hơi hết về hai cực và đóng thành băng hết. Mặt trăng là một vệ tinh của trái đất, điều khiển thuỷ triều biển cả. Nếu nó không cách xa trái đất 380.000 cây số mà xích lại gần hơn 80.000 cây số thì một cuộc hồng thuỷ sẽ xảy ra. Nước sẽ bị sức hút dâng lên ngập tất cả các lục địa mỗi ngày hai lần. Tóm lại tất cả mọi đời sống trên mặt địa cầu sẽ biến mất, nếu các điều kiện sai lệch đi một ly. Nếu nói rằng đời sống chỉ là một sự ngẫu nhiên thì trong tỷ tỷ lần may ra mới có một điều kiện tốt đẹp hoàn toàn để có được sự sống như thế.
Với khả năng sinh tồn của mọi vật, ta thấy sự hiện diện của tạo hoá rất chu đáo. Sự sống không có sức nặng hay bề đo mà mạnh mẽ làm sao! Ta hãy nhìn một rễ cây non nớt, mềm yếu, vậy mà nó có thể soi nứt một tảng đá cứng rắn. Sự sống chinh phục không khí, đất, nước. Nó thống trị mọi nguyên tố, nó bắt buộc vật chất tan rã rồi lại kết hợp thành các hình thể mới. Sự sống là nhà điêu khắc nặn thành những hình thể mới lạ, là hoạ sĩ vẽ những cảnh vật thiên nhiên tô điểm cho tạo hoá. Sự sống cũng là nhạc sĩ dạy chim hót thánh thót, dạy côn trùng ngân nga, là nhà hoá học chế các hương thơm, quả ngọt. Sự sống từ các loài thảo mộc thu hút thán khí biến thành dưỡng khí nuôi muôn loài. Hãy nhìn những giọt nguyên sinh chất (protoplasm) trong suốt gần như vô hình, mắt ta không thể nhìn thấy, mà nó di động nhờ hấp thụ sinh khí thái dương. Chính cái tế bào đơn độc này chứa mầm sống của muôn loài, và là cội nguồn của toàn sự sống theo khoa học thực nghiệm. Tự nó không tạo ra sự sống vậy thì sự sống ở đâu đã đến? Cá hồi (salmon) sinh ra ở nước ngọt, theo dòng nước ra biển và sống ở đây cho đến khi trưởng thành rồi lại trở về nguồn. Hãy nhìn nó lội ngược dòng về sinh quán, nó bơi một mạch đâu hề phân vân lưỡng lự. Nếu ta bắt nó đem đến một chỗ khác, nó vẫn trở lại nơi xưa. Ai đã dạy cho nó phân biệt một cách chắc chắn như vậy? Loài lươn biển cũng thế, chúng rời sinh quán từ các ao hồ, sông lạch khắp nơi trên thế giới để bắt đầu một cuộc du hành đến tận ngoài khơi quần đảo Bermuda. Muốn đến đây, một con lươn châu Âu phải đi gần 4000 cây số, lươn châu Á phải đi xa hơn, có khi gần 8000 cây số. Chỉ tại đây chúng mới sinh sản và chết. Các con lươn con sinh ra tại đây không biết gì về sinh quán mà vẫn trở về quê hương xa xôi của cha mẹ chúng nó. Biết tìm về một cái lạch ở Pháp hay một cái hồ ở Nam Dương. Giống nào về nhà giống đó, một con lươn Pháp không bao giờ bị bắt ở Ấn Độ và một con lươn giống Thái Lan không bao giờ đi lạc sang châu Phi. Ai đã ban cho loài lươn nguồn cảm kích phân biệt như thế? Ai đã hướng dẫn những con lươn bé bỏng trên đường phiêu du ngàn dặm như vậy? Chắc chắn không thể do ngẫu nhiên!
Mọi sinh vật đều có đặc điểm di truyền khác nhau. Yếu tố này cho ta thấy rõ sự sống đã được trù định từ trước vì một cái cây sẽ tạo ra một cái cây, chứ không phải con vật. Từ các loại sinh vật bé nhỏ như con kiến đến các loài sinh vật to lớn như cá voi đều chịu sự chi phối của yếu tố này. Điều này chắc chắn không phải ai nghĩ ra hay ngẫu nhiên. Chỉ có đấng sáng tạo mới có đủ quyền năng làm các việc đó. Khắp nơi trong vũ trụ đâu đâu cũng có một sự quân bình tuyệt đối, không loài nào lấn át loài nào. Nhìn loài côn trùng, chúng sinh sản rất nhanh mà sao không chiếm quả đất? Ấy là vì chúng không có bộ phổi như loài có vú (mammal). Chúng thở bằng khí quản (trachea) và khi chúng lột xác lớn lên, khí quản không lớn theo nên thân thể chúng bị giới hạn trong khuôn khổ nhất định. Con người hơn loài thú ở điểm lý trí. Bản năng con thú tuy kỳ diệu, nhưng bị giới hạn. Bộ óc con người tuyệt vời ở chỗ nó có thể vượt xa tầm giới hạn của nó. Muốn quan niệm sự hiện hữu của thượng đế, cần phải có một năng khiếu mà chỉ loài người mới có. Ta có thể gọi nó là trí tưởng tượng cũng được, nhưng nhờ nó mà con người mới thu nhận các sự kiện vô hình, vô ảnh. Trí tưởng tượng mở cho ta một chân trời bao la và nhờ thế ta mới ý thức một thực tại tuyệt diệu rằng Thượng Đế là tất cả, ngài ở khắp mọi nơi, nhưng không ở đâu ngài hiện rõ như trong tâm hồn chúng ta. Con người nên ý thức sự bé nhỏ của mình trước vũ trụ bao la vì khoa học xây dựng trên căn bản của giác quan vốn rất giới hạn, sao có thể cảm xúc vũ trụ được! Nếu ta cứ khăng khăng cho rằng những cái gì không nghe được, không nhìn được, đều không hiện hữu thì thật là một sai lầm tai hại. Có biết bao nhiêu sự kiện xảy ra mà giác quan giới hạn không thể cảm nhận, cho đến một ngày nào họ khai mở các giác quan khác…
Khi sinh ra đời, mỗi cá nhân đều mang sẵn một tài sản khác nhau, đó là Nghiệp Báo. Tài sản này có thể tốt đẹp do các nguyên nhân hợp với Thiên ý hoặc xấu xa bởi các lỗi lầm trong tiền kiếp. Tất cả nguyên nhân này đều chứa chấp trong Tàng thức hoặc A-lại-da-thức (alaya-vijnana), và trở nên một động lực chi phối đời ta. Động lực này được phân phối bởi các mãnh lực trong vũ trụ một cách vô cùng phức tạp, và biến thành một thứ gọi là Vũ trụ tuyến (cosmic rays). Những vũ trụ tuyến này không ồ ạt ảnh hưởng đến ta ngay, mà tuỳ theo sự thay đổi của tinh tú để phản chiếu xuống trần gian. Điều này rất hợp lý vì trải qua vô lượng kiếp sống, con người đã làm biết bao điều xấu xa, đâu thể nào trong vài ba kiếp mà trả hết được. Đó cũng là lý do con người cứ trầm luân trong luân hồi sinh tử. Chiêm tinh học nghiên cứu sự xê dịch, vận hành của tinh tú mà đoán biết được các ảnh hưởng đến con người trong kiếp sống này. Nhờ nghiên cứu chiêm tinh mà người ta hiểu rõ rằng không hề có một Đấng Thần Linh thưởng phạt hay kiểm soát các hành động của ta. Tất cả chỉ là hậu quả của những gì do ta tạo nên và phải gánh chịu. 
Chúng ta vẫn còn quan niệm rằng Thượng Đế là một ông già ngồi trên cao nắm quyền sinh sát, định đoạt số phận con người - đó là một quan niệm rất ấu trĩ. Thượng Đế cao cả hơn nhiều, ngài sáng tạo và đặt tất cả vào một trật tự trong vũ trụ. Làm gì có việc ngài định đoạt số phận từng người như lâu nay chúng ta nghĩ. Tất cả diễn tiến theo luật vũ trụ, nhân nào quả nấy, một lực nào cũng có một phản lực đi kèm, đó là khoa vật lý chứ đâu phải gì xa lạ. Làm gì có việc số mệnh đã định sẵn, nếu thế ta cứ tiêu cực, bất động mặc cho số phận run rủi hay sao?
Chiêm tinh học là một khoa học thực tiễn và tiến bộ, không thể có vấn đề mê tín. Lá số tử vi không có nghĩa là con người chỉ là nô lệ của quá khứ mà chỉ cho ta thấy rõ sự tuần hoàn của vũ trụ mà trong đó con người có thể thay đổi tính mạng. Chiêm tinh học nghiên cứu phản ứng của con người dưới ảnh hưởng tinh tú. Các tinh tú chỉ là những khí cụ trung gian biểu lộ một cách trung thực các tác động quân bình của nghiệp quả gây nên trong quá khứ. Mỗi người sinh ra đời vào một ngày giờ mà ảnh hưởng của tinh tú hoà hợp với nghiệp quả cá nhân của ta. Các vũ trụ tuyến được tinh tú phản chiếu xuống làm mạch máu di chuyển, tế bào thay đổi, dĩ nhiên ảnh hưởng đến cuộc đời con người. Mặc dù con người không thể thay đổi việc đã xảy ra trong quá khứ, nhưng nhờ ý chí tự do, ta có thể vượt khỏi tầm ảnh hưởng này và chiến thắng ảnh hưởng của tinh tú. Thí dụ như có người đáng lý theo số mạng thì phải chết trong cuộc chiến. Nhưng vì một mầm thiện nẩy sinh, thấy chiến tranh quá ư tàn khốc, người đó động lòng trắc ẩn mang tài sản ra giúp đỡ rất nhiều nạn nhân chiến cuộc. Dĩ nhiên, khi đó người này không hề biết gì về số mạng của mình, nhưng hành vi bác ái này đã tạo một phản lực mạnh mẽ thúc đẩy các vũ trụ tuyến xê dịch sang một bên và nhờ thế người này thoát chết. Số mạng của người này hoàn toàn thay đổi từ đó. Chúng ta hiểu rằng hoán cải số mạng không có nghĩa việc quá khứ sẽ bị xoá bỏ, nhưng đáng lý một biến cố lớn sẽ xảy ra trong kiếp này, lại không xảy ra. Khi ta phát tâm làm một việc hợp với Thiên ý thì một ảnh hưởng tinh tú bỗng chói sáng và các từ điện mạnh mẽ đẩy ngược luồng vũ trụ tuyến sang hướng khác. Do đó, con người có thể cải số mệnh dễ dàng, nếu biết làm các việc tốt lành, đẹp đẽ. Dĩ nhiên, ảnh hưởng xấu không mất đi, nhưng sẽ tiềm ẩn, chờ một cơ hội khác sẽ phát hiện lại. Nói một cách khoa học thì đời người có thể ví như một phương trình toán học, A x B bằng C x A và B là nguyên nhân và C là hậu quả, nhưng nếu ta thêm vào đó một nguyên nhân X thì A x B x X sẽ không thể bằng C nữa, vì đã có thêm nguyên tố X. Đó là nguyên lý hoán cải số mạng. Đời người thực ra đã ghi khắc trên tinh tú nhưng các tinh tú khi sáng, khi mờ, và sự mờ tỏ do chính ta quyết định. Khi ta có các hành vi xấu xa nó tạo ra những động lực xấu và thu hút các điều xấu ghi khắc trên tinh tú, phản chiếu xuống mau lẹ hơn. Dĩ nhiên hậu quả không thể lường. Trái lại, nếu ta ý thức điều này, phát tâm làm việc hữu ích tự nhiên phát sinh các động lực tốt đánh bật các ảnh hưởng xấu sang một bên. Nhờ nghiên cứu chiêm tinh học một cách đứng đắn, khoa học, con người sẽ hiểu biết mệnh Trời, biết tin tưởng ở mình, và sống cuộc đời thoải mái, không bi quan, không lạc quan, an vui tự tại. Như thế người đi trên đường Đạo, sẽ gặp gì khi đã có nghiệp quả xấu? Nghiệp quả xấu ví như một án treo, bất động, nhưng không ai có thể tránh được nó. Đối với những người đã vào cửa Đạo, đã hiểu biết thì họ lại cầu xin được trả quả cho lẹ. Tuy họ không gây các nhân xấu nữa, nhưng họ đủ can đảm để chịu đựng nghiệp quả. Có thế họ mới rút ngắn thời gian trong sinh tử luân hồi. Hiểu biết mệnh Trời để sống thoải mái chính là mục đích của khoa chiêm tinh chân chính.  
Bộ sách Brahma Chinta, huyền môn có hai phần: Công truyền (exoteric) và bí truyền (esoteric). Loại bí truyền chỉ được dạy cho các đệ tử đã bước vào cửa Đạo, đã được tuyển chọn rất kỹ. Hiền triết Bhrigu chỉ truyền cho 4 đệ tử bộ sách này. Một đoạn trong Bộ sách này chép: “ Vạn vật trong vũ trụ dù ở cõi vô hình hay hữu hình đều được sắp hạng và phân loại theo quy mô của số 7. Tất cả mọi hình thức sinh hoạt trong dãy hành tinh hiện tại đều thuộc một trong 7 cung. Mỗi cung có 7 phân bộ hay 49 nhóm . Toàn thể Thái dương hệ của chúng ta đều là sự biểu lộ của Thượng Đế, mỗi phần tử trong đó đều là một phần của ngài. Ngoài ra có 7 vị tinh quân (logo) mỗi vị kiểm soát một cung. Thật ra các vị này chỉ là những trung tâm thần lực, những con đường vận hà để thần lực Thượng Đế ban rãi ra. Con người có ba thể chính là thể xác, thể vía và thể trí tương ứng với ba cõi giới Hạ giới ,Trung giới, và Thượng giới. Thượng Đế cũng thế, tất cả vật chất trong Hạ giới hợp thân thể xác của ngài. Tất cả vật chất cõi Trung giới hợp thành vía của ngài, và tất cả vật chất cõi Thượng giới hợp thành thể trí của ngài. Tóm lại, tât cả đều là thành phần của thượng đế từ hạt bụi đến các dãy thiên hà. Mọi nguyên tử vật chất cấu tạo nên chúng ta đều là một phần của thượng đế xuyên qua 7 cung - khi qua đây nó bị thay đổi ít nhiều, tuỳ ảnh hưởng các cung. Khoa chiêm tinh có thể phân biệt người nào chịu ảnh hưởng cung nào tuỳ số lượng nguyên tử cấu tạo xuất phát từ cung liên hệ”
Nói theo danh từ Thiên chúa giáo thì 7 vị tinh quân này đã xuất hiện trong linh ảnh (vision) của Thánh Jean. Sách khải huyền 4.5 nói rõ, “Có 7 ngọn đèn thắp trước ngài, đó là 7 vị đại thiên thần của chúa trời”. Lúc khởi thuỷ, mọi người chúng ta đều là thành phần của thượng đế, nghĩa là cùng bắt nguồn từ một nơi. Sau đó, chúng ta tách rời ra, xuyên qua 7 con đường vận hà này. 7 con đưòng biểu lộ 7 đức tính của thượng đế, qua 7 vị tinh quân. Vị thứ nhất là thiên thần Michael (sức mạnh), liên hệ đến hoả tinh. Vị thứ hai là Gabriel (toàn tri) liên quan đến thuỷ tinh. Vị thứ ba là Raphael (quyền năng) liên quan đến thái dương. Vị thứ tư là Uriel (ánh sáng) liên quan đến mặt trăng. Vị thứ năm là Zakiel (hảo ý) liên quan đến mộc tinh, còn hai vị kia là Jophiel và Samuel. Khoa học thực nghiệm tin rằng các hành tinh đều là sự kết hợp ngẫu nhiên của vật chất. Nếu là ngẫu nhiên tại sao chúng nằm ở các vị trí nhất định trong vũ trụ, và di chuyển theo một quỹ đạo cố định? Mọi vật dường như tuân theo một định luật thiên nhiên, nhưng đằng sau định luật đó luôn luôn có một sức mạnh thiêng liêng cai quản. Điều này có thể được diễn tả khác đi tuỳ theo quan niệm tôn giáo, văn hoá; nhưng sự thật vẫn là một. Muốn hiểu khoa chiêm tinh phải đi ngược về nguồn cội. Con người từ một chốn nguyên thuỷ ví như nước cùng một nguồn chảy theo bảy dòng suối khác nhau để ra biển. Mỗi dòng suối sẽ mang một tính chất khác nhau, do đó nước trong suối cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. 
Loài người có thể phân biệt ra 7 đức tính rõ rệt tuỳ theo con đường vận hà mà họ trải qua. Chiêm tinh nghiên cứu con người và ảnh hưởng hành tinh đến các tính nết nhất định. Cũng như khoa Sinh lý học phân biệt con người qua tính chất nồng nhiệt, lãnh đạm, bạch huyết chất hay đa huyết chất. Thực ra đó chỉ là các phương pháp khác nhau để trình bày tính chất con người. Dĩ nhiên không dễ gì tìm ra cung của mỗi người vì y đã đi sâu trong luân hồi sinh tử, tạo các nghiệp quả phức tạp, và những nguyên nhân này chế ngự, ảnh hưởng đến tính tình y rất nhiều. Chỉ với sự khai mở các giác quan như Thần nhãn hay có một kinh nghiệm sâu xa về huyền môn, ta mới có thể biết rõ họ thuộc cung nào. Nếu một người biết rõ cung của mình và tiếp tục trau dồi bản tính sẵn có, thì y sẽ tiến bộ rất nhanh, vì khí cụ hữu hiệu nhất là phương pháp thuộc về cung liên hệ. Thí dụ như người có khiếu về âm nhạc lại cứ học toán. Không phải y sẽ không tiến bộ gì, nhưng nếu đi về âm nhạc y sẽ tiến nhanh hơn vì hợp với khả năng hơn. Sự hiểu biết mình là ai, có những khả năng tiềm ẩn nào sẽ giúp ta định hướng đi cho chính xác. Đó mới là mục đích của khoa chiêm tinh. Đa số con người hành động không ý thức, chịu ảnh hưởng ngoại cảnh, nên luôn bất mãn, không thoải mái. Họ tự đóng kịch với chính mình, hoặc sống theo một lề lối khuôn khổ không thích hợp. Trong Kinh thánh có câu, “Nếu các ngươi không hồn nhiên như trẻ con, các ngươi không thể vào nước thiên đàng”. Điều này khuyên ta nên sống thật với chính mình. Chiêm tinh học có thể giúp ta biết ta là ai, thích hợp với những công việc gì? Sự nghiên cứu chiêm tinh như thế mới gọi là đứng đắn chứ không phải chỉ xem quá khứ, vị lai, may rủi. Làm sao con người có thể biết họ thích hợp với cung nào?  Một nhà chiêm tinh giỏi có thể lấy lá số tử vi để xem cá nhân liên hệ với cung nào, điều này đòi hỏi rất nhiều thời giờ, kinh nghiệm. Một phương pháp khác là hãy nhìn hành động mỗi người. Người thuộc cung 1 sẽ đạt đến mục đích bằng sức mạnh ý chí. Người thuộc cung 2, phân tích kỹ lưỡng vấn đề để lựa chọn phương pháp nào hữu hiệu nhất. Người thuộc cung 3 nghiên cứu rất kỹ về thời gian, giờ khắc thuận lợi nhất v..v… Một thí dụ khác như trong việc chữa bệnh, người cung 2 sẽ tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp nào thích hợp nhất để chữa bệnh, khi người ở cung 3 sẽ nghiên cứu thời gian nào thuận lợi để chữa. Người ở cung 6 sẽ tìm cách chữa bệnh bằng đức tin. Người thuộc cung 7 sẽ chữa bằng các nghi lễ, cúng tế, v..v.. Tuy nhiên, cách tốt hơn hết là tự mình, xét lấy mình. Hãy dẹp bỏ những điều mình vẫn khoác lên bản ngã như danh vọng, địa vị, ham muốn. Hãy thành thật với chính mình thì ta có thể xem được mình thuộc về cung nào. Nếu ta là người có ý chí mạnh mẽ, cương quyết làm việc trong tinh thần khoa học thì có lẽ ta ở cung 1. Nếu là người khôn khéo, thích lý luận và làm việc một cách hiệu quả thì có lẽ ở cung 2. Nếu là người nhạy cảm, thích hoạt động xã hội, từ thiện thì có lẽ ta thuộc cung 5. Nếu là người có đức tin mạnh mẽ, cẩn thận, có thể ta thuộc cung 7, v..v…. Cái vật chất sơ khai nguyên thuỷ bắt đầu tiến hoá qua 7 con đường vận hà hay 7 đức tính quan trọng. Chỉ khi nào con người phát triển toàn vẹn cả 7 đức tính này sẽ trở nên toàn thiện. Dĩ nhiên, chúng ta đều bất toàn dù mỗi cá nhân đã nảy nở các đức tính cần thiết căn bản. Người Tây Âu đã khai mở rất nhiều về khả năng suy luận, khoa học, nhưng thiếu khả năng sùng tín, bác ái. Vì lý trí nảy nở nhiều hơn tình cảm nên họ có vẻ thiếu thiện cảm, lạnh lùng, thích chống báng thay vì dung hoà. Trong khi đó, người Châu Á phát triển mạnh mẽ về sự sùng tín, bác ái, nhưng thiếu khả năng suy luận, để tình cảm chi phối nên họ có vẻ chịu đựng, nhượng bộ, khoan dung, dễ dãi. Cả hai đều không quân bình tuyệt đối, nên trong tương lai sẽ có các biến chuyển mạnh, xáo trộn để cả hai dân tộc có dịp học hỏi, hoà hợp với nhau. 
Trong các sách vở bí truyền của các tôn giáo không hề thấy có sự khác biệt giữa các giáo lý, nếu không nói là giống hệt nhau. Tiếc thay, con người chỉ thích đi tìm sự khác biệt để chỉ trích, phê bình và càng ngày càng đi xa đến chỗ vô minh cùng cực. Mỗi quốc gia có phong tục, tập quán riêng biệt. Mỗi thời buổi đều có các thay đổi, giá trị khác nhau. Do đó, một chân lý cũng có thể được giảng dạy bằng các phương pháp khác nhau. Phương pháp, ngôn ngữ có thể khác, nhưng chân lý vẫn là một cũng như thượng đế có 7 con đường vận hà khác nhau qua bảy cung. Nguyên tử mỗi cung có các rung động khác nhau, có màu sắc khác nhau, tính chất khác nhau, nhưng nó đều là nguyên tử xuất phát từ Thượng Đế. Trong 7 vị tinh quân có những biến đổi diễn ra từng thời kỳ giống như sự tuần hoàn của hơi thở trong bộ máy hô hấp, hay sự vận động của quả tim. Các sự biến đổi này diễn ra vô cùng phức tạp, dưới thiên hình vạn trạng. Vì lẽ thể vía con người được cấu tạo cùng một nguyên tử với thể vía của các vị tinh quân, nên khi vị tinh quân thay đổi, tự nhiên mọi người trên thế gian cũng ít nhiều ảnh hưởng theo. Nói một cách khác, khi vị tinh quân cai quản một cung thay đổi thì những người đã đi qua cung đó, nguyên tử cấu tạo có chứa đựng nhiều tỷ lệ của cung đó sẽ thay đổi theo. Trong lịch trình tiến hoá, đã có những sự thay đổi trong đầu óc loài người, từng thời kỳ và do đó, văn minh nhân loại cũng đổi thay. Mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 100 năm, nhưng cứ 25 năm cuối lại có các biến chuyển gây ảnh hưởng cho chu kỳ kế tiếp. Thật ra chu kỳ không hoàn toàn trùng hợp từng năm, từng tháng, vì niên lịch thông thường không chính xác. Khoa chiêm tinh sử dụng một thứ lịch khác theo sự vận chuyển của các tinh tú. Tuy nhiên, để giản dị hoá vấn đề này ta có thể nói rằng cứ 25 năm cuối của mỗi thế kỷ là buổi giao thời có nhiều sự thay đổi mãnh liệt. Chẳng hạn, năm 1275, Roger Bacon phát động phong trào phục hưng văn hoá, rồi suốt 100 năm sau, toàn thể Âu châu đều thay đổi. Năm 1375, Chirstian Rosenkreuz phổ biến nền văn hoá này khắp từng lớp dân chúng, đưa Âu châu thoát khỏi nền tảng hắc ám của thời kỳ Trung cổ. Năm 1275 và 1375 chả là 25 năm chót của thế kỷ 13 và 14 hay sao?  Francis Bacon và cao trào nghiên cứu khoa học năm 1578, sử dụng Anh ngữ thay vì Latin để phổ biến kiến thức khoa học. Có phải những việc này đã đem khoa học vào xã hội để cải thiện cuộc sống hay không? Việc này xảy ra vào 25 năm cuối của thế kỷ 15 và 16. Phải phục hưng văn hoá, đưa Âu châu khỏi các thành kiến bảo thủ đã, rồi cải cách, phát triển khoa học để mọi người biết suy luận sau đó, mới thay đổi xã hội được chứ. Văn hoá đi trước phổ biến tư tưởng để dọn đường cho các thay đổi chính trị, xã hội về sau. Năm 1675, các Hội Kín bắt đầu mọc lên, kêu gọi san bằng giai cấp, dẹp tan bất công xã hội, gây nên bởi chế độ Bảo Hoàng. Năm l789, cuộc cách mạng Pháp đã bùng nổ, và thay đổi hẳn lịch sử Âu châu. Hai biến cố này đều xảy ra trong vòng 25 năm cuối của thế kỷ 17 và 18. Năm 1875 đánh dấu một bước tiến quan trọng, đó là sự phát triển khoa học văn minh cơ giới cùng thuyết “Tiến hoá” của Darwin, và phong trào Thiên chúa giáo tự do. Từ đây bắt đầu một cuộc tranh chấp giữa tinh thần và vật chất. Có hai mãnh lực rất mạnh phát xuất từ hai bầu tinh tú đối cực, gây nên phong trào Duy tâm và Duy vật. Đến khoảng 25 năm cuối, từ 1975 trở đi thì phong trào Duy tâm phát triển mạnh mẽ và được phổ biến sâu rộng để thúc đẩy sự tiến hoá tâm linh. Cuối thế kỷ 20, hiện tượng nghiên cứu các giáo lý bí truyền đã bắt đầu. Trước khi một sự phổ thông Bí giáo được thực hiện phải có những hạt giống gieo sẵn và nẩy mầm. Có hai loại người trên thế gian: một loại đã thấy ánh sáng rực rỡ nơi cuối chân trời và định hướng để tiến tới đó. Dĩ nhiên, họ sẽ phải chiến đấu cam go với các cám dỗ, các hoàn cảnh bất lợi xảy ra chung quanh. Nhưng ở họ, hy vọng luôn luôn sáng rỡ. Hạng thứ hai, không cảm xúc được các tư tưởng thanh cao, không tin tưởng những điều cao thượng. Họ là những người lạc lõng, đáng thương vì họ sẽ phải học các bài học hết sức đau khổ cho đến khi họ hiểu biết và quay đầu về phía ánh sáng. Điều này đã và đang xảy ra. 

Mọi vật trong vũ trụ đều quân bình tuyệt đối, không dư, không thiếu, từ hạt bụi bé nhỏ đến những dãy thiên hà vĩ đại. Đời người quá ngắn, và luôn bị lôi cuốn vào sinh hoạt quay cuồng. Đâu mấy ai ý thức được sự phung phí hôm nay, dọn đường cho sự đau khổ ngày mai. Tất cả chỉ là những ảo ảnh chập chờn, thế mà người ta cứ coi như thật. Nếu biết thức tỉnh quan sát, ta có thể học hỏi biết bao điều hay.  
Con người cần đặt cho mình một câu hỏi tương tự. Hãy quan sát lòng mình một cách thành thật xem mình muốn gì? Chúng ta muốn bình an hay kích động? Phải chăng chúng ta đều náo nức muốn cái gì? Mỗi buổi sáng, chúng ta vội vã cầm lấy tờ báo để tìm các tin tức sôi nổi nhất. Nếu không có tin gì về chiến tranh, thiên tai, xáo trộn, khó khăn kinh tế thì chúng ta vất tờ báo xuống đất, và than rằng chả có gì đáng xem. Chúng ta muốn sống yên ổn, không thích xáo trộn, nhưng rất thích thú nghe nói về các sự xáo trộn của kẻ khác. Chúng ta dành nhiều giờ để bàn cãi sôi nổi về người này, người nọ, chê bai ông này, diễu cợt bà kia. Phải chăng chúng ta vẫn làm thế? Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại làm thế không? Lòng ta còn ham tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khoẻ, và chỉ cầu bình an cho chính mình thôi, nên chẳng bao giờ thoả mãn. Nếu ai có hỏi thì ta cũng sẽ chối quanh như đại đế Alexander chỉ xin một giấc ngủ bình an mà thôi. Giấc ngủ bình an nào có khó, nào xa xôi diệu vợi, tốn công nhọc sức mới có. Làm sao ta có thể lao đầu vào vật chất phù du, xây dựng danh vọng địa vị, thoả mãn cái phàm ngã hữu hình hoại đồng thời tìm sự bình an, yên tĩnh? Chính các điều trên đã phá vỡ sự yên tĩnh sung mãn của nội tâm ta. Phiền não là do chính ta tạo nên, chứ đâu phải hoàn cảnh? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét