Bài này được biên soạn theo nội dung của 3 tập phim “The History of Singapore” của TIM LAMBERT được sản xuất bởi LION TELEVISION on ALL3MEDIA GROUP Company for DISCAVERY NETWORKS ASIA (Người biên soạn: Hà Hoàng Kiệm).
Bản đồ Singapore
Chương 1. Đứa con nhỏ của Raffles
200 năm trước đây, singapore chỉ là một khu rừng, trên một hòn đảo nhiệt đới hẻo lánh, gần như không có người ở. Ngày nay nó là một “Con Hổ” Châu Á, một người khổng lồ về kinh tế. Đất nước này không có tài nguyên thiên nhiên nào. Đất đai cũng không màu mỡ. Vậy tại sao có rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây tìm cơ hội làm giàu. Singapore ngày nay đã được định hình bởi một người, ông Lý Quang Diệu. Ông đã lãnh đạo đất nước này trong ¼ thế kỷ, đưa đất nước tiến lên hiện đại, nhưng trước thời Lý Quang Diệu, Singapore như thế nào? Nó đã từng bước đi lên vũ đài thế giới ra sao? Trừ phi bạn biết mình từ đâu đến, trừ phi bạn biết cái ông cha mình đã trải qua. Còn không, bạn sẽ không có điểm quy chiếu nào.
- Cái làm chúng tôi khác biệt với người Thái chẳng hạn hay người Philipine, người Sri Landka là cách họ hình thành và phát triển ở khu vực này và đấy gọi là lịch sử (Lý Quang Diệu).
Để hiểu được Singapore, ta sẽ lần trở lại từ điểm bắt đầu của kinh tế toàn cầu. Bắt đầu từ tham vọng của một nhà thám hiểm độc lập người Anh. Ông ta đến từ một thế giới rất khác với cái của Lý Quang Diệu, nhưng đã để lại dấu ấn rõ ràng trên thành phố hiện đại này. Không có ông ấy, Singapore không bao giờ có thể bắt đầu hành trình đáng nhớ của mình đi từ chốn hoang sơ tới đô thị hiện đại.
Singapore là một hòn đảo tí hon, được hình thành từ những chuyển biến to lớn của lịch sử. Trở lại thế kỷ 19, khi nước Anh đã trở thành một đế chế thương mại hùng mạnh và bắt đầu mở rộng tới vùng Đông Nam Á. Vào tháng 1 năm 1819, một đội thám hiểm đổ bộ xuống một hòn đảo nhỏ, họ là người của công ty Đông Ấn. Lãnh đạo họ là một người Anh đầy quyết đoán và tham vọng, một nhân viên chính thức của công ty. Tên ông ta sẽ mãi mãi gắn với Singapore. Ông chính là ngài Thomas Stamford Raffles.
Thomas Stamford Raffles
Ông ta là người có tầm nhìn, có lẽ trước cả thời đại của mình. Có rất nhiều nhân viên của công ty Đông Ấn trên khắp thế giới chủ yếu là để mua bán, cũng có thể là để thám hiểm. Nhưng Raffle lại có ý tưởng thay đổi thế giới, biến nó thành nơi tốt đẹp nhất. Raffles bị thu hút bởi lịch sử của Singapore và đã cho tiến hành các cuộc nghiên cứu khảo cổ trên hòn đảo này để tìm những chứng cớ về thời hoàng kim của nó vào thế kỷ 14. Vào thời đó Singapore là một hòn đảo quan trọng ở trung tâm của một vương quốc Malaysia đã mất, được biết với cái tên Tamasak. Nó xuất hiện trên những bản đồ đầu tiên của Trung Quốc trong khu vực này. Raffles nhận thấy đã từng có một bang thuộc vương quốc cũ ở đây và về nhiều khía cạnh, ông ta muốn tạo ra một Tamasek mới, một Singapore mới đặt dưới sự điều hành của người Anh, nhưng Raffles không có một quyền nào để hoạt động hợp pháp trên một hòn đảo của Malaysia mà không có sự cho phép của vua Malaysia.
Vua xứ Johore đã từ chối bất kỳ thỏa thuận nào với người Anh, nhưng ông ta đã có mâu thuẫn với người anh của mình là Hussein, một đối thủ tranh chấp ngai vàng. Raffles nhận ra điều này, ông đã lén đưa Hussein tới Singapore và tôn ông ta lên làm vua mà không có sự ủy quyền nào. Raffles đã đi một nước cờ táo bạo. Raffles hiểu rõ văn hóa, lịch sử, luật pháp… của Malaysia để vận dụng chúng. Về căn bản, ông ta đã tự tạo ra một vị vua cho Singapore, nói chung là từ chỗ không có gì.
Sau khi tạo ra một vị vua hợp pháp. Raffles tổ chức một cuộc chuyển giao quyền lực chính thức. Hussein sẽ được nhận một khoản lương bổng hấp dẫn, nhưng đổi lại Raffles sẽ điều hành hòn đảo theo ý muốn của mình. “Hiệp ước này được ký tại Singapore vào ngày 8 tháng 2 năm 1819 theo lịch của Vương quốc Anh”. Sự kiện lịch sử này được tiến hành dưới sự chứng kiến của vài chục thần dân, cướp biển và dân chài cư ngụ trên đảo.
- Cụ nội của tôi đã chứng kiến sự kiện này. Cụ chỉ là một đứa trẻ lúc ấy. Cụ không hiểu điều gì đang xảy ra cả, nhưng cụ vẫn nhớ được những thứ đã trông thấy. Đấy là lần đầu tiên cụ thấy người da trắng xuất hiện ở Singapore. Họ trông giống như các thiên thần và cụ chẳng hiểu gì về tổng thể những cái đã xảy ra (Othman).
Với việc ký kết hiệp ước, Singapore đã kết thúc là hòn đảo thuộc Malaysia. Kể từ giờ nó đã là thuộc địa của Anh dưới sự quản lý của công ty Đông Ấn. Một mảng ghép được định hình bởi tầm nhìn của một con người. Gần 200 năm sau, một bức tượng của Raffles được dựng lên đúng chỗ ông đã đổ bộ. Nhưng làm thế nào mà chỉ một người đã làm biến đổi chốn hoang vu này thành một thành phố?
Bức tượng Thomas Stamford Raffles
Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu, nơi hàng hóa, con người và ý tưởng được tự do di chuyển trên khắp thế giới. Singapore nằm ở ngã tư của con đường hàng hải lớn nhất. Đó là thành phố được sinh ra từ sự toàn cầu hóa. Ngay từ thế kỷ 19, nó có may mắn được nằm giữa dòng chảy chính của thương mại thế giới. Vào thời đó có một công ty lớn nhất thế giới đặt trụ sở ở London. Công ty Đông Ấn không giống bất kỳ công ty thương mại nào khác, nó có cơ quan hành chính và quân đội riêng và cai trị hơn 1/5 dân số toàn thế giới. Mạng lưới đường thương mại của nó trải rộng trên một nửa trái đất. Vào thời thịnh vượng nhất, doanh thu của công ty này còn lớn hơn thu nhập của chính nước Anh. Hàng hóa có giá trị nhất của công ty là trà. Từ thời Marco Polo, trà Trung Quốc đã trở nên cực kỳ thịnh hành ở Châu Âu. Một nửa lợi nhuận của công ty đến từ việc cung cấp thứ nước uống thời thượng này. Người Anh đặc biệt ưa thích trà và thị trường tăng trưởng không ngừng. Công ty Đông Ấn phải tập trung vào hàng hóa chính yếu này để đảm bảo sự phát triển.
Nhưng họ trả tiền mua trà bằng cách nào? Họ có khá ít thứ để đổi lấy trà. Đây là vấn đề rất dai dẳng của công ty cho đến khi phát hiện ra nha phiến (thuốc phiện). Nha phiến là cái duy nhất người Trung Quốc không có và họ có nhu cầu rất lớn. Và khi người Anh phát hiện ra người Trung Quốc cần nha phiến còn họ thì có nguồn cung ở Ấn Độ thì những điểm như Singapore, phía cuối eo biển Malacca, nơi rẽ lên biển Đông trở thành cực kỳ quan trọng. Công ty Đông Ấn sản xuất nha phiến ở phía bắc Ấn Độ và vận chuyển tới Trung Quốc, nơi họ sẽ bán và mua lấy trà rồi chuyển ngược về Anh Quốc. Đây là con đường vận chuyển sinh lời nhiều nhất của công ty, nhưng tất cả mọi hàng hóa đều phải băng qua một eo biển hẹp có tên là eo biển Malacca.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, công ty muốn xây dựng một hải cảng đâu đó ở phía dưới eo biển này, nhưng có một vấn đề. Trong gần 200 năm, người Hà Lan đã kiểm soát vùng biển Đông Nam Á. Họ là siêu cường trong kinh tế và quân sự ở khu vực này và công ty có chính sách là không được làm bất kỳ điều gì khiến họ nổi giận. Cuộc thám hiểm của Raffles vào Singapore giống như một sự khiêu khích các chú ý. Ông ta là nhân viên chính thức của công ty và đã được khuyến cáo là phải hành động rất thận trọng. Không ai dự tính ông sẽ xây dựng một hải cảng ngay trước mũi của người Hà Lan.
- Toàn công ty Chào cờ!
Tất cả các cuộc thảo luận xa hơn về việc thiết lập một hải cảng ở phía đông đều bị gạt bỏ “Hãy để nguyên thế đi, bọn Hà Lan sẽ không thích đâu” còn Raffles thì cứ làm mà không quan tâm gì đến việc người Hà Lan nghĩ thế nào. Hai tuần sau khi cờ Anh được kéo lên hòn đảo Singapore, tin tức về sự kiện này đến tai thượng cấp của Raffles, Đại tá Bannerman, thủ hiến của Hoàng Gia. Bannerman không thích và không tin vào chàng trai Raffles nhiều tham vọng. Ông ta nổi giận vì một trong những nhân viên của mình không tuân thủ chính sách của công ty. Ông liền lập tức liên lạc với người đồng nhiệm bên phía Hà Lan để báo rằng Raffles đã tự ý hành động mà không có sự ủy quyền của công ty, “Anh ta đã tự ý làm điều ấy, cho chúng tôi xin lỗi. Tôi sẽ xin lệnh triệu hồi anh ta về và lập lại trật tự như cũ. Tôi đảm bảo rằng các ngài sẽ không phải lo lắng về anh ta lâu đâu”. Sự đảm bảo của Bannerman đã khiến cho Hà Lan không xâm chiếm Singapore. Họ cứ ngồi đợi người Anh rút đi. Nhưng Bannerman đã không tính đến các thay đổi ở London. Các cuộc chiến chống Napoleon đã đẩy sự tự tin của quân đội và trên bình diện lớn hơn, của cả đất nước lên cao. Thay vì trao trả Singapore cho người Hà Lan, lệnh gửi tới Bannerman là cho phép Raffles đóng lại ở đó. Ở Châu Âu, người ta cho rằng cứ nên để như thế vài năm để giữ thể diện cho công ty vì rốt cuộc người Hà Lan cũng chẳng thể làm gì.
Raffles nhận thấy rằng muốn Singapore tồn tại được nó cần phải là cái gì khác hơn chỉ là một điểm dừng chân giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nó cần trở thành một thương cảng đàng hoàng thu hút được thương mại trong vùng. Nhưng nó làm thế nào để thuyết phục được các nhà kinh doanh tới vùng đất mới này. Khu vực này có tất nhiều loại hàng hóa. Raffles đã cho họ một nơi có thể tới và mua bán hoàn toàn tự do. Việc cung cấp một dịch vụ như thế làm cho Singapore phát triển rất nhanh. Những người có hiểu biết nhanh chóng nhận ra cơ hội, nếu đưa tất cả hàng hóa tới đó để bán và mua hàng về mà không phải trả một đồng tiền thuế nào và chưa từng có một nơi nào như thế ở Đông Nam Á. Đây là một ý tưởng lớn của Raffles: Mậu dịch tự do. Sáng kiến này đã lôi kéo thương mại từ các cảng khác trong vùng tới và làm cho Singapore trở nên sầm uất.
Raffles nhận thấy Singapore có thể trở thành trung tâm của giao thương trong vùng và ở ngay giữa khu sản xuất khổng lồ Đông Nam Á. Tổ yến đến từ Borneo và Camphor, các lâm sản dùng cho đồ sơn mài rất quan trọng với Trung Quốc, nhũ vàng từ Bali và dĩ nhiên nó là điểm trung chuyển hàng hóa chính giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Một văn bản thời đó mô tả là các con tàu đến Singapore như đàn ong bay tới hũ mật để cùng tận hưởng bữa tiệc Mậu dịch tự do. Raffles rất hài lòng với thành công của thương cảng mới. Ông gọi nó là đứa con nhỏ của mình, nhưng ông sẽ trở thành người cha vắng nhà. Ông sẽ nhanh chóng bị triệu hồi về Bencoolen sau đó, một tiền đồn xa của Anh ở nam Sumatra. Công việc chính thức của ông là làm thủ hiến ở đó và công ty yêu cầu ông phải trở lại công việc. Ông ta sẽ phải xa đứa con của mình trong 3 năm rưỡi.
Trong khoảng thời gian đó, dân chúng đổ về Singapore và con cháu họ vẫn còn định cư tại Singapore cho tới ngày nay. Có một cộng đồng người Hoa lớn đã sống và làm ăn ở khu vực eo biển Malacca từ nhiều thế kỷ. Nhiều người đã chuyển tới Singapore chỉ vì lợi ích của thương mại tự do. Những Hoa kiều khác đến từ Trung Hoa lục địa để thoát khỏi sự hà khắc của triều đình Mãn Châu. Có một số thương nhân Ấn Độ tới đây, nhưng đa số người Ấn ở đây là lính tráng và công chức đã từng phục vụ cho Đế Quốc Anh. Ngày nay, cộng đồng người Ấn Độ vẫn bảo tồn những tập quán cổ xưa từ quê hương, những tập quán mà ngay tại chính Ấn Độ cũng không còn nữa. Một cộng đồng lớn khác ở Singapore đã ở đó từ xưa tới nay là người Malaysia. Một vài người giống như cụ nội của Othman là những thổ dân đã cư ngụ trên đảo từ trước. Nhưng đại đa số là những người đến từ chuỗi đảo quanh khu vực Đông Nam Á. Họ tới để kiếm tiền nhưng cũng là để có thể tự do thờ cúng. Ngay từ đầu, sự dung hòa về tín ngưỡng cũng là một đặc điểm trong xã hội đa tôn giáo của Singapore. Đấy chỉ là nét phác họa đầu tiên về cộng đồng đang phát triển này, được vẽ lên bởi một người Anh. Chỉ trong vòng 4 năm, mười ngàn người đã tới đây định cư.
Raffles đã để lại công việc quản lý cho người bạn cũ là William Farquhar. Farquha đã sống ở khu vực này nhiều năm và có thái độ rất mềm mỏng với cái ông gọi là “tập quán địa phương”. Dưới sự quản lý của ông, việc mua bán nô lệ trở nên đáng báo động. Cờ bạc ở khắp mọi nơi, mà cả nạn chọi gà mà Raffles từng kinh ghét. Farqular cũng chẳng làm gì để ngăn chặn việc tràn lan nha phiến, loại ma túy mà người Anh phổ biến tại Trung Quốc đang nhanh chóng đẩy những người lao động Singapore vào con đường nghiện ngập. Mọi người được tự do tới đây tìm cách làm giàu, nhưng việc thi hành luật pháp nhìn chung khá lỏng lẻo. Đó là một hải cảng nhạy bén, cởi mở và cái gì cũng có thể xảy ra. Theo những ghi nhận vào thời đó, những vụ cướp giật, đâm chém diễn ra hàng ngày. Có một lực lượng cảnh sát nhỏ ở đấy, nhưng cảnh sát lại thường là những người đầu tiên bị sát hại.
Khi Raffles quay lại đây vào năm 1822, ông khó có thể chấp nhận đấy là một thương cảng thuộc địa của Anh Quốc mà ông mường tượng và ông đã cách chức Farquhar.
- Tôi không thể tin được điều anh đã làm, anh đang quản lý cái quái gì ở đây thế, anh để cho nha phiến lan tràn.
Raffles lên án Farquhar đã thả lỏng kỷ cương.
- Tôi không quan tâm… chúng ta phải…
Ông ta mong đợi những tiêu chuẩn cao cấp cho đứa con của mình. Raffles cảm thấy nó thật hỗn loạn. Ông ấy muốn đem đến những tư tưởng về khoa học, nghệ thuật và văn học đang được đề cao trong thời Khai Sáng cuối thế kỷ 19. Trào lưu Khai Sáng ở Âu Châu là kỷ nguyên của lý luận, trật tự và tiến bộ và Raffle hy vọng có thể đem những tư tưởng cao quý này tới Singapore. Mặc dù lúc ấy, nơi này chỉ mới hình thành, ông đã vẽ lên một quy hoạch tỉ mỉ cho thành phố tương lai, vạch ra những cấu trúc đường phố chính, chia dân cư ra hai khu vực riêng biệt. Mọi thứ đều được thiết kế sao cho càng hợp lý và hiệu quả càng tốt. Ông ấy đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng về kiến trúc khiến Singapore nổi tiếng như kiểu kiến trúc liền kề, tạo hành lang che nắng cho người đi bộ và các ngôi nhà phải có cùng kiểu kiến trúc thống nhất. Ông ấy nghĩ đến tất cả các chi tiết nhỏ nhặt ấy.
Theo tầm nhìn của Raffles, con sông sẽ là mạch trung tâm của thành phố. Đó là dòng chảy của thương mại. Ông tạo ra một bến tàu chính để làm tâm cho các tòa nhà thương mại xung quanh. Ngày nay, sông Singapore khá tĩnh lặng, chỉ có các du thuyền dạo quanh, nhưng trong suốt thời gian đến thế kỷ 19, hàng hóa khắp thế giới được vận chuyển qua con sông này để nhập vào những nhà kho trên bến tàu chính. Đúng như những gì Raffles đã dự tính. Âm thanh, mùi vị, cảnh quan và môi trường khi đó rất khác bây giờ. Dọc hai bờ sông là những tàu, thuyền, xà lan đủ loại. Chúng chắn hết mọi chỗ, chỉ để lại một lối đi khá hẹp cho tàu thuyền đi qua. Người ta chuyển gạo, hàng hóa… lên xuống từ tàu thuyền và các kho chứa. Đấy là quang cảnh mà bạn sẽ thấy ở Singapore vào thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20. Đây là nơi khởi đầu cho thương mại ở Singapore.
Cảng Singapore cuối thế kỷ 19
Ngày nay cả bến tàu và các nhà kho đã bị đóng cửa và được chuyển tới một hải cảng hiện đại, nhưng những cái mà Raffles tạo ra vẫn còn tồn tại. Đằng sau khu trung tâm, nơi đã được thiết kế là nơi không có nhà dân đã trở thành trung tâm thương mại của thành phố. Những tòa nhà chọc trời, hiện đại ở khu văn phòng nằm chính xác ở điểm đã thiết kế. Raffles tin rằng tự do thương mại có một phẩm chất kỳ lạ mà có thể biến đổi Singapore và những dãy nhà chọc trời này minh chứng cho niềm tin của ông. Quảng trường trung tâm tại khu thương mại vẫn còn nguyên hình dáng mà nó đã được thiết kế từ ban đầu. Giờ thì nó được đặt tên là quảng trường Raffles để vinh danh người đã tạo ra nó. Ngay trước khi rời khỏi Singapore vĩnh viễn, Raffle đã viết thư gửi tới London. Ông viết đại thể là: Tôi đã phải thay đổi hết mọi thứ từ đầu đến cuối để giới thiệu một hệ thống động lực trong sạch và sự khích lệ mà sẽ tồn tại một vài thế kỷ. Đó là cái mà Raffles đã suy nghĩ trước 200 năm.
Tháng 6 năm 1823, Raffles quay về nước Anh. Ông bị nghi là có khối u não. Ông chỉ ở Singapore tổng cộng có 9 tháng. Trong khoảng thời gian đó, ông đã biến nó từ một hòn đảo bị quên lãng trở thành một hải cảng nhộn nhịp, đặt cược tương lai mình của vào tự do thương mại. Nhưng có phải chỉ tự do thương mại là cây đũa thần như Raffles tin tưởng không? Liệu chỉ mình nó có thể hóa phép nên một thành phố từ rừng rậm?
Singapore được xây dựng để trở thành khu mậu dịch tự do. Ý tưởng chính, bất kỳ ai cũng có thể mua bán mọi thứ mình muốn mà không bị chính phủ can thiệp vào đã là thành công của Singapore. Kể từ khi nó được giới thiệu vào thế kỷ 19, cho tới năm 1850, hòn đảo này đã được hưởng tự do mậu dịch ba thập niên rồi và đã hình thành một cộng đồng doanh nhân quốc tế ở Singapore. Nhưng có ít người giàu hơn Hoo Ah Key, thường được biết dưới tên “”Woampoa”. Ông ta có thể mua gần như bất kỳ cái gì ông ta cần ở hòn đảo này và ông ta cực kỳ nổi tiếng. Người Anh gọi ông ta là người Trung Quốc giỏi nhất từng sống. Những nhà kinh doanh địa phương giàu lên nhanh chóng. Họ là người Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập điều hành các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo định nghĩa ngày nay. Họ kiếm tiền khá dễ dàng vì họ không phải trả thuế và họ không bị thu phí gì cho những phương tiện sử dụng. Dĩ nhiên, họ đang làm ra tiền, nhưng với chính công ty thì lại khác.
Công ty đang điều hành Singapore, công ty Đông Ấn đang gặp khó khăn về tài chính. Việc buôn bán trà Trung Quốc từng đem lại nhiều lợi lộc bị sụp đổ do người Anh bắt đầu chuộng trà Ấn Độ hơn vì có thể uống cùng với sữa. Công ty vẫn buộc phải quản lý Singapore, nhưng nó làm việc đó rất miễn cưỡng. Trước năm 1850, công ty nhìn Singapore như một nơi chẳng mang lợi lộc gì cho họ. Các nhà kinh doanh tư nhân kiếm được rất nhiều tiền, nhưng không có đồng nào đi vào két của chính phủ. Không có tiền để có lực lượng cảnh sát tốt, cũng không có tiền để trả cho việc cải thiện cảng, nhưng cộng đồng lại muốn nhiều thứ và muốn nhiều hơn nữa mà không phải trả tiền. Thật trớ trêu, tự do mậu dịch làm cho Singapore thịnh vượng lại tạo ra rất ít ngân sách để vận hành hòn đảo này. Kể từ thời của Raffles, việc lưu chuyển hàng hóa không bao giờ bị đánh thuế. Chính sách này đã trở thành một điều khoản kinh doanh với các nhà kinh doanh ở đây. Không có thuế xuất nhập khẩu, cũng không có thuế thu nhập và cũng không có thuế doanh nghiệp. Con người cũng chưa phát triển vào thời đó, chỉ có loại thuế giá trị gia tăng GSE là nguồn thu duy nhất để bạn dùng cho các chi tiêu nhà nước. Công ty buộc phải đưa ra một kế hoạch khác thường để tăng thu ngân sách bằng việc khuyến khích các tệ nạn. Họ cấp phép cho việc cung cấp nha phiến cho ai trả cao nhất thông qua việc đấu giá. Người có giấy phép có thể thoải mái bán bao nhiêu ma túy cũng được, không có hạn chế nào cả. Nhưng càng bán được nhiều nha phiến, bạn lại phải tiếp tục bán nhiều hơn nữa vì công ty sẽ ngày càng tăng giá bán giấy phép. Đó là một vòng xoáy tội lỗi. Công ty cũng chia phần trong việc kinh doanh mại dâm. Có 15 đàn ông trên một phụ nữ ở phố Tàu. Phụ nữ được đưa tới từ Nhật bản để làm giải trí. Phố Tàu ở thế kỷ 19 là một ổ tệ nạn. Sau tủ kính các cửa hàng là các ổ ma túy và nhà thổ. Người Anh khoan thứ cho những tệ nạn này vì nó tạo ra thu ngân sách để công ty chi cho việc quản lý Singapore.
Nhưng kiếm tiền từ tệ nạn chỉ đẻ ra thâm các vấn đề khác cho công ty. Các ổ ma túy và mại dâm được các tổ chức xã hội đen quản lý. Những tổ chức tội phạm quyền lực với những luật lệ phức tạp bắt nguồn từ Trung Hoa đại lục. Những hội kín này vươn tới những người thuộc đủ mọi thành phần từ cảnh sát, lái xe, chủ cửa hiệu và các nhà kinh doanh. Người Anh không thực sự hiểu rõ các tổ chức này hoạt động thế nào vì nó có vẻ là các tổ chức tội phạm rất bí hiểm do những nghi lễ kết nạp thành viên rất rối rắm. Bọn họ có luật lệ và trật tự riêng ở Singapore, xác lập qua các cuộc chiến giữa các băng đảng và các hội kín. Mỗi hội kín đều đồi hỏi sự trung thành tuyệt đối của các thành viên, họ có nghĩa vụ phải bảo vệ danh dự của hội chống lại bất kỳ ai có ý định cản trở hoạt động kinh doanh béo bở của hội. Công ty tìm kiếm sự trợ giúp của các doanh nhân có thế lực như “Whampoa” để kiểm soát các tổ chức này. Dần dần, họ biết rằng chính những doanh nhân Trung Quốc thường liên quan đến việc điều hành các hội kín và dù không biết, nhưng thực sự họ đã cho phép và tạo mối quan hệ giữa phía tội phạm và cộng đồng người Hoa. Đến khi hiểu được điều này thì đã quá trễ để ngăn chặn. Thành phố này giờ đã nổi tiếng vì sự nhớp nhúa và các tệ nạn. Người bản địa bây giờ gọi nó là Sin Galore (thành phố tội lỗi – chơi chữ) còn công ty thì không muốn và cũng không có cách nào để cải thiện được tình hình.
Nhưng rồi sự thay đổi cuối cũng cũng tới, nhưng nó lại xuất phát từ sự kiện cách đó hàng ngàn dặm. Từ Ai Cập, năm 1869 kênh đào Suez được khai thông và nó đã thay đổi cách hàng hóa được lưu chuyển trên thế giới. Trước đó, hàng hóa từ Châu Âu phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng để tới phía Đông. Giờ nó có thể được vận chuyển thông qua kên Suez, băng qua Ấn Độ Dương rồi đi xuống biểm Malacca và đi qua Singapore. Kênh Suez rút ngắn hành trình 5000 dặm và giúp mậu dịch tăng 50% ngay trong 5 năm đầu tiên. Khi kênh Suez được sử dụng như con đường hàng hải chính đi tới Châu Á. Singapore có một khởi đầu mới. Nó được nhìn nhận không chỉ là đường trung chuyển đến Trung Quốc nữa mà là một hải cảng cho tất cả mọi người muốn buôn bán với cả khu vực. Vai trò của Singapore được nâng cao.
Vai trò của kênh đào Suez đối với Singapore
Trong nền kinh tế hiện đại, Singapore trở thành trung tâm của Đông Nam Á. Đó là hải cảng đầu tiên mà tàu của phương tây muốn tới khu vực. Các con tàu đến từ London phân phối nhiều loại hàng hóa. Sẽ rất có lợi nếu bạn vận chuyển hàng đến một trung tâm, rồi từ điểm trung tâm ấy chia hàng hóa thành những gói nhỏ hơn rồi phân phối tới các vùng khác của Đông Nam Á, nó chính là khái niệm về điểm trung tâm. Khi khu vực này càng giàu có hơn, Singapore giao thương với nhiều quốc gia hơn và cho đến ngày nay Singapore có mức thương mại đứng thứ 16 trên thế giới. Đứng thứ 16 không hề là tệ với một nước nhỏ như Singapore.
Sự may mắn của Singapore được gia tăng thêm từ một góc khác của thế giới. Vào năm 1877, sáu cây nhỏ được tuồn ra khỏi Brazil và được chuyển tới vườn bách thảo Singapore. Giám đốc vườn bách thảo là một nhà thực vật học người Scotland, Harry Bradley. Ông ta nhận ra chúng là cây cao su và rất thích hợp với khí hậu để trồng ở Đông Nam Á. Bradley nói với tất cả mọi người làm nông trại là người địa phương và người Anh hãy trồng cây cao su. Có câu chuyện là bất kỳ khi nào ông ấy tới một nông trại, ông ấy đều mang theo vài cây cao su và bỏ vào túi người ấy. Sau này người ta đồn rằng ông ấy là một con chim lớn chứ không phải là người. Nhưng tôi nghĩ lịch sử đã chứng minh ông ấy đúng đắn. Nhưng sau khi trồng cây rồi thì làm sao lấy mủ cao su được, vậy nên ông ấy thiết kế ra một quy trình cạo mủ. Bạn cần khải khía cây ra theo các hình chữ V. Mủ cao su sẽ tiết ra rồi chảy vào một cái ly hứng, rồi bạn có thể gom mủ từ cái ly đó. Vào thời ấy nó được gọi là vàng trắng. Vàng đen ngày nay là dầu mỏ. Nhưng khi ấy ở Đông Nam Á, mủ cao su là vàng, nó đem lại hàng núi tiền.
Cạo mủ cao su và Harry Bradley
Nhưng không có đủ đất ở Singapore để đáp ứng nhu cầu thế giới về mủ cao su. Vì thế một thập kỷ tiếp theo, các nhà kinh doanh Singapore mở rất nhiều đồn điền cao su lớn ở đất nước Malaysia và mỗi cây cao su đều được cạo mủ theo đúng phương pháp của Harry Bradley. Cùng lúc đó, ngành khai thác mỏ thiếc cũng bùng nổ ở Malaysia vì đồ hộp ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và cảng Singapore ở ngay phía dưới vùng Renang của Malaysia là vị trí lý tưởng để xuất khẩu thiếc và cao su tới các nhà máy đặt ở châu Âu và Mỹ. Khi mà ngành công nghiệp thiếc và cao su phát triển ở Malaysia, Singapore trở thành một hải cảng cực kỳ quan trọng, từ đó hai loại hàng hóa này được xuất đi nên nó được vận chuyến sang Singapore chế biến rồi được phân phối tới các phần còn lại của thế giới. Điều đó đã biến Malaysia, khu vực nằm ở phía bắc của Singapore trở thành một hậu phương về tài nguyên và kinh tế của Singapore. Cả hai trở thành các đơn vị kinh tế không thể tách rời nhau.
Điều ngày càng trở nên hiển nhiên với người Anh là Singapore đã trở thành mắt xích quá quan trọng nên không thể để nó dưới sự quản lý của công ty Đông Ấn. Hòn đảo này trở thành một thuộc địa nằm dưới sự bảo trợ của chính quyền Trung ương. Vậy là sau nhiều năm bị bỏ quên, địa vị của nó đã thay đổi trở thành một thuộc địa quan trọng. Các con đường mới được làm. Các công trình mới được dựng lên như sở cảnh sát, khu dân cư. Có lý do để đầu tư vào một chính quyền tốt để đóng thương hiệu Anh trong việc cung cấp một hệ thống pháp lý tốt và đó là cái sẽ hấp dẫn thêm các nhà buôn và nhiều người đầu tư vào đó, dùng nó làm cơ sở giao thương. Tôi cho rằng cái này dẫn tới cái kia. Nhưng việc tạo nên một chính quyền tốt giúp mọi người kiếm được nhiều tiền hơn. Singapore không còn chịu sự quản lý của nhân viên công ty Đông Ấn mà dưới sự quản lý của các công chức chuyên nghiệp. Họ có những phẩm chất đạo đức cao quý mà những người tiền nhiệm không hề có. Lần đầu tiên, các công chức Anh học cách đọc và viết chữ Trung Quốc. Sau nửa thế kỷ cai trị hòn đảo này, cuối cùng họ cũng giao tiếp được với những người họ cai quản. Những người cầm quyền mới không còn là những doanh nhân. Họ là những người được giao một sứ mệnh là đem những cái tốt nhất của nền văn minh của Anh Quốc đến những người còn nhiều thứ cần phải học hỏi. Từ cuối những năm 70 của thế kỷ 19, có nhiều nỗ lực đồng bộ nhằm gột bỏ bộ mặt xấu xí của một Sin Glore. Nha phiến chính thức không được khuyến khích. Mại dâm bị đưa vào quản lý. Các hội kín bị cấm hoạt động. Những doanh nhân gốc Hoa như Whampoa phải cắt đứt mối liên hệ với xã hội đen và tham gia vào chính quyền mới. Singapore đã không còn là một thành phố hoang dã như những năm đầu tiên và các thương nhân không còn có thể chi phối xã hội như trước kia. Ngày nay điểm thu hút du khách mới nhất ở Singapore là trò bật dây nằm ngay chính tại chỗ từng là nhà kho của Whampoa bên bến sông.
Năm 1887, để kỷ niệm 50 năm trị vì của Nữ Hoàng Victoria, một bức tượng đã được dựng lên để tôn vinh người sáng lập thành phố: bức tượng ngài Stamford Raffles. Cùng năm đó, khách sạn nổi tiếng thế giới đặt theo tên ông được khai trương. Nó là phiên bản tinh tế của kiến trúc thuộc địa ở Đông Phương. Đến lúc đó Raffles đã mất được 60 năm nhưng đứa con nhỏ của ông cuối cùng đã vươn dậy. Nếu ông ta ở đó để chứng kiến mọi thứ từ bức tượng của mình, tôi nhĩ ông ấy sẽ rất hài lòng với những cái nhìn thấy. Sự thịnh vượng có thể thấy ở mọi nơi. Quyền tự do nói chung cho mọi người sống theo cách họ thích cũng sẽ làm ông ấy vui lòng. Chúng ta hãy nhìn những cảnh từ một bộ phim cũ còn sót lại của Singapore ngày trước khi bước vào thế kỷ 20. Nó cho thấy một đô thị quốc tế đầy sức sống với các doanh nghiệp và con người hiện đại. Nó cũng là một đô thị có trật tự và hiệu quả như Raffles từng mong muốn. Nhưng còn bao nhiêu điều Raffles vạch ra hãy còn đến hôm nay. Thành phố Singapore hiện đại, một đại đo thị Châu Á thế kỷ 21, một thế giới hoàn toàn khác với cái bến cảng đầy thuyền nan. Nhưng Singapore ngày nay sẽ thế nào nếu nó vẫn còn là một thuộc địa? Singapore từ ngày của ngài Stamford Raffles.
Bức tượng Stamford Raffles màu đen được khánh thành trong lễ kỷ niệm 50 năm trị vì của nữ hoàng Victoria và phiên bản mới màu trắng để tôn vinh ông.
Nhưng xã hội hiện đại là một sản phẩm của một người khác, Lý Quang Diệu. Năm 1959, ông tiếp quản Singapore tách khỏi sự cai trị của Đế Quốc Anh, trở thành một quốc gia độc lập. Nhưng ông đã dẫn dắt Singapore thoát khỏi quá khứ thuộc địa như thế nào?
Một trong những quyết định đầu tiên của chính quyền mới là bức tượng của Raffles được dựng trong lễ kỷ niệm 50 năm trị vì của nữ hoàng Victoria vẫn được để nguyên ở trung tâm thành phố. Thành phố Singapore hiện đại cần được xây dựng trên nền tảng thành phố của Raffles.
- Di sản chúng tôi có là mối liên hệ với thế giới, nó chính là cái giúp Singapore cất cánh. Từ một hòn đảo hoang vắng, chẳng có ý nghĩa gì với thế giới, ông ấy đã biến nó thành một trung tâm quan trọng và chúng tôi phải gìn giữ điều này, bằng không chúng tôi sẽ lại trở lại một làng chài như xưa (Lý Quang Diệu).
Cái Raffles đã để lại là sự quan trọng của tự do mậu dịch. Nguyên tắc này phải được giữ vững bởi cả chính quyền thuộc Anh và chính quyền độc lập Singapore không bao giờ được phép đụng chạm tới. Raffles vẫn tiếp tục hiện diện ở Singapore hiện đại trên các đường phố như bức tượng đen thời Victoria đến phiên bản màu trắng mới đây. Có một sự đổi mới so với thời thuộc địa mà bạn có thể cmar nhận qua hai bức tượng. Bức tượng mới trông giống một đài vinh danh hơn. Người Singapore có xu hướng nghĩ là người sáng lập thành phố giống như Colombo. Nhưng có một điểm căn bản là Singapore hiện đại khác hẳn với Singapore của Raffles là lá cờ bay trên đầu mọi người không còn là cờ của Liên Hiệp Anh và người dân không còn là người thuộc địa. Raffles không thể hình dung là người Anh sẽ rút đi. Những người mà ông mang tới đây lại điều hành một đất nước, một quốc gia. Tôi không chắc rằng Raffles có bao giờ có ý tưởng đó. Ông ta chưa từng bao giờ lo tới những điều như là về việc tự quản lý.
- Với chính quyền Anh thì anh tới anh kiếm tiền, đi hay ở là tùy anh. Tôi phải làm cho nơi này hoạt động. Có đủ loại người Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia tới đây. Chúng tôi phải đưa tất cả họ vào một xã hội gắn kết để Singapore không biến thành một khách sạn. Đây trở thành một ngôi nhà của họ, và đó là điều khác biệt (Lý Quang Diệu).
Câu chuyện về hành trình của Singapore từ một hòn đảo thuộc địa trở thành một quốc gia vẫn còn đang được viết ra. Quốc gia này mới chỉ có 45 tuổi, nhưng ở mọi ngõ ngách của nó, người ta đều thấy dấu ấn của ngài Stamford Raffles. Ông là người đã tạo ra một thương cảng từ rừng rậm và khai sinh cho một thành phố hiện đại ngày nay.
Bản thiết kế thành phố cảng Singapore của Raffles 1822
Chương 2. Quốc gia ngẫu nhiên
Giữa trưa một ngày 8/9/1965, thủ tướng Singapore chuẩn bị đọc tuyên bố độc lập trực tiếp trên truyền hình. Thường đây là dịp cho một cuộc ăn mừng lớn. Nhưng không phải ở Singapore.
- “Đây là một thời khắc đau buồn cả đời tôi…” (Lý Quang Diệu).
Tại sao độc lập lại được xem là một thảm họa ở đây? Tại sao Singapore lại miễn cưỡng nhận địa vị một quốc gia như thế? Câu trả lời nằm ở lịch sử đặc biệt của hòn đảo này. Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, nó đã bị chấn động mạnh bởi thế chiến thứ II và hai làn sóng chính trị lớn là chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản. Người dân tới hòn đảo này để kiếm tiền lại bị cuốn vào cuộc đấu tranh cho tương lai của nó, nó đẩy Singapore vào hành trình đi tới nền độc lập mà chẳng ai mong muốn và rất ít người tin rằng nó sẽ sống sót.
Ý tưởng rằng Singapore có thể trở thành một quốc gia độc lập được coi là không thể tưởng tượng nổi từ cả trăm năm trước. Cho tới năm 1900, Singapore là một tiền đồn được Vương Quốc Anh coi trọng nhất. Chỉ trong 80 năm, nó đã chuyển mình từ một khu rừng rậm thành một thương cảng bận rộn thứ 7 trên thế giới. Người Anh đã tạo ra một thành phố bùng nổ và quyền cai trị của họ chưa bao giờ bị đặt dấu hỏi. Trên thực tế, rất nhiều doanh nhân địa phương và lãnh đạo cộng đồng trợ giúp người Anh trong việc quản lý công việc thường nhật ở thuộc địa này.
Vào tháng 7 năm 1901, một số họ được mời tới tòa thị chính Singapore dự một sự kiện xã hội trong năm. Những người tham dự đến từ các dòng họ Malaysia, Ấn Độ và Trung Quốc. Nhiều dòng họ đã làm việc với người Anh qua nhiều thế hệ. Họ rất vui lòng phụng sự nước Anh và không hề có ý định dành quyền lãnh đạo. Họ không theo chủ nghĩa dân tộc lúc ấy nên mối quan hệ rất dễ chịu khi ấy. Những người khá giả và có quan hệ tốt đã tụ hội với nhau ở đây để xem bộ phim đầu tiên được chiếu trên hòn đảo. Những hình ảnh về tang lễ của Nữ Hoàng Victoria, người Mẹ của Đế chế Anh. Mọi người đều cảm thấy mất mát khi Nữ hoàng Victoria không còn nữa. Nó cũng biểu trưng cho sự kết thúc của một quốc gia, đặc biệt trong khúc quanh của thế kỷ đang tới. Nó là cái chết của một người biểu chưng cho Đế Chế Anh, cho sự phát triển của thương mại, của Singapore. Nhưng trên các con đường của Singapore có hàng ngàn người mới nhập cư, họ chưa bao giờ nghe tới Nữ Hoàng Victoria. Họ bị thu hút bởi cơ hội làm giàu. Một số người đến từ Malaysia, một số khác đến từ Ấn Độ, Trung Đông, nhưng đa số đến từ Trung Quốc và đổ vào các khu phố người Hoa. Đây chính là nơi khởi điểm của hành trình đi đến nền độc lập không mong đợi của Singapore. Nhiều người tới đây để tránh khỏi nạn đói và cuộc nội chiến ở đại lục Trung Hoa. Họ làm công nhân, phụ bếp, phu phen. Trong số những người này, những đốm lửa đầu tiên của chủ nghĩa dân tộc bắt đầu lóe lên ở Singapore, nhưng rất ít người có ý định ở lại đây lâu dài khi đó. Các khu phố người Hoa vào đầu thế kỷ 20 chứa đầy Hoa kiều nhập cư, nhưng quê hương của họ không phải là Singapore. Singapore chỉ là nơi làm việc. Phải, quê hương họ là những làng quê của họ ở Trung Quốc. Mặc dù vậy, đến năm 1900 số lượng người Hoa đã lên tới con số như con số tới tận hôm nay. Về chủng tộc, Singapore hiện có gần 2/3 số dân là người gốc Hoa. Nhưng về địa lý, hòn đảo này là trung tâm của thế giới người Malaysia. Trong những thập kỷ biến động sắp tới, người dân sẽ phải buộc đặt dấu hỏi về lòng trung thành của họ. Nhà của họ ở đâu? Là Trung Quốc, là Malaysia hay là ở chính Singapore.
Tài sản của thành phố cảng Singapore luôn phụ thuộc vào việc cởi mở với hàng hóa và con người đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng có những hàng hóa đến đây trong những kiện hàng vô hình, đó là tư tưởng. Những tư tưởng chính trị nhập khẩu từ đâu đó có thể làm xáo trộn văn hóa cởi mở của thành phố cảng này. Vào đầu thế kỷ 20, một trong những tư tưởng đang định hình thế giới và ảnh hưởng đến Singapore là chủ nghĩa dân tộc, những hạt giống cho nền độc lập của Singapore. Bắt đầu từ những cuộc đấu tranh xảy ra ở xa tít tận phía bắc. Năm 1911, cách mạng dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đã chấm dứt chế độ vua chúa phong kiến. Trung Quốc trở thành nhà nước cộng hòa hiện đại dưới sự lãnh đạo của người dẫn đầu cuộc cách mạng, ông Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn). Tôn Dật Tiên là người đầu tiên gieo ý tưởng rằng Trung Quốc phải trở thành một cường quốc như Anh, Pháp, Mỹ hay Đức và cách thực hiện là thông qua chủ nghĩa dân tộc. Khi tin tức thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc tới Singapore, nó tác động đến rất nhiều người thuộc tầng lớp nghèo khổ. Tóc đuôi sam từng là biểu hiện của sự trung thành với Hoàng Đế Trung Quốc. Người ta đã quyết định cắt nó đi. Để tóc đuôi sam ở phố Tàu không còn an toàn. Say sưa với sự tự do mới này, những nhóm thanh niên tìm cách áp đặt cơn sốt dân tộc chủ nghĩa của mình lên những người khác. Họ rất hào hứng về tương lai chính trị của Trung Quốc. Họ bắt đầu lập các nhóm thuyết trình về chính trị và bắt đầu hình thành sự chính trị hóa cộng đồng người Hoa ở Singapore. Nhưng sự thay đổi nhận thức chính trị này vẫn chưa ảnh hưởng tới người Hoa bản địa ở Singapore, thường được gọi là người Hoa vùng eo biển (Straits Chinese). Họ đã sống ở khu vực này từ nhiều chế độ. Nhiều người nói tiếng Malaysia chứ không phải tiếng Trung Quốc và họ thường có mối liên hệ gần gũi với Vương Quốc Anh hơn là Trung Quốc lục địa. Họ Lý đến từ Kampong Java Road là trường hợp tiêu biểu. Họ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Tây phương và đặt tên con mình là Harry. Ông ta là người sau này sẽ dẫn dắt Singapore tới độc lập và thế giới biết ông với cái tên Lý Quang Diệu. Nhưng khi còn bé, ông trông rất giống một người Hoa Đông Nam Á.
Ông Lý Quang Diệu
- Tôi từng được đưa tới trường học người Hoa và phải chịu đựng vài tháng ở đấy. Tôi không hiểu thầy giáo và không cảm thấy thoải mái ở đấy. Rồi tôi thuyết phục mẹ tôi cho chuyển tới trường của Anh, học bằng tiếng Anh. Mẹ tôi đã làm thế. Tôi phải học lịch sử Vương Quốc Anh và học địa lý Đế Chế Anh. Đó là một hệ thống giáo dục rất tốt (Lý Quang Diệu).
Nhưng đến năm 1930, sức mạnh quân sự của Anh ở khu vực đã trở nên lạc hậu và gặp nguy hiểm ở khu vực eo biển Malacca. Nó không thể chống chọi được với các thế lực mới nổi lên. Đây là lễ khánh thành ụ tàu lớn nhất thế giới lấy tên King George, một món quà cho hải quân Anh. Căn cứ hải quân này rất ấn tượng. Vấn đề là các con tàu đậu ở đó và những người lính đồn trú ở đó sắp gặp phải nguy hiểm. Những người Anh ở Singapore không biết rằng thời gian của họ trên hòn đảo này sắp hết.
Đến tận năm 1937, khi Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc, nó cũng ít có ảnh hưởng gì tới các ông chủ thuộc địa. Nhưng khi tin tức về những mất mát lan tới Phố Hoa Kiều, nó đã nhóm lên tinh thần dân tộc. Chỉ những lúc này họ mới quan tâm tới kẻ thù mới nổi lên. Cộng đồng người Hoa ở Singapore đã phản ứng rất tức giận. Họ lập ra các tổ chức quyên góp ủng hộ kháng chiến chống Nhật. Hát các bài hát yêu nước, nhưng quan trọng nhất là họ tìm cách chống phá Nhật bằng cách tẩy chay hàng hóa rẻ tiền của Nhật tới Singapore vào thời đó. Những người liên quan tới các hoạt động chống Nhật cảm thấy mình được bảo vệ an toàn sau phòng tuyến của người Anh. Họ tin tưởng rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ dám tấn công lại. Nhưng vào tháng 2 năm 1944, Nhật bản tấn công Chân Trâu Cảng, chỉ vài giờ sau, Singapore là mục tiêu tấn công tiếp theo của họ.
- Tôi đang ở trong ký túc xá khoảng 4 hay 5 giờ sáng, khi bom bắt đầu dội xuống và thế là bắt đầu chiến tranh. Còi báo động hú lên, tôi không thấy sợ khi máy bay bay tới.Vì đấy là lần oanh kích đầu tiên, tôi nghe thấy tiếng máy bay, rồi khi còi báo động ngừng kêu, tôi thấy những căn nhà tan nát vì bom. Rất nhiều người nằm trên đường phố, những nạn nhân của trận bom và những nhân viên y tế cố đưa họ ra khỏi đống đổ nát để tới bệnh viện. Đó là một cảnh tượng khủng khiếp. Người ta khóc than, sợ hãi và người ta chạy tứ tung. Họ không biết làm gì, họ quá hoảng sợ (Lý Quang Diệu).
Cũng buổi sáng hôm ấy, cách đó 500 dặm về phía Bắc. Quân Nhật đã đổ bộ xuống Malaysia. Trên đường quân Nhật đánh xuống Pensinusia, lần lượt từng tuyến phòng thủ của quân Đồng minh bị bẻ gãy. Khi quân Nhật tiến tới gần Singapore, chính quyền trên đảo đưa ra một quyết định có tính biểu tượng cao. Vũ khí được phát cho cộng đồng người Malaysia, người Hoa và người Ấn Độ, những người vài tuần trước kia chỉ là thợ thuyền, phu phen, giờ được đứng ngang hàng với người Anh. Họ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hòn đảo của mình mà trước đó ít người nghĩ đó là quê hương của họ. Singapore đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Nhật. Vào tháng 2 năm 1942, quân Nhật băng qua một eo biển nhỏ từ Malaysia đổ bộ xuống Singapore. Cuộc phòng thủ của hòn đảo trước một quân đội mạnh và tinh nhuệ đã thất bại. Hơn một thế kỷ sau khi Raffles kéo lá cờ của Liên Hiệp Anh lên đây, người Anh đã đầu hàng vô diều kiện.
Singapore là một hải cảng có ý nghĩa rất lớn đối với người Anh. Với bất kỳ ai, việc mất nó là cái gì đó không thể hình dung được. Một cú sốc tinh thần rất lớn. Người Nhật nhanh chóng lấy đó là một ví dụ cho sự cáo chung của các ông chủ cũ. Từ Tòa Thị Chính, các tù nhân chiến tranh được giải đến nhà tù. Người Nhật nói chúng tôi ra đứng dọc hai bên đường để chế nhạo những người da trắng. Họ đã từng là các ông chủ lớn, những người quan trọng, giờ họ trở thành những người tầm thường. Người da trắng đã thất bại, còn người Nhật đã nắm quyền. Khi các ông chủ mới của hòn đảo đã tại vị, họ tuyên bố tình bằng hữu Á Châu. Họ muốn người Singapore, Malaysia và Ấn Độ trở thành các công dân trung thành với Nhật Hoàng. Nhưng với những ai dám chống đối việc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, họ nhìn nhận hoàn toàn khác. Người Hoa ở Singapore bị tách ra để chịu sự trừng phạt khắc nghiệt. Chính điều đó đã làm thay đổi lịch sử của hòn đảo này. Đàn ông Trung Quốc thuộc mọi lứa tuổi đều bị đưa đến các trại thanh lọc trên khắp đảo. Cuộc thanh lọc Sook Ching đang được tiến hành. Một trong những người bị bắt tới đây là chàng thanh niên 19 tuổi, Harry Lee.
- Họ cho chúng tôi vào theo từng hàng một. Ở đó có những kẻ chỉ điểm và một số người bị tách ra. Họ yêu cầu tôi để lại hành lý và đưa vào một nhóm những người trẻ tuổi. Tôi cảm thấy rất khó chịu. Họ đang chọn ra những ai đã đi lính mà tôi thì không phải. Nên tôi nói: Các ông có phiền nếu tôi lấy hành lý của mình. Họ nói: Được, lấy đi và tôi được trở về (Lý Quang Diệu).
Những ông chủ mới quyết tâm tìm cho ra những ai đã tham gia vào các hoạt động chống đối Nhật. Những người được chỉ điểm sẽ được tách ra và đưa đến trại tập trung quanh hòn đảo.
Cậu bé Mahammad khi đó sống ở một ngôi làng gần các trại này.
- Từ phía sau nhà tôi, tôi có thể nghe thấy tiếng ồn từ những chiếc xe tải, khiến tôi nghĩ là lại có chiến trận ở đó. Rồi sau những tiếng ì ầm của đoàn xe. Bỗng nhiên mọi thứ trở nên im lặng, rồi nhiều tiếng súng vang lên. Tôi nghe thấy những tiếng thét và tiếng người Nhật quát lên ra lệnh bắt đội hình nhanh tay hơn. Khi đó khu vực rất ồn ào. Rồi tất cả trở nên tĩnh lặng (Mahammad).
- Những cuộc khai quật sau này tìm thấy rất nhiều sọ người và xương. Khoảng từ 50 đến 100 ngàn người bị giết. Tất cả là người Hoa (Lý Quang Diệu).
Một vài người sống sót sau vụ thảm sát đã ra nhập vào những nhóm kháng Nhật ở trong rừng. Những người khác phải chịu đựng 3 năm rưỡi dưới ách chiếm đóng của Nhật ở Singapore.
- Ý nghĩ đầu tiên là làm sao chúng tôi có thể đánh đuổi được quân Nhật, những kẻ không thể chịu đựng được, dã man, tàn bạo. Nhưng chúng tôi nhận ra bài học Quyền lực có ý nghĩa gì với kinh tế của đất nước và cuộc sống của người dân. Nếu bạn kiểm soát được đất nước bằng bạo lực và mạng sống của người dân phụ thuộc vào bạn. Bạn có thể làm cho người dân tuân theo mình và thậm chí thay đổi thái độ của họ với mình và điều đó cũng làm họ tuân lệnh bạn (Lý Quang Diệu).
Việc ném bom nguyên tử xuống Hirosima tháng 8 năm 1945 đã bất ngờ kết thúc chiến tranh. Một tháng sau, người Anh trở lại Singapore. Tại tòa thị chính, họ tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật.
Vào trưa ngày 12 tháng 8 năm 1945, tôi đã ở đây cùng hàng trăm người khác. Khi nhìn thấy viên tướng Nhật, kẻ mà đã hành hạ, coi thường chúng tôi, họ hét lên “bakero, bakero”, nó có nghĩa là thằng khốn theo tiếng Nhật. Mọi người đều cảm thấy sung sướng, họ hét lên “bakero, bakero” rất nhiều lần, cho tới khi họ đi vào phòng. Nhưng tại tòa án tội ác chiến tranh, rất ít kẻ bị hành hình. Đa số chỉ bị trục xuất về nước. Điều này làm cộng đồng người Hoa nổi giận. Họ thấy người Nhật đã gây rất nhiều nợ máu với người Hoa ở Singapore. Điều này đã làm họ có một sự gắn kết tinh thần với hòn đảo mà trước chiến tranh không có. Nó gây ra một kết cục thảm họa cho thế giới.
- Nó làm thay đổi nhận thức, thế hệ chúng tôi quyết định là: Không, điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Chúng ta có thể điều hành hòn đảo này. Người Anh cũng chẳng có gì tốt hơn (Lý Quang Diệu).
Kiệt sức và kiệt lực vì chiến tranh. Nước Anh cũng không có gì thiết tha với Đế Chế của mình nữa. Phía sau bề ngoài trầm tĩnh của Văn phòng Thuộc địa, một kế hoạch cho sự thay đổi lớn của khu vực được vạch ra. Trong hơn một thế kỷ, nhà cầm quyền Anh ở Singapore luôn có mối quan hệ chặt chẽ với Malaysia, nhưng tương lai sẽ rẽ lối. Trong khi Quốc Hội quyết định sẽ trao trả độc lập cho Malaysia, Singapore sẽ vẫn tiếp tục là thuộc địa trong tương lai gần. Câu hỏi về mối quan hệ của hòn đảo này với Malaysia sẽ trở thành đề tài chính trong nhiều thập kỷ sau đó.
Trong thời gian đó, việc tranh cãi lại một lần nữa do các sự kiện xảy ra ở Trung Quốc. Năm 1949, Mao Trạch Đông đưa Trung Quốc đi theo chủ nghĩa cộng sản. Dưới sự chào mừng của những biển người. Thắng lợi của Mao gây chấn động toàn Châu Á.
Tới đầu những năm 50, chủ nghĩa cộng sản tiến thêm một bước tới gần Singapore. Ở những cánh rừng Malaysia, du kích Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Nhật, giờ có mục tiêu mới là người Anh. Một cuộc chiến tầm thấp tốn kém. Không lâu sau đó, chủ nghĩa cộng sản bắt rễ vào chính Singapore. Nhà máy cao su lớn nhất ở Singapore đã bị đốt cháy. Đây là hành động phá hoại mới nhất của cộng sản Malaysia. Sự va chạm tư tưởng giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản sẽ nhấn chìm Singapore trong cả thập kỷ tiếp theo.
Tại trường người Hoa ở Singapore ngày nay, học sinh đang biểu thị lòng ái quốc với quốc đảo này. Nhưng dưới sự đô hộ của người Anh vào những năm 1950, hệ thống giáo dục của người Hoa hoàn toàn tách biệt với hệ thống giáo dục thuộc địa. Từ những trường trung học người Hoa, những nhà tư tưởng trẻ tuổi xuất hiện, được trang bị lý luận cộng sản của Mao Trạch Đông. Có hai người nổi bật nhất.
- Trong lớp của tôi có một cậu tên là Lim Chin Siong. Tôi có ấn tượng rất tốt với cậu ấy khi gặp lần đầu vì cậu ấy rất đạo đức và trung thực. Những thành công của cách mạng Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn với chúng tôi. Cả hai chúng tôi đều phản đối mạnh mẽ chế độ thuộc địa.
Đến lúc này, người Anh cam kết sẽ đem tới nền dân chủ và nhà cầm quyền lên kế hoạch cho kỳ bầu cử rộng rãi đầu tiên ở Singapore. Điều này mở ra cơ hội cho những ai đang làm việc trong hệ thống của Anh như là Harry Lee.
So với những học sinh ở trường người Hoa, nền tảng giáo dục của anh ta khác rất xa. Anh ta đã có 4 năm học luật ở trái tim của Đế Chế Anh. Khi ở London, anh ta đã tranh cãi với bạn bè về tương lai của Singapore. Sau khi tốt nghiệp trường luật, anh ta trở về nhà và bắt đầu quan tâm tới chính trị.
- Khi trở về, tôi lập một nhóm nhỏ gồm những người đã ở London như chúng tôi. Tôi nói: Nào, chúng ta hãy lập một đảng. Làm sao chúng tôi xây dựng một đảng? và làm sao để có người theo? (Lý Quang Diệu).
Để thắng trong cuộc bầu cử ở Singapore phải có được sự ủng hộ của cộng đồng chiếm đại đa số ở trên đảo là người nói tiếng Trung Quốc và cách để thành công là đưa ra cách giải quyết các vấn đề chính như thu nhập, nhà ở và việc làm. Vào những năm 50, đa số không hướng tới các sinh viên từ các trường đại học Anh mà họ hướng tới các công đoàn đang tuyên truyền sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ.
Hai người đứng đầu công đoàn mạnh nhất là Lim Chin Siong và người bạn đồng môn là Foong swee suan.
- Chúng tôi rất có kỷ luật và luôn sẵn sàng hy sinh. Một trong những điều rút ra từ giáo dục Trung Hoa là sẵn sàng vì lý tưởng và quyết tâm đổi mới xã hội (Foong swee suan).
Với bất kỳ ai có tham vọng chính trị, sự ủng hộ của những người lãnh đạo công đoàn là rất quan trọng. Harry Lee có một hành động mang tính biểu tượng cao là công khai đổi tên mình thành tên Trung Quốc: Lý Quang Diệu. Anh đi gặp các lãnh đạo công đoàn như Fong, Lim và những người khác.
Trong ngôi nhà mà bộ phim về tang lễ Nữ Hoàng Victoria từng được chiếu, một đảng phái mới đã ra mắt vào tháng 11 năm 1954: Đảng Hành động Nhân dân (People’ Action Party – PAP). Tòa nhà tưởng niệm Nữ Hoàng Victoria là nơi mà đảng PAP ra đời. Khi đó nó là tập hợp của hai nhóm khác nhau. Nhóm ôn hòa gồm những người học ở Anh về và nhóm những người đấu tranh học ở trường Hoa ngữ. Cả hai nhóm đều có chung mục đích, cùng muốn đạt được cùng mục tiêu là có một chính quyền riêng và sau đó là nền độc lập cho Singapore. Đảng PAP đã tập hợp được cả những người Tây học và Hán học vì nó tạo thuận lợi cho họ. Nhưng trong cuộc bầu cử năm 1955, những rạn nứt trong quan hệ của họ đã bắt đầu xuất hiện. Lý Quang Diệu vẫn dẫn dắt các cuộc vận động của PAP, nhưng trong đảng đã có một ngôi sao trẻ mới nổi đe dọa sẽ che lấp ông, một người nói tiếng Trung Quốc Lim Chin Siong. Cậu ấy có vẻ khiêm tốn, trầm tĩnh và nhỏ nhẹ, nhưng khi vào cuộc vận động cậu ấy trở thành một diễn giả nói năng rất mạnh mẽ.
- Cậu ấy là người rất lôi cuốn (Lý Quang Diệu).
Lim Chin Siong chắc chắn là thần tượng của các bà, các cô. Tôi còn nhớ là nhiều cô còn muốn tìm ảnh của cậu ấy và giữ nó trong rương của mình.
- Điều dễ thấy là tôi không nổi bật trong số các bạn học trường Anh như cậu ấy (Lý Quang Diệu).
Mặc dù cả hai đều muốn thắng cử, nhưng thắng lợi cuối cùng lại thuộc về đảng Mặt Trận Lao Động (Labour Front) dẫn dắt bởi nhà chống chủ nghĩa thuộc địa nhiệt thành David Marshall. PAP trở thành đảng đối lập chính. Nhưng những thành phần cực đoan trong PAP cảm thấy tiến trình của Quốc Hội quá chậm và nặng nề, nên đã đưa ra một kế hoạch khác.
Fong Swee Suan là người lãnh đạo công đoàn công nhân xe Bus. Tháng 5 năm 1955, anh ta kêu gọi đình công và việc này gây chia rẽ đảng PAP. Vào khoảng 5 giờ 45 hôm ấy, công ty cho 3 hay 4 xe bus chạy. Những người đình công tiến tới chặn không cho những chiếc xe bus này chạy ra đường. Cảnh sát được điều tới dùng vòi rồng giải tán những người đình công. Bạn có thể hình dung một sự hỗn loạn với cả ngàn người. Cảnh sát cũng không duy trì được trật tự. Cuộc đình công dẫn tới những làn sóng bạo lực lớn hơn và làm mất sự ủng hộ của công chúng với cánh cực đoan trong PAP.
Lý Quang Diệu nhận thấy các hoạt động của cánh tả thân cộng trong đảng liên quan tới các công đoàn. Họ đang chuẩn bị có những hành động nhằm thay đổi hiện trạng. Nhưng ông cũng nhận thấy là không thể tách họ ra khỏi đảng vì họ có mối quan hệ trực tiếp với công chúng mà PAP đang cần.
- Tôi biết rõ mình đang đứng ở cánh nào. Câu hỏi là làm sao tôi có thể trung thành với niềm tin của mình mà không bị công chúng ủng hộ cho là tôi đang phản bội các bạn bè của mình trong đảng. Đấy là vấn đề của tôi (Lý Quang Diệu).
Những người ôn hòa vẫn hy vọng có thể hợp tác với người Anh hiện đang kiểm soát hoàn toàn an ninh tại Singapore bị đe dọa bởi những hành động cứng rắn của phe cực đoan. Nhà cầm quyền tuyên bố rằng chủ nghĩa cộng sản là bất hợp pháp. Một trong những phần tử bị nghi ngờ là phái cực đoan là Lim chin Siong. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi ở trụ sở công đoàn, ông đã bác bỏ với những lời buộc tội.
- Tôi chán phải trả lời những câu hỏi như thế này. Đây không phải là lần đầu tôi được hỏi những câu này và tôi cũng không dành phần đời còn lại để trả lời câu hỏi này nữa. Tôi nhắc lại chắc chắn rằng tôi không theo cộng sản (Lim Chin Siong).
Nhưng trong những đợt càn quét khắp hòn đảo, Lim, Fong và hơn 200 người cánh tả đã bị bắt giữ. Họ bị giam giữ trong suốt 3 năm. Không còn ai là đối thủ trong đảng, Lý Quang Diệu giờ đã có thể chuẩn bị cho những kỳ bầu cử tiếp. Vào tháng 6 năm 1959, PAP đã vượt vũ môn với sự ủng hộ của đa số công chúng. Trên thềm tòa thị chính, người Singapore đầu tiên nắm quyền kiểm soát hòn đảo. Nhưng ban đầu vị thủ tướng mới chỉ có quyền hành hạn chế.
- Không có niềm vui trong ngày thắng cử. Chúng tôi biết là chúng tôi thắng cử, nhưng có cái giá phải trả (Lý Quang Diệu).
Lý Quang Diệu đã tìm cách có được sự ủng hộ từ đa số, nhưng với một sự mặc cả trong chiến dịch tranh cử. Ông hứa với công chúng rằng nếu đắc cử thành thủ tướng, ông sẽ thả hết tù nhân cánh tả.
- Tôi phải làm thế nếu không công chúng sẽ cho tôi là người không giữ nguyên tắc. Người ta dùng người Anh để so sánh với chúng tôi, vì thế tôi phải thả họ mặc dù biết rằng họ sẽ chống lại chúng tôi. Nhưng cuộc đấu đó phải rất cởi mở (Lý Quang Diệu).
Chỉ ít giờ sau khi thắng cử, người dân đã tụ họp để đón Lim, Fong và 6 tù nhân khác ra khỏi nhà tù.
- Khi vừa bước ra, chúng tôi được mọi người nhiệt liệt chúc mừng, chúng tôi đi đến đâu cũng có pháo nổ chào mừng (Foong swee suan).
Lim Chin Siong và bạn bè đã quay lại với PAP, nhưng họ không ở đó được lâu. Đảng PAP sẽ lại nhanh chóng bị chia rẽ, nhưng lần này là không hàn gắn được vì vấn đề tương lai của Singapore.
Sau 170 năm dưới sự bảo hộ của người Anh, Malaysia đã sẵn sàng tự quản lý đất nước. Như đã hứa sau thế chiến, người Anh đã trao trả độc lập hoàn toàn cho Malaysia vào năm 1957, nhưng Singapore vẫn là thuộc địa. Vì thủ tướng mới của Singapore đã hứa sẽ chấm dứt với Vương Quốc Anh. Ông ta tin tưởng là họ chỉ có độc lập nếu liên minh chính trị với người hàng xóm khổng lồ phương bắc. Nhưng có một vấn đề, lãnh đạo Malaysia ông Tunku Abdul Rahman không muốn có sự xáo trộn trong hiện trạng đất nước. Malaysia đang có sự cân bằng rất tế nhị.
- Đất nước toàn người dân bản địa như chúng tôi. Đất nước chúng tôi gần như không có dân tộc thiểu số. Nếu chúng tôi có thêm 2 triệu người Hoa từ Singapore, sự cân bằng này sẽ bị phá vỡ (Tunku Abdul Rahman).
Tunku không hứng thú với một ý tưởng liên minh chính trị. Nhưng ở bên kia eo biển, Lý Quang Diệu vẫn tiếp tục với ý tưởng hợp nhất Singapore với Malaysia. Ông mê mải tìm cách để dành sự ủng hộ cho kế hoạch. Người dân sống ở các vùng nông thôn có cơ hội nói chuyện trực tiếp với thủ tướng. Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đi đến rất nhiều khu vực trên đảo để nói chuyện, hỏi han, lắng nghe ý kiến nhân dân.
- Sát nhập, ổn định an ninh và phát triển kinh tế. Nếu chúng ta có được điều đó thì chúng ta sẽ có thịnh vượng, giàu có (Lý Quang Diệu).
Với những người cực tả trong đảng, tất cả điều đó là quá đáng. Họ mơ ước biến Singapore thành một thành trì cộng sản và điều đó sẽ bị phá hủy nếu nó sát nhập với Malaysia. Họ bèn đưa ra một giải pháp quyết liệt.
Tháng 7 năm 1961, Lim Chin Siong dẫn đầu một cuộc ly khai lớn ra khỏi PAP để thành lập đảng Mặt trận Xã hội chủ nghĩa (Barisan Socialis – tiếng Malaysia). Ông quyết liệt vận động chống đối sát nhập. Do có rất nhiều người kéo sang đảng mới, PAP đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
- Chúng tôi khá tự tin, nếu có một cuộc bầu cử chúng tôi sẽ thắng chính phủ hiện tại. Tôi chắc chắn rằng chính phủ sẽ thất bại. Tôi tự tin và chúng ta sẽ chờ đợi điều đó (Lim Chin Siong).
Những người cực tả thực sự có cơ hội lớn để lật đổ quyền lực của Lý Quang Diệu trong cuộc bầu cử sắp đến, ba nhân vật không cùng hội cùng thuyền phải họp lại với nhau vì sợ rằng Singapore sẽ trở thành một tiền đồn thân cộng sản. Đó là nhà cầm quyền thuộc địa, thủ tướng chống chế độ thuộc địa gốc Hoa và lãnh đạo Malaysia đang nghi ngờ ý định của Trung Quốc. Tunku cuối cùng cũng miễn cưỡng chấp nhận ý tưởng sát nhập Singapore vào Malaysia, nhưng chỉ khi đảng cánh tả được giải quyết.
Vào tháng 1 năm 1963, Tunku đã quyết định rằng:
- Ông ấy muốn khóa bọn họ (cánh tả) trước khi sát nhập Singapore. Ông ấy muốn người Anh phải nhốt các con chim ấy. Tôi nói để việc đó lại sau khi sát nhập, nhưng Tunku nói: không được, hoặc các anh bắt giữ họ ngay hoặc không có việc sát nhập (Lý Quang Diệu).
Màn kết của những người thân cộng sản đang tới gần.
- Có một dự cảm là sớm hay muộn, tất cả chúng tôi sẽ bị cầm tù, họ đến vào lúc nửa đêm, lúc ấy tôi đang ở Singapore. Có tiếng gõ cửa dồn dập, khi mở cửa ra, đứng trước mặt tôi là ?? Anh ta tới để bắt tôi. Anh ta xin lỗi rối rít và tôi bảo không có gì, anh chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình thôi (Fon Swee Suan).
Hơn 100 nhân vật cánh tả đã bị bắt trong chiến dịch Coldstone và làm bùng phát các cuộc biểu tình phản đối. Nhưng Fon Swee Suan và Lim Chin Siong sẽ phải làm tù nhân chính trị cho đến hết thập kỷ 60. Sau khi tìm cách tự sát không thành, Lim bị đưa đi đày.
Lý Quang Diệu đã thực hiện được ước mơ tách Singapore ra khỏi nước Anh và sát nhập vào Malaysia. Tháng 9 năm 1963, một quốc gia mới ra đời, chữ SI từ chữ Singapore cho vào giữa chữ Malysia.
Từ người số 1 ở Singapore, bây giờ ông Lý Quang Diệu trở thành người thứ hai ở Malaysia. Thủ tướng Malaysia, Tunku Abdul Rahman tới để khánh thành nhà hữu nghị trị giá ¼ triệu đô la ở khu người Hoa, Singapore.
- Tunku có một cách thức rất đơn giản để nhắc nhở mọi người ai là chủ. Hình ảnh, các thủ tục, rất nhiều người Malysia vây quanh. Một ít người Hoa và người Ấn ở vòng ngoài. Sau đó ngài Tunku ký vào sổ khách với sự hỗ trợ của các diễn viên Malaysia xinh đẹp (Lý Quang Diệu).
Mọi việc rất tốt đẹp lúc đầu, nhưng tôi nghĩ rằng Lý Quang Diệu dần dần trở thành cái gai trong mắt Tunku. Ông ta liên tục hỏi về việc chia sẻ quyền lực và điều đó làm phật lòng các giới chức, nhất là Hoàng Gia Malaysia. Họ không thích những người suốt ngày làm phiền mình. Đằng sau sự va chạm cá nhân, có một sự khác biệt căn bản về chính trị mà sau đó dẫn tới bùng phát bạo lực chủng tộc trên các đường phố Singapore.
Với Tunku, việc sát nhập với Singapore tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Những nhà công nghiệp người Hoa ở Singapore tạo ra nhiều của cải cho đất nước, nhưng họ cũng đe dọa áp đảo về chính trị đối với Malaysia. Vì thế ông tìm cách bảo vệ quyền lợi của những đồng hương người Malaysia của mình trong hiến pháp Malaysia. Chúng tôi không đưa ra bất kỳ mệnh lệnh nào cho Singapore. Chúng tôi chỉ nói, các anh giờ là một phần của Malaysia, hãy cư sử như tất cả các bang khác. Singapore chỉ là 1 trong 14 bang của Malaysia, nhưng Singapore cư sử như thể là một quốc gia bên trong một quốc gia. Ban lãnh đạo ủng hộ đa sắc tộc trong PAP phản đối ý tưởng về đặc quyền cho người Malaysia. Họ yêu cầu tất cả người dân phải được đối xử bình đẳng dù thuộc sắc tộc nào.
Biểu tượng nổi bật nhất của đa sắc tộc trong PAP là Othman Wok. Ông là người Malaysia, từng học cùng Lý Quang Diệu và hiện là một bộ trưởng trong nội các của Lý Quang Diệu. Vào tháng 7 năm 1964, ông tham gia vào một buổi tấn phong tôn giáo.
- Khi ấy tôi đang dẫn dắt một buổi hội họp với các thành viên Hồi giáo của PAP, có khoảng 70 người. Tôi nhìn thấy máy bay của Malaysia tấn công những người đến xem, những người Hoa đứng hai bên đường. Rồi tôi thấy một ông già người Hoa nằm chết vắt qua cái xe đạp của ông ấy (Othman Wok).
Thay vì vun đắp cho sự đoàn kết, lãnh đạo liên bang đã làm bùng phát cuộc bạo loạn sắc tộc tồi tệ nhất trong lịch sử Singapore.
Tháng 8 năm 1965, Tunku cho rằng quan hệ giữa người Malaysia và người Hoa đã không thể hàn gắn được. Ông ta gửi một lá thư tới ban lãnh đạo PAP thông báo ý định của mình.
- Tôi và những người khác đều im lặng và khá nghiêm nghị. Tất cả chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn, rồi họ đưa ra một tờ giấy, đấy là thư tay của Tunku.
- Nó viết, hãy ra khỏi Malaysia, ra khỏi Malysia. Tôi hỏi, ông có nghiêm túc không. Ông ta trả lời: Phải, rất nghiêm túc. Nếu không điều này sẽ trở nên tồi tệ (Lý Quang Diệu).
Từ Kuala Lumpua phát đi một thông cáo tới nhân dân:
- Chúng ta buộc phải tách ra khỏi Singapore. Đây làm một trong những việc đau đớn nhất mà tôi phải làm kể từ khi trở thành thủ tướng trong 10 năm qua (Tunku).
Hành trình của Singapore kể từ đầu thế kỷ 20 rất trắc trở. Nhưng thời điểm đau đớn hơn tất cả đang tới rất nhanh với mọi người. Ông ta đã toàn tâm toàn ý để đưa Singapore sát nhập vào Malaysia và đã thất bại.
- Thời điểm này khi chúng ta ký vào thỏa thuận tách Singapore ra khỏi Malaysia. Đây là thời điểm rất đau buồn.
- Tôi có cảm giác tội lỗi khi đã lôi kéo biết bao nhiêu người vào vấn đề này. Tôi sẽ phải giáp mặt với mọi người.
- Tất cả cuộc đời tôi.
Cảm xúc trào ra. Đó là một cảm xúc rất khó khăn.
- Anh có phiền tạm dừng một lúc không.
Bị sốc vì sự sụp đổ của liên minh. Lý Quang Diệu trốn về vùng quê tránh xa quyền lực.
- Lý do là tôi thực sự muốn đi xa, tới một nơi khác nhìn ra biển. Tôi tự hỏi mình: làm gì bây giờ?
Hành trình đi tới nền độc lập của Singapore đã kết thúc. Nhưng nó sẽ tiếp tục thế nào trong thập kỷ sóng gió sắp tới?
Gia đình Lý Quang Diệu
Chương 3. Thành phố sư tử - con hổ châu Á
Người Singapore, các bạn đã sẵn sàng khởi nghiệp chưa?
Ngày 9 tháng 8 năm 2005, ngày sinh nhật lần thứ 40 của Singapore. Người đã chèo lái đất nước trong những ngày chập chững cho đến “tuổi trung niên” như hôm nay là khách danh dự trong ngày tuần hành quốc khánh. Vậy ông ấy đã tạo ra một kiểu quốc gia như thế nào? Một hòn đảo bé nhỏ, không có tài nguyên thiên nhiên, giờ đã trở thành một trong những đất nước giàu có nhất Châu Á. Bí mật của sự thành công này là gì? Làm sao một vùng trũng bất ổn thuộc thế giới thứ ba, có thể trở thành một cường quốc vững vàng thuộc thế giới thứ nhất? Nhiều quốc gia cũng hành trình như vậy, nhưng đã thất bại. Điều gì đặc biệt ở Singapore, một quốc gia có tham vọng về kinh tế và sự kiểm soát chính trị chặt chẽ đã liên tục đi lên thịnh vượng trong suốt 40 năm qua. Liệu cùng một công thức đó, có thể tiếp tục cho kết quả tốt? Liệu Singapore đã sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi của thế kỷ 21 chưa?
Kỷ niệm quốc khánh lần thứ 40 của Singapore (9/8/2005)
Ngày nay, đường chân trời của Singapore cho thấy rõ một đất nước thịnh vượng và ổn định. 40 năm trước, nó trông chẳng giống gì là một quốc gia cả. Singapore đã tách khỏi Liên Bang Malaysia và trở thành một quốc gia độc lập. Ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore muốn thông báo về việc chia tách này.
- Với tôi, đây là thời khắc đau buồn, vì cả đời tôi… (Lý Quang Diệu).
Với Lý Quang Diệu, nền độc lập là một cú sốc. Chỉ 2 năm trước ông đã đưa Singapore tách ra khỏi Vương Quốc Anh và gia nhập vào Liên Bang Malaysia, nhưng hy vọng về một tương lai tươi sáng sụp đổ. Người Malysia và người Hoa đã quay lưng lại với nhau. Lãnh đạo Malaysia, ông Tunku Abdul Rahman đã đẩy Singapore ra khỏi Liên Bang.
- Vì thế chúng tôi quyết định hai bên buộc phải ly khai (Tunku Abdul Rahman).
Người Singapore nghĩ rằng thành phố của họ quá nhỏ và quá yếu để có thể độc lập hoàn toàn. Việc thành lập nghị viện đầu tiên vào tháng 12/1965 không có mấy tác dụng làm giảm nỗi lo sợ đó. Hôm ấy có một hạ sĩ quan Malaysia phụ trách việc nghi lễ.
- Anh ấy nói “Thưa Ngài, tôi có lệnh hộ tống ngài từ văn phòng tới nghị viện”. Tôi nghĩ rất nhanh: Oh, chắc là ý của ngài Tunku đây. Ông ấy muốn thể hiện với thế giới rằng nền độc lập của chúng tôi là do ngài ấy ban cho, nên tôi nói “Vâng, rất cảm ơn anh”. Tôi chợt nghĩ: Oh, mình chẳng có lấy một người lính nào để mà ra lệnh. Tất cả lính của tôi đều do ngài ấy chỉ huy. Điều đó xảy ra hết lần này tới lần khác cho đến khi tôi có thể nói: “Không, tôi không cần anh hộ tống nữa, cảm ơn nhiều” (Lý Quang Diệu).
Quốc phòng trở thành ưu tiên số 1 của quốc gia Singapore non trẻ. Nhưng ai có thể sẵn lòng giúp đỡ về quân sự cho họ? Israen giống như Singapore, là một quốc gia nhỏ, bao quanh là các hàng xóm Hồi giáo lớn hơn nhiều, nhưng quân đội của họ có tiếng là rất thiện chiến. Lúc ấy, Israen có rất ít đồng minh trong các nước đang phát triển vì thế họ rất sốt sắng chìa bàn tay bè bạn ra cho Singapore.
Năm 1966, Singapore thành lập Quân Đội Công Dân dựa trên mô hình của quân đội Israen. Tất cả nam công dân đều phải làm nghĩa vụ và phải tham gia huấn luyện quân sự để có thể huy động khi đất nước gặp khủng hoảng. Đây là hành động đầu tiên của một nước độc lập. Việc đầu tiên bạn phải làm là cầm lấy súng để có thể làm chủ lãnh thổ của mình. Luôn luôn có cách nhìn là: Nếu chúng tôi không đủ mạnh, nếu chúng tôi không tự cường được thì tồn tại của chúng tôi chỉ là tạm thời. Ngày nay, các mối đe dọa quân sự đã giảm bớt rất nhiều, nhưng nghĩa vụ quân sự vẫn là bắt buộc. Huấn luyện quân sự đóng vai trò có tính biểu tượng mạnh mẽ nhằm củng cố lòng yêu nước. Đi nghĩa vụ quân sự là một việc rất bình đẳng. Bạn đưa mọi người ở mọi thành phần xã hội tới rồi huấn luyện họ cùng nhau. Họ buộc phải sống ở đó với nhau và họ có cơ hội học cách sống chung với nhau, họ sẽ hiểu ra những người ở Singapore có bề ngoài khác nhau, theo các tôn giáo khác nhau và nói các ngôn ngữ khác nhau. Singapore là quê hương của chúng tôi, nó không phải là một cái gì hư cấu mà là một điều có thật. Nó là một mảnh đất rộng 660km2 mà tất cả chúng ta sống ở đó. Chẳng có nơi nào khác để đi, đây chính là quê hương của chúng tôi. Hàng năm, vào lễ diễu binh kỷ niệm Quốc Khánh, mối liên hệ giữa quân đội và thể diện quốc gia vẫn hiện diện ở đây. Nhưng một quốc gia có quân sự mạnh chẳng có ý nghĩa gì nếu không xây dựng trên một nền kinh tế mạnh. Vậy Singapore đã làm thể nào để trở thành “con hổ” Á Châu.
Độc lập là một thảm họa kinh tế đối với Singapore. Từ 200 năm nay, nền kinh tế của Singapore đã gắn bện với Malaysia. Những nguyên liệu công nghiệp như cao su, thiếc đã được sản xuất ở Malaysia, sau đó được vận chuyển tới Singapore để bán đi khắp thế giới. Nhưng tới năm1965, quan hệ với Malaysia bị cắt đứt và Singapore chỉ còn lại một mình. Singapore không có nền công nghiệp nào và rất ít nhà máy và tỉ lệ thất nghiệp trở nên ngày càng cao. Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi người Anh cho rút toàn bộ quân đồn trú trên đảo về và đóng cửa căn cứ quân sự ở đây. Họ từng là nơi thuê mướn nhiều nhân công nhất ở Singapore và tạo ra 1/6 thu nhập cho đảo quốc này.
- Khoảng 50 ngàn người lao động trực tiếp bị thất nghiệp và nếu nhân lên anh biết đấy, lính Anh ở đây mua bán hàng hóa địa phương, giặt đồ, vào các quán bar. Cả một hệ thống phục vụ xung quanh họ. Chúng tôi đã ở trong một sự đảo lộn về kinh tế. Thật lạ là chúng tôi lại được trợ giúp bởi cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc (Lý Quang Diệu).
Rất nhiều lần trong lịch sử Singapore, các biến cố mà nó không hề can dự lại có vai trò quyết định với Đảo Quốc này. Cơn sốt cách mạng sôi sục ở Trung Quốc làm các công ty phương Tây lo ngại khi đầu tư vào Hồng Kông và Đài Loan vì thế họ chuyển hướng đầu tư sang Singapore. Vào cuối những năm 60, công ty điện tử phương Tây đầu tiên đã đặt dây chuyền đóng gói ở Singapore. Những năm 70, các nhà máy này sản xuất các bản vi mạch và các con chíp bán dẫn. Đến thập kỷ 80, Singapore là một trong những trung tâm hàng đầu ở Châu Á về sản xuất hàng điện tử tiêu dùng.
Mọi người đều đối xử với các tập đoàn đa quốc gia như những con quái vật. Chúng tôi đơn giản là nói rằng chúng tôi chào đón họ. Họ tới đây để xây dựng các nhà máy vận hành tự do, không bị cản trở, 100% tùy ý. Nên tôi nói với các đồng nghiệp là chúng ta phải như đang ở ngành phục vụ khách hàng. Các công ty nước ngoài bị hấp dẫn vì thuế má thấp và công nhân lành nghề giá rẻ, làm chủ chức năng, trách nhiệm, sản xuất ra sản phẩm chất lượng.
Một hệ thống giá trị được dạy cho các thanh niên. Chúng tôi không dạy mọi người để trở thành ông này, bà nọ. Mọi thứ như khoa học, kỹ thuật đều thực tế. Chúng tôi trang bị các kỹ năng giúp mọi người kiếm sống.
Các công ty nước ngoài còn bị Singapore hấp dẫn vì cách tiếp cận về quan hệ chủ thợ. Năm 1968, luật lao động mới ra hạn chế rất nhiều quyền đình công.
- Để hạn chế đình công lan rộng, chúng tôi khuyến khích các ông chủ sa thải toàn bộ sau 3 đến 6 tháng, chúng ta sẽ tái khởi động với nhân công mới. Cẩn thận thanh lọc tất cả các thành phần gây rối ra khỏi đó. Rốt cuộc, chúng tôi có rất nhiều số liệu tốt lưu trong máy. Điểm quan trọng là liệu số liệu của chúng tôi có mạnh hơn số liệu của đối thủ? (Lý Quang Diệu).
Khả năng thu hút mạnh đầu tư nước ngoài của Singapore vẫn còn cho đến ngày hôm nay. Nó vẫn là nơi đặt trụ sở chính ở Châu Á của nhiều công ty đa quốc gia. Nhưng Lý Quang Diệu luôn mong muốn Singapore trở thành cái gì lớn hơn là một thiên đường đầu tư cho nước ngoài. Ông muốn người dân học hỏi các công ty đa quốc gia để lập nên các công ty của Singapore có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhưng ai sẽ là người lập nên các công ty ấy. Ông Lý tin rằng ở một hòn đảo nhỏ như Singapore, không có những người có đủ tiền và tầm nhìn để vận hành các tập đoàn lớn, vậy nên ông tự tạo ra chúng. Một nhóm những viên chức có tài năng được cho đi đào tạo cơ bản về kỹ năng quản trị, rồi được đưa vào quản trị các công ty mới do chính phủ thành lập. Một trong những công ty lớn đáng chú ý đầu tiên là Singapore Airlines. Vào năm 1972 nó có vẻ là một điều không tưởng, khi mà một hòn đảo không có đường bay nội địa lại thành lập một hãng hàng không quốc tế để chính phủ sẵn lòng đầu tư vào dự án này. Điều rõ ràng ngay từ đầu đặt ra là hãng chỉ hoạt động trên các tuyến bay thương mại. Trong một bữa ăn tối với cả nhóm quản lý:
- Khi ấy tôi đặt ra những điều khoản mà Singapore phải tuân thủ khi vận hành. (Lý Quang Diệu).
Ông ấy nói: Chúng ta không vận hành Singapore Airlines như một tổ chức công ích phục vụ chính phủ, vậy nếu các anh không làm ra tiền, tôi sẽ cho đóng cửa ngay không do dự.
- Đây không phải dạng chính phủ sẵn sàng hay có thể hỗ trợ một hãng hàng không quốc gia chỉ để có một hãng hàng không quốc gia (Lý Quang Diệu).
Chúng tôi biết rõ ông ấy sẽ làm điều ông ấy nói. Vậy nên rõ ràng điều chúng tôi phải làm là phải tìm cách để Singapore Airlines có lợi nhuận ngay từ đầu.
- Vào thời gian đó, công nghiệp hàng không chịu rất nhiều điều khoản ràng buộc. Nhưng Singapore Airlines từ chối chơi theo các luật lệ của IAT (International Airport Trasnport Association) đặt ra. Họ kiểm soát đồ ăn, thức uống, tai nghe. Họ thậm chí qui định cả độ dày của miếng sandwich mà hãng hàng không có thể phục vụ khách. Họ qui định chi tiết đến mức lố bịch. Chúng tôi không giống các hãng khác. Chúng tôi phục vụ nước miễn phí. Chúng tôi không tính tiền tai nghe nhạc và điều đó làm khách hàng rất thích thú (Goh Chok Tong).
Việc phục vụ trên máy bay là một trận chiến giữa Singapore Airlines và các hãng khác. Cho đến tận ngày nay, nó vẫn là một hoạt động phục vụ hậu cần khổng lồ. Hãng làm ra 6,5 triệu bữa ăn mỗi ngày cho chính mình và cho nhiều hãng hàng không khác. Khi phục vụ khách hàng, việc đầu tiên bạn cần làm là: chào hỏi họ, chào hỏi họ. Tất cả một lúc sẽ tốt hơn phải không? Dạ.
Nhưng tài sản đáng tự hào nhất của hãng luôn luôn là tiếp viên đoàn. Họ có thời gian đào tạo dài hơn bất kỳ hãng hàng không nào khác.
- Hỏi chuyện khách hàng, nếu thấy thích hợp.
- Ok, bắt đầu nào.
- Xin chào bà, tôi có thể phục vụ bà nước uống không?
- Bà muốn dùng loại nào? Nước cam, rượu vang hay bia?
- Xin cho nước cam.
- Đây, thưa bà.
Để những tiếp viên phục vụ tốt. Họ có vẻ làm điều đó rất tự nhiên, nhưng thực ra họ đang làm việc trên theo một qui trình rất nghiêm ngặt.
- Đây là bốn loại cô có thể mời khách.
- Ok.
- Nào xem thế nào nhé, hãy thử đi.
Họ có nền tảng Á Châu, nên họ sẽ phục vụ theo phong cách Á Đông. Nhưng đồng thời họ được dạy bằng tiếng Anh để họ có thể giao tiếp, có thể giải quyết các vấn đề.
- Có lẽ bà sẽ muốn thử một ly cam tươi chứ?
Có một sự kết hợp giữa phương Đông và phương Tây trong văn hóa đại chúng Singapore và điều này rất quan trọng. Trong thập kỷ 70, các tiếp viên trở thành ngôi sao trong các chiến dịch tiếp thị toàn cầu. Hình ảnh của Singapore Airlines được gắn với những cô gái xinh xắn đang tung tăng vui vẻ ở nhiều nơi. Có một huyền thoại được xây dựng quanh các cô gái Singapore và sự lãng mạn khi đi du lịch và nó mang tới thành công ngay lập tức. Vì nó rất khác biệt khiến người ta bị thu hút vào màn hình TV. Các cô gái Singapore trở thành thương hiệu được nhận biết nhiều nhất ở Châu Á và với nhiều người, đó chính là biểu tượng của Singapore. Đó là sự kết hợp của tính hiệu quả của phương Tây và sự hứa hẹn của phương Đông.
Các cô gái Singapore
- Các cô gái Singapore là ý tưởng của một nhà quảng cáo nào đó. Tôi không tham gia gì vào đó cả. Nó đã rất thành công. Và tôi phải chúc mừng ban quản trị hãng vì có được nhà quảng cáo đó. Nhưng đồng thời nó cũng làm nảy sinh ra vấn đề vì để các cô gái Singapore luôn trông hấp dẫn, các cô gái đó phải luôn dưới 30 tuổi và nếu bạn cho phép luật lệ của một công đoàn nào đó buộc phải gữ các tiếp viên cho đến tuổi 40 và dần dần bạn sẽ làm mất đi sự tươi trẻ, nhiệt tình. Đó là vấn đề khó mà ngay từ ban đầu tôi đã phải đảm bảo để mọi người cần phải hiểu rằng chúng ta chơi theo luật riêng (Lý Quang Diệu).
Thành công của hãng trong việc phục vụ trên các chuyến bay được mở rộng cho nhiều thứ miễn phí trên máy bay. Máy bay của hãng mới hơn và được thay thế nhanh hơn bất kỳ hãng hàng không lớn nào khác. Chúng tôi thay mới 10 chiếc 747 mỗi lần. Chúng tôi thường mua 10 máy bay cộng với 10 lựa chọn. Để có thể thay mới 10 máy bay 747 một lúc, chưa ai từng nghe thấy việc này bao giờ. Mọi người nghĩ, chúng tôi bị điên.
Ngày nay, Singapore Airlines là một trong những hãng hàng không thành công nhất trên thế giới. Với một hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước và sân bay Changi cũng thế, hiệu quả và lợi nhuận là lời khen tặng cho họ.
Cảng contener khổng lồ của Singapore, một trong những cảng hiện đại nhất thế giới cũng được quản lý bởi một cơ quan thuộc chính phủ PSA.
Cảng contener của Singapore
Trong hầu hết các lĩnh vực như viễn thông, chế tạo, công nghiệp nặng, các doanh nghiệp nhà nước đều thống trị. Có một số mảng đã được tư nhân hóa trong những năm gần đây, nhưng phần lớn nền kinh tế nội địa đều do nhà nước kiểm soát ít nhất là một phần.
Đến nay, nhiều người cho rằng mô hình kinh tế của Singapore là hình mẫu thành công của chủ nghĩa xã hội. Nhưng chủ nghĩa xã hội Singapore được tạo nên từ sự không khoan nhượng về kinh tế. Ở tầng cuối cũng luôn là sở hữu cá nhân. Để có CNXH bạn phải làm ra tiền đã. Không thể có kiểu cướp của mọi người rồi tiến lên XHCN như ở nhiều nước khác, cướp của người giàu chia cho người nghèo. Trước hết bạn phải cho mọi người lý do để phân phối của cải thật tốt. Chúng tôi không muốn một xã hội mà mọi người??? Đây là CNXH nhưng theo hình thức khác.
Hình thức của CNXH ở Singapore có thể thấy rõ ở cách tiếp cận của đất nước với vấn đề nhà ở. Các lãnh đạo của đất nước bị ảnh hưởng lớn từ mô hình nhà nước công ích kiểu Anh có khả năng xóa bỏ các khu ổ chuột và cho mọi người mua được nhà ở hiện đại với giá phải chăng. Người Anh cũng muốn áp dụng mô hình này của Singapore. Những gia đình từng sống ở các khu ổ chuột, giờ đã có nhà riêng, có cửa kính, nước, gas, điện cấp tận nơi. Chính phủ thông qua một chương trình xây dựng nhà ở khổng lồ cho người dân, tạo ra các khu dân cư lớn trên khắp hòn đảo và tái định cư cho đại đa số người dân. Nhưng có một điểm khác biệt căn bản giữa cách tiếp cận của Singapore và của nước Anh. Mọi người ở đây được khuyến khích mua căn hộ thay vì đi thuê. Lý Quang Diệu muốn tránh văn hóa phụ thuộc mà ông thấy đang hình thành ở Anh.
- Chúng tôi bắt đầu bán một số khu nhà. Chúng tôi nói: đây là nhà của bạn, bạn sẽ trả góp trong 20 năm. Và chúng tôi thấy sự khác biệt lớn giữa một cao ốc được người dân mua và một cao ốc cho thuê. Một bên thì người dân quan tâm, chăm sóc khu nhà vì đó là của họ, bên kia thì xuống cấp rất nhanh. Vì thế chúng tôi quyết định là sẽ cho mọi người cơ hội sở hữu căn nhà của mình (Lý Quang Diệu).
Thật trớ trêu là cách tiếp cận về nhà ở đó rốt cuộc lại được chính người Anh học tập. Khi bà Magaret Thatcher lên nắm quền, bà đã ngưỡng mộ Lý Quang Diệu từ lâu. Lấy cảm hứng từ mô hình nhà ở của Singapore, khuyến khích người dân mua nhà. Rất ít người Anh nhận ra rằng chính sách nhà ở của nước mình là sao chép từ Singapore.
Ngày nay, 80% người dân Singapore sống trong các căn hộ nhà nước xây, nhưng thuộc sở hữu tư nhân. Những thành phố vệ tinh này đã được tạo ra. Tổng thể thành phố đã biến đổi nhiều.
Jones George là một nhà văn. Ông đã ghi lại những sự thay đổi của Singapore. Con đường mà ông từng sống không còn nữa. Nó đã bị ủi đi để làm một con đường mới trên cao.
- Tôi đoán là cửa nhà cũ của tôi từng ở quanh đây. Đây là phòng khách. Nào, mời vào. Đây là lần đầu tiên tôi quay lại sau 20 năm. Tôi không thể nào chỉ ra và nói: Đây là nơi tôi đã từng lớn lên vì nó biến mất rồi. Nhưng điều này cũng là cái mà đa số người Singapore từng trải qua. Trí nhớ của người Singapore có xu hướng hy sinh cho sự phát triển xung quanh. Khó có thể có cảm giác tự tại vì mọi thứ chuyển động rất nhanh (Jones George).
Trong nhiều thập kỷ, Singapore có được sự thành công kinh tế gần như không gián đoạn. Nhưng giá của sự thành công này là sự phục tùng. Nó phải chấp nhận rằng mọi sự thay đổi do chính phủ đưa ra đều là cần thiết. Nhưng cũng có những lúc không hoàn toàn như vậy.
Ngày 31 tháng 10 năm 1981, có một điều khác thường xảy ra tại quân Anson của Singapore. Đảng hành động nhân dân (PAP) đã nắm quyền ở Singapore từ ngày độc lập tới giờ đã thua ở cuộc bầu cử bổ xung. Lúc ấy tôi là thư ký và báo cáo cho ngài Lý Quang Diệu là chúng tôi đã mất nhiều phiếu. Ông ấy hỏi lại: họ mất phiếu à? Tôi bảo: Không, là đảng mình mất. Người thắng cử là ông J.B. Jeyaretnam, một luật sư làm chính trị và là lãnh đạo đảng Công Nhân (Worker’ Party).
J.B. Jeyaretnam
- Đó là một đêm rất đáng để sống mãi với nó. Tôi vẫn nhớ là mình đã sống trong đêm đó. Thật là tuyệt vời. Tiếng còi xe rú khắp nơi. Có một cảm giác to lớn là có lẽ mọi thứ sẽ thay đổi (Jeyaretnam).
Jeyaretnam được coi là ngôi sao với những người nghèo ở Singapore, những người được hưởng rất ít về thành công được coi là thần kỳ về kinh tế. Giờ ông ấy là dân biểu đối lập đầu tiên trong nghị viện. Trong suốt 16 năm, tất cả ghế ở đây đều do PAP nắm giữ.
- Lúc đầu, tôi hơi cảm thấy e ngại, nhưng rồi bạn sẽ làm quen dần với nó như quen với chiến trận thôi. Khi lựa chọn là mình sẽ đấu tranh, bạn sẽ trở nên dũng cảm thôi. Tôi đã bị nhắc nhở không ít hơn 6 lần vì bị cho là sử sự thiếu chuyên nghiệp và đấy là một kỷ lục (Jeyaretnam).
Chúng tôi đánh giá ông ấy khá là thiếu tính xây dựng. Đó là do cách nhìn nhận của ông ấy hoặc là có tất cả hoặc là phá hủy Singapore. Ông ấy đòi có nhiều phúc lợi xã hội hơn mà chúng tôi phản đối. Nếu bạn cấp phúc lợi để người ta đi bầu 2 lần, cảnh sát sẽ bắt bạn. Trong cuộc bầu cử lớn năm 1984 ở Singapore, Jeyaretnam lại ra tranh cử ở quận Anson và ông đã thắng cử vang dội lần nữa. PAP tỏ ra rất tự tin là họ sẽ lấy lại được quận Anson.
- Và tôi đã trở lại khu vực bầu cử đó với đa số áp đảo hơn. Tôi muốn nói với cử tri quận Anson rằng: những cử tri rất, rất yêu quý của tôi. Các bạn đã lập lại lịch sử. Các bạn đã đánh bại sự tấn công dữ dội của đảng PAP (Jeyaretnam).
Chúng tôi không bao giờ dễ dàng bỏ qua cho những ai thách thức những nguyên tắc của mình. Chúng tôi rất nghiêm túc về chuyện này. Việc mất một ghế là vô cùng đáng quan ngại. Jeyaretnam không trụ được ở nghị viện lâu. Năm 1986, ông ta bị tố cáo gian lận sổ sách từ Đảng Công Nhân của mình. Ông bị phạt và bị bắt giam một tháng ở nhà tù Queenstown.
- Các giám thị nhà tù cảm thấy xấu hổ. Họ biết trường hợp của tôi, nhưng tôi không được ưu đãi gì cả. Điều đó thật nhẫn tâm (Jeyaretnam).
Jeyaretnam bị buộc phải rời khỏi ghế Nghị Viện và không được phép hành nghề luật sư. Nhưng Singapore là một nước thuộc khối thịnh vượng chung, nên ông có thể kháng án lại việc cấm hành nghề tới Hội Đồng Cơ Mật Anh tại London. Năm 1988, kháng án của ông được chấp thuận và cho ông phục hồi làm luật sư vì cho rằng ông đã bị xét sử thiếu công bằng trầm trọng. Nhưng tội hình sự của ông thì không được xóa.
- Tôi quay lại và hỏi ông chủ tịch xóa bỏ tội trạng của tôi và ông ta đã trả lời thế nào? “Ông đã không tỏ ra ăn năn, không tỏ ra hối hận”. Tôi phải thừa nhận là tôi rất khó chịu vì thế tôi không thể tha thứ. Hội Đồng Cơ Mật đã phán quyết là tôi chả làm gì sai (Jeyaretnam).
Sau cùng thì Jeyaretnam cũng trở lại Nghị Viện trong một thời gian ngắn, nhưng sự nghiệp của ông bị cản trở vì một loạt các vụ kiện cáo phức tạp do các lãnh đạo đảng PAP khởi xướng chống lại ông.
Ngày nay, ông ta vẫn đấu tranh nhưng không phải trên Nghị Viện mà trong các trung tâm thương mại bằng cách bán các cuốn sách nói xấu chính phủ và đặc biệt là người đã khá thành công trong việc kiện ông tội phỉ báng: Lý Quang Diệu.
- Tôi đã nói với ông ấy rằng: Không giống như những người khác, tôi tự gánh lấy mọi sự căm ghét “Tên tay sai của Singapore”. Nếu ông ấy làm những việc vượt ra ngoài khuôn khổ, không chính đáng. Tôi sẽ nhấn chìm ông ấy như đã làm (Lý Quang Diệu).
- Chúng tôi trông đợi vào một ngôn ngữ là dân chủ chứ không phải là ngôn ngữ của kẻ độc tài (Jeyarotnam).
- Ông ấy không chỉ bôi nhọ mình tôi mà còn bôi nhọ tất cả các bộ trưởng và giờ ông ấy đã phá sản (Lý Quang Diệu).
- Tôi đã phải trả hơn 1,5 triệu đô - la, Singapore đô - la cho việc bồi thường và án phí cho những án cáo buộc phỉ báng nhắm vào tôi (Jeyaretnam).
Giờ đã 80 tuổi, Jeyaretnam vẫn hy vọng có thể trả hết nợ và trở lại chính trường vào một ngày nào đó.
Lý Quang Diệu không có tham vọng đó. Năm 1990, ông rời bỏ vị trí thủ tướng và về hưu. Quyền lực được chuyển giao thông suốt cho người kế nhiệm, một đảng viên trung thành của PAP, ông Goh Chok Tong.
- Sứ mệnh mà tôi được chuyển giao là làm thế nào để tiếp tục đưa Singapore đi lên. Tôi không phải là Lý Quang Diệu. Tôi không thể lãnh đạo như ông ấy. Tôi cũng không từng đấu tranh cho độc lập. Tôi tiếp nhận Singapore trong lúc mọi thứ đang vận hành rất ổn. Nên rõ ràng việc khởi đầu của chính phủ phải thay đổi (Goh Chok Tong).
Goh Chok Tong hứa hẹn một kiểu xã hội nhẹ nhàng hơn và một văn hóa chính trị cởi mở hơn. Cánh đối lập chính trị trở nên quen thuộc hơn, có nhiều đảng phái chính trị hơn, nhiều tranh luận hơn. Nhưng cánh cổng trước không bao giờ mở ra. Ở những nơi khác tại Châu Á, những chính phủ tại vị quá dài thường có những thời điểm bị công chúng chán ghét. Nhưng ở Singapore, sự ủng hộ cho PAP chưa bao giờ xuống dưới 60% miễn là họ vẫn giữ kinh tế phát triển tốt. Đa số người dân sẽ vẫn bầu cho họ.
Chính phủ này đã tại vị rất lâu. Người ta thực sự tin rằng họ là chính phủ tốt nhất có thể có cho Singapore hiện tại và về sau, và tôi gần như tin chắc rằng họ muốn thành một chính phủ vĩnh viễn. Không phải vì vinh quang của bản thân mà vì lợi ích của đất nước. Vậy tình hình là có một số trong chúng tôi hơi nhũng nhiễu, hơi quậy phá. Có thể bàn tới một “biện pháp khử trùng”. Thách thức thường trực của Singapore là duy trì sự ổn định. Nếu Singapore mất ổn định, nó sẽ mất mọi thứ khác. Tôi đã cố giải thích cho bạn bè tôi bằng một sự liên tưởng đơn giản. Tôi nói nếu bạn sống ở Mỹ thì giống như bạn băng qua đại dương bằng máy bay, bạn có thể bay lên, bay xuống, nhưng máy bay không bị rung lắc gì lắm. Nhưng bạn sống ở Singapore thì giống như đi trên một cái xuồng nhỏ. Nếu bạn muốn lao lên, lao xuống thì chiếc thuyền sẽ chìm.
Năm 1993, hệ thống chính trị Singapore thành tâm điểm của tin tức quốc tế khi một thiếu niên Mỹ tên là Michael Fay bị kết án phá hoại tài sản. Cậu ta phải nhận một án phạt nặng. Bị bắt giam 4 tháng ở nhà tù Queenstown và cậu ta sẽ bị phạt đánh 6 roi ở đó. Michael Fay sẽ bị chói vào tấm phản và bị đánh bằng roi mây. Mỗi roi sẽ ăn sâu vào da thịt, sau 3 roi nạn nhân có thể bị sốc. Cậu ta phạm tội phun sơn lên 16 chiếc xe hơi và ăn trộm bảng hiệu chỉ đường. Cậu ta sẽ bị đánh rất đau và có thể để lại sẹo vĩnh viễn.
- Và tôi nghĩ đấy là một sự nhầm lẫn (Bill Clinton).
- Câu hỏi là có luật riêng cho người Mỹ khác với luật cho người Singapore? Vậy người Mỹ tin rằng có các luật riêng. Hiển nhiên là khi người Mỹ bị trừng phạt bởi luật nước ngoài thì họ không thấy vui vẻ gì (Goh Chok Tong).
Mặc dù có sự vận động tích cực của chính phủ Mỹ, Michael Fay vẫn bị đánh roi vào ngày 5 tháng 5 năm 1994. Sự nhượng bộ duy nhất của Singapore là giảm số roi từ 6 xuống còn 4 roi.
Một vài nhà ngoại giao Châu Á nói với tôi là anh biết người Mỹ là thế nào và Đại Sứ Mỹ đến nói với chúng tôi là thả cậu ta ra đi, cậu ta sẽ yên lặng, đi thả cậu ta đi. Các anh không chỉ bỏ tù cậu ta mà còn đánh roi nữa. Đấy là một cách chúng tôi cho thấy rõ Singapore giữ sự độc lập kiên quyết thế nào.
- Tôi đã gặp khó khăn khi hẹn gặp tổng thống Clinton trong khoảng 2 năm đầu, Nhà Trắng không chịu chuyển đề nghị của Singapore lên tổng thống của họ. Đó là một sự dối trá. Nhưng về lâu dài, điều này sẽ tốt cho chúng tôi rằng Singapore sẵn sàng đối mặt với nước Mỹ hùng cường (Goh Chok Tong).
“Vẻ hào nhoáng trái ngược với bản chất của phương Đông nơi nhà cầm quyền”. truyền thông thế giới bị thu hút bởi đất nước mà bề ngoài rất giống phương Tây nhưng có cách tiếp cận rất khác về kiểm soát xã hội. Đây là một thành phố Châu Á cực kỳ sạch sẽ mà ngay cả kẹo cao su cũng bị cấm. Kẹo cao su bị cấm ở đây. Việc hái hoa ở các công viên công cộng cũng bị ngăn cấm và bạn sẽ bị phạt nặng nếu làm trái. Nếu bạn sử dụng nhà cầu công cộng mà không xả nước, bạn có thể bị các cảnh sát môi trường bắt giữ.
Những người nước ngoài có thể phản đối, vài người cười vì chuyện đó, nhưng không lâu trước đây nhiều cộng đồng đã làm điều chúng tôi đang làm. Chúng tôi muốn làm những điều tốt nhất cho xã hội. Chúng tôi là những người bảo thủ, chúng tôi có chút phẩm cách thời Victoria. Nếu có một cuộc trưng cầu dân ý, nếu bạn tin rằng cần trưng cầu dân ý, bạn sẽ thấy đại đa số người dân đồng ý với chính sách của chúng tôi.
Người phương Tây thường chỉ trích rằng người Singapore quá nhẫn nhịn nên đã dễ dàng chấp nhận luật lệ do các nhà lãnh đạo tự đặt ra. Họ đã có một quá trình cải thiện mức sống kinh ngạc mà không có dân tộc nào trong lịch sử nhân loại từng được trải qua. Rồi họ hỏi tại sao người dân lại tiếp tục bầu cho chính phủ cũ. Tại sao các bạn không thay đổi? Nhưng tại sao người dân phải làm vậy.
Singapore có thể giữ vững lập trường trong vụ trừng phạt Micheal Fay, nhưng những năm sau đó, đất nước này đã làm nhiều cách “làm mềm” hình ảnh của mình. Chính phủ hiểu rõ rằng để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thành phố phải tạo ra sức hút lớn hơn. Trong những năm gần đây, Singapore tiếp thị hình ảnh của mình như một thành phố nghệ thuật, có đồ ăn ngon và cuộc sống về đêm sôi động. Một số giá trị cứng nhắc thời Victoria đã nhường chỗ cho những văn hóa sống động hơn. Chính phủ muốn tỏ ra cởi mở hơn, muốn thay đổi. Họ đã thông báo một loạt những thứ mà khiến tôi kinh ngạc. Ví dụ như việc chính phủ cho phép nhảy trên bar (bar top dancing). Tuy nhiên, nói chung về chính trị họ vẫn giữ vững kỷ cương. Họ hơi khắt khe trong việc cởi mở, bởi vì tôi cho rằng đây có lẽ là một thách thức với vị trí vững chắc của họ. Họ sợ có rủi ro.
Năm 2000, chính phủ Singapore đáp lại những chỉ trích bằng việc tạo ra “khu vực diễn thuyết”, một thiên đường cho tự do ngôn luận. Nhưng đây là sự tự do có điều kiện. Người diễn thuyết phải đăng ký trước và một số chủ đề không được phép nói. Ban đầu mọi người khá nghi ngờ về ý tưởng mới này. Nhưng sau 1 tuần, phần lớn các nhà diễn thuyết không mang lại ý tưởng nào hay cả. Toàn những chỉ chích chính phủ như cũ. (Chúng ta đang ở trong một xã hội dân chủ, chúng ta muốn có một xã hội cởi mở, tin cậy và minh bạch như xã hội Hoa Kỳ. Tại sao các bạn không thể…). Giờ đây khu vực diễn thuyết rất hiếm khi có người, nó cũng ít tạo hứng thú cho quảng đại quần chúng.
- Đối với tôi, nó rất thành công vì có rất ít người ra đó diễn thuyết (Goh Chok Tong).
Đấy có vẻ là một điệu nhảy không dễ dàng giữa chính phủ và người dân. Ok. Tôi cho phép anh bước ba bước về phía trước. Nhưng này, nếu anh không cư sử đúng mực, chúng tôi sẽ đẩy anh lùi lại hai bước. Tôi cho rằng dần dần sẽ có nhiều tự do hơn. Nhưng thế là quá chậm chạp với toàn thể người Singapore.
Khi Singapore kỷ niệm 40 năm ngày ra đời, nó đang phải đối mặt với mầm mống khủng hoảng. Trong suốt 40 năm, nó thành công vì duy trì sự ổn định và trật tự bằng mọi giá. Giờ quốc gia này đang cố thay đổi, cố nới lỏng. Nhưng họ sẽ nới lỏng đến đâu và có quá nhanh để không phá vỡ công thức đã làm nên những thành công thần kỳ của mình.
Các Quốc gia - Thành phố thường không tồn tại lâu. Nó có thể nổi lên, chói sáng trong 50 hoặc 100 năm, rồi nó biến mất. Thách thức nội tại của Singapore là làm sao để đảm bảo rằng thành công trong 40 năm qua sẽ không phải chỉ là một ánh sao băng. Làm thế nào để người Singapore có thể đối mặt với sự bất định của tương lai. Họ đã sẵn sàng cho 40 năm tiếp theo chưa?
Vị trí của Châu Á đang thay đổi và Singapore cũng phải thay đổi theo. Trong 40 năm qua, Quốc gia – Thành phố này là một công xưởng, với lực lượng lao động kỷ luật và hiệu quả cao. Nhưng với sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ thành các trung tâm công nghiệp, Singapore phải tìm con đường khác để phát triển. Điều nguy hiểm nhất mà Singapore phải đối mặt hiện nay, theo quan điểm của tôi là nó đã quá thành công trong quá khứ và bạn bị mê hoặc bởi điều đó. Khi bạn có một mô hình thành công thì bạn luôn nghĩ rằng mô hình đó sẽ thành công mãi mãi. Rồi bạn tiếp tục đem nó vào tương lai. Nhưng phải hiểu rằng, thế giới đã thay đổi.
Tương lai của Singapore hiện nay lại nằm trong tay những người ít ai ngờ tới như là Nixon Fong. Anh ta tới Mỹ định cư vào những năm 80 và học ngành đồ họa máy tính. Giờ anh ta trở lại và đang làm dự án phim hoạt hình vi tính lớn đầu tiên của Singapore. “Nếu bạn là người đầu tiên ở đây, bạn sẽ là người tiên phong. Tôi sẽ nắm bắt cơ hội này”. Fong được chính phủ coi như là hình mẫu một doanh nhân khởi nghiệp trong một ngành công nghiệp sáng tạo mới. Khác xa một trời một vực với những công xưởng và dây truyền lắp ráp như khi xưa. Nhưng anh lại rất khó tìm được nhân viên là người Singapore để làm việc trong môi trường sáng tạo mới này. Hầu hết những nhà thiết kế hoạt hình ở đây đến từ các nước Châu Á khác. “Bạn sẽ rất thích thú khi làm việc với mọi người để giải quyết các vấn đề, vậy bạn làm thế nào để tập hợp họ? Tôi nhĩ là… tôi không có câu trả lời. Tôi cố tập hợp mọi người ở đây, thế thôi.
Để tạo ra được nhiều bộ óc uyển chuyển và sáng tạo hơn, chính phủ muốn cải cách hoàn toàn hệ thống giáo dục. Họ muốn thế hệ trẻ Singapore học cách suy nghĩ khác biệt (outside the box). Học sinh quá quan tâm tới học các sự kiện. Bởi vì hệ thống chỉ chú trọng tới việc đọc. Đọc rất quan trọng, nhưng họ phải đọc những cái không có trong giáo trình. Họ phải nhìn vượt quá cái trên phim ảnh. Chính phủ đang đặt cược lớn tương lai vào cái họ đã đầu tư hơn nửa tỷ Singapore đô - la vào việc đào tạo các nhà sinh học và xây một trung tâm nghiên cứu sinh học mới. Đây chỉ là một trong những ngành công nghệ họ đang khuyến khích phát triển. Đa số nhân lực làm trong ngành này cũng là người nước ngoài. Nhưng mục tiêu là giúp thế hệ tiếp theo của người Singapore quen với kiểu làm việc mới này. Và Singapore sẽ ít phụ thuộc vào các công việc chân tay nặng nhọc mà vào sự thông minh, sáng tạo của người dân. Nền kinh tế mới sẽ dựa trên các ý tưởng. Chính phủ sẽ khó khăn hơn trong việc nắm bắt, bởi vì có nhiều điều không hoàn toàn rõ ràng.
Điều trớ trêu là tương lai mà Singapore phải đối diện không quá khác so với hoàn cảnh lúc nó ra đời. Vào thế kỷ 19, nó là một hòn đảo nhỏ nằm trên đường giao thương giữa Ấn Độ và Trung Quốc và phải thay đổi cách tồn tại. Vào đầu thế kỷ 21, nó phải đối mặt với cùng thử thách này một lần nữa.
- Chúng tôi phải tỉnh ngộ khi các nước lớn từng quay về hướng nội, giờ lại mở cửa và tỏa sáng. Đột nhiên, cái chúng tôi sinh ra để làm, giờ không thể tiếp tục làm được nữa. Nó gần giống như phải trở về lại quá khứ.
Bài này được biên soạn theo nội dung của 3 tập phim “The History of Singapore” của TIM LAMBERT được sản xuất bởi LION TELEVISION on ALL3MEDIA GROUP Company for DISCAVERY NETWORKS ASIA (Người biên soạn: Hà Hoàng Kiệm).
Qua bài viết “Lịch sử Singapore”, tôi đã hiểu thêm đôi phần về đất nước nhỏ bé và thú vị này. Từ lúc ngài Thomas Stamford Raffles đặt chân lên vùng đất này cho đến một Singapore hiện đại ngày nay, sự hình thành và phát triển của đảo quốc này rất nhân tạo, ngài Raffles muốn phát triển vùng đất này thành một thương cảng mậu dịch tự do và ngày nay Singapore vẫn là một nơi luân chuyển hàng hoá quốc tế với các chính sách kinh doanh hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ông Lý Quang Diệu đã thấu hiểu được tính chất nhân tạo và bấp bênh của Singapore để ông có thể xây dựng được một Singapore như ngày hôm nay. Tính bấp bênh của Singapore là do Singapore không có bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào nên Chính phủ phải tạo ra các chính sách đầu tư kinh doanh hợp lý, hấp dẫn và ổn định để thu hút các tập đoàn nước ngoài; nếu như không có những chính sách này thì Singapore không còn là Singapore. Tính nhân tạo của Singapore là do diện tích nhỏ bé nên không có nhiều cảnh quan đẹp; do đó, Chính phủ bắt buộc phải tạo ra cảnh quan đẹp thông qua quy hoạch đô thị hợp lý, và xây dựng nhiều mảng xanh, Singapore là một khu vườn khổng lồ. Vì hiểu rõ tính bấp bênh và nhân tạo của đất nước này nên ông Lý Quang Diệu và Chính phủ Singapore luôn có một tầm nhìn từ 50 năm trở lên để phát triển đất nước một cách bền vững và hợp lý. Như trong bài đã viết, Singapore như một con xuồng nhỏ, nếu bạn muốn lao lên, lao xuống thì con xuồng sẽ chìm nên Chính phủ phải rất cẩn trọng trong việc đổi mới chính sách. Người dân Singapore cũng hiểu điều này nên họ rất hưởng ứng các chính sách của Chính phủ miễn sao Singapore luôn được ổn định trong hiện tại và tương lai. Tóm lại, dẫu cho Singapore có bấp bênh hay nhân tạo như thế nào chăng nữa, sự phát triển của Singapore luôn là một bài học quý giá trong việc xây dựng một quốc gia thịnh vượng và quy hoạch đô thị theo hướng thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường thiên nhiên trong lành. Ngoài ra, Singapore còn là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua và một nền giáo dục tiên tiến bậc nhất mà bất cứ sinh viên nào cũng nên trải nghiệm.
Tôi rất ủng hộ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN và LKYCIC thảo luận tiến tới hợp tác các nội dung 2 bên cùng quan tâm trên lĩnh vực nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực Asean.
Ths. Phan Hiếu Nghĩa - du học sinh Singapore, cộng tác viên Trung tâm CAHRRT