1. Fed là gì?
1.1. Tổng quan về Fed
Vào năm 1791, Người đại diện của gia tộc Rothschild, ông Alexander Hamilton đã trình lên Quốc hội đề xuất thành lập First Bank of the United States (BUS1) nhằm mục đích giải quyết những vấn đề về tiền tệ. BUS 1 được tổng thống Washington ký thông qua và đi vào hoạt động trong 20 năm (1791 – 1812).
Vào năm 1812, khi cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Anh nổ ra, Hoa Kỳ đã gặp rất nhiều khó khăn và các ngân hàng Hoa Kỳ gần như mất khả năng thanh toán do tình trạng nợ và chi phí hoạt động quân sự.
Trước tình cảnh đó, Hoa Kỳ một lần nữa thành lập Ngân hàng trung ương – Second Bank of the United States (BUS2) sau khi tổng thống Madison đặt bút ký thông qua với thời gian hiệu lực là 20 năm (1816 – 1836).
Sau nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng của hệ thống ngân hàng năm 1907, Quốc hội Hoa Kỳ đã nhận thấy những yếu kém của hệ thống tài chính và đặt ra mục tiêu cải cách hệ thống ngân hàng và thiết lập một cơ chế giám sát ngân hàng có hiệu quả hơn.
Sau nhiều cuộc họp thảo luận vô cùng kỹ lưỡng, vào ngày 23/12/1913, Tổng thống Wilson đã ký quyết định thông qua “Đạo luật Dự trữ liên bang”, chính thức thành lập Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System – FED) hay còn gọi là Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.
1.2. Chức năng của Fed là gì?
Hiện nay, Fed được xem là tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới.
Sự xuất hiện của Fed mang đến cho Hoa Kỳ một hệ thống tiền tệ và tài chính an toàn, linh hoạt và ổn định, giúp Hoa Kỳ có những chính sách đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính mà trong quá khứ họ đã từng phải gánh chịu, ví dụ như đợt khủng hoảng nghiêm trọng năm 1907.
Quốc hội Hoa Kỳ thiết lập 3 mục tiêu chính cho chính sách tiền tệ trong Đạo luật dự trữ Liên bang, bao gồm: Tăng tối đa việc làm, giữ giá cả ổn định và điều chỉnh lãi suất.
Trong những năm qua, nhiệm vụ của Fed ngày càng được mở rộng hơn. Đến thời điểm năm 2009, Fed đồng thời giám sát và điều tiết ngân hàng, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và cung cấp các dịch vụ tài chính cho Chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức trong và ngoài nước.
1.3. Bản chất của Fed là gì?
Bản chất của Fed là một Ngân hàng trung ương độc lập có toàn quyền đưa ra các chính sách tiền tệ và thi hành các chính sách đó mà không phải chịu bất kỳ sự quản lý của chính phủ Hoa Kỳ.
Tính độc lập của Fed đến đâu và được thể hiện như thế nào?
2. Tính độc lập của Fed
Trên thế giới tồn tại ba mô hình Ngân hàng trung ương phổ biến:
- NHTW độc lập với chính phủ
- NHTW là một tổ chức thuộc chính phủ
- NHTW là một cơ quan thuộc bộ tài chính.
Tính độc lập của NHTW nhằm giảm sự can thiệp sâu của chính trị đến quá trình quản lý và thực thi các chính sách tiền tệ nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Mức độ độc lập của NHTW được thể hiện thông qua quyền hạn đối với Chính sách tiền tệ, quyền quyết định và thực thi các chính sách tiền tệ đó.
Hầu hết các NHTW đều có những quyền hạn đối với Chính sách tiền tệ, quyền giám sát đối với các tổ chức tín dụng, tuy nhiên, mức độ độc lập là không giống nhau.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tính độc lập của các NHTW được chia thành 4 cấp độ:
- Cấp độ 1: Độc lập tự chủ trong thiết lập mục tiêu hoạt động.
- Cấp độ 2: Độc lập tự chủ trong thiết lập chỉ tiêu hoạt động.
- Cấp độ 3: Độc lập tự chủ trong lựa chọn công cụ điều hành.
- Cấp độ 4: Độc lập tự chủ hạn chế.
Fed là Ngân hàng trung ương có cấp độ độc lập cao nhất – cấp độ 1: Độc lập tự chủ trong thiết lập mục tiêu hoạt động.
2.1. Độc lập về chính sách
- Fed có thể đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ mà không cần phải phê chuẩn bởi Tổng thống hoặc bất cứ ai khác trong các ngành hành pháp hay lập pháp của chính phủ.
- Fed có toàn quyền quyết định việc sử dụng công cụ như lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở để thực hiện mục tiêu hàng đầu của Fed trong chính sách tiền tệ là theo đuổi mục tiêu ổn định giá cả, tạo công ăn việc làm qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững.
2.2. Độc lập về tài chính
- Fed không nhận bất kỳ nguồn kinh phí nào do Quốc hội Hoa Kỳ phân bổ.
- Fed có ngân sách hoạt động độc lập và có doanh thu từ các tài sản nắm giữ. Chính phủ Hoa Kỳ nhận được tất cả các lợi nhuận hàng năm của bộ máy Fed sau khi chia cổ tức theo luật định là 6%.
- Trên thực tế, Fed là một bộ máy kiếm tiền khủng khiếp và chính phủ Hoa Kỳ được hưởng gần như toàn bộ sự hiệu quả đó. Trong năm 2010, Fed đã lãi đến 82 tỷ $ và chuyển 79 tỷ $ vào kho bạc Hoa Kỳ.
2.3. Độc lập về tổ chức nhân sự
- Các thành viên trong hội đồng làm việc với nhiệm kỳ 14 năm, trải dài qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống và quốc hội (trừ khi bị phế truất bởi Tổng thống).
3. Cơ cấu tổ chức của Fed
Cấu trúc của Fed rất khác biệt so với các NHTW khác. Fed bao gồm 4 cấp như sau:
- Hội đồng thống đốc
- Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC)
- 12 Ngân hàng đóng vai trò là trụ sở của Fed phân bổ ở nhiều thành phố.
- Các ngân hàng thành viên
4. Tính pháp lý và vị trí trong chính quyền của Fed là gì?
Chủ tịch của Fed hiện tại là Jerome Powell, ông được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí vào ngày 2 tháng 11 năm 2017, là người đứng đầu của Cục Dự trữ Liên bang.
Chủ tịch Fed là đại diện của Hội đồng Thống đốc và phải chịu sự chất vấn của Nghị viện Hoa kỳ 2 lần/năm về tình trạng của nền kinh tế và chính sách tiền tệ.
Ngoài việc chủ trì các cuộc họp và đặt ra chương trình nghị sự, về cơ bản chủ tịch Fed không có quyền lực gì hơn so với 6 Thống đốc còn lại. Các quyết định của Fed được đưa ra dựa trên sự đồng thuận, và theo luật thì ý kiến của chủ tịch không có thêm trọng lượng gì cả.
Các bộ phận của Cục dự trữ liên bang – Fed có tư cách pháp lý khác nhau.
4.1. Hội đồng Thống đốc
Đây là thành phần quan trọng nhất, chủ chốt trong bộ máy hoạt động của Fed:
- Bao gồm 7 thành viên được chỉ định bởi Tổng thống Hoa Kỳ và Quốc hội phê chuẩn.
- Thành viên của hội đồng làm việc trong nhiệm kỳ 14 năm và chỉ rời chức vụ khi mãn hạn (trừ khi bị phế truất bởi Tổng thống) và không phục vụ quá một nhiệm kỳ.
- Đây là cơ quan độc lập với chính phủ liên bang.
- Không nhận tài trợ của chính phủ.
- Các thành viên hội đồng theo cơ chế dân chủ, độc lập và không phải chấp hành yêu cầu của hệ thống lập pháp cũng như hành pháp.
- Chịu trách nhiệm về việc xây dựng và cụ thể hóa chính sách tiền tệ.
- Giám sát và quy định hoạt động của 12 Ngân hàng dự trữ liên bang và hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ nói chung.
4.2. Ủy ban thị trường mở liên bang – FOMC
- Đây là cơ quan thiết lập chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới – Hoa Kỳ.
- Bao gồm 7 Thống đốc trong Hội đồng quản trị và 5 Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang.
- FOMC đóng vai trò vô cùng quan trọng và thực thi những nhiệm vụ có sức ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.
- FOMC thực hiện 8 cuộc họp mỗi năm để ấn định lãi suất, tăng giảm nguồn cung lưu thông tiền tệ.
- Những quyết định của FOMC thường ảnh hưởng đến các khoản tín dụng cũng như mức lãi suất đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
4.3. Các ngân hàng dự trữ liên bang (Federal Reserve Banks)
Có 12 ngân hàng dự trữ liên bang nằm rải rác trên khắp Hoa Kỳ được sở hữu bởi các ngân hàng thành viên (mỗi ngân hàng thành viên giữ cổ phần không có khả năng chuyển nhượng).
Theo Tòa án tối cao Mỹ, các Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực không phải là công cụ của Chính phủ liên bang, chúng là các ngân hàng độc lập, sở hữu tư nhân và hoạt động theo luật pháp ở địa phương.
Phán quyết trên cũng cho rằng, các Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực có thể được coi là công cụ của Chính phủ liên bang theo một số mục đích nhất định.
Các ngân hàng sở hữu Ngân hàng dự trữ liên bang là của tư nhân và rất nhiều trong số đó có cổ phiếu phát hành trên thị trường.
Giấy bạc do Fed phát hành là nguồn cung tiền tệ và chúng được đưa vào lưu thông qua các Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực.
5. Vai trò và nhiệm vụ của Fed là gì?
Hoa kỳ đã có một thời gian dài không có Cục dự trữ liên bang, chính vì vậy tại thời điểm nền kinh tế gặp những cú sốc lớn như năm 1907, chứng khoán giảm 50% và người người đổ xô đến ngân hàng để rút tiền, chính phủ Hoa Kỳ không thể kiểm soát được tình hình.
Đó chính là động lực để Hoa Kỳ lập nên ngân hàng trung ương của họ.
Vậy thì vai trò của Fed là gì và họ sẽ kiểm soát những cú sốc kinh tế bằng cách nào?
Chúng ta đều biết rằng những khoản tiền gửi của chúng ta vào ngân hàng không nằm yên ở đó, các ngân hàng đều có những hoạt động đầu tư để làm ra tiền và trả lãi cho người gửi.
Quy định về số tiền dự trữ mà ngân hàng buộc phải có không thể giúp ngân hàng giải quyết được câu chuyện nếu cùng lúc tất cả người gửi đều muốn rút tiền.
Đó là lúc Fed thể hiện vai trò của mình: người cho vay cuối cùng.
Theo Hội đồng thống đốc, Fed có các nhiệm vụ sau:
- Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tác động các điều kiện tiền tệ và tín dụng với mục đích tối đa việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn
- Giám sát và quy định các tổ chức ngân hàng đảm bảo hệ thống tài chính và ngân hàng quốc gia an toàn, vững vàng và bảo đảm quyền tín dụng của người tiêu dùng
- Duy trì sự ổn định của nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính
- Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản có giá trị, các tổ chức chính thức nước ngoài, và chính phủ Hoa Kỳ, đóng vai trò chủ chốt trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia.
6. Nguyên nhân khiến Fed tăng lãi suất là gì?
Khi Fed đưa ra một quyết định gì đó, nó đều có sự ảnh hưởng vô cùng lớn không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Bạn hãy thử dự đoán xem, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, chính sách của Fed đưa là gì? Và khi nền kinh tế suy giảm mạnh, chính sách của Fed đưa ra là gì?
Chúng ta biết rằng, thông thường khi một nền kinh tế đang có đà tăng trưởng mạnh thì ngân hàng trung ương sẽ đưa ra các chính sách tăng lãi suất nhằm giúp kiểm soát tốt nền kinh tế.
Nhưng đó không phải là tất cả nguyên nhân.
Chúng ta hãy giả sử kịch bản rằng Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất. Có những nguyên nhân được đưa ra như sau:
- Nền kinh tế đang tăng trưởng quá nhanh: Đây là điều dễ thấy, khi kinh tế đang có đà tăng trưởng mạnh, việc tăng lãi suất một cách từ từ không khiến cho nền kinh tế suy giảm, đồng thời còn là sự chuẩn bị cho những lần giảm lãi suất để kích cầu sau này, khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.
- Do mức lãi suất thực hiện tại vẫn còn thấp. Chúng ta biết rằng lãi suất thực (lãi suất thực tế) = (Lãi suất công bố) – (Lạm phát). Giả sử tỷ lệ lạm phát giữ ở mức 2% thì với lãi suất công bố là 2.25%, chúng ta có lãi suất thực chỉ là 0.25% mà thôi.
- FOMC có thể muốn tăng lãi suất là để đưa tỷ lệ lãi suất thực lên mức “trung tính” (neutral). Bởi theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ trung tính (mức lãi suất mà không làm tăng hay giảm mức cầu tổng thể) đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.
- Các nhà kinh tế cho rằng cần phải tăng lãi suất để ngăn chặn tình trạng vay tiêu dùng quá mức và các bong bóng đang nổi lên trên thị trường nhà ở cũng như thị trường các tài sản khác.
Ngoài những lý do kể trên, có thể còn rất nhiều lý do khác nữa ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất của Fed. Việc nắm bắt được chúng có thể giúp chúng ta nhìn ra được bức tranh toàn cảnh của thị trường.
7. Tại sao Fed có ảnh hưởng vô cùng lớn đến kinh tế toàn cầu?
Ngày nay, đồng Đô-la Mỹ đã trở thành đồng tiền chung cho vô vàn hoạt động thương mại quốc tế, được dùng để định giá cho nhiều hàng hóa trao đổi khác nhau.
Fed là Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, những chính sách của Fed tác động trực tiếp lên nền kinh tế Hoa Kỳ và đồng đô-la Mỹ.
Điều đó khiến cho mọi động thái, chính sách của Fed đều được cả thế giới đón chờ bởi tất cả những gì tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ, đến đồng đô-la Mỹ thì đều sẽ tác động đến nền kinh tế thế giới!